Bài học nào từ chiến tranh thế giới lần thứ Nhất? (Việt Hoàng)



Một sự kiện đặc biệt và quan trọng mà không thể không nói đến nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I là sự chấm dứt vai trò lãnh đạo độc tôn của Mỹ được thiết lập từ sau Thế chiến 2. Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Pháp hôm 10/11/2018, sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với tổng thống Pháp Macron thì Trump đã không gặp bất cứ một nhà lãnh đạo nào mà chỉ “ngồi chơi xơi nước” trong đại sứ quán Mỹ suốt buổi chiều hôm đó.(Việt Hoàng)


Hôm nay, ngày 11/11/2018 gần 70 nguyên thủ quốc gia trên thế giới tề tựu về Paris, Pháp để long trọng kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I. Cuộc chiến này diễn ra từ tháng 7/1914 đến 11/11/1918 làm chết gần 20 triệu người và tàn phá nhiều quốc qia. 

Đây là cuộc chiến giữa phe Hiệp Ước gồm Anh, Pháp, Nga và sau đó là Mỹ và Brasil với phe Liên Minh gồm Đức, Áo-Hung, Bulgaria và Ottoman. Tuy nhiên Pháp và Đức là hai nước chủ chốt trong cuộc chiến này và đồng thời cũng là hai nước chịu nhiều thiệt hại nhất. Gần 6 triệu người Pháp đã chết hoặc bị tàn phế trong cuộc chiến trên một dân số 39 triệu. Tại Đức con số này là 6 triệu rưỡi trên 65 triệu dân.

Đức là nước thua cuộc và phải bồi thường chiến tranh cho Pháp rất lớn. Chính vì thiếu tinh thần hòa giải nên Pháp đã dồn Đức vào đường cùng và chính điều này đã góp phần đưa Hit-le và Đảng quốc xã Đức lên nắm quyền nhờ khai thác tâm lý bất mãn của người dân. Chiến tranh thế giới lần thứ 2 xảy ra như là sự tiếp nối cuộc chiến tranh lần I.

Cùng với Đức, đế quốc Nga, Áo-Hung và Ottoman cũng sụp đổ theo. Đáng nói nhất là sự sụp đổ của đế quốc Nga đã khai sinh ra nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới do Lê-nin lãnh đạo. Cuộc cách mạng mùa xuân tháng 2/1917 do giai cấp tư sản Nga khởi xướng đã lật đổ được chế độ quân chủ của Nga hoàng Nicolas II. Tuy nhiên chính phủ lâm thời Nga do Alexander Kerensky lãnh đạo đã sai lầm khi quyết định tiếp tục tham gia Thế chiến I khi nước Nga đã hoàn toàn kiệt quệ, 2 triệu người lính Nga đã tử thương và 5 triệu người bị thương. Tâm lý chống chiến tranh lan rộng khắp nước Nga từ nông thôn đến thành thị và đặt biệt là trong giới binh sĩ. Nước Đức cũng muốn chấm dứt chiến tranh với Nga để rảnh tay đối phó với Anh-Pháp nên đã hậu thuẫn Lê-nin về nước làm cách mạng. (1) Lê-nin, một chuyên gia khủng bố thượng thặng đã thành công trong việc cướp chính quyền từ tay chính phủ lâm thời của Kerensky và lập nên nhà nước Xô-viết.

Sau khi liên quân Anh-Pháp với sự trợ giúp của Mỹ từ năm 1917 đánh bại Đức nhưng vì thiếu ý thức hòa giải sau các cuộc chiến tương tàn nên phe thắng cuộc đã áp đặt nhiều điều khoản bất lợi cho phe thua cuộc khiến tinh thần quốc gia của nhiều dân tộc bị tổn thương nặng và đây là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trỗi dậy tại Đức, Ý, Nhật…

Cũng vì thiếu tinh thần hòa giải cộng thêm việc bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi  xem việc chinh phục các nước khác để mở mang bờ cõi là đương nhiên vì hành động tự nhiên của mọi quốc gia là phải chinh phục để mở rộng lãnh thổ và thiết lập trật tự thế giới mới. Chủ nghĩa sô vanh của Hegel xem sự xung đột giữa các dân tộc là tự nhiên vì mọi dân tộc đều phải bảo vệ và mở rộng không gian sinh tồn của mình. Chủ nghĩa quốc gia quá khích này đã không giải quyết được những mâu thuẫn của Thế chiến I mà còn mở đường cho Thế chiến 2.

Thế chiến 2 diễn ra sau đó với sự thảm khốc và đẫm máu còn hơn cả Thế chiến I. Trải qua bao đau thương mất mát loài người mới nhận ra rằng mọi dân tộc đều phải có trách nhiệm kiến tạo và bảo vệ hòa bình. Cần tôn trọng các giá trị căn bản của con người trên khắp hành tinh, khẳng định sự bình đẳng giữa những con người thuộc mọi chủng tộc trong mọi quốc gia. Đề cao tư tưởng và các giá trị đạo đức nền tảng như dân chủ, tự do, bao dung, liên đới, hợp tác, thỏa hiệp và nhân nhượng lẫn nhau.

Hôm nay sau buổi tưởng niệm các Chiến sĩ Vô danh tại Khải Hoàn Môn, tổng thống Pháp và các vị nguyên thủ từ 70 quốc gia đã cùng nhau khai mạc Diễn Đàn Hòa Bình trong ba ngày từ 11/11/2018 đến 13/11/2018 nhằm rút ra những bài học từ Thế chiến I và thảo luận về hợp tác quốc tế nhằm duy trì hòa bình và ổn định cho hành tinh của chúng ta.

Một sự kiện đặc biệt và quan trọng mà không thể không nói đến nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I là sự chấm dứt vai trò lãnh đạo độc tôn của Mỹ được thiết lập từ sau Thế chiến 2. Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Pháp hôm 10/11/2018, sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với tổng thống Pháp Macron thì Trump đã không gặp bất cứ một nhà lãnh đạo nào mà chỉ “ngồi chơi xơi nước” trong đại sứ quán Mỹ suốt buổi chiều hôm đó. Sáng 11/11/2018, Trump tham gia buổi kỷ niệm ở Khải Hoàn Môn, trong đó ngay trước mặt ông, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án chủ nghĩa quốc gia (nationalism) mà Donald Trump vừa đề cao vài ngày trước như là nguyên nhân của hai cuộc thế chiến. Buổi chiều Donald Trump đi thăm một nghĩa trang, nơi yên nghỉ của hơn 1500 lính Mỹ hy sinh trong Thế chiến I, rồi ra về. Ông cũng như tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự Diễn Đàn Hòa Bình cùng  với 70 nguyên thủ quốc gia đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây là việc chưa từng xảy ra trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ.

Sau Thế chiến 2 thì Mỹ, một quốc gia hùng mạnh và dân chủ bậc nhất thế giới được thừa nhận như là quốc gia lãnh đạo phe dân chủ và gần như là cả thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Mỹ đóng quân ở 170 quốc gia và liên minh quân sự với hơn 60 nước trong đó đặc biệt nhất là với Liên Hiệp Châu Âu gồm 28 nước thành viên. Khối quân sự NATO cũng do Mỹ lãnh đạo. Mọi quyết định lớn nhỏ từ trước đến nay đều do Mỹ quyết định các nước khác chỉ việc tuân theo. Tất cả đều đồng thuận để Mỹ làm lãnh đạo. Nay vai trò đó của Mỹ đã kết thúc với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” của Trump.

Thật ra thì Mỹ đã từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới khi bầu Bill Clinton, một tổng thống đắc cử với khẩu hiệu “chỉ làm kinh tế” mà sẵn sàng bỏ qua các giá trị về nhân quyền và tự do. Sau Clinton các tổng thống như Bush con hay Obama đều theo đuổi chủ nghĩa thực tiễn, đặt quyền lợi kinh tế lên trên các giá trị đạo đức và nhân quyền. Trump là người đẩy mạnh quá trình này và đặt dấu chấm hết cho vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Mỹ. 

Tất nhiên là Mỹ vẫn muốn lãnh đạo thế giới (ai mà chẳng muốn) nhưng lại không muốn chịu trách nhiệm gì. Trump luôn đặt vấn đề là Mỹ phải gánh quá nặng chi phí để đảm bảo an ninh thế giới với ngân sách quốc phòng khoảng 650 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên cùng với việc chấp nhận vai trò lãnh đạo của Mỹ thì cả thế giới đã chấp nhận dùng đồng tiền đôla Mỹ như là đồng tiền chung. Chính việc chấp nhận sử dụng đồng tiền của Mỹ làm đồng tiền thanh toán chung thì cả thế giới đã chia sẻ và gánh vác trách nhiệm chung với Mỹ khi phải chịu lạm phát chung của đồng đôla Mỹ. Chưa kể Châu Âu đã đóng góp rất nhiều trí tuệ, phát minh và cung cấp một nguồn nhân lực cao cấp cho nền kinh tế Mỹ. Mỹ được lợi rất nhiều khi được làm lãnh đạo thế giới. 

Đương nhiên Mỹ vẫn là quốc gia có tiếng nói và trọng lượng lớn trên thế giới trong nhiều năm nữa nhưng Mỹ không còn là tiếng nói duy nhất và áp đảo hoàn toàn như trước đây. Các liên minh quân sự và kinh tế sẽ sớm ra đời để thay thế vào chổ của Mỹ bỏ trống. “Món quà” đầu tiên cho Trump là liên minh quân sự gồm 10 nước Châu Âu vừa được hình thành song song bên cạnh NATO theo sáng kiến của tổng thống Pháp. Có ý kiến lo ngại rằng Nga và Trung Quốc sẽ nổi lên để trám vào chỗ của Mỹ. Theo tôi sự lo lắng này không có cơ sở. Nga đã bị kiệt quệ sau cuộc can thiệp quân sự vào Ukraine và cưỡng chiếm bán đảo Krimea. Trung Quốc đã lên tới đỉnh của sự phát triển và giờ đang hạ cánh cứng. Khủng hoảng kinh tế đang làm tan biến “giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình.

Phong trào dân túy trên thế giới sẽ nhanh chóng qua đi khi không thể đưa ra những giải pháp khả thi để giải quyết những vấn đề khó khăn và phức tạp của thời đại công nghệ 4.0. Tư duy con người tuy vẫn còn khác biệt nhưng đa số đều đồng thuận với nhau trên những giá trị chung như hòa bình, dân chủ, nhân quyền, tự do, hợp tác, bao dung và liên đới. Những giá trị này là không thể nào thay thế và xóa bỏ.

Việt Hoàng (11/11/2018)