EU sắp ký kết Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam (RFA)

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU - bà Cecilia Malmstrom ký kết tại Ủy ban châu Âu, Brussels vào ngày 2/12/2015.

LTS: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chắc chắn là một điều rất cần thiết cho Việt Nam. Việt Nam cần thêm rất nhiều các hợp tác quốc tế để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, một điều chúng ta phải làm nhanh để không bị chìm theo một Trung Quốc đang bắt đầu tiến trình sụp đổ. Các hợp tác thương mại quốc tế với các nước phát triển cũng cho phép người Việt Nam thấy được sự văn minh, tiến bộ và những nền tảng mà sự phồn vinh của các nước phát triển dựa trên đó. Người Việt Nam cũng sung túc hơn, cũng có ý chí và mong muốn thay đổi hơn. Sự sung túc cũng giúp người Việt Nam có nhiều phương tiện để kết nối và hành động hơn. Các hiệp định thương mại như EVFTA cũng bắt buộc chính quyền Việt Nam phải chấp nhận những cởi mở như trước mắt là cam kết về tự do nghiệp đoàn. Không gian Xã hội Dân sự tại Việt Nam do đó sẽ rộng mở hơn.
Nhưng Hiệp định EVFTA chỉ là một cơ hội. Áp lực từ bên ngoài là cần thiết nhưng chưa đủ cho những thay đổi xã hội. Chính quyền cộng sản là một chính quyền tham nhũng, mà một chế độ tham nhũng thì không thể sửa chữa được nữa. Muốn chế độ này thay đổi chỉ còn một cách duy nhất là tận dụng những cơ hội như EVFTA để xây dựng và hình thành một lực lượng dân chủ có tầm vóc, có quyết tâm để làm áp lực. Chế độ này không ngoan cố như nó cố tỏ ra. Chỉ cần có một lực lượng dân chủ được xây dựng trên tinh thần hòa giải dân tộc là đủ để chế độ này phải tìm cách bàn giao chính quyền.

Liên Minh Châu Âu sẽ ký Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam (EVFTA) vào ngày 30/6 tới, theo thông cáo báo chí được Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra tại Brussels, Bỉ, hôm 25/6/2019.
Thông cáo báo chí của EC cho biết Hội đồng các Bộ trưởng đã phê duyệt EVFTA giữa EU và Việt Nam. Cao ủy Thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Romania, Stefan Radu Opera, sẽ đến Hà Nội và thay mặt EU ký hiệp định này với Việt Nam.
Bà Malmstrom được trích lời trong thông cáo báo chí nói rằng bà rất vui khi thấy các quốc gia thành viên bật đèn xanh cho việc ký hiệp định này với Việt Nam. Bà cũng nhắc đến vấn đề nhân quyền khi nói: “ợt lên trên lợi ích kinh tế rõ ràng, thỏa thuận này còn nhằm tăng cường việc tôn trọng quyền con người cũng như bảo vệ môi trường và quyền của người lao động."
EU và Việt Nam đã hoàn tất đàm phán EVFTA từ tháng 12 năm 2015 nhưng việc phê chuẩn Hiệp định đã bị trì hoãn nhiều lần. Một trong những quan ngại từ Nghị viện Châu Âu về Việt Nam là vấn đề nhân quyền trong đó có quyền của người lao động.
Theo thủ tục, sau khi được Hội đồng các Bộ trưởng chấp thuận, hiệp định sẽ được EU và Việt Nam ký và đệ trình lên Nghị viện Châu Âu để được đồng ý. Sau khi Nghị viện Châu Âu đồng ý, hiệp định sẽ được Hội đồng các Bộ Trưởng chính thức duyệt và đi vào hiệu lực.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore. Kim ngạch thương mại giữa hai bên khoảng hơn 49 tỷ Euro, kim ngạch dịch vụ hai chiều là khoảng hơn 3 tỷ Euro. Các mặt hàng EU nhập chủ yếu từ Việt Nam là thiết bị viễn thông, giầy dép, hàng dệt may, đồ nội thất và hàng nông sản. Việt Nam chủ yếu nhập máy móc, hóa chất, thực phẩm và đồ uống từ EU.