Dân Thủ Thiêm đòi cụ thể nhưng chính quyền đưa phương án 'mơ hồ' (BBC)

"Hoặc trường hợp bà bà Lê Thị Bạch Tuyết nói nhà bà 56 m nhưng bị ép xuống còn 36 m. Bà không đồng ý nhưng bị 'cưỡng chế' rồi tiền đền bù cho bà được gửi vào ngân hàng, mức 18 triệu đồng/m2 trong khi đất nhà bà được chính quyền bán với giá 350 triệu đồng/m2". Đất bán hết từ đời nào rồi còn đâu. Bày ra diễn cho vui vậy chứ đất đâu mà đền cho bà con. 


Sáng 14/11, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh lại gặp dân ba phường An Lợi Đông, Thủ Thiêm và An Khánh thuộc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp đền bù hợp ý cả hai phía.

Đây là lần thứ ba liên tiếp trong vòng hai tháng qua lãnh đạo thành phố gặp dân Thủ Thiêm. 

"Chỉ những người có thư mời mới được vào bên trong Trung tâm bồi dưỡng Chính trị quận 2 để gặp lãnh đạo thành phố, theo truyền thông Việt Nam.

Nhiều người dân không được vào đã đứng ngoài căng biểu ngữ, băng rôn với nội dung "Cả năm phường quận 2 đều không nằm trong quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm". 

Bà Thùy Dương, một người dân Thủ Thiêm, nói với BBC rằng có xô xát giữa "một nhóm mặc thường phục" với những người dân Thủ Thiêm không được vào hội trường. 

"Dân đòi cụ thể - Lãnh đạo mơ hồ"

"Cuộc gặp sáng 14/11 của lãnh đạo thành phố với dân Thủ Thiêm chưa đi đến kết quả gì. Họ chỉ ghi nhận ý kiến của người dân đòi lại 160 ha tái định cư đã bị giao cho 51 doanh nghiệp," Nguyễn Thùy Dương, một người dân Thủ Thiêm nói với BBC hôm 14/11.

Thùy Dương là người phụ nữ "ném giày" trong cuộc họp của bà ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm với dân Thủ Thiêm hồi tháng 10 gây xôn xao dư luận.

"Dân đòi rõ ràng, thiết thực như trả nhà, đất như cũ, trừng trị quan chức sai phạm. Họ không cần bất kỳ phương án nào khác."

"Nhưng thành phố lại mập mờ, đưa ra 10 phương án cũ mà người dân không thèm quan tâm vì không liên quan gì đến quyền lợi của họ."

"Mong rằng chính quyền thành phố Hồ Chí Minh tôn trọng quyền thương thượng và quyền quyết định của người dân nhanh chóng giải quyết vụ việc."

"Vì nếu kéo dài thời gian, Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng và quận 2 nói chung sẽ hóa thành một đầm lầy khó lòng cứu chữa," bà Thùy Dương nói với BBC từ Sài Gòn.

"Lấy cả đất ngoài khu đô thị TT để giao doanh nghiệp"

Cũng theo bà Dương, "đại án Thủ Thiêm" thực chất không chỉ liên quan đến dân năm phường thuộc quận 2 - những người đang đấu tranh đòi lại 160 ha đất mà chọ cho là bị thu hồi sai.

"Sai phạm ở Thủ Thiêm còn liên quan đến ba phường khác, là Cát Lái, An Phú, Thạnh Mỹ Lợi. Đây là ba phường không liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm," bà Dương nói.

"Trong đó, sai phạm nghiêm trọng nhất là ở phường Cát Lái và An Phú." 

"Vấn đề đã nghiêm trọng hơn. Vì họ biết đáng ra họ được tái định cư trong khu 160ha ở trung tâm chứ không phải bị đẩy đi tái định cư ở các phường khác nhau xa trung tâm khoảng 20 km."

Cũng theo bà Dương, nhiều phần đất tại ba phường này bị thành phố thu hồi, nói là dùng để tái định cư, nhưng thực chất giao cho doanh nghiệp, hoặc không xác định được đã dùng vào việc gì.

"Trong 90 ha đất lấy của ba phường nói trên, thành phố giao 60 ha cho các doanh nghiệp như Trần Thái, Keppel Land. Trong 30 ha còn lại, họ chỉ dùng 5 ha để tái định cư cho dân. Còn lại 25 ha mất, giờ chưa xác định được mất ở đâu?"

"Riêng ở phường Cát Lái, thành phố lấy 50 ha đất để tái định cư cho dân Thủ Thiêm, nhưng trên thực tế tái định cư không được 10 ha. Phần còn lại giao cho ai?" bà Dương đặt câu hỏi.

'Khó sửa được như cũ'

Ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng ban tiếp dân của thành phố, nói "Sau nhiều năm rồi, tất cả khó mà sửa lại được y như cũ". 

Về vấn đề này, bà Thùy Dương nói với BBC nói rằng "như cũ" tức là "thành phố cần tái định cư cho dân đúng chỗ cũ, nền cũ, diện tích cũ. Sau đó bồi thường chi phí xây cất, thưa kiện và xử lý quan chức sai phạm". 

Tuy nhiên bà nói "sợ rằng đất đã bị bán trước khi cưỡng chế". 

Ông Điệp nói trong buổi tiếp dân sáng 14/11 rằng 'mong bà con có gì có thể tha thứ thì rộng lòng tha thứ", và rằng không có sự hợp tác thì không thể giải quyết được.

Ông Điệp cũng nói sau Tết âm lịch phải giải quyết để người dân có chỗ ở ổn định. 

"Kết luận thanh tra 1483 là do Thủ tướng giao"
Một trong những phát biểu đáng chú ý của ông chủ tịch Nguyễn Thành Phong liên quan đến kết luận 1483 của Thanh tra Chính phủ về khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ông Phong khẳng định Thủ tướng đã chỉ đạo giao thành phố triển khai thực hiện kết luận này. Sau đó thành phố đã có kế hoạch 821 triển khai thực hiện và lắng nghe người dân để hoàn thiện chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư. 

Kết luận 1483 cho hay khu 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch, mang lại hi vọng lấy lại đất cho chín hộ dân thuộc khu này. 

Tuy nhiên nhiều người dân Thủ Thiêm cho rằng đây chỉ là kết luận nội bộ chứ Thủ tướng chưa hề cho thanh tra toàn diện khu Thủ Thiêm. Và rằng hơn 160ha của toàn bộ năm phường ở quận 2 ngoài ranh chứ không phải chỉ 4,3 ha.

Ông Phong cũng hứa sẽ "báo cáo lại" kiến nghị của người dân về việc "còn bốn khu phố nữa cũng nằm ngoài ranh". 

"Liên quan 160ha tái định cư, quá trình rà soát xem xét lại, trên nguyên tắc cái nào sai phải sửa, liên quan trách nhiệm của ai thì phải xử lý", ông Phong được dẫn lời trên báo Tuổi Trẻ

Ông Phong lý giải phàn nàn của người dân về việc thành phố 'chần chừ' trong bồi thường cho các hội khiếu nại, rằng "phải để thành phố nghiên cứu xem xét trên cơ sở pháp luật".
Các ý kiến của người dân Thủ Thiêm đưa ra trong cuộc họp chủ yếu nói về tình hình sai phạm liên quan đến thu hồi và đền bù tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Các vụ thu hồi đất sai rất đa dạng, ví dụ trường hợp của bà Mê Linh, phường An Lợi Đông, quận 2, cho biết nhiều thế hệ của một gia đình cùng sinh sống trên khu đất rộng, nhưng khi di dời bị gộp lại thành một khẩu và chỉ đền bù một suất tái định cư. 

Hay trường hợp bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ (ngụ phường An Lợi Đông) cho biết nhà bị cưỡng chế năm 2009 và không hề được bồi thường một đồng nào vì bị cho là "nhà không số".

Hoặc trường hợp bà bà Lê Thị Bạch Tuyết nói nhà bà 56 m nhưng bị ép xuống còn 36 m. Bà không đồng ý nhưng bị 'cưỡng chế' rồi tiền đền bù cho bà được gửi vào ngân hàng, mức 18 triệu đồng/m2 trong khi đất nhà bà được chính quyền bán với giá 350 triệu đồng/m2. 

Bà Trần Thị Mỹ (77 tuổi, ngụ phường An Khánh) nói bà đã có 14 năm đi khiếu kiện, nêu vấn đề thành phố thu hồi lố hơn 800ha đất 5 phường. Vấn đề chỉ 'lòi' ra sau khi dân đọc danh sách bồi thường của thành phố.

Cũng theo bà Mỹ, chính quyền đã tự thay đổi hồ sơ thiết kế được duyệt ban đầu khi đẩy dân 5 phường đi tái định cư ở nhiều phường khác nhau, cách xa trung tâm thành phố tới gần 20 km. 

Khu đô thị mới Thủ Thiêm được phê duyệt quy hoạch đã gần 20 năm, kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế, chi gần 30.000 tỷ đồng bồi thường, tái định cư, 15.000 hộ dân bị di dời, nhưng tới nay vẫn chưa thành hình.