Thủ tướng: 'Chúng ta được gọi là thủ đô của điện thoại thông minh, tự hào lắm' (Vietnamnet)

“Chúng ta được gọi là thủ đô của điện thoại thông minh. Tự hào lắm”, Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm 2018 ngành Công Thương ngày 17/1. Nhiều khi nghe ông Phúc nói chúng ta không biết ông ta nói thật hay nói đùa. Nếu nói thật thì chứng tỏ ông ta chẳng biết gì. Samsung đặt nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới tại Việt Nam thì ai cũng biết nhưng người VN thì chỉ làm công nhân (culi) trong đó là chính chứ công nghệ và cả lợi nhuận đều của Hàn Quốc. Nếu nói chính xác thì ông phải nói rằng "VN là thủ đô gia công điện thoại thông minh" nhưng làm gia công thì có cái gì mà "tự hào lắm" hỡi ông Phúc? Còn nếu ông nói đùa thì nên gia nhập hội Hoài Linh, Trấn Thành...chứ ngồi đấy làm gì hở ông?

Bộ đa ngành, đa lĩnh vực

Thủ tướng cho rằng trong giai đoạn hiện nay công nghiệp và thương mại đóng vai trò to lớn vào nền kinh tế khi đóng góp tới 80% GDP.

“Đây là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, phức tạp trong điều hành quản lý. Đối nội, đối ngoại, nội thương, ngoại thương, hội nhập quốc tế, phục vụ người dân”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng điểm lại kết quả ấn tượng của năm 2018 như tăng trưởng GDP là 7,08%, xuất siêu trên 7,2 tỷ USD, quy mô nền kinh tế đạt mức trên 5,53 triệu tỷ đồng (khoảng 245 tỷ USD). Quy mô nền kinh tế Việt Nam mới chỉ chiếm 0,29% GDP toàn cầu, nhưng đã có sự tiến bộ hơn khi trước đây chỉ chiếm 0,18% GDP toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc lại 9 nhiệm vụ đã giao cho Bộ Công Thương trong Hội nghị tổng kết năm 2017.

“Ngày này năm ngoái tôi đến đây, nêu ra 9 nhiệm vụ cho Bộ Công Thương, trong đó có việc ngành Công Thương đã đạt được những đổi mới quyết liệt trong năm 2018 rồi thì năm 2019 phải đổi mới hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, làm sao đạt và vượt các chỉ tiêu Chính phủ giao”, Thủ tướng chia sẻ.

Đánh giá lại các nhiệm vụ được giao, Thủ tướng cho rằng trong năm qua ngay từ đầu quý I Bộ Công Thương đã tổ chức thực hiện nghiêm túc những chủ trương quan trọng của Chính phủ. “Chúng ta vui mừng nhận thấy nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được thực hiện thành công, có hiệu quả, là tiền đề cho kết quả nổi bật ngành ta đạt được trong năm qua”, Thủ tướng cho rằng điều đó thể hiện Bộ Công Thương biết tổ chức triển khai công việc, Bộ Công Thương “giữ lời hứa, lời nói hành động đi liền nhau”.

Đề cập đến tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp, Thủ tướng cho rằng công nghiệp chế biến tiếp tục là điểm sáng, là động lực chính của tăng trưởng. Mức tăng trưởng lĩnh vực này cao hơn nhiều các năm 2012-2016.

“Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng cao và ổn định. Đặc biệt tôi nhấn mạnh công nghiệp chế biến chế tạo tăng hơn 12% là mức cao nhất trong 7 năm gần đây, khẳng định là động lực chính trong mức tăng trưởng chung”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đánh giá lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đã có tốc độ tăng trưởng tốt trong năm 2018 và đánh giá cao hội nghị về phát triển công nghiệp hỗ trợ được tổ chức vừa qua.

Nhắc đến trường hợp Samsung, Thủ tướng cho rằng Samsung là đơn vị xuất khẩu lớn, tỷ lệ nội địa hóa đã tăng lên đáng kể, trong đó có sự góp mặt của các DN công nghiệp phụ trợ Việt Nam chứ không phải chỉ của các DN FDI. Samsung không đơn thuần là chỉ gia công, lắp ráp.

Thủ tướng cũng đánh giá cao mức “tăng trưởng ngoạn mục” về xuất khẩu, trong đó có nhiều mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Đặc biệt, lần đầu tiên xuất khẩu nông sản đạt trên 40 tỷ USD. Ở tất cả thị trường Việt Nam có các Hiệp định thương mại tự do thì đều ghi nhận xuất khẩu tăng cao như Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc... Điều quan trọng là xuất siêu phần lớn sang thị trường các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, EU.

“Chúng ta được gọi là thủ đô của điện thoại thông minh. Tự hào lắm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đánh giá thị trường trong nước, Thủ tướng cho rằng năm 2018 thương mại nội địa tiếp tục giữ đà tăng trưởng, tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa ở mức 2 con số.
 
Thường xuyên nhắc nhở không được để mất thị trường bán lẻ, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi Việt Nam có nhiều siêu thị mới, thị trường bán lẻ Việt Nam “vẫn trụ được”.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng nền công nghiệp trong nước vẫn chưa đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa,  hiện đại hóa. Công nghiệp vẫn còn công nghệ lạc hậu, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các DN trong cùng 1 ngành và giữa các ngành còn nhiều hạn chế, chưa hợp tác chuyên môn hóa sâu phù hợp cơ chế thị trường; Liên kết DN trong nước và DN FDI chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt là việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

“Làm sao tập đoàn, DN trong nước đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất kinh doanh. Làm sao để vốn của tập đoàn đa quốc gia đổ vào Việt Nam trong lúc thế giới có nhiều thay đổi”, Thủ tướng đưa ra hàng loạt câu hỏi “nên suy nghĩ để có định hướng giải pháp”.
Nhiều kết quả tích cực

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kinh tế Việt Nam năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế được củng cố và bảo đảm cân đối. Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08% so với năm 2017 là mức tăng cao nhất 11 năm qua. Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu 6,7% đặt ra là kết quả sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2018, khu vực công nghiệp tăng 8,79%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Bộ Công Thương cho hay: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực công nghiệp và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 10,2%, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 9%), tuy thấp hơn mức tăng 11,3% của năm 2017 nhưng cao hơn mức tăng các năm 2012 - 2016 . Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng với tốc độ cao, phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.

“Kết quả này tiếp tục phản ánh những dịch chuyển đúng hướng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong thời gian qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nói chung và triển khai thực hiện của Bộ Công Thương nói riêng đã phát huy hiệu quả tích cực”, Bộ Công Thương đánh giá.

Đánh giá xuất nhập khẩu năm 2018, Bộ Công Thương cho hay: Quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 480 tỷ USD.Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017.

Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7 - 8%; chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8 - 10%).

Nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 3 liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2018 ước đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5%; Thặng dư thương mại năm 2018 đạt khoảng 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số xuất siêu của Việt Nam trong năm nay đã gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

H.Duy