Nạn kiều 1978: 'Bị hắt hủi cả đời, nay tôi mới dám sống thật' (Minh Thư-BBC)
Khi THDCĐN kêu gọi hòa giải dân tộc và "tổ quốc phải ăn năn" thì những người thiếu hiểu biết và thiếu thiện chí kêu lên rằng không cần hòa giải gì cả, vậy với những trường hợp như Mui Lee thì sao? Tổ quốc VN nợ họ một lời xin lỗi dù thủ phạm gây ra là chính quyền cộng sản VN hay TQ. Họ là công dân VN đầy đủ vì đã sinh ra và lớn lên trên đất nước này. Tuy nhiên đất nước có xem họ là công dân VN đâu? Hàng triệu người có hoàn cảnh như bà và nhiệm vụ của chế độ mới là làm cho tổ quốc VN trở nên hiền hòa, bao dung và thân thiện để không ai còn bị hắt hủi vì là người VN.
Tôi gặp Amie Mui Lee, người phụ nữ
gốc Hoa, sinh ra ở Quảng Ninh và sang Anh Quốc tỵ nạn, vào một chiều
đông London cuối tháng Một.
Trong nhà hàng Trung Quốc mà chị là
chủ ở Surbiton, Tây Nam London, vài toán khách người Anh đang trổ tài
dùng đũa, thưởng thức nốt vài món dimsum cuối cùng còn lại trên bàn.
Amie
đón chúng tôi với nụ cười thân thiện, tự tay pha ấm trà nóng và mời
chúng tôi tự chọn góc thích hợp để quay phim cho cuộc phỏng vấn.
Toát lên vẻ hiện đại, tự tin của một phụ nữ làm kinh doanh, Amie vẫn mang nét dễ gần, niềm nở của phụ nữ châu Á.
Nếu
không biết câu chuyện của chị, ít ai ngờ được người phụ nữ gần 50 tuổi
đã trải qua nhiều thăng trầm cả về ngoại cảnh lẫn nội tâm để được sống
thật là mình như ngày hôm nay.
'Được sống thật với mình là quan trọng'
Trong
suốt cuộc phỏng vấn, một thông điệp mà Amie nhắc đi nhắc lại với tôi
là khao khát được cảm thấy mình thuộc về một nơi nào đó, một nhóm
người nào đó. Chỉ đơn giản là được giống như những người khác, được hòa
nhập.
"Cả đời tôi sống như một hạt bụi dưới chân người ta. Và
khi bạn bị vùi dập quá nhiều, bạn thấy chán, thấy mình chẳng có giá trị
gì. Rồi đến một lúc nào đó, bạn thấy chán cảnh bị vùi dập, và bạn
quyết tâm trở nên độc lập, tự kiếm sống và được là chính mình.
"Được sống thật với mình là điều thật quan trọng đối với tôi.
"Chấp nhận rằng tôi là người gốc Hoa, nhưng tôi đến từ Việt Nam và tôi sống ở Anh quốc. Đó chính là tôi."
"Vì cả đời tôi luôn cảm thấy mình lạc lõng. Ở Việt
Nam, chúng tôi không được chấp nhận. Ở Trung Quốc, chúng tôi cũng không
thuộc về nơi đó. Ở Hong Kong, họ không muốn có chúng tôi. Và khi đến
Anh Quốc, chúng tôi phải đối mặt với thái độ kỳ thị rõ rệt.
"Khi
chúng tôi mới chuyển đến thành phố Leeds, người lớn ngoài đường quát
vào mặt chúng tôi: "Bọn người Hoa, về nước chúng mày đi" hay những câu
kiểu như thế.
"Khi còn ở tuổi thiếu niên, tôi muốn đi tìm bản thân, và khi họ bảo chúng tôi về nước đi, tôi tự hỏi "Về nước là nước nào?"
'Về nước đi, chúng mày không phải người ở đây'
Như
hàng trăm ngàn nạn kiều khác, chị Amie Mui Lee cùng gia đình rời Việt
Nam năm 1978, khi chị lên tám tuổi, trong bối cảnh quan hệ Việt -
Trung đang ngày một căng thẳng.
"Ông nội tôi là người Hoa, ông
sang Việt Nam vào những năm 1920. Là một lái buôn, ông sang Việt Nam để
mở cửa hàng. Cha tôi sinh ra ở Việt Nam, và tất cả chúng tôi đều thế,"
Amie kể về gốc gác của mình.
"Khi ông nội tôi còn sống, chúng tôi
có khá nhiều đất đai. Nhưng do những thay đổi của về chính sách của chế
độ cộng sản, chúng tôi mất phần lớn đất. Tuy thế chúng tôi vẫn còn một
ngôi nhà to và vườn xung quanh để trồng rau. Không có đủ gạo ăn từng
bữa, nên chúng tôi độn thêm khá nhiều sắn và khoai lang."
"Vậy chị còn nhớ những gì về những năm tháng thơ ấu ở Việt Nam?", tôi hỏi thêm.
"Mọi chuyện cũng ổn cho tới khoảng năm 1976. Chúng tôi bắt đầu bị kỳ thị ra mặt," khuôn mặt chị Amie đượm buồn.
"Khi
tôi đi qua, những đứa trẻ khác nhạo báng tôi, rồi gọi tên thế nọ thế
kia. Những người trước kia là bạn tôi thì dần dần xa lánh tôi.
"Cha tôi là bác sỹ. Bệnh nhân thường đến khám bệnh, nhưng họ cũng dần dần mất lòng tin vào ông.
"Hồi
đó, tôi chỉ biết là chúng tôi là người Hoa do những câu mà mọi người
chửi chúng tôi, kiểu như "Về nước chúng mày đi, chúng mày không phải
người ở đây"."
Ra đi lẳng lặng trong đêm
Rồi
Amie tiếp tục ngược dòng ký ức và cho tôi biết thời điểm cha chị quyết
định gia đình chị phải ra đi là khi hai anh trai lớn của chị đều phải
nhập ngũ năm 1978.
Không muốn các con tham gia cuộc chiến biên
giới để "đánh quân Tàu", tổ tiên của chính gia đình chị, cha mẹ Amie
cùng chín người con và bà nội lẳng lặng bỏ đi trong đêm mà không nói
lời từ biệt với bà con làng xóm.
Ngoài chút ít đồ dùng cá nhân,
họ dỡ chiếc giường bố mẹ chị được tặng trong ngày cưới và vác theo suốt
cả chuyến đi. Chiếc giường về sau là nơi nghỉ đêm cho bà và các em nhỏ
nhất trong nhiều đêm họ sống cảnh màn trời chiếu đất.
Từ Quảng Ninh, họ đi bộ, bắt xe buýt, rồi lên tàu hỏa đi Lạng Sơn. Từ đó, họ vượt biên sang Trung Quốc.
Trong
vài tuần, gia đình Amie mắc kẹt ở một vùng đất vô chủ nằm giữa những
ngọn núi trùng điệp mà một bên là Việt Nam, một bên là Trung Quốc.
Không có thức ăn, nước uống, nơi trú ẩn, gia đình Amie cùng hàng ngàn
người dựng lán sống lay lắt nơi rừng thiêng nước độc.
"Trung Quốc
đã đóng cửa biên giới, và họ không cho chúng tôi đi qua. Và chúng tôi
cũng không được phép quay lại Việt Nam. Nếu quay lại, chúng tôi sẽ bị
truy tố.
"Khi trời mưa, ôi trời ơi, bẩn thỉu vô cùng vì mọi người
đi vệ sinh ở cả hai phía. Và khi trời mưa thì những thứ bẩn thỉu chảy
vào giữa," Amie nhăn mặt khi tả lại quang cảnh ở vùng đất hoang này.
"Vì sức khoẻ của bà và em gái tôi yếu quá, phía Trung Quốc cuối cùng cũng cho chúng tôi qua biên giới để vào Trung Quốc."
Lên thuyền đi tìm miền đất hứa
Sang đất Trung Quốc, họ được đưa tới một khu nông trường mà đến nay chị Amie cũng không rõ ở vị trí nào.
"Đất đai ở đây chưa bao giờ được canh tác, và cố gắng cày cuốc để chuyển chúng thành đất canh tác là công việc thật cực nhọc."
Nhưng điều làm cuộc sống của gia đình Amie thêm phần khó khăn là không được hòa nhập với người địa phương.
"Dân
địa phương không muốn biết đến chúng tôi. Thế nên chúng tôi chỉ túm tụm
vào một khu vực toàn người Việt tỵ nạn với nhau," Amie kể.
Sáu tháng sau khi rời Việt Nam, ông bác của Amie, người được coi là giàu có ở Việt Nam, mua một chiếc thuyền đánh cá.
Ông
lái thuyền từ Quảng Ninh sang Thượng Hải và gửi điện cho cha Amie, mời
cả gia đình cùng lên thuyền ở Thượng Hải để tìm đến miền đất hứa nơi họ
sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
"Chúng tôi cũng chẳng biết miền đất hứa đó là đâu nữa," Amie cười hồn nhiên.
Trong
phần tiếp theo, Amie kể tiếp về hành trình vượt biển sang Hong Kong,
rồi định cư ở Anh Quốc. Những trải nghiệm đau đớn của chị đã thay đổi
cuộc đời chị ra sao? Trung Quốc và Việt Nam mang ý nghĩa thế nào với
chị?