Không thể chống tham nhũng triệt để trong thể chế độc tài (Nguyễn Đình Bổn)
Bài viết ngắn nhưng đầy đủ và rõ ràng. Nếu không có dân chủ mà cụ thể như đa đảng, tức là cạnh tranh chính trị, báo chí tự do, một nền tư pháp độc lập, một xã hội dân sự năng động và có trách nhiệm...thì chuyện chống tham nhũng chỉ là sự đấu đá giữa các phe nhóm mà thôi. Tham nhũng sinh sôi nảy nở từ thể chế độc tài và toàn trị. Quyền lực không bị cạnh tranh và giám sát thì quyền lực sẽ bị tha hóa và lạm dụng. Đừng nên hy vọng và trông chờ gì vào việc chống tham nhũng trong một chế độ độc tài.
Chúng ta còn nhớ hai năm trươc, tổng thống Hàn Quốc bị phế truất đã
bị bắt giam như một nghi phạm liên quan tới một loạt bê bối cáo buộc
tham nhũng, tiết lộ bí mật quốc gia, lạm dụng quyền lực và vào tháng
4.2018, bà này bị kêu 24 năm tù dù không nhận tội.
Bà Park Geun-hye từng được nhận xét như một phụ nữ tài năng, liêm
chính, có khả năng lãnh đạo, và người Hàn Quốc khi bầu cho bà hẳn là đã
nhìn và tin vào các tính cách đó, vậy nhưng vì sao bà đã rơi vào bi kịch
đó?
Chính quyền lực tột đỉnh đã làm tha hóa người phụ nữ một thời được người Hàn Quốc tự hào, kính trọng?
Bản chất con người là tham, sân, si, thiện ác trộn lẫn. Vì vậy khi
nắm trong tay quyền lực, nhất là quyền lực chính trị, họ sẽ bộc lộ tham
vọng của mình. Cái mầm mống bất thiện sẽ trồi lên, lấn át lý tưởng phục
vụ quốc gia, và vậy là bi kịch xảy ra.
Trong lịch sử nhân loại, chế độ phong kiến minh họa rõ nhất điều này,
với rất nhiều anh hùng dân tộc nhanh chóng trở thành hôn quân khi đã là
hoàng đế.
Vì vậy, để khống chế nó, nền dân chủ ra đời và đa nguyên là lựa chọn
chính trị tối ưu của nhân loại cho đến lúc này, bởi chỉ có đa nguyên mới
ngăn chặn được độc tài. Một khi lạm quyền xảy ra, dù là tổng thống, các
đảng đối lập sẽ nhanh chóng chứng minh sự phạm tội, báo chí tự do sẽ
điều tra phanh phui, và tòa án độc lập sẽ xét xử. Cựu tổng thống Hàn
Quốc là một ví dụ. Từ đỉnh cao quyền lực, hiện nay Park Geun-hye phải
sống trong tù với bữa ăn 1,30 USD và phải tự rửa bát sau khi ăn như bất
cứ một phạm nhân nào khác.
Hàn Quốc trở thành một quốc gia hùng mạnh hàng đầu thế giới dù vẫn
đang trong “tình trạng chiến tranh” với Bắc Triều tiên là do họ đã chọn
lựa thể chế tối ưu cho mình.
Không có một biện luận nào khác về sự phi dân chủ của một thể chế độc
tài, nơi mà tài sản cán bộ cấp tỉnh cũng là một “bí mật quốc gia”, có
kê khai nhưng đóng dấu mật, báo chí, nhân dân không được tiếp cận (quá
hài hước) và tất nhiên, với sự tự tung tự tác này, tài nguyên dù phong
phú bao nhiêu cũng bị xâu xé cho đến cạn kiệt, và lạc hậu, đói nghèo
cũng chính từ thể chế này mà ra.
Và như vậy mọi cố gắng chống tham nhũng trong một thể chế độc tài là
vô ích, bởi cơ chế này đã sinh ra 100% quan chức tham nhũng, bằng cách
này hay cách khác.
18.5.2019