Đừng chửi chúng cháu...ngu. Đừng lên án chúng cháu là...vô cảm (Paul Phạm)

Đồng ý với tác giả là nền giáo dục cộng sản cộng với văn hóa Khổng giáo đã hủy hoại cuộc đời của chính con em chúng ta. Đa số thanh niên VN được đào tạo để trở thành người máy, là rô-bốt chứ không phải làm những con người tự do và có trách nhiệm với chính cuộc đời mình. Không ít phụ huynh chúng ta vẫn áp đặt con cái và muốn chúng sống như mình và đó là sự ngu muội và độc ác. Mỗi thế hệ đều có quyền được sống theo thời đại, trào lưu chung của thế giới. Con mình không thể sống và suy nghĩ giống như mình vì mình đâu có sống như bố mẹ, ông bà mình?  


Chúng cháu, những người trẻ lớn lên được đặt cho những cái tên bằng ký hiệu như thế hệ 8X, dân 9X hoặc đám nhóc Millennia của thập niên 2000, nói cho rõ hơn là những thế hệ của các lứa tuổi 30s, 20 và cả ở cái tuổi chập chững mười tám mười chín. 

Sau khi chúng cháu biết tập ăn, tập nói, tập đi, tập đứng, thì bố mẹ luôn giảng dạy cho chúng cháu phải biết vâng lời ông bà, chú bác và cha mẹ, mà phải vâng lời triệt để nữa cơ. Cấm được cãi, đứa nào cãi lại lời người lớn, thì chỉ là những đứa mất dạy, phường cứng đầu cứng cổ, phường bất hiếu, không có người đàng hoàng tử tế nào cãi lại lời "người lớn" bao giờ.

Đến khi chúng cháu lên 4-5 tuổi, chập chững những bước siêu vẹo đến trường với những cái ba lô nặng chĩu, chưa kịp bước chân sáo ra khỏi nhà, thì đã được mẹ dặn đi dặn lại những câu “đến trường phải biết ngoan ngoãn vâng lời thầy cô con nhé!”. Và khi chúng cháu đến trường ngay từ những buổi học đầu tiên, chúng cháu đã được nhồi sọ đến nhập tâm, là không bao giờ được đặt câu hỏi với thầy cô của mình. Những lời họ giáo huấn, phải là những lời vàng ngọc ghi khắc trên đá, chỉ có phường mất dạy, lũ cứng đầu cứng cổ mới cãi lại lời dậy bảo của thầy cô.

Và cứ như thế, chúng cháu được lo cho từng li, được sắp đặt từng tí, được nắm tay dẫn đi như những đứa trẻ lên 2 mặc dù đã ở lứa tuổi đáng lẽ là đã phải được khuyến khích tự đi tự đứng, suốt hơn 20 năm sau khi chào đời. Để rồi ngay sau khi ra trường với những mảnh bằng trong tay, xin được một công việc nào đó, thì chúng cháu đã được giáo huấn, đã được nhồi sọ, đã được LẬP TRÌNH (programed) để trở thành những CHÚ CỪU, những con ROBOTS ngoan ngoãn lắm rồi.

Chẳng phải đó là điều mà các bậc cha mẹ, các ông bà, các chú bác MUỐN Ở CHÚNG CHÁU HAY SAO?

Từ ngày có tí trí khôn đến nay, chúng cháu vẫn luôn được bố mẹ được người lớn che chở, nắm tay dắt đi, và họ luôn là những điểm tựa để: “Chúng mày chỉ cần lo ăn học, mọi thứ khác đã có bố mẹ lo!”.

Mười mấy năm đèn sách ở nhà trường, bố mẹ lại luôn nhắc nhở chúng cháu học cho thành tài, để kiếm cho mình một chỗ đứng, một địa vị trong xã hội, và nhất là một tương lai “sáng sủa” xây dựng trên nền tảng tài chánh. Nói trắng ra là tương lai và giá trị, được đánh giá qua đồng tiền, để được nở mặt nở mày với thiên hạ. Càng nhiều tiền thì giá trị càng cao. 

Chúng cháu không dám đổ lỗi cho cha mẹ, cho ông bà, cho chú bác, nhưng chẳng phải, những con người mang những tính chất và bản sắc của chúng cháu ngày nay, chính là cái kết quả do sự giáo huấn, sự tôi luyện từ cha mẹ, từ thầy cô, cũng như từ những bậc trưởng thượng của những thế hệ đi trước đó sao? 

Chẳng phải ông bà, thầy cô và các bậc trưởng thượng đã muốn chúng cháu dẹp bỏ đi cái suy nghĩ, cái tư duy cãi lại, chống đối “người trên” đó sao?

Những bài học ở nhà do cha mẹ dậy dỗ, những chủ thuyết ở trường do thầy cô nhồi sọ, chúng cháu đã nhập tâm suốt hơn 20 năm làm người. Cha mẹ, thầy cô và các bậc trưởng thượng đã vất vả uốn nắn, và chúng cháu đã khổ công bẻ cong người theo như ý của quý vị, thì tại sao lại có thể oán trách chúng cháu là Hèn Nhát, là Bạc Nhược, là không dám đứng thẳng, là không có những suy tư để thấy hiện tình đất nước, để thấy những bất công trái khoáy ở đời? Cái cây mà quí vị đã uốn nắn mấy chục năm qua, giờ đã cứng lắm rồi, chuyện bẻ lại thì gần như không thể.

Chúng cháu lớn lên, chẳng có gì để so sánh ngoài việc thấy đất nước mình đi lên trên lãnh vực kinh tế. Chúng cháu chỉ thấy sự vượt thoát cái đói nghèo, cái gian nan, cái khổ cực, cái vất vả của những năm tháng cũ. Chẳng phải bố mẹ luôn nhắc nhở chúng cháu về điều này? 

Ngày nay, chúng cháu chỉ thấy là nếu cố gắng để “bật lên”, nếu quyết tâm để “tiến tới”, chúng cháu sẽ có tiền, sẽ có địa vị, và sẽ có tất cả những gì mà người ta đập vào mắt chúng cháu hàng ngày, với hình ảnh của nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, tiền bạc rủng rỉnh của những đại gia của những kiều nữ. Chúng cháu chỉ muốn cố gắng để có tiền, để có nhiều tiền hơn, để khỏi phải lo toan từng bữa cho cái ăn cái mặc, để có dư tiền cho quần là áo lượt, dư tiền để đi du lịch đó đây, thế là đã quá đủ, quá mãn nguyện rồi. 

Tư duy của chúng cháu nếu chẳng để cả vào đây thì còn để ở đâu?

Chúng cháu tối ngày, quanh năm, suốt tháng đã phải tối mặt với những lo toan, với những bương chải trong cuộc sống, chúng cháu chỉ ước mơ, chỉ cố gắng tranh đấu để có được một công việc khá hơn công việc hiện tại, mức lương cao hơn với mức lương hiện có, với hi vọng có ít tiền dành dụm để mua cái xe ngon hơn cái xe đang có, để sắm được cái quần cái áo đẹp hơn, chưng diện với bạn bè, để có dư ra ít tiền mỗi năm làm một chuyến du lịch nho nhỏ, thế là đã quá đủ. Chúng cháu đã được dậy để sống với những ước mơ nhỏ nhoi như thế và chúng cháu đang cố gắng sống như thế.

Thế thì không để mọi chuyện khác cho cha mẹ lo, cho đảng và nhà nước lo thì còn làm gì? 

Thế thì tại sao các bác các chú lại trách chúng cháu là Ngu, là Hèn Nhát, là Vô Cảm với những gì đang xảy ra hiện nay?

Những công việc đó chẳng phải là do chính các bác các chú đã phải bắt tay làm hoặc ít ra thì các bác các chú đã phải huấn luyện cho chúng cháu từ mấy mươi năm về trước?

Cái lỗi đó là lỗi do ai và của ai?

*** Phản ảnh những gì nhận được với giới trẻ hiện nay.

5/6/2019