Ca sĩ Mỹ Linh bị ‘ném đá’ vì bảo vệ dự án nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm (Khánh An)
Ca sĩ Mỹ Linh có hai cái sai. Thứ nhất mọi người đều bình đẳng và có quyền tự do ngôn luận. Việc cô đồng ý việc xây nhà hát giao hưởng là quyền của cô và những người phản đối là quyền của người ta. Bất cứ ai cũng có quyền nói lên suy nghĩ của mình và có quyền phán xét chính phủ. Thiếu hiểu biết và thiếu một tấm lòng nên Mỹ Linh mắc lỗi thứ hai khi chọn đứng về phía nhà nước thay vì đứng về phía người dân thấp cổ bé họng. Chế độ cộng sản đang bị oán hận ngút trời mà cô lại đứng về phía chúng thì quả thật là quá...ngu.
Ngôi sao nhạc pop hàng đầu Việt Nam, ca sĩ Mỹ Linh, đang bị dư luận
mạng xã hội công kích dữ dội vì chia sẻ quan điểm bảo vệ dự án xây dựng
nhà hát giao hưởng trị giá hơn 1.500 tỷ đồng (khoảng 65 triệu đôla) ở
Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong lúc một số người đề nghị mời “diva” này về “ăn ở với dân oan
một thời gian cho sáng mắt”, thì các nạn nhân mất đất ở khu vực Thủ
Thiêm nói với VOA rằng họ muốn gặp trực tiếp ca sĩ Mỹ Linh để hỏi rõ lý
do vì sao cô ủng hộ cho việc xây dựng nhà hát “trên xác người” này.
“Cô ca sĩ Mỹ Linh đang ở chỗ nào? Tôi cần gặp cô đó. Lý do gì mà cổ
ủng hộ nhà hát đó trong khi tài sản của nhân dân chúng tôi bị cướp hết?
Người dân chúng tôi phải sống khổ sở, lầm than, đói khát. Tài sản của
dân thì không trả, mà chính quyền lại cất nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ
trên phần đất của dân chúng tôi, cất nhà hát giao hưởng trên xác người,
trên mồ hôi nước mắt của nhân dân”, bà Trương Thị Yến, một đại diện của
nhóm dân oan Trường Thịnh-Thủ Thiêm, bức xúc nói với VOA.
Trong ảnh chụp màn hình bài viết đang lan truyền nhanh chóng trên
mạng xã hội của Facebooker Linh Mỹ Đỗ (ca sĩ Mỹ Linh) có đoạn viết:
“Ngày xưa nhà mình thiếu đói quanh năm, gạo ăn đong từng bữa mà đến kỳ
lương mẹ vẫn mua hoa về cắm, lọ hoa bé giản dị thôi mà nó ngời lên. Cả
góc nhà hy vọng, Tết thiếu miếng thịt nhưng chả thiếu cành đào đón xuân,
tất thảy chỉ vì yêu cái đẹp thôi. Ai dám phán xét người nghèo không có
cái quyền yêu cái đẹp?”
Bài viết sau đó tiếp tục chia sẻ câu chuyện của một người khác kể về
việc một nhóm nhà giàu, là chủ các báo địa phương ở Mỹ, đi tham quan các
tỉnh nghèo bị ảnh hưởng chiến tranh ở Việt Nam. Trong nhóm này, có một
người thay vì tặng tập vở, bút, bánh quy, quần áo… thì lại tặng những lọ
nước hoa bé tí “xa xỉ” cho những đứa trẻ nghèo.
Cuối câu chuyện, người viết nói rằng “Các bạn phản đối xây nhà hát
Thủ Thiêm, mình tôn trọng. Nhưng đừng phản đối vì lý do “dân không cần
ba lê và nhạc giao hưởng””… Ai cho các bạn quyền phán xét đó. Rất có thể
nước mình bây giờ nhiều sự vô cảm, thô lỗ, vì ngày xưa có những nhà
cách mạng vô sản đã nghĩ đúng như vậy: Dân chỉ cần cày cuốc không cần ba
thứ tư sản như ca hát múa may!”
Bài viết trên Facebook Linh Mỹ Đỗ đã được rút khỏi chế độ công khai
cho mọi người xem, nhưng những tấm ảnh chụp màn hình đã được chia sẻ
khắp nơi. Không ít nhà báo, giới trí thức tỏ ra bức xúc và đòi khơi lại
vụ ca sĩ này đã xây biệt thự ở khu rừng cấm Sóc Sơn, Hà Nội, trước đây.
Facebooker An Nguyen đề nghị “cưỡng chế” biệt thự xây dựng trái phép này
để ca sĩ Mỹ Linh “hết múa mép!”
Bà Bích Phượng, một cư dân Hà Nội, nói với VOA rằng bài viết cho thấy
quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” của ca sĩ hàng đầu này quá kém.
Bà nói: “Cô ta cho rằng bất cứ ai, dù nghèo, cũng có quyền được hưởng
những cái tinh túy của nghệ thuật. Nhưng cô không hiểu rằng khi bụng
đói, rét, không có nhà ở thì còn tâm trạng đâu để thưởng thức nghệ
thuật”.
Bà Phượng nói thêm rằng nghệ thuật của những người nghèo có chăng chỉ
là nghệ thuật dân gian, nghệ thuật đường phố, “chứ không phải thứ nghệ
thuật cao siêu mà bản thân những người trí thức ở thành phố cũng chưa
chắc cảm nhận được”.
“Tôi tin chắc rằng ngay cả các quan chức của chính quyền này cũng
không đủ trình độ để thưởng thức nhạc giao hưởng”, bà Phượng nói.
VOA đã liên lạc với ca sĩ Mỹ Linh để tìm hiểu thêm về quan điểm của cô nhưng chưa nhận được trả lời.
Những sai phạm nghiêm trọng trong việc quy hoạch đất cho Khu đô thị
mới Thủ Thiêm đã đẩy hàng trăm người dân nơi đây lâm vào cảnh màn trời
chiếu đất suốt gần 20 năm qua. Trong lúc sai phạm còn chưa được giải
quyết, UBND TPHCM lại đề xuất ý tưởng xây nhà hát trị giá 1.508 tỉ đồng
và cho rằng công trình này là để “đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng
thức” của hơn 10 triệu dân.
Các quan chức thành phố còn nhấn mạnh đây là một nhu cầu “cần thiết
và cấp bách”, “mang tính biểu tượng của thành phố”, theo Soha.
Sau khi công bố công khai trên báo chí vào ngày 9/10, dự án nhà hát
giao hưởng đã bị người dân phản đối mạnh mẽ. Bên cạnh những ý kiến chỉ
trích sự “vô cảm” của các quan chức, nhiều người đề nghị chính quyền hãy
sử dụng tiền để xây bệnh viện, trường học, chống ngập lụt hay xây dựng
những công trình dân sinh đang rất thiếu thốn tại thành phố đông dân.
Bản thân những nạn nhân mất đất ở Thủ Thiêm nói rằng chính quyền
trước tiên hãy bồi thường công bằng những phần đất đã lấy của dân, rồi
sau đó “muốn xây gì thì xây”.
“Trước mắt, họ không có quyền làm như vậy. Chúng tôi sẽ đi kiện họ
nữa”, bà Lê Thị The, một người mẹ có con trai đã chết vì thắt cổ sau khi
ngôi nhà bà bị cưỡng chế, nói với VOA.
Người phụ nữ 75 tuổi này tỏ ra nghi ngờ “có âm mưu về tài chính”
trong dự án xây dựng nhà hát nghìn tỷ trên mảnh đất thấm đẫm mồ hôi,
nước mắt và cả máu của người dân.
VOA