Ông Nguyễn Hữu Tín đã làm gì với 'đất vàng' ở Sài Gòn? (VNN)

Quan chức cộng sản Việt Nam không giàu mới là chuyện lạ. Tiền chúng không biết để đâu và làm gì cho hết. Trong khi ngân sách đang cạn kiệt và cuộc sống người dân ngày càng khó khăn hơn. Chẳng lẽ ngoài tiền ra họ không còn lý tưởng gì? Thật kinh khủng khi những kẻ không có đạo đức được nắm giữ quyền lực. Chúng dám làm mọi chuyện. 


Hàng loạt đất vàng, đất kim cương thuộc dạng công sản trên địa bàn đã bị ông Nguyễn Hữu Tín khi giữ chức Phó chủ tịch TP.HCM phụ trách mảng đô thị và nhóm quan chức cấp sở ngành tiếp tay, 'hô biến' thành đất tư nhân.

50 nhà đất công sản trong diện điều tra

Theo nguồn thông tin, cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tập trung điều tra về hàng loạt các khu đất vàng, đất kim cương thuộc dạng công sản đã bị giao cho tư nhân có dấu hiệu sai phạm, vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Trước mắt, Bộ Công an tập trung làm rõ về các quyết định giao đất trong thời kỳ ông Nguyễn Hữu Tín giữ chức Phó chủ tịch UBND TP.HCM, phụ trách mảng đô thị.

Ngoài 2 vụ án đã khởi tố đối với ông Nguyễn Hữu Tín gồm vụ án vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến Vũ “nhôm” và “vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất đai” liên quan khu đất kim cương ở đường Hai Bà Trưng, Q.1, nguồn thông tin cho hay, Bộ Công an đang làm rõ khoảng 50 nhà đất công sản đã bị giao trái quy định trong thời ông Tín còn tại chức.

Tất cả các vụ việc này có dấu hiệu là giao tài sản nhà nước cho tư nhân không qua hoạt động đấu giá, chỉ định giao với nhiều quy trình được cho là 'thủ thuật'.
Nguồn thông tin cho hay, quá trình điều tra nhiều vụ giao hàng chục nhà, đất công sản có nhiều dấu hiệu sai phạm, Bộ Công an tiến hành mời làm việc với hàng loạt người, là cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu của nhiều sở, ngành TP.HCM. 

Riêng 5 bị can gồm ông Nguyễn Hữu Tín và những cá nhân từng là thuộc cấp, khi bị khởi tố bị can đã bắt đầu mời luật sư tham gia vào quá trình tố tụng.

Nhắc lại vụ án mà ông Tín bị khởi tố giữa tháng 9/2018 này để thấy rõ các công sản bị “xẻ thịt”, chuyển giao cho tư nhân dễ dàng như thế nào.

Điển hình là khu đất số 8 đường Nguyễn Trung Trực, Q.1 vốn là dự án xây dựng Thư viện Thiếu nhi TP nhưng từ tờ trình của ông Đào Anh Kiệt, lúc đó là Giám đốc Sở TN&MT, ông Tín đã ký giao cho công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 làm dự án khu phức hợp cao cấp. Sau đó, công ty của Vũ 'nhôm' được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm.

Lô đất vàng khác, ở số 8 đường Nguyễn Trung Trực, Q.1 cũng bị “bộ sậu” ông Tín - ông Kiệt và các thuộc cấp giao cho công ty của Vũ “nhôm” với thời hạn 50 năm. Hiện tại vị trí này đã mọc lên 1 dự án phức hợp thuộc loại cao cấp bậc nhất TP.HCM.

Lô đất số 2 - 4 - 6 đường Hai Bà Trưng bị làm “ảo thuật”?

Liên quan đến vụ án mới đây mà ông Nguyễn Hữu Tín và 4 người khác bị khởi tố được xác định là có sai phạm trong việc xử lý lô đất vàng số 2 - 4 - 6 đường Hai Bà Trưng, Q.1, quá trình “thâu tóm” khu đất đắc địa này được cho là có bóng dáng của những tập đoàn bất động sản lớn và quy trình có nhiều dấu hiệu đáng ngờ.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an trong quá trình mở rộng điều tra đã và đang mời làm việc hàng loạt người là cán bộ các sở ngành của TP.HCM, của Sabeco, Bộ Công thương để phục vụ công tác điều tra.
Khu đất số 2 - 4 - 6 đường Hai Bà Trưng rộng 6.000 m2, được UBND TP.HCM giao cho tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (tức Sabeco - trước đây thuộc Bộ Công thương) vào năm 2008 mà không qua đấu thầu. Bộ Công thương chấp thuận cho Sabeco sử dụng lô đất để xây dựng dự án trụ sở văn phòng và trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng.

Tuy nhiên, giữa năm 2015, xuất phát từ tờ trình của các sở ngành liên quan, ông Nguyễn Hữu Tín khi đó là Phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách đô thị đã ký quyết định giao khu đất cho công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl thuê đất 50 năm, trả tiền 1 lần. Nơi đây được biến thành khu phức hợp căn hộ thương mại - văn phòng - khách sạn 6 sao. Việc giao đất này không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua ý kiến của Bộ Tài chính.

Bất thường hơn, Sabeco Pearl đã đóng tiền sử dụng đất trước khi có quyết định chính thức... 13 ngày. Điều này được xác định là gây ra thất thoát tiền thuê đất rất lớn, bởi việc định giá trị thuê đất đối với Sabeco dùng để xây dựng trụ sở văn phòng làm việc hoàn toàn khác biệt với giá trị thuê đất để Sabeco Pearl sử dụng cho mục đích kinh doanh thương mại.

Toàn bộ quy trình giao đất này, Sở TN&MT, nơi ông Đào Anh Kiệt làm Giám đốc đã rà soát, thẩm tra, lập tờ trình để lãnh đạo UBND TP.HCM, lúc đó là ông Tín ký quyết định.

Pháp nhân Sabeco Pearl tiếp nhận dự án cũng có nhiều đáng ngờ, khi có 4 cổ đông tham gia, trong đó Sabeco chỉ chiếm 26%. Chỉ 4 tháng sau khi có quyết định giao đất, Sabeco Pearl đã xin điều chỉnh dự án thành xây dựng, kinh doanh trung tâm hội nghị, thương mại - dịch vụ văn phòng và căn hộ để bán.

Nửa năm sau, Sabeco đã rút ra khỏi Sabeco Pearl từ chỉ đạo của Bộ Công thương do không được đầu tư ngoài ngành. Sabeco đã thoái vốn thông qua việc đấu giá hơn 14,7 triệu cổ phần cho các cổ đông khác, thu về 195 tỷ đồng. Cuối năm đó, Sabeco Pearl do 3 cá nhân kiểm soát, đồng nghĩa với việc lô đất 2 - 4 - 6 đường Hai Bà Trưng đã rơi vào tay của tư nhân khi qua một loạt quy trình 'ảo thuật', tưởng chừng hết sức kín kẽ.

Phước An