Thế giới bất trắc, Paris-Berlin cần nhau hơn bao giờ hết (Tú Anh)

Như THDCĐN đã nhận định, trước sự từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ thì các nước dân chủ bắt buộc phải thành lập các liên minh mới để lấp vào khoảng trống đó. Liên minh Đức-Pháp sẽ là một trong những trụ cột của các nước dân chủ trên thế giới nhằm đối phó với các bế tắc do phong trào dân túy đang nổi lên khắp nơi đồng thời duy trì và bảo vệ các giá trị tự do và dân chủ trên toàn cầu. Dù các cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn tại Mỹ, Châu Âu và các phần còn lại trên thế giới nhưng loài người đã sống và cảm nhận được các giá trị về dân chủ, nhân quyền, tự do và liên đới suốt 70 năm qua nên họ biết là cần phải bảo vệ hòa bình bằng mọi giá. Làn sóng dân chủ lần thứ Tư vẫn tiếp tục tiến tới. 



Hiệp định hợp tác Pháp-Đức mà Emmanuel Macron và Angela Merkel ký kết tại Aix-la-Chapelle ngày 22/01/2019 nhằm củng cố mối quan hệ giữa hai đầu tàu châu Âu từ kinh tế, chính trị cho đến quốc phòng. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và chính trường Liên Âu đứng trước nhiều bất trắc, thời điểm được chọn không phải là ngẫu nhiên.
Cách nay đúng 56 năm, vào năm 1963, tổng thống Pháp Charles de Gaulle và thủ tướng Đức Konrad Adenauer ký hiệp định hợp tác song phương đầu tiên tại Elysée, khẳng định mối quan hệ thân hữu giữa hai quốc gia cựu thù, vĩnh viễn không dùng vũ lực đối đầu nhau. Bổ sung cho văn kiện này, hiệp định Aix-la-Chapelle 2019 được xem là bức tường thành chống lại phong trào dân túy đe dọa châu Âu cũng như để bảo vệ Liên Âu trước những bất trắc đến từ bên ngoài.

Trước hết về ý nghĩa biểu tượng. Ngày 22/01/2019 là sinh nhật 56 năm của hiệp định Elysée. Về địa điểm, khi chọn Aix-la-Chapelle, thành phố biên giới Đức, kinh đô của vương quốc Charlemagne, vị vua đầu tiên muốn thống nhất châu Âu, tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Angela Merkel muốn bày tỏ tham vọng biến trục Pháp-Đức thành một « điểm hội tụ » khuyến khích các thành viên châu Âu khác cùng tham gia vào một dự án chung từ kinh tế, thuế vụ, quốc phòng và chính trị quốc tế, theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos tuần trước.

Hiệp định Pháp-Đức 2019 với 7 chương và 28 điều khoản qui định những lãnh vực mà hai nước muốn tăng cường là « bệ phóng để (châu Âu) hiện hữu và đi tới », như tuyên bố của tổng thống Pháp.

Luật chơi chung trong mọi lãnh vực 

Trong lĩnh vực kinh tế : Hai nước cam kết tạo mẫu số chung cho sinh hoạt kinh tế, mô hình xã hội và lối sống sao cho mỗi ngày mỗi gần nhau. Cụ thể lập vùng « kinh tế chung » ở biên giới, bước đầu tiến tới mô hình thuế khóa chung.

Về chính trị quốc tế, Paris và Berlin sẽ luôn cố gắng trình bày một lập trường chung tại Liên Hiệp Quốc và vận động cho Đức một chiếc ghế thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An. Chương chính trị quốc tế được mô tả chi tiết nhất.

Về an ninh quốc phòng, mối quan tâm số một của Paris, hai nước cam kết sẽ trợ lực nhau, kể cả bằng quân sự, nếu một trong hai nước bị tấn công. Cho đến nay, Đức vẫn thận trọng trong lãnh vực này nhưng lần đầu tiên Berlin đồng ý « lập quỹ phòng thủ chung cho châu Âu » và dự kiến phối hợp công nghiệp quân sự, chế tạo vũ khí.

Đi tới

Cho dù cả hai nhà lãnh đạo đều gặp khó khăn nội bộ : Angela Merkel trả giá cho chính sách nhập cư rộng lượng, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo thua liên tục trong các cuộc bầu cử địa phương, Emmanuel Macron đụng với cuộc khủng hoảng xã hội « Áo Vàng », nhưng Paris và Berlin vẫn muốn cải cách sâu rộng Liên Âu. Vì sao ?

Reuters liệt kê một số yếu tố đe dọa sự tồn vong của Liên Hiệp Châu Âu : trong phe đồng minh là những cú đá ngược của Donald Trump vào liên minh NATO cũng như quyết định ly dị của Anh Quốc làm châu Âu như cua gãy một càng. Bên ngoài biên giới, Trung Quốc và Nga tiếp tục lấn sân sau lẫn sân trước. Trong nội bộ thì phong trào dân tộc chủ nghĩa cực đoan nắm quyền ở Hungary, ở Ý và đang đe dọa các đảng truyền thống ở Pháp và Đức.

Bầu cử Nghị Viện tháng 5

Ký kết hiệp định Aix-la-Chapelle vào thời điểm này do vậy, còn là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến công luận và một số nhà chính trị trong Liên Hiệp Châu Âu. Như tổng thống Pháp tuyên bố vào tháng 11 năm 2018, bầu Nghị Viện là cơ hội để đoàn kết những « ai còn tin » vào châu Âu và thấy rõ « ai đã mất hết niềm tin », cụm từ thứ hai nhằm ám chỉ thủ tướng Hungary Viktor Orban và bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini.

Với hiệp định Pháp-Đức mới, chiến dịch tranh cử Nghị Viện Châu Âu đã thật sự bắt đầu.

RFI