Kinh tế Trung Quốc “xuống dốc”, ông Tập Cận Bình cảnh báo hàng loạt mối nguy hiểm (Dân Trí)
“Đảng đang phải đối mặt với những phép thử phức tạp và dài hạn liên
quan tới việc duy trì sự cầm quyền lâu dài, cải cách, mở cửa, nền kinh
tế định hướng thị trường và cả môi trường nội bộ. Đảng cũng phải đối mặt
với những mối nguy hiểm nghiêm trọng về sụt giảm tinh thần, thiếu hụt
năng lực, xa rời nhân dân, thụ động và tham nhũng. Đây là những đánh giá
chung dựa trên tình hình thực tế”, ông Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc
họp.
Theo Bloomberg, phát biểu trước các lãnh đạo tỉnh, các bộ
trưởng và tướng lĩnh cấp cao trong cuộc họp bất thường được tổ chức tại
Bắc Kinh hôm qua 21/1, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đảng Cộng sản
Trung Quốc cần nỗ lực nhiều hơn để “ngăn chặn và giải quyết các nguy cơ
lớn”. Ông Tập đề cập tới một loạt mối lo ngại trong các lĩnh vực mà ban
lãnh đạo Trung Quốc cần tập trung giải quyết, từ chính trị và hệ tư
tưởng cho tới kinh tế, môi trường và các vấn đề đối ngoại.
“Đảng đang phải đối mặt với những phép thử phức tạp và dài hạn liên
quan tới việc duy trì sự cầm quyền lâu dài, cải cách, mở cửa, nền kinh
tế định hướng thị trường và cả môi trường nội bộ. Đảng cũng phải đối mặt
với những mối nguy hiểm nghiêm trọng về sụt giảm tinh thần, thiếu hụt
năng lực, xa rời nhân dân, thụ động và tham nhũng. Đây là những đánh giá
chung dựa trên tình hình thực tế”, ông Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc
họp.
Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình từng đưa ra những cảnh báo tương tự
trước đây, song bài phát biểu hôm qua là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự
lo ngại ngày càng tăng của chính quyền Bắc Kinh về những tác động của
nền kinh tế bị đình trệ lên xã hội Trung Quốc. Bài phát biểu cũng cho
thấy sự cấp bách mà Trung Quốc đang phải đối mặt trong bối cảnh hiện
nay.
Theo SCMP, khoảng 12 tỉnh thành tại Trung Quốc buộc phải
thay đổi kế hoạch tổ chức các cuộc họp hội đồng nhân dân thường niên để
các nhà lãnh đạo tỉnh có thời gian tới Bắc Kinh dự cuộc họp với Chủ tịch
Tập Cận Bình. Ngoài ra, hàng trăm quan chức cấp cao từ tất cả các tỉnh
thành, vùng tự trị và lãnh đạo các cơ quan đảng cũng tham dự cuộc họp dự
kiến kéo dài 4 ngày tại Bắc Kinh.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang chứng kiến tốc độ
tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong 28 năm. Các nhà phân tích nhận định
tăng trưởng GDP năm 2018 của Trung Quốc ở mức 6,6%, mức thấp nhất kể từ
năm 1990 và giảm so với mức 6,8% của năm 2017.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Tập Cận Bình nói rằng mặc dù nền kinh tế
Trung Quốc nhìn chung vẫn vận hành tốt, nhưng Trung Quốc không nên chủ
quan và vẫn phải nhận thức những khó khăn tiềm tàng ở phía trước.
“Chúng ta phải duy trì cảnh giác ở cấp độ cao. Chúng ta không chỉ
cảnh giác cao độ với mọi vụ việc “thiên nga đen”, mà còn phải có những
bước đi để ngăn chặn mọi nguy cơ “tê giác xám”, ông Tập Cận Bình nói.
“Tê giác xám” là thuật ngữ chỉ những mối đe dọa rõ ràng nhưng bị phớt
lờ, trong khi “Thiên nga đen” là thuật ngữ miêu tả các biến cố bất ngờ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học với an ninh quốc gia, Chủ tịch
Tập Cận Bình kêu gọi thúc đẩy hơn nữa sự sáng tạo và công nghệ của Trung
Quốc. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi các nước phương Tây gần đây tăng
cường siết chặt các công nghệ từ Trung Quốc và cáo buộc các công ty viễn
thông Trung Quốc về hành vi gián điệp.
“Chúng ta phải đương đầu với các diễn biến quốc tế khó dự đoán và môi
trường bên ngoài nhạy cảm, phức tạp. Nhiệm vụ của chúng ta là phải duy
trì sự ổn định khi tiếp tục công cuộc cải cách và phát triển”, ông Tập
Cận Bình nói thêm.
Theo Bloomberg, ban lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt
với một nước Mỹ ngày càng cứng rắn hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump
- người sẵn sàng áp thuế đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Trong một bình luận trên Twitter vào tối qua ở Washington, ông Trump
tiếp tục đề cập tới Bắc Kinh.
“Trung Quốc đã công bố những số liệu kinh tế thấp nhất kể từ năm 1990
do căng thẳng thương mại và các chính sách mới với Mỹ. Điều này có ý
nghĩa rất lớn để Trung Quốc rốt cuộc phải đưa ra một thỏa thuận thực sự
và dừng chơi đùa”, ông Trump viết.
Thành Đạt
Theo SCMP, Bloomberg