Phạm Toàn: Cánh buồm vừa rời bến (Mặc Lâm)
88 tuổi đáng được gọi là đại thọ cho những người bình thường nhưng
với ông thì không đủ để ông làm việc. Căn nhà số 713 Lạc Long Quân tầng 7
Quận Tây Hồ Hà Nội từng chứa hàng ngàn nụ cười của ông giờ chắc nó sẽ
nhớ như bạn bè thân quyến của ông từng chứng kiến. Tôi luôn cả tin rằng
Phạm Toàn không bao giờ nuối tiếc cuộc đời này bởi ông thừa biết sống
đến ngần ấy thời gian, chưa làm điều gì buồn lòng cho người khác ngược
lại còn mang đến niềm kỳ vọng cho bao thế hệ qua bộ sách Cánh Buồm đã
quá đủ cho một sĩ phu Bắc Hà mặc dù địa chỉ e-mail của ông là
phamtoankhiemton. (Mặc Lâm)
Năm 2010 tôi viết bài về bộ sách giáo khoa do nhóm Cánh Buồm chủ
trương, lúc ấy tôi được biết tác giả thật sự của những cuốn sách đặc
biệt này là nhà giáo Phạm Toàn và từ lần đầu tiên phỏng vấn ông tôi đã
bị sức hút từ con người đặc biệt ấy hấp dẫn, đến nỗi tôi tin ông là
người có kiến thức uyên bác có thể giải quyết cho tôi bao điều về Việt
Nam nhất là trong thế giới của Hà Nội, nơi ông sống cả đời và làm việc
không hề mệt mỏi cho tới ngày nhắm mắt.
Hai ngày trước đọc một bài viết ngắn của Đoan Trang về “cái ôm cuối
cùng” với ông, tôi biết rằng ngày ra đi của ông đã tới nhưng không đủ
can đảm gọi cho ông, bởi tôi sợ ông mệt trong cơn bạo bệnh và một nỗi sợ
khác âm ỉ nhưng mãnh liệt hơn khiến tôi không đành lòng bấm nút, tôi sợ
sẽ khóc và làm ông khóc theo như đã từng xảy ra nhiều năm trước, bởi
tôi biết ông rất quý tôi qua thời gian tôi và ông chia sẻ những điều mà
cho tới nay tôi tự hỏi không biết có ai thay thế được ông trong cuốn
sách đời của lòng tôi hay không.
Tôi có duyên lắm mới nghe được giọng nói sang sảng hào phóng của ông
qua nhiều lần trò chuyện trước các vấn đề buốt nhức của nước nhà. Từ
trăn trở lẫn khó khăn khi làm Cánh Buồm, tới những bài viết, dịch của
ông trên trang Bauxite. Ông trẻ lắm trong lời ăn tiếng nói mà còn trẻ cả
ở nhân sinh quan, cung cách sống và quan niệm về giới tính. Với ai ông
cũng mở lòng ra mà trò chuyện vì chỉ như vậy ông mới nhìn thấy chính
mình. Nhà giáo Phạm Toàn được người chung quanh quý trọng không phải ở
khả năng thuyết phục mà ở sự minh mẫn lồ lộ trong từng giọng cười cho
tới từng cái siết tay thân thiện.
Có lần gọi về cho ông chỉ để hỏi thăm tình trạng của trang Bauxite,
ông im lặng một chốc rồi hỏi tôi: Thế cậu có ý kiến gì giúp cho nó mạnh
hơn lên hay không? Tôi cũng bất ngờ và hỏi lại: Nó đang mạnh như thế còn
gì? Ông cười lớn: chưa đủ mạnh để công an tránh xa.
Làm Cánh Buồm việc quan trọng nhất là kinh phí cho các bạn trẻ trong
nhóm. May mắn cho ông là có khá nhiều mạnh thường quân ở nhiều nước gửi
về giúp đỡ, nhưng những đồng tiền nhận được vẫn không đủ trang trải. Ông
thường xuyên lặn lội vào Nam nhằm kiếm thêm mạnh thường quân nhưng
không may, Sài gòn tỏ ra không mặn mà lắm với chương trình mà Cánh Buồm
khởi xướng ngoại trừ những người bạn thân của ông. Ông không buồn chút
nào khi nói với tôi ông sẽ lại vào giới thiệu Cánh Buồm nữa cho tới khi
nào “vỡ ra” mới thôi.
Ông sống một cuộc đời giản dị và khiêm tốn mặc dù cuộc sống dành cho
ông khá nhiều cảm tình. Dưới mắt ông đồng tiền không là gì cả mặc dù thu
nhập của ông khó ai đoán được từ nguồn nào. Tôi nhớ như in khi ông nhắn
tin cho tôi bảo gọi ông gấp có chuyện quan trọng, khi gọi được thì ông
cho biết: lâu quá không nghe mày gọi nên….nhớ, vậy thôi.
Thay vì bực mình, tôi xúc động như người say rượu. Tôi biết ông quý
tôi mặc dù chưa hề gặp nhau. Lần tôi về Hà Nội gần nhất có yêu cầu Phạm
Xuân Nguyên dẫn tôi tới thăm ông nhưng lúc ấy ông lại đi vắng, tiếc
nhưng không còn cơ hội nào khác tôi chỉ biết e-mail nhắn tin cho ông vì
không gọi được mặc dù đang ngồi tại Hồ Gươm. Lần duy nhất ấy vẫn làm tôi
tiếc nuối không ôm được người mình yêu quý. Duyên với nhau chưa đủ để
gặp mặt nhưng tôi và ông có những cuộc điện thoại dài nhiều tiếng đồng
hồ bàn về những vấn đề hoặc ông hoặc tôi chăm chú.
Khi tôi cần tìm hiểu về một vấn đề giáo dục hay văn hóa Hà Nội ông
sẵn sàng ngồi hàng giờ tỉ mỉ cho tôi biết những gì đã xảy ra, và hơn thế
ông còn đưa ra những kết quả hết sức thuyết phục về những gì ông suy
đoán. Tuy nhiên chưa bao giờ tôi thấy ông tỏ vẻ tuyệt vọng về bất cứ vấn
đề gì kể cả vần đề gai góc nhất khi ông gặp khó khăn lúc điều hành
trang Bauxite. Lúc nào ông cũng cười thoải mái, không hề giả tạo hay
gượng ép, nghe tiếng cười của ông người ta cảm thấy cuộc đời gần gũi và
đáng sống hơn. Cũng trong tiếng cười ấy ông thường kể cho tôi nghe về
những người an ninh có thời gian vây chung quanh ông đã bị tiếng cười
làm cho họ bối rối ngần nào. Nếu Lão ngoan đồng trong tiểu thuyết của
Kim Dung là có thật thì hình ảnh nụ cười của ông đáng được ghi nhận như
một cốt cách, một tâm trạng thiện lương lúc nào cũng túc trực trong tâm
hồn ông.
88 tuổi đáng được gọi là đại thọ cho những người bình thường nhưng
với ông thì không đủ để ông làm việc. Căn nhà số 713 Lạc Long Quân tầng 7
Quận Tây Hồ Hà Nội từng chứa hàng ngàn nụ cười của ông giờ chắc nó sẽ
nhớ như bạn bè thân quyến của ông từng chứng kiến. Tôi luôn cả tin rằng
Phạm Toàn không bao giờ nuối tiếc cuộc đời này bởi ông thừa biết sống
đến ngần ấy thời gian, chưa làm điều gì buồn lòng cho người khác ngược
lại còn mang đến niềm kỳ vọng cho bao thế hệ qua bộ sách Cánh Buồm đã
quá đủ cho một sĩ phu Bắc Hà mặc dù địa chỉ e-mail của ông là
phamtoankhiemton.
VOA