Nền tảng giáo dục gia đình: Dạy con yêu thương (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Ta thấy, để dạy con yêu thương, trước tiên ta phải thay đổi tư duy của chính mình. Hãy nói yêu trẻ mỗi ngày và bất cứ khi nào mình cảm thấy yêu chúng. Đừng ép chúng nói yêu mình, hãy làm cho chúng yêu mình và để chúng “fall in love” với mình một cách tự nhiên nhất. Tình yêu đó mới là tình yêu vô điều kiện, chân thật, bền chặt và không gì có thể bẻ gãy, ta mới là nơi mà chúng tìm về khi chúng vui, buồn. (Nguyễn Thị Bích Ngà)


“Bé yêu mẹ không?” “Bé yêu bố hay mẹ nhiều hơn?” Trẻ con Việt Nam hay bị hỏi những câu hỏi như thế và bị người lớn ép buộc, mớm lời chúng bày tỏ tình yêu cũng như sự ngoan ngoãn. Người lớn Việt rất ít khi nói, “Bố (mẹ, ông bà..) yêu con” và chờ trẻ tự nói “con yêu bố (mẹ, ông bà) Ngay cả khi yêu, là một bản năng tự nhiên, thuần khiết nhất, người lớn Việt cũng làm cho nó méo mó đi khi đặt điều kiện “con phải ngoan mới được yêu” và trẻ thì…xin lỗi…ít có đứa nào ngoan như ý bố mẹ Việt muốn, thế nên lời yêu thương không được họ nói với con mỗi ngày.

Khi đứa trẻ bắt đầu có nhận thức nhiều hơn, tầm sáu-bảy tuổi trở đi, hầu như chẳng được nghe lời nói yêu thương nữa vì lý do: “Nó biết mình yêu thương nó thì nó lừng, nhờn!” Nhiều lúc tôi thắc mắc đó có phải là lý do thực sự? Tôi nghĩ không. Lý do là gì?

1. Hiểu sai khái niệm yêu thương. Các thế hệ người Việt được giáo dục theo nền tảng Nho giáo rất ngược đời: thương thì đập toét người, ghét bỏ mới nói ngọt!? (Thật ra cái câu “thương cho roi cho vọt ghét cho ngọt cho bùi có nghĩa bóng, nhưng kể cả diễn giải theo nghĩa bóng thì nó cũng sai bét. Vấn đề này tôi có viết nhiều, xin phép không lặp lại và tranh luận thêm.) Hoàn toàn phải che giấu cảm xúc thực sự phía sau những hành động trái ngược và bắt trẻ cũng như người khác phải hiểu cái cảm xúc ẩn, cái bóng phía sau.

Sao lại phải phức tạp hóa một việc đơn giản để làm gì? Yêu con thì cứ nói là yêu con, sao lại phải sợ? Chẳng có đứa trẻ nào được yêu lại “lừng, nhờn” cả. Chúng “lừng, nhờn” là do bố mẹ chiều chuộng vô lối mà thôi. Xin đừng nhầm lẫn giữa yêu thương và chiều chuộng vô lối. (Xin đọc lại bài yêu thương vô điều kiện và chiều chuộng… trong page Voi Còi.)

Tình yêu thương không được bày tỏ bằng lời nói, hành động cũng ít, lại hay bị tàn phá bởi những chỉ trích, chì chiết, so sánh, phán xét, chửi mắng, quát nạt, sỉ nhục..thì nó có tồn tại? Một đứa trẻ ngay từ khi còn rất nhỏ đã bị bắt phải kềm chế cảm xúc, không được sống thật với cảm xúc của mình. Đứa nào mà nói “Con ghét mẹ” chắc sẽ bị đòn nát đít, bị giáo huấn, bị ca cẩm, kể lể, hành hạ cho lên bờ xuống ruộng, liệu có bà mẹ nào nhìn lại bản thân mình vì sao mà con thốt ra câu đó và thay đổi mình? Cái truyền thống con thì buộc phải hiếu thảo, phải yêu thương cha mẹ dù cha mẹ có ra sao ấy nó giả tạo đến ngờ nghệch. Ấy vậy mà nó dẫn dắt tư duy người Việt qua nhiều ngàn năm, nhiều thế hệ.

Bố mẹ là người đem con cái đến với cuộc đời, nên lẽ dĩ nhiên tình yêu bố mẹ dành cho con phải là vô điều kiện. Một đứa trẻ không biết gì, nó cần được yêu thương và cảm nhận được tình yêu thương thì nó mới biết yêu thương và đáp lại. Cho nó ăn, chăm sóc chuyện nó đái ỉa, đi đứng…có phải là tình yêu? Không có tình yêu người ta cũng làm được điều đó. Nên xin đừng kể công và bảo đó là tình yêu.
Yêu là ánh mắt nhìn trìu mến, là nụ cười hạnh phúc dành cho con, là lời nói yêu thương, là những cái vuốt ve, là sự ân cần trong chăm sóc, là sự hướng dẫn để con lớn về nhân cách, là nâng đỡ dạy dỗ khi con phạm sai lầm, là ôm nó vào lòng khi cả thế giới quay lưng với nó, là nơi nó sẳn sàng chạy về nói mọi việc mà không sợ bị phán xét. Xin xét lại bản thân mình xem bản thân có trao cho con mình điều đó chưa?

2. Di chứng tổn thương tâm lý tạo ra vòng lặp bệnh lý và thiếu hiểu biết. Rất nhiều người Việt dạy con hoàn toàn theo sự hiểu biết hời hợt của bản thân, đa phần sự hiểu biết về dạy con là từ sự bắt chước cha mẹ mình. Hồi trước mình được dạy bảo thế nào thì dạy lại con như thế. Thông thường bỏ qua yếu tố thời đại, văn minh, chỉ nhớ bài học cũ, nghĩ nó tốt rồi cứ thế lặp lại.

Khi lớn, nhắc đến những trận đòn ác hoặc chửi mắng của cha mẹ, đa số không dám trách bố mẹ mình vì sợ trách thì mang tiếng bất hiếu nên buộc phải tự dối lừa bản thân rằng bố mẹ đánh là đúng. Ok, đó là một tâm lý phản vệ hết sức bình thường. Nhưng, để cái suy nghĩ đó dẫn dắt bản thân hành động lại như thế với con mình, ở thời đại này, thì đó là lỗi của chính ta.

Ta cần phải nhìn nhận thật thẳng thắn: Cha mẹ ngày xưa không có điều kiện tìm hiểu phương pháp dạy khác và họ cũng là nạn nhân của đòn roi nên mới áp dụng nó lên mình, giờ mình phải thay đổi. Mình phải tìm hiểu phương pháp dạy con khác và phải cho con biết mình yêu chúng. Mình cần dạy chúng yêu thương và làm cho chúng yêu thương mình bằng tình yêu chân thật nhất, coi mình là tổ ấm thực sự.

Ta thấy, để dạy con yêu thương, trước tiên ta phải thay đổi tư duy của chính mình. Hãy nói yêu trẻ mỗi ngày và bất cứ khi nào mình cảm thấy yêu chúng. Đừng ép chúng nói yêu mình, hãy làm cho chúng yêu mình và để chúng “fall in love” với mình một cách tự nhiên nhất. Tình yêu đó mới là tình yêu vô điều kiện, chân thật, bền chặt và không gì có thể bẻ gãy, ta mới là nơi mà chúng tìm về khi chúng vui, buồn.

Hãy khuyến khích và nói yêu trẻ khi trẻ làm được một điều gì mới lạ so với chúng. Hãy động viên trẻ, bao dung khi trẻ phạm lỗi, hướng dẫn trẻ cách đúng trong suy nghĩ và hành động và nói yêu chúng để chúng biết bố mẹ luôn yêu chúng kể cả khi chúng phạm lỗi và biết sửa, bởi tình yêu là vô điều kiện. Hãy nói cảm ơn và yêu trẻ khi trẻ làm gì đó cho mình dù nhỏ nhất, tạo cho trẻ thói quen nghe, bày tỏ cảm xúc một cách chân thật nhất.

Hãy dạy trẻ yêu thương động vật. Muốn vậy bố mẹ đừng đánh chửi chó mèo, đừng hành hạ vật nuôi. Hãy khuyến khích trẻ chăm sóc vật nuôi (nếu có.) Hãy cùng trẻ xem các chương trình về động vật và giải thích cho trẻ hiểu về thiên nhiên, về các loài và sự quan trọng của các loài cũng như con người trong chuỗi động thực vật góp phần tạo ra trái đất.

Hãy dạy trẻ biết yêu thương đồng loại, gần gũi hơn là bạn bè của trẻ và những người xung quanh. Để làm được điều này, bố mẹ đừng chửi hoặc nói xấu bất kỳ ai trước mặt con mình. Đừng chửi mắng khi con cho bạn mượn vật dụng học tập, đồ chơi. Đừng bỉ bôi người ăn xin. Đừng sỉ nhục người giúp việc…

Yêu thương vô điều kiện là một giá trị căn bản tạo ra một xã hội nhân bản, gia đình bền chặt và phát triển. Và, yêu thương vô điều kiện cũng cần phải học. Hãy thay đổi vì mình và vì con cái của chúng ta.

P/s: Mình biên bài đăng ở page Voi Còi ít tương tác quá nên mình đăng cả hai nơi, với mong muốn bài viết được lan tỏa, cảm phiền các anh chị phải thấy bài của Voi trùng lặp nhiều lần.

5.6.2019