Tôi đã trở thành một chính trị gia như thế nào? (Việt Hoàng)

Chúng tôi là tổ chức có lộ trình và sự chuẩn bị để đón nhận cơ hội dân chủ hóa đất nước vì chúng tôi có một Dự Án Chính Trị rất rõ ràng, trong sáng và hợp lý. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị một nguồn nhân sự cần thiết để có thể gánh vác việc nước đó là đội ngũ cán bộ nòng cốt, là những chính trị gia thật sự có hiểu biết và đồng thuận với nhau trên những lập trường và giá trị chung.  

 Một người được xem là chính trị gia khi hội đủ ba yếu tố sau : 
1. Là người hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Phải có kiến thức về chính trị trên mức trung bình so với đa số người dân. Phải biết ăn nói, diễn thuyết và lý luận. Nếu thường xuyên viết được các bài chính luận thì càng tốt.
2. Là người hoạt động ôn hòa. Tất nhiên là các chính trị gia phải dùng lời nói để thuyết phục người khác chứ không thể dùng nắm đấm. Rất nhiều quan chức Việt Nam cũng xưng là "chính trị gia" nhưng điều đó là khiên cưỡng vì họ thiếu yếu tố "ôn hòa". Đảng cộng sản Việt Nam là một tổ chức khủng bố, đằng sau các "chính trị gia" cộng sản là cả hệ thống chuyên chính vô sản với dùi cui và nhà tù.
3. Là người của một tổ chức chính trị nào đó. Có những người nghiên cứu chính trị cả đời, kiến thức uyên thâm và ôn hòa nhưng nếu không tham gia vào một tổ chức chính trị nào thì họ cũng chỉ là các nhà "nghiên cứu chính trị" chứ không phải là chính trị gia.
Khi chúng ta (tức phong trào dân chủ Việt Nam) đã chọn phương pháp đấu tranh 'bất bạo động' thì đương nhiên lời nói và lý luận là vũ khí quan trọng nhất.
Suy nghĩ, viết và nói là sản phẩm của tâm hồn và trí tuệ của con người.
Về cơ bản ai cũng có thể viết được, nói được nhưng viết và nói như thế nào lại là một chuyện khác. "Chém gió" cũng là nói nhưng chỉ để mua vui khi "trà dư hậu tửu", các chính trị gia cũng chỉ nói nhưng lời nói của họ có thể ảnh hưởng đến vận mệnh cả dân tộc.
Qua cách viết, cách nói của mỗi người là chúng ta có thể đánh giá được người đó có trí tuệ hay không.
Viết thường khó hơn nói vì phải có thói quen và sự sắp xếp ngôn ngữ. Khi nói sai thì có thể sửa nhưng viết sai thì khó sửa hơn.
Bản thân tôi, cách đây 20 năm cũng chỉ là một blogger. Thấy "chướng tai gai mắt" thì lên tiếng chứ chưa có định hướng gì cho bản thân. Là một người lớn lên và học hành dưới "mái trường xã hội chủ nghĩa" tôi chỉ biết một thứ chính trị duy nhất là chủ nghĩa cộng sản của Mác-Lênin. Nhờ vào sự bùng nổ công nghệ thông tin mà tôi đã có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Internet và các mạng xã hội đã giúp tôi mở mắt và biết được nhiều thứ mà trước đó tôi không bao giờ được biết, đúng hơn là không được phép biết. Tôi có đam mê về chính trị và viết lách nên đã bắt đầu như một blogger. Sở trường của tôi trước đây là bình luận về thời sự và chính trị. Có những bài viết rất ăn khách khi được hầu hết các trang báo lề trái đăng tải.
Nhưng rồi theo thời gian, và do tham gia vào một tổ chức chính trị là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nên tôi đã thay đổi tư duy vì nhận ra rằng cho dù tôi có "bình luận" giỏi đến mấy, nói hay đến mấy thì cũng không đem lại kết quả gì ngoài việc giúp độc giả đọc cho "sướng" và nhất là không thay đổi được chế độ hiện tại.
Bất cứ một tổ chức chính trị thực thụ nào cũng có tham vọng được người dân lựa chọn để trở thành đảng cầm quyền vì một tổ chức chính trị là để thể hiện một tư tưởng chính trị và để thực thi một dự án chính trị. Nói một cách dễ hiểu hơn đó là chúng tôi (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) không chia sẻ với các giá trị và tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản mà Đảng cộng sản Việt Nam đang áp dụng tại Việt Nam. Chúng tôi muốn một giải pháp khác cho đất nước và đó là giải pháp "dân chủ đa nguyên".
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tranh đấu không vì hận thù, không vì tranh giành quyền lực với đảng cộng sản và cũng không chống phá họ mà chúng tôi muốn cạnh tranh lành mạnh với họ bằng cách thuyết phục người dân Việt Nam để được chọn thay thế đảng cộng sản, cuối cùng là để nắm quyền và quản trị đất nước một cách văn minh, bao dung, hợp lý và hiệu quả với các giá trị của thời đại như bản Tuyên ngôn Phổ cập về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc minh định.
Xuất phát từ suy nghĩ, động cơ và mục đích đó mà anh em chúng tôi đã dành thời gian để học hỏi và nghiên cứu về chính trị. Chúng tôi chuyển sang viết về các chủ đề liên quan đến lĩnh vực "khoa học chính trị" như tư tưởng chính trị, văn hóa tổ chức, cách thức xây dựng một tổ chức chính trị, phương pháp tranh đấu có tổ chức, xây dựng đội ngũ nòng cốt, mục tiêu tranh đấu, hướng dẫn quần chúng, vai trò và nhiệm vụ của một tổ chức chính trị, trách nhiệm của tầng lớp trí thức...
Anh em trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi muốn khơi thông tư tưởng chính trị và cung cấp một hệ thống lý thuyết đầy đủ và hoàn chỉnh cho phong trào dân chủ Việt Nam. Chúng tôi cho rằng phải có một cuộc vận động tư tưởng đi trước để dẫn đường cho một cuộc cách mạng dân chủ. Mỗi người trong chúng tôi phải là những chính trị gia thật thụ: Có hiểu biết, có viễn kiến, ôn hòa, bao dung và có khả năng lý luận cao.
May mắn lớn nhất của tôi đó là đã gặp được một nhà tư tưởng chính trị, một người thầy xuất sắc đồng thời cũng là một chí hữu, đó là ông Nguyễn Gia Kiểng. Với tôi và có lẽ là với đa số anh em trong Tập Hợp thì ông là một nhà "tư tưởng chính trị" xuất sắc. Tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ ông. Tôi đã cố gắng đọc, nghiên cứu và học hỏi từ các bài viết và nói chuyện của ông. Như người lữ hành trên sa mạc gặp được một dòng suối mát. Càng đọc càng thấy mình hiểu ra nhiều điều tuyệt vời, tuy giản dị nhưng lại rất lớn lao và quan trọng.
Từ một người không biết gì nhiều về chính trị, từ những tình cảm ủy mị và cảm tính tôi đã trở nên chín chắn và có chiều sâu hơn. Tôi đã cố gắng đọc ông, nghe ông và hiểu ông. Điều này cũng là một quá trình hơn 20 năm đồng hành cùng ông trong Tập Hợp chứ không phải một sớm một chiều mà có được. Tôi nhận ra rằng ông đã đi trước đồng bào mình một khoảng cách khá xa. Sự cao thượng của ông là thay vì trách móc ông đã cố gắng để nâng tầm hiểu biết của anh em chúng tôi trong Tập Hợp nói riêng và tất cả mọi người Việt Nam có quan tâm đến đất nước nói chung lên một tầm cao mới. Nhiều người vì không thể theo kịp nên đôi khi trách cứ ông, nhiều khi xúc phạm ông.
Bình luận thời sự và viết về khoa học chính trị khác nhau rất nhiều. Một người bình luận về thời sự hay thì có rất nhiều người hâm mộ và nhanh chóng nổi tiếng. Nhưng các bài bình luận đó chỉ giống như một chất kích thích, nó có tác dụng gây ảo giác hài lòng trong một khoảng thời gian ngắn rồi hết. Chúng không để lại dấu ấn hay trí nhớ gì nhiều cho người đọc vì chỉ mang tính… thời sự. Khi có sự kiện mới xuất hiện là độc giả quên ngay các bài báo viết về các sự kiện cũ.
Ngược lại những bài viết về tư tưởng chính trị và khoa học chính trị thì có thể lúc ban đầu không gây được sự chú ý nhưng theo thời gian chúng trở nên có giá trị và được đón nhận. Những bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng dù đã viết cách đây hai, ba chục năm vẫn còn nguyên tính thời sự. Chúng sẽ sống mãi với nhiều năm sau nữa vì một lẽ giản dị : Hàm lượng tri thức trong đó rất cao và mang tính khai sáng tư duy cho con người.
Một khám phá của chúng tôi là người Việt hiểu biết rất sơ sài về chính trị và môn "khoa học chính trị", có lẽ vì thế mà các bài viết của anh em Tập Hợp về chính trị ít khi nhận được các phản hồi tích cực từ giới trí thức Việt Nam. Có những trường hợp vì không hiểu nên không chia sẻ với chúng tôi và không thể phản biện một cách đàng hoàng nên có những ý kiến phản bác và đả kích chúng tôi với những ngôn từ rất khó nghe.
Một ví dụ là tài liệu về tư tưởng chính trị được viết dưới dạng một cuốn sách có tên là "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai". Có thể nói, đây không chỉ là một Dự án Chính trị của Tập Hợp mà còn là một cuốn sách triết lý về chính trị và đấu tranh chính trị. Đó là một cuốn sách bao gồm nhiều cuốn sách trong một cuốn sách. Tuy nhiên cuốn sách này đã không được giới trí thức Việt Nam đón nhận như bản thân nó phải có. Chúng tôi đã nhận được rất ít phản hồi từ giới trí thức Việt Nam trừ các bạn trẻ sinh ra và lớn lên sau biến cố 30/4/1975. Chúng tôi tin là nhiều người đã đọc, dù thấy hay nhưng rồi để đấy. Còn chúng tôi không chỉ đọc mà còn cảm nhận được giá trị của nó và tư duy cùng với nó để rồi mọi suy nghĩ và hành động của mình hòa quyện với nó làm một.
Trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung có một điểm chung rất đặc biệt của các nhân vật chính mà ai cũng thấy nhưng không hiểu được thông điệp của tác giả đó là các nhân vật chính trở thành anh hùng xuất chúng đều là các chàng thanh niên trẻ, nổi loạn và không biết gì về võ thuật nhưng nhờ cơ duyên đưa đẩy mà thành anh hùng cái thế trong khi các bậc tiền bối dành cả đời luyện võ vẫn không đạt được. Sự thực thì không có gì là ăn may cả, những thanh niên đó, ngoài bản lĩnh và tư chất của một anh hùng thì họ còn có đạo đức và tâm hồn cao thượng nên khi gặp những người đắc đạo là họ nhận được sự ủy thác và được trao cho sứ mệnh quan trọng. Họ thành công vì họ xứng đáng và có sự chuẩn bị.
Anh em chúng tôi đang cố gắng và kiên nhẫn làm một công việc có thể nói là "đội đá vá trời" đó là thay đổi tư duy chính trị cho người dân Việt Nam, đặc biệt là trí thức Việt Nam. Rất nhiều người dấn thân hoạt động chính trị và bản thân bị chế độ cộng sản tù đày, hành hạ nhưng họ vẫn không hiểu gì về chính trị. Ví dụ một điều giản dị nhất và cơ bản nhất đó là "đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức", thử hỏi có bao nhiêu người tranh đấu hiểu được điều này? Nếu hiểu thì họ đã tham gia hoặc ủng hộ cho một tổ chức chính trị nào đó. Trí thức Việt Nam ít quan tâm đến chính trị nên họ không lên tiếng ủng hộ cho bất cứ tổ chức nào chứ không riêng gì Tập Hợp.
Chúng tôi là tổ chức có lộ trình và sự chuẩn bị để đón nhận cơ hội dân chủ hóa đất nước vì chúng tôi có một Dự Án Chính Trị rất rõ ràng, trong sáng và hợp lý. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị một nguồn nhân sự cần thiết để có thể gánh vác việc nước đó là đội ngũ cán bộ nòng cốt, là những chính trị gia thật sự có hiểu biết và đồng thuận với nhau trên những lập trường và giá trị chung.
Tôi tự hào là một thành viên, một chính trị gia trong đội ngũ nhân sự nòng cốt của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
Các bạn trẻ Việt Nam nếu có đam mê chính trị và có ước mơ trở thành một chính trị gia để phụng sự đất nước trong tương lai thì hãy nhập cuộc cùng chúng tôi.
Việt Hoàng
(02/09/2018)