Bình luận diễn biến về phiên tòa xử tướng Vĩnh (BBC)

Khả năng là sẽ "giờ cao đánh khẽ" thôi vì ĐCSVN rất cần đến lực lượng "còn đảng còn tiền" này. Mặc dù đây mới chính là "thế lực phản động" làm xã hội đảo điên và tan nát.  


Tướng Phan Văn Vĩnh "rời phòng xử vì tăng huyết áp" sáng 11/11, trong lúc một luật sư bình luận với BBC về chuyện ông Vĩnh được ghi nhận "có tình tiết giảm nhẹ".

Phiên tòa xử ông Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, cùng tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu cục trưởng C50 và những "đồng phạm" trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ đang diễn ra tại Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Tin cho hay, sáng 14/11, ông Vĩnh được vào phòng trong để chăm sóc y tế, trong lúc phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo thuộc nhóm tội đánh bạc.

Ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị cáo buộc tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Khung hình phạt theo quy định cho tội danh này là từ 5-10 năm tù.

Trước ngày phiên tòa diễn ra, báo InfoNet cho hay ông Vĩnh "được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: trong quá trình điều tra, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội, khi còn công tác có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huy chương..."

Trong ngày đầu của phiên tòa, việc ông Vĩnh yêu cầu không công bố bản án sơ thẩm trên cổng thông tin điện tử của tòa án và được Hội đồng Xét xử chấp thuận làm dấy lên cuộc tranh luận về tính pháp lý.

Ông Bùi Quang Sơn, phó chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre, được báo Tuổi Trẻ dẫn lời: "Theo nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán, chỉ không công bố bản án trong một số trường hợp đặc biệt:
Phiên tòa xử kín, hoặc bản án thuộc phiên tòa xét xử công khai nhưng có chứa các thông tin về bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật gia đình chưa được mã hóa, phiên tòa có người chưa đủ 18 tuổi…"

"Nếu ra tòa, hỏi đương sự nào họ cũng bảo không đồng ý mà tòa cũng chấp nhận thì làm sao có bản án để mà công bố," tờ báo trích lời ông Sơn.

'Dư luận quan tâm'

Trả lời BBC hôm 14/11, Luật sư Nguyễn Khả Thành bình luận: 

"Tôi thấy đây là một phiên tòa số bị cáo quá nhiều, một số bị cáo trước đây lại là tướng trong ngành công an nên dư luận khá quan tâm."

"An ninh cho phiên tòa cực kỳ nghiêm ngặt cũng là điều dễ hiểu."

"Phiên tòa vừa mở, chúng ta không biết bản án sẽ viết những gì. Nhưng nếu bản án có hiệu lực pháp luật mà có chứa một số thông tin sau thì sẽ không được công bố trên cổng thông tin điện tử của tòa án:

-Có chứa nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của Chính phủ hoặc chứa đựng những nội dung mà Nhà nước chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước.

-Có chứa thông tin về hoạt động đầu tư tài chính, bí quyết nghề nghiệp, công nghệ chưa được bộc lộ, có thể được sử dụng và tạo lợi thế trong kinh doanh mà trong quá trình tòa án xét xử, giải quyết vụ việc, người tham gia tố tụng đã có yêu cầu được giữ bí mật.

-Có chứa đựng nội dung ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư.

-Có chứa đựng nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa được mã hóa theo hướng dẫn.
"Nếu ông Vĩnh và cả ông Hóa có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ tại Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự thì theo Điều 54, tòa có thể cân nhắc hành vi phạm tội, nhân thân, tình tiết tăng nặng… và quyết định một mức hình phạt nằm trong khoản 1 (từ 1 đến 5 năm tù)."

Luật sư Thành cũng cho biết thêm: "Trong vụ án này có thể có hai trường hợp khỏi phải đi tù đó là: Được tòa tuyên "Cải tạo không giam giữ" và được hưởng "án treo."

"Nếu hình phạt được chuyển xuống khung 1 Điều 356, mức hình phạt sẽ là: bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Và như vậy tùy hành vi, nhân thân… của riêng mỗi bị cáo, tòa có thể cân nhắc xử phạt cải tạo không giam giữ, miễn nằm trong khung 1 là cũng phù hợp với điều 54 Bộ luật Hình sự." 

"Ngoài ra theo Điều 65 Bộ luật Hình sự, khi hình phạt tù không quá 3 năm, tòa cũng có thể xem xét một số yếu tố để áp dụng cho bị cáo được hưởng "án treo". Chẳng hạn như nếu người phạm tội không thuộc trường hợp là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng."

'Giá trị nêu gương'

Cũng trong hôm 14/11, nhà báo Nguyễn An Dân từ TP.Hồ Chí Minh, nói với BBC: "Tôi thấy các báo đăng tin ông Vĩnh rời phòng xử vì tăng huyết áp."

"Nhưng vấn đề không phải ông này khỏe hay không khỏe, mà vấn đề là các lời khai của ông có làm các cơ quan tố tụng "cảm thấy khỏe" trước áp lực dư luận hay không."

"Cảm nhận ban đầu của tôi là phiên tòa này có vẻ không chuyên nghiệp như phiên tòa xử ông Đinh La Thăng hồi đầu năm."

"Một khi không công bố bản án thì phiên tòa mất giá trị nêu gương và răn đe sai phạm, dù thiệt hại cho xã hội và cho Đảng trong vụ án này được ghi nhận là rất lớn."

Các mốc chính trong vụ này

30/9/2011, ông Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC).

10/10/2011, ông Nguyễn Văn Dương và ông Nguyễn Thanh Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh giữa CNC và C50 của Bộ Công an. Theo đó, CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 20%.

Giữa năm 2015, hai ông Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch HĐQT VTC Online) tung ra cổng game Rikvip/Tip.club, thu hút 43.000 người tham gia đánh bạc.

20/5/2016, ông Phan Văn Vĩnh ký công văn gửi Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cấp phép cho CNC, hợp thức hóa cổng game Rikvip và 23zdo.

11/3/2018, ông Hóa bị khởi tố, bắt tạm giam và bị tước danh hiệu Công an Nhân dân.

5/4/2018, ông Vĩnh bị khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng và tước danh hiệu Công an Nhân dân.

9/4/2018, Giám đốc điều hành Châu Nguyên Anh và Giám đốc Kinh doanh Phạm Quang Vinh của Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT Epay bị bắt và khởi tố liên quan đến cung cấp dịch vụ thanh toán và hưởng lợi từ đường dây đánh bạc.

31/8/2018, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ hoàn thành cáo trạng truy tố ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, cùng 90 bị can khác.