Ông Hữu Thỉnh: Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta! (TTO)

Thật là nhục nhã cho đội quân ăn bám được ngụy tranh bởi cái tên rất mỹ miều "Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam" gồm hơn 40.000 người. Đố ai biết được họ đã làm được gì ngoài việc bưng bô cho chế độ? Thương thay trí thức Việt Nam thời XHCN. Nhà nước làm gì ra tiền, tiền mà họ (những chiến sĩ giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của đất nước) đang ăn hàng ngày đó là tiền (đóng thuế) bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng, là tiền của người công nhân làm quần quật không đủ sống, là tiền của "chị lao công đêm đông quét rác" đấy...Đáng nói nhất là ông Hữu Thỉnh, ông thấy "vui mừng" thay vì thấy "nhục". "Tài năng" gì mà không kiếm nổi miếng ăn? Đúng là nhục thay cho họ. Những người thực sự có lương tri và trí tuệ nên sớm rời bỏ tổ chức này để khỏi bị mang tiếng.



Như thường lệ, người đứng đầu Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trong sáng nay đã có một bài phát biểu rất "hùng hồn" trước các "anh em" hội viên. 

Ông Thỉnh nói năm 2018 là năm  gặt hái được nhiều thành công nhưng cũng là một năm nhiều thử thách. "Đất nước phát triển thuận lợi nhưng chúng ta thì khó khăn vô cùng, đến mức bị đặt vào tình thế "tồn tại hay không tồn tại", ông Hữu Thỉnh nói. 

Và nguyên nhân gieo rắc khó khăn cho Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chính là đề án cải tiến phương thức hoạt động các hội văn học nghệ thuật của Bộ Nội vụ. 

"Một đề án rất dày, công phu, nhưng tựu trung lại chỉ có mấy chữ thôi: tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải. Nghĩa là chúng ta sẽ không có biên chế, trụ sở, không được hỗ trợ nữa. 

Đề án đổi mới phương thức hoạt động mà chỉ tập trung vào mỗi vấn đề là xã hội hóa chứ không nói gì đến việc làm thế nào để phát huy tài năng của văn nghệ sĩ. Cả một giới tài năng thì không nói gì hết, chỉ nói cắt hỗ trợ. Thật gay go vô cùng", ông Thỉnh nói. 

Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tâm sự với các anh em: "Không thể để cho giới văn học nghệ thuật của chúng ta tự trang trải được đâu. Bao thế hệ tài năng, hết lòng vì đất nước!"

Ông Thỉnh cho rằng nếu Nhà nước quyết làm theo đề án này nghĩa là sẽ "biến đội quân sáng tạo tinh thần cho đất nước chỉ lo kiếm sống". 

Như vậy thì Nhà nước sẽ mất nhiều hơn được. Nhà nước chỉ tiết kiệm được 85 tỉ đồng mỗi năm nhưng lại mất đội quân 4 vạn người là những "chiến sĩ giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của đất nước", "mất cả đội ngũ bao năm gắn bó với đất nước, với cách mạng và sáng tạo ra đời sống tinh thần cho nhân dân". 

"Đẩy 4 vạn văn nghệ sĩ cả nước đi chạy quảng cáo, xin tài trợ kiếm sống thì thời giờ đâu để trở thành chiến sĩ giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của đất nước", ông Thỉnh nói. 

Và ông cho biết ông cùng các lãnh đạo Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã kiên trì trình bày những trăn trở này với lãnh đạo cao nhất. 

Và người đứng đầu Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vui mừng báo tin sự kiên trì của ông đã được đền đáp.
Ông Thỉnh còn giải thích thêm rằng "Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động thực chất là Nhà nước nuôi". "Nhà nước nuôi anh em chúng ta", ông Thỉnh vui .
Tại lễ tổng kết, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng trao giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2018. Nhiều hạng mục không có giải A, giải B, nhưng ông Thỉnh nói mùa giải này không phải "mất mùa", mà do ban tổ chức quyết định chấm giải một cách nghiêm túc, "không hạ chuẩn để đổi lấy phong trào".
"Chúng tôi muốn giải thưởng này khuyến khích tài năng thật, không khuyến khích các giá trị trung bình, vô thưởng vô phạt kiểu phong trào", ông Thỉnh nói. 

Kết quả, ban tổ chức đã trao 10 giải thưởng cho các tác giả là hội viên các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương; giải thưởng cho các tác giả là hội viên các hội văn học nghệ thuật địa phương có 1 giải A, 7 giải B, 17 giải C và 26 giải khuyến khích, 4 giải tác giả trẻ.

THIÊN ĐIỂU