RSF: Việt Nam xuống hạng 176 về tự do báo chí (Thụy My)

Không chỉ "tham nhũng ổn định" mà ngay cả "tự do báo chí" của VN vẫn "ổn định" khi nhiều năm qua vẫn luôn nằm ở cuối bảng xếp hạng của RSF. VN ngang tầm với ông anh lớn là TQ và ông bạn chí cốt Bắc Triều Tiên. ĐCSVN với bộ máy tuyên giáo hùng hậu gồm hơn 1000 cơ quan thông tấn báo chí nhưng vẫn sợ những tiếng nói tự do phản ánh sự thật. Tất cả những người có tiếng nói bất đồng với chính quyền VN đều bị qui chụp là "âm mưu lật đổ chính quyền" và kết án họ với những bản án vô cùng nặng nề, có những người lên đến 20 năm tù. Tuy nhiên những tiếng nói bất đồng và tự do vẫn tiếp tục cất lên bất chấp sự đàn áp của chính quyền vì "tự do ngôn luận" là một trong những quyền căn bản nhất của con người. 



Trong bản báo cáo về tự do báo chí năm 2019 do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) công bố hôm nay 18/04/2019, Việt Nam đã bị đánh sụt một hạng, đứng thứ 176/180 quốc gia. Tương tự đối với Trung Quốc, nay xuống hàng 177. Báo cáo đánh giá tình hình năm nay u ám hơn năm ngoái, nhận định « Hận thù đối với các nhà báo nay đã biến thành bạo lực ».
Riêng về Việt Nam, RSF cho rằng các blogger và nhà báo công dân – nguồn thông tin độc lập duy nhất trong một quốc gia mà toàn bộ báo chí đều theo lệnh của đảng Cộng Sản – là mục tiêu thường xuyên của nạn trấn áp. Bạo lực từ công an mặc thường phục liên tục xảy ra. Chính quyền viện dẫn Luật Hình sự đặc biệt là các điều 79, 88 và 258 để kết án các blogger tội « âm mưu lật đổ chính quyền », « tuyên truyền chống Nhà nước », hay « lợi dụng tự do dân chủ ».

Trong hai năm gần đây, nhiều nhà báo công dân đã bị trục xuất hoặc lãnh các bản án tù nặng nề vì các bài viết của họ, thậm chí có người bị 20 năm tù. Hiện nay khoảng 30 nhà báo và blogger vẫn đang bị giam cầm, và thường bị đối xử tệ hại.

RSF nhắc lại hồi cuối năm 2017 quân đội đã tiết lộ về « Lực lượng 47 » gồm 10.000 dư luận viên có nhiệm vụ bảo vệ đảng, tấn công những tiếng nói ly khai trên internet. Và đến đầu năm 2019, Luật An ninh mạng bắt đầu có hiệu lực, các trang web bị buộc phải lưu trữ các dữ liệu của người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam để cung cấp cho chính quyền khi được yêu cầu.

Phóng Viên Không Biên Giới nhận định tình hình Việt Nam có sự tương đồng với Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đã xuất khẩu « mô hình đàn áp », « dựa trên sự giám sát chặt chẽ thông tin nhờ công nghệ ».

Nhìn chung trên thế giới, chỉ có 24% quốc gia được đánh giá tình hình « tốt » « khá tốt » về tự do báo chí, so với năm ngoái là 26%. Na Uy vẫn đứng đầu danh sách, Phần Lan thứ nhì, còn Turkmenistan nay giành mất vị trí chót bảng của Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng được lên hạng 179/180.

RFI