Chiến lược kinh tế của Tập Cận Bình bị chỉ trích (Thanh Phương)

Một dấu hiệu cho thấy đang có căng thẳng trong nội bộ, đó là Ban chấp hành trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc đã không nhóm họp từ một năm nay. Giáo sư Jean-Pierre Cabestan giải mã : « Không có họp trung ương đảng có nghĩa là Tập Cận Bình sợ gặp chống đối, cho nên chỉ họp những cơ quan mà ông kiểm soát dễ hơn. Đảng đang bị chia rẽ trên một số vấn đề : cải tổ kinh tế, cải tổ doanh nghiệp nhà nước, không gian đang bị thu hẹp của khu vực tư nhân, thái độ đối với tổng thống Trump. »
 

Nhân dịp khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc hôm nay, 05/03/2019, tờ Les Echos đề cập đến chiến lược kinh tế của chủ tịch Tập Cận Bình, hiện đang bị chỉ trích từ trong nội bộ.

Theo Les Echos, tình hình nay đã thay đổi hẳn so với cách đây một năm khi các đại biểu Quốc Hội đồng thanh nhất trí thông qua việc bãi bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ chủ tịch và ghi vào Hiến Pháp « tư tưởng Tập Cận Bình », dưới cái nhìn mãn nguyện của lãnh đạo chế độ Bắc Kinh. Nhưng từ đó đến nay, kinh tế Trung Quốc đang hụt hơi và thái độ cương quyết của Donald Trump trong cuộc chiến thương mại đã khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh bị bất ngờ.

Coi như sẽ làm chủ tịch suốt đời và hiện nắm trong tay nhiều quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông, thế nhưng, theo nhà Trung Hoa học Willy Lam ở Hồng Kông, Tập Cận Bình nay đang bị các đảng viên chỉ trích về cung cách quản lý kinh tế của ông.

Còn theo chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, giáo sư đại học ở Hồng Kông, trong các cuộc họp kín, các đại biểu sẽ nêu lên tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại ở địa phương của họ, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và các vấn đề về việc làm mà họ đang phải giải quyết. Nhưng không chắc là các giải pháp của chính phủ sẽ trấn an họ. Bắc Kinh sẽ tiếp tục thi hành các biện pháp ngân sách và tiền tệ để hỗ trợ hoạt động kinh tế, nhưng sẽ không hoàn toàn từ bỏ mục tiêu giảm các nguy cơ tài chính do nợ công tăng cao.

Một dấu hiệu cho thấy đang có căng thẳng trong nội bộ, đó là Ban chấp hành trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc đã không nhóm họp từ một năm nay. Giáo sư Jean-Pierre Cabestan giải mã : « Không có họp trung ương đảng có nghĩa là Tập Cận Bình sợ gặp chống đối, cho nên chỉ họp những cơ quan mà ông kiểm soát dễ hơn. Đảng đang bị chia rẽ trên một số vấn đề : cải tổ kinh tế, cải tổ doanh nghiệp nhà nước, không gian đang bị thu hẹp của khu vực tư nhân, thái độ đối với tổng thống Trump. »
Theo Les Echos, ông Tập Cận Bình gần đây đã có giọng điệu bớt cứng rắn hơn, cố trấn an các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc và chuẩn bị một luật mới về đầu tư ngoại quốc để đáp ứng yêu cầu của tổng thống Trump. Nhưng không thật sự thuyết phục những đối tượng đó.

Thái Lan : Chiến dịch tranh cử không ảo tưởng

Về thời sự châu Á, tờ Le Monde chú ý đến cuộc bầu cử Quốc Hội tại Thái Lan cho ngày 24/03 tới, với hàng tựa « Tại Thái Lan, chiến dịch tranh cử không ảo tưởng ». Cử tri Thái Lan không tin rằng chính quyền quân sự sẽ trả lại nền dân chủ cho họ trong cuộc bầu cử đó.

Theo Le Monde, nếu như đa số người dân Thái Lan có học thức đang rất mong được hưởng trở lại các quyền tự do đã bị chiếm đoạt từ sau cuộc đảo chính ngày 22/05/2014, suy nghĩ chung của họ là không mấy tin tưởng vào tầm mức thật sự của cuộc bỏ phiếu, cũng như vào quyền hạn của chính phủ tương lai.

Boonyeung Kongphetsak, một nhà hoạt động môi trường được Le Monde trích dẫn, nhận định : « Bản Hiến Pháp mới (được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý 2016) là bản Hiến pháp thiếu dân chủ nhất được ban hành từ đó cho đến nay ». Nhà hoạt động này cũng lưu ý rằng 250 nghị sĩ Thượng Viện đã do chính quyền chỉ định. Rõ ràng là tập đoàn quân phiệt vẫn muốn duy trì quyền kiểm soát sau cuộc bầu cử.

Về phần thủ tướng mãn nhiệm, tướng Prayuth Chan ocha, ông đã không ngần ngại hứa hẹn đủ điều để bảo đảm khả năng tái đắc cử : chi ra 63 tỷ baht (1,7 tỷ euro) cho những người nghèo nhất và người già. Tương lai sẽ trả lời xem kẻ cầm đầu cuộc đảo chính này có sẽ tiếp tục nắm quyền với tư cách một thủ tướng dân cử hay không.

Theo Le Monde, dân Thái Lan đã quá quen với những thời kỳ gọi là tái lập dân chủ, những thời kỳ ai cũng thất vọng. Hai kinh nghiệm gần đây nhất đều đã kết thúc bằng hai cuộc đảo chính, trong đó có cuộc đảo chính năm 2014. Phe của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, bị quân đội lật đổ năm 2006, đã trả giá bằng máu, sau khi rầm rộ biểu tình ở Bangkok : Cuộc đàn áp của quân đội đã khiến hơn 100 người chết vào năm 2010.

Dân Algeri hải ngoại cũng chống Bouteflika

Le Monde hôm nay cũng đặc biệt quan tâm đến phong trào biểu tình phản đối tại Algeri, sau khi tổng thống già yếu Bouteflika vừa chính thức nộp đơn tranh cử cho nhiệm kỳ 5 trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 18/04 tới.

Mặc dù trong một bức thư gởi đến người dân Algeri, ông Bouteflika, năm nay đã 82 tuổi và đã cầm quyền suốt từ năm 1999, hứa là sau đó sẽ tổ chức bầu cử trước thời hạn, phong trào biểu tình phản đối ông tái tranh cử tiếp diễn, không chỉ trong nước, mà còn lan rộng ra cộng đồng người Algeri ở hải ngoại, đặc biệt là ở Pháp.

Theo Le Monde, trong tuần thứ hai liên tiếp, cộng đồng người Algeri tại Pháp đã biểu tình để phản đối nhiệm kỳ thứ 5 của Bouteflika. Vài giờ trước khi ông chính thức nộp đơn tranh cử, tại Pháp nhiều người, cả đàn ông lẫn phụ nữ, đã giận dữ hô to : « Bouteflika, cút đi, cút đi », hoặc «Đủ rồi ! Chúng tôi muốn một tổng thống mới », những câu mà họ chưa bao giờ dám nói công khai như thế. Ban đầu, dân Algeri hải ngoại chỉ bày tỏ chính kiến trên các mạng xã hội, trước khi xuống đường. Tại Paris cũng như tại Marseille, giới trẻ đều xông lên tuyến đầu, bởi vì họ thấy rằng ở Algeri hiện nay, thanh niên chỉ tìm đường ra nước ngoài, hoặc là đi học lấy được bằng, hoặc là vượt biên bằng đường biển.

Cũng theo Le Monde, nhiều người Algeri biểu tình lo ngại cho tương lai của phong trào phản kháng ôn hòa này. Tờ báo trích lời một bác sĩ mang hai quốc tịch Algeri-Thụy Sĩ nhắc lại rằng Algeri vẫn là một quốc gia quân sự. Hiện giờ, họ để yên cho biểu tình, chính quyền khẳng định là họ lắng nghe người dân, nhưng mối nguy đảo chính thật sự vẫn có. Một nữ bác sĩ Pháp-Algeri thì giận dữ bày tỏ : « Tôi đã chán ngấy cái chính quyền thối nát này, họ chỉ muốn tiếp tục ăn, trong khi giới trẻ rất giỏi, nhưng không kiếm được việc làm, vì không phải là thành phần con ông cháu cha. »

« Charles-de-Gaulle » lên đường đi Singapore

Sau hơn hai năm « án binh bất động » để được tu sửa, hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle của Pháp hôm nay sẽ bắt đầu chuyến hải hành đến Singapore, một sự kiện thu hút sự quan tâm của tờ Le Figaro hôm nay.

Tờ báo nhắc lại là từ tháng 01/2017, chiếc tàu nặng 42 ngàn tấn đã được đưa lên cạn để được đại tu ở Toulon trong suốt 15 tháng, sau đó được cho chạy thử nhiều tháng trên biển. Sáng nay, cụm tàu sân bay, gồm chiếc Charles-de-Gaule và các tàu hộ tống, đã khởi hành để đi đến Singapore.

Việc triển khai hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle đến vùng đông Á lần đầu tiên từ năm 2002 là nằm trong khuôn khổ chiến lược của tổng thống Macron về « trục Ấn Độ - Thái Bình Dương ». Trong chuyến hải hành sẽ kéo dài đến tháng 7, tàu sân bay của Pháp sẽ tập trận chung với hải quân của các đối tác như Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc, Nhật. Khi tiến gần đến các vùng biển tranh chấp ở châu Á, chỉ với sự hiện diện của mình, hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle chuyển tải thông điệp của nước Pháp đến khu vực, đó là thông điệp về tự do hàng hải.

Nữ tu bị lạm dụng tình dục

« Các nữ tu bị lạm dụng, một tai tiếng khác của Giáo hội », đó là tựa đề một bộ phim tài liệu được chiếu trên kênh truyền hình Pháp-Đức Arte tối nay, nói về những vụ xâm hại tình dục các nữ tu, mà thủ phạm thường là các linh mục. Đây vẫn còn là một trong những chủ đề cấm kỵ của Giáo hội Công Giáo. Tờ Libération giới thiệu bộ phim này.

Điều tra của hai nhà báo Marie-Pierre Raimbault và Eric Quintin phơi bày ra ánh sáng thảm kịch vẫn bị che giấu này, như trường hợp của Michèle-France. Trong suốt 25 năm, vị nữ tu này đã là món đồ chơi tình dục của hai nhân vật rất có thế lực trong Giáo hội và rất được nễ trọng trong giới Công Giáo bảo thủ : hai anh em Marie-Dominique và Thomas Philippe (đã qua đời vào năm 2006 và 1993). Michèle-France thổ lộ : « Tôi giống như một con chim nhỏ bị rắn độc hớp hồn, tuy vẫn có thể bay thoát đi, nhưng lại không thể bay được ». Chỉ đến năm 2007, những vụ lạm dụng tình dục này mới được tiết lộ và theo bộ phim thì rất có thể là Thomas Philippe đã lạm dụng tình dục hàng chục phụ nữ khác.

Một nạn nhân khác là Grace, nữ tu người Congo sống tại Roma, bị một linh mục đồng hương cưỡng hiếp đến mang thai, bị đuổi khỏi dòng tu, buộc phải đến lánh nạn ở Pesaro (Ý) và khi sinh con buộc phải bỏ con. Trong suốt 2 năm, luật sư của Grace đã làm đủ mọi cách để đòi cho cô được quyền nhận lại đứa con gái của mình.

Điều đáng nói, theo Libération, những nữ tu bị lạm dụng đó đã không hề được ai bảo vệ. Như trường hợp của Doris, một nữ tu người Đức, nay đã rời khỏi dòng tu. Doris khẳng định thủ phạm lạm dụng tình dục cô nay vẫn còn tại chức và trong công việc thường tiếp xúc với các cô gái trẻ, trong khi ai cũng biết rõ về hành vi của ông ta. Để mua sự im lặng của vị nữ tu này, dòng tu đã trả cho cô … 3000 euro !

Trong suốt thời gian dài, các nữ tu bị lạm dụng cả về thể xác lẫn tinh thần đã bị buộc phải im tiếng, như giải thích của nữ tu Célia, một nạn nhân khác của Thomas Philippe : « Khi chúng tôi tố cáo một linh mục thì chẳng khác gì chúng tôi lên án Giáo hội. »

Trang nhất các báo 

Bầu cử Nghị Viện Châu Âu : Macron lên tuyến đầu. Đó là tựa trên trang nhất của tờ Le Monde nói về việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay, 05/03/2019, cho đăng trên báo chí của toàn bộ 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu một bài viết « gởi đến các công dân châu Âu ». Ông Macron xem bài viết này là một lời « kêu gọi khẩn cấp », khi phát động chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu ngày 26/05. Tổng thống Pháp hy vọng một thắng lợi trong cuộc bầu cử này sẽ tạo sức bật mới cho nhiệm kỳ của ông, mà từ cuối năm ngoái đã bị khủng hoảng Áo Vàng làm ngưng trệ.

Le Figaro cũng dành trang nhất cho bài viết của tổng thống Macron trên báo chí châu Âu hôm nay. Làm như thể ông đóng vai trò đầu đàn trong cuộc bầu cử ngày 26/05, tổng thống Pháp kêu gọi một sự « phục hưng châu Âu ». Theo Le Figaro, việc đăng bài viết này là một hành động chưa từng có và chắc chắn sẽ gây nhiều phản ứng ở Pháp và châu Âu. Tờ báo này cho rằng bài viết của tổng thống Macron trông giống như là một chương trình tranh cử, pha lẫn nhãn quan dài hạn, khẩu hiệu, với một loạt đề nghị.

Nhật báo kinh tế Les Echos thì tập trung nói về tình hình xã hội ở Pháp, với thông tin trên trang nhất : « Tuổi về hưu trung bình tiến gần đến 63 tuổi ». Tờ báo cho biết là trong khu vực tư nhân tại Pháp, trong năm 2018, tuổi về hưu trung bình đã lên tới 62 tuổi 8 tháng và riêng phụ nữ là 63 tuổi, do họ phải kéo dài thời gian làm việc để bù lại tình trạng làm việc không liên tục.

Nhật báo Công Giáo La Croix thì đặt câu hỏi trên trang nhất « Ai là người giàu ? ». Câu hỏi này không phải là dễ trả lời, bởi vì rất khó mà xác định được ranh giới giữa phần trên của tầng lớp trung bình với ngưỡng giàu có.

Về phần Libération, tờ báo này dành tựa trang nhất cho « La Flor », bộ phim dài … 14 tiếng đồng hồ của đạo diễn Achentina Mariano Llinas, được quay trong suốt 10 năm. Vì phim quá dài nên phải được cắt thành 4 phần và với phần đầu tiên sẽ được trình chiếu ngày mai tại Pháp, ba phần còn lại sẽ được chiếu 3 tuần liên tiếp sau đó.

RFI