Quy luật '3,5%': Làm sao một thiểu số nhỏ có thể thay đổi thế giới (David Robson-BBC)

Những người tranh đấu VN nên đọc bài viết này để hiểu và tin vào sức mạnh của các cuộc cách mạng bất bạo động. Muốn có cuộc cách mạng với 3,5% dân số tham gia, từ già đến trẻ thì công việc "thuyết phục" bằng lời nói và các bài viết là quan trọng nhất. Khi chưa "thuyết phục" được dân chúng thì mọi cuộc biểu tình đều nhanh chóng thất bại và tan rã. Muốn thuyết phục được người dân thì phong trào dân chủ phải có 'tổ chức" và một "dự án chính trị" để nhìn vào đó, người dân thấy được chiến thắng và tương lai. Sức mạnh của lời nói có căn cứ và trí tuệ là rất lớn. Đừng bao giờ coi thường và đánh giá thấp sức mạnh của tư tưởng và trí tuệ.  


Một bà cụ nói chuyện với lực lượng an ninh Algeria trong các cuộc biểu tình gần đây


Các cuộc biểu tình bất bạo động có khả năng thành công cao gấp đôi so với các cuộc xung đột vũ trang - và những người tham gia ở ngưỡng 3,5% dân số chưa bao giờ thất bại trong việc mang lại sự thay đổi.

Năm 1986, hàng triệu người Philippines đã xuống đường ở Manila phản đối trong ôn hòa và cầu nguyện của phong trào Sức Mạnh Nhân Dân. Chế độ Marcos đã kết thúc sau 4 ngày. 

Năm 2003, người dân Georgia đã lật đổ ông Eduard Shevardnadze thông qua cuộc Cách Mạng Hoa Hồng không đổ máu, trong đó những người biểu tình đã xông vào tòa nhà quốc hội, cầm hoa trên tay.
Đầu năm nay, cả hai tổng thống Sudan và Algeria đều tuyên bố sẽ nhường quyền sau nhiều thập kỷ tại vị, nhờ các chiến dịch kháng cự trong hòa bình.

Trong mỗi trường hợp, sự phản kháng dân sự của công chúng đã thắng giới chóp bu chính trị để đạt được sự thay đổi căn bản.

Tất nhiên, có nhiều lý do đạo đức để sử dụng các chiến lược bất bạo động. Nhưng nghiên cứu thuyết phục của Erica Chenoweth, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Harvard, xác nhận sự bất tuân dân sự không chỉ là lựa chọn đạo đức; nó cũng là cách mạnh mẽ nhất để định hình chính trị thế giới - một cách lâu dài.

Khi nhìn vào hàng trăm chiến dịch trong thế kỷ qua, Chenoweth nhận thấy các chiến dịch bất bạo độngcó khả năng lớn gấp đôi để đạt được mục tiêu so với các chiến dịch bạo động. Và mặc dù các động lực chính xác sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bà đã cho thấy phải cần khoảng 3,5% dân số tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình để đảm bảo thay đổi quan trọng về chính trị.

Ảnh hưởng của Chenoweth có thể được nhìn thấy trong các cuộc biểu tình Extinction Rebellion gần đây, những người sáng lập nói rằng họ đã được truyền cảm hứng trực tiếp từ những phát hiện của bà. Vậy làm thế nào mà bà tìm ra những kết luận này?

Khỏi phải nói, nghiên cứu của bà dựa trên các triết lý của nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong suốt lịch sử. Nhà hoạt động bãi nô người Mỹ gốc Phi Sojourner Truth, nhà vận động quyền bầu cử Susan B Anthony, nhà hoạt động độc lập Ấn Độ Mahatma Gandhi và nhà vận động dân quyền Mỹ Martin Luther King đều lập luận một cách thuyết phục về sức mạnh của sự phản kháng một cách hòa bình.

Tuy nhiên, Chenoweth thừa nhận rằng khi bà mới bắt đầu nghiên cứu vào giữa những năm 2000, ban đầu bà khá hoài nghi về ý tưởng rằng các hành động bất bạo lực có thể mạnh hơn xung đột vũ trang trong hầu hết các tình huống. Khi là sinh viên làm luận án tiến sỹ tại Đại học Colorado, bà đã dành nhiều năm nghiên cứu các yếu tố góp phần gia tăng khủng bố, thì bà được mời tham dự một hội thảo học thuật do Trung Tâm Quốc Tế Về Xung Đột Bất Bạo Lực (ICNC), một tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức ở Washington DC. Hội thảo đã trình bày nhiều ví dụ hấp dẫn về các cuộc biểu tình ôn hòa mang lại sự thay đổi chính trị lâu dài - bao gồm, ví dụ, các cuộc biểu tình Sức Mạnh Nhân Dân ở Philippines. 

Nhưng Chenoweth đã rất ngạc nhiên khi thấy rằng chưa ai so sánh toàn diện tỷ lệ thành công của các cuộc biểu tình bất bạo động so với biểu tình bạo động; có lẽ các trường hợp nghiên cứu mẫu được đơn giản lựa chọn thông qua một kiểu thiên lệch trong xác nhận. "Tôi đã thực sự được thúc đẩy bởi sự hoài nghi rằng sự phản kháng bất bạo động có thể là một phương pháp hiệu quả để đạt được những biến đổi lớn trong xã hội," bà nói.

Làm việc cùng Maria Stephan, một nhà nghiên cứu tại ICNC, Chenoweth đã thực hiện rà soát kỹ lưỡng các tài liệu về sự kháng cự dân sự và các phong trào xã hội từ năm 1900 đến 2006 - một bộ dữ liệu khi đó được chứng thực cùng với các chuyên gia khác trong lĩnh vực này. Họ chủ yếu xem xét các cố gắng để thay đổi chế độ. Một phong trào được coi là thành công nếu nó hoàn toàn đạt được mục tiêu của mình trong vòng một năm của cao trào đấu tranh và là kết quả trực tiếp của các hoạt động của nó. Thí dụ một sự thay đổi chế độ do sự can thiệp của quân đội nước ngoài sẽ không được coi là một thành công. Tuy nhiên một chiến dịch được coi là bạo lực nếu nó liên quan đến đánh bom, bắt cóc, phá hủy cơ sở hạ tầng - hoặc bất kỳ tổn hại vật chất nào khác đối với con người hoặc tài sản.

"Chúng tôi đã cố gắng tiến hành một thử nghiệm khá khó khăn đối với sự kháng cự bất bạo lực như là một chiến lược," Chenoweth nói. (Các tiêu chí là rất nghiêm ngặt đến nỗi phong trào độc lập của Ấn Độ không được coi là bằng chứng của việc phản kháng bất bạo lực trong phân tích của Chenoweth và Stephan, - vì các nguồn lực quân sự bị suy yếu của Anh được coi là một yếu tố quyết định, ngay cả khi bản thân các cuộc biểu tình cũng gây ảnh hưởng rất lớn.) 

Đến cuối quá trình này, họ đã thu thập dữ liệu từ 323 chiến dịch bạo lực và bất bạo lực. Và kết quả của họ - được công bố trong cuốn sách 'Vì Sao Kháng Cự Dân Sự Có Hiệu Quả: Chiến Lược Logic Của Xung Đột Bất Bạo Lực' - đã gây tiếng vang lớn.

Sức mạnh về số lượng

Nhìn chung, các chiến dịch bất bạo động có khả năng thành công lớn gấp đôi so với các chiến dịch bạo động: chúng dẫn đến thay đổi chính trị 53% số lần so với 26% của các cuộc biểu tình bạo động.

Đây là một phần kết quả của sức mạnh về số lượng. Chenoweth lập luận rằng các chiến dịch bất bạo lực có nhiều khả năng thành công hơn vì họ có thể huy động được nhiều người tham gia hơn từ một nhân khẩu học rộng lớn hơn, nó có thể gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng làm tê liệt cuộc sống đô thị bình thường và hoạt động của xã hội.

Trên thực tế, trong số 25 chiến dịch lớn nhất mà họ nghiên cứu, 20 chiến dịch là bất bạo động, trong đó 14 là thành công hoàn toàn. Nhìn chung, các chiến dịch bất bạo động đã thu hút số người tham gia (200.000) khoảng 4 lần nhiều hơn so với chiến dịch bạo động trung bình (50.000). 

Ví dụ, chiến dịch Sức Mạnh Nhân Dân chống lại chế độ Marcos ở Philippines đã thu hút 2 triệu người tham gia lúc cao điểm, trong khi cuộc nổi dậy ở Brazil năm 1984 và 1985 thu hút 1 triệu người, và Cuộc Cách Mạng Nhung ở Tiệp Khắc năm 1989 thu hút 500.000 người tham gia. 

"Số lượng là thực sự quan trọng để tạo sức mạnh theo cách nó có thể thực sự thách thức hoặc đe dọa nghiêm trọng đối với chính quyền hoặc lực lượng chiếm đóng ngoan cố," Chenoweth nói - và phản kháng bất bạo lực có vẻ như là cách tốt nhất để có được sự ủng hộ rộng rãi đó.

Một khi khoảng 3,5% toàn bộ dân số đã bắt đầu tham gia tích cực thì thành công dường như sẽ chắc chắn xảy ra.

"Không có bất kỳ chiến dịch nào lại thất bại khi đã đạt được con số 3,5% sự tham gia ở sự kiện cao trào," Cheneneth nói - một hiện tượng mà bà gọi là "quy luật 3,5%". Ngoài phong trào Sức Mạnh Nhân Dân, việc này còn bao gồm Cách Mạng Ca Hát ở Estonia vào cuối những năm 1980 và Cách Mạng Hoa Hồng ở Georgia vào đầu năm 2003.

Chenoweth thừa nhận rằng ban đầu bà rất ngạc nhiên với kết quả mình tìm thấy. Nhưng bây giờ bà nêu nhiều lý do mà các cuộc biểu tình bất bạo lực có thể thu nhận được mức hỗ trợ cao như vậy. Có lẽ rõ ràng nhất, các cuộc biểu tình bạo động nhất thiết loại trừ những người ghê tởm và sợ sự đổ máu, trong khi những người biểu tình ôn hòa vẫn duy trì được nền tảng đạo đức cao.

Chenoweth chỉ ra rằng các cuộc biểu tình bất bạo lực cũng bị ít rào cản thực thể hơn khi tham gia. Bạn không cần phải khỏe mạnh để tham gia một cuộc đình công, trong khi các chiến dịch bạo lực có xu hướng dựa vào sự hỗ trợ của những người đàn ông trẻ khỏe. Và trong khi nhiều hình thức phản kháng bất bạo lực cũng mang đến những rủi ro nghiêm trọng - hãy nghĩ đến phản ứng của Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 - Chenoweth lập luận rằng các chiến dịch bất bạo lực thường dễ thảo luận công khai hơn, điều đó có nghĩa là các tin tức về các sự kiện có thể đến được với nhiều người nghe hơn. Mặt khác, các phong trào bạo lực đòi hỏi việc cung cấp vũ khí và có xu hướng dựa vào các hoạt động bí mật hơn, nó cần nhiều nỗ lực để tiếp cận được dân chúng nói chung.
Bằng cách thu hút sự ủng hộ rộng rãi trong dân chúng, các chiến dịch bất bạo động cũng có nhiều khả năng giành được sự ủng hộ trong cảnh sát và quân đội - chính là các nhóm mà chính phủ nên dựa vào để mang lại trật tự.

Trong cuộc biểu tình đường phố ôn hòa của hàng triệu người, các thành viên của lực lượng an ninh cũng có thể sợ rằng các thành viên gia đình hoặc bạn bè mình đang trong đám đông - có nghĩa là họ không dám đàn áp phong trào. "Hoặc khi họ nhìn chỉ riêng vào số lượng người tham gia, cũng đủ để họ đi đến kết luận rằng con tàu đã ra khơi, và họ không muốn chìm theo con tàu," Cheneth nói.

Xét về các chiến lược cụ thể được sử dụng, các cuộc đình công rộng khắp "có lẽ là một trong những phương pháp mạnh nhất và duy nhất của đối kháng bất bạo lực," Chenoweth nói. Nhưng họ có phải trả giá cá nhân, trong khi các hình thức phản kháng khác có thể là hoàn toàn vô âm tín. Bà dẫn chứng tới những vụ tẩy chay của người tiêu dùng ở Nam Phi thời kỳ phân biệt chủng tộc, trong đó nhiều công dân da đen từ chối mua sản phẩm của các công ty có chủ là da trắng. Kết quả là một cuộc khủng hoảng kinh tế trong giới ưu tú da trắng của đất nước, việc này đã góp phần chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc vào đầu những năm 1990.

Có nhiều lựa chọn hơn trong việc kháng cự bất bạo động mà nó không đưa người ta vào tình trạng bị nhiều nguy hiểm về thể chất, đặc biệt là khi số lượng người đông lên, so với hoạt động vũ trang," Chenoweth nói. "Và các kỹ thuật của kháng cự bất bạo lực thường dễ thấy hơn, do đó người ta dễ dàng tìm ra cách tham gia trực tiếp, và cách phối hợp các hoạt động của họ để gây ngừng trệ tối đa."

Một con số kỳ diệu?

Tất nhiên đây là những mô hình rất chung, và mặc dù thành công gấp đôi so với các cuộc xung đột bạo động, sự kháng cự ôn hòa vẫn thất bại 47% số lần. Như Chenoweth và Stephan đã chỉ ra trong cuốn sách của họ, điều đó đôi khi vì họ không bao giờ thực sự có đủ sự hỗ trợ hay động lượng để làm "xói mòn cơ sở sức mạnh của kẻ thù và duy trì khả năng chống trả khi phải đối mặt với sự đàn áp". Nhưng một số cuộc biểu tình bất bạo động tương đối lớn cũng thất bại, chẳng hạn như cuộc biểu tình chống lại đảng Cộng sản ở Đông Đức vào những năm 1950, đã thu hút 400.000 thành viên (khoảng 2% dân số) khi ở đỉnh cao, nhưng vẫn không mang lại sự thay đổi.

Trong bộ dữ liệu của Chenoweth, chỉ một lần các cuộc biểu tình bất bạo lực đã đạt được ngưỡng 3,5% của sự tham gia tích cực mà thành công dường như được đảm bảo - và việc tăng mức độ hỗ trợ đó không phải là một kỳ tích nhỏ. Ở Anh, con số sẽ lên tới 2,3 triệu người tích cực tham gia vào một phong trào (gần gấp đôi số dân Birmingham, thành phố lớn thứ hai của Anh); ở Mỹ, nó sẽ là 11 triệu dân - nhiều hơn tổng dân số của thành phố New York.

Tuy nhiên, sự thật vẫn là các chiến dịch bất bạo lực là cách duy nhất đáng tin cậy để duy trì được loại hình thu hút tham gia. 

Nghiên cứu ban đầu của Chenoweth và Stephan được công bố lần đầu tiên vào năm 2011 và phát hiện của họ đã thu hút rất nhiều sự chú ý kể từ đó. "Khó để phóng đại những phát hiện đã gây ảnh hưởng đến mức nào đối với nhóm nghiên cứu này," Matthew Chandler, người nghiên cứu về sự kháng cự dân sự tại Đại học Notre Dame, Indiana, nói. 

Isabel Bramsen, người nghiên cứu xung đột quốc tế tại Đại học Copenhagen, đồng ý rằng kết quả của Chenoweth và Stephan rất thuyết phục. "Giờ đây nó là một sự thật được xác lập trong lĩnh vực này, rằng các cách tiếp cận bất bạo lực là dễ thành công hơn so với cách tiếp cận bạo lực," bà nói.
Về "quy luật 3,5%", bà chỉ ra rằng mặc dù 3,5% là một thiểu số nhỏ, nhưng mức độ tham gia tích cực như vậy chắc hẳn có nghĩa là còn nhiều người nữa ngấm ngầm đồng ý với sự nghiệp này. 

Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm cách gỡ rối tiếp các yếu tố có thể dẫn đến thành công hay thất bại của phong trào. Thí dụ Bramsen và Chandler, cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thống nhất giữa những người biểu tình.

Lấy ví dụ, Bramsen chỉ ra cuộc nổi dậy thất bại ở Bahrain năm 2011. Chiến dịch ban đầu có sự tham gia của nhiều người biểu tình, nhưng nhanh chóng tách ra thành các phe phái cạnh tranh. Việc mất gắn kết nảy sinh này, Bramsen nghĩ, cuối cùng đã ngăn cản phong trào đạt được đủ động lượng để mang lại sự thay đổi.

Sự quan tâm của Chenoweth gần đây tập trung vào các cuộc biểu tình gần nhà hơn - như phong trào Black Lives Matter và Tháng Ba Của Phụ Nữ năm 2017. Bà cũng quan tâm đến Extinction Rebellion, gần đây được quần chúng ủng hộ vì sự tham gia của nhà hoạt động Thụy Điển Greta Thunberg. "Họ phải đương đầu với sức ì rất lớn," bà nói. "Tuy nhiên tôi nghĩ rằng họ có một đội ngũ cốt lõi chín chắn và giỏi về chiến lược. Và dường như họ có tất cả bản năng đúng đắn về cách phát triển và tuyên truyền thông qua các chiến dịch kháng cự bất bạo lực.

Cuối cùng, bà muốn những sách lịch sử của chúng ta chú ý nhiều hơn đến các chiến dịch bất bạo động thay vì tập trung quá nhiều vào chiến tranh. "Rất nhiều lịch sử mà chúng ta nói với nhau tập trung vào bạo động- và ngay cả khi đó là một thảm họa hoàn toàn, chúng ta vẫn tìm ra cách để tìm thấy những chiến thắng ở trong đó," bà nói. Tuy nhiên, chúng ta có xu hướng bỏ qua sự thành công của cuộc biểu tình ôn hòa, bà nói.

"Những người bình thường, luôn luôn tham gia vào các hoạt động anh hùng đang thực sự thay đổi thế giới - và họ cũng xứng đáng để được ghi nhận và ca tụng."