Khi con bò cũng thành tiến sỹ (Nguyễn Huy Vũ)

Sự thật là rất nhiều quan chức cấp cao VN được "đào tạo" ở Liên Xô cũ và đó cũng là lý do khiến VN không thể thay đổi và phát triển được.  





Ngày còn học ở giảng đường Việt Nam trước khi ra nước ngoài du học, ông thầy, vốn cũng là một tiến sỹ được đào tạo ở Liên Xô, kể với tụi sinh viên chúng tôi đại khái rằng gửi một con bò sang Liên Xô, thì rồi con bò đó cuối cùng cũng trở thành tiến sỹ.


Sự bệ rạc của nền giáo dục Liên Xô, cộng với tinh thần “phát bằng hữu nghị” vô trách nhiệm cho sinh viên các nước xã hội chủ nghĩa anh em khiến cho các du học sinh Việt Nam sang Liên Xô chẳng cần phải học gì nghiêm túc để rồi cuối cùng cũng được cấp bằng.

Với Việt Nam, sự xuất hiện của chính quyền cộng sản ở miền Bắc từ 1945 đã khiến giới trí thức đa phần chuyển hẳn vào Nam — một nơi tự do và phồn thịnh hơn — để sinh sống. Miền Nam lúc bấy giờ có thể nói là nơi tụ hội của những trí thức hàng đầu đất nước, cả Bắc, Trung, và Nam Kỳ. Và nhờ họ, những trí thức hấp thụ nền văn minh và học thuật Âu Mỹ, chỉ trong vòng 20 năm tồn tại của đất nước, đã để lại những tác phẩm và nhạc phẩm mà mãi đến hôm nay gần nửa thế kỷ vẫn chưa có một lớp trí thức nào có thể so sánh được.

Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà chôn vùi luôn hầu như toàn bộ lớp trí thức này. Đa phần họ buộc phải bỏ xứ ly hương để kiếm sống. Một phần rất nhỏ còn lại sống chịu đựng ở quê hương.

Sau năm 1975, sân chơi trí thức Việt Nam do đó nhường chỗ lại cho lớp người được đào tạo ở Liên Xô và các nước Đông Âu trở về, mà như nói ở trên, đa phần chỉ có cái bằng còn kiến thức thì rỗng tuếch. Với một trình độ rất giới hạn, nếu như không nói là rất kém cỏi, họ nắm giữ các vị trí trọng yếu của đất nước, từ hiệu trưởng các trường đại học, chủ tịch các viện nghiên cứu, cho tới các cơ quan và văn phòng chính phủ. Cùng với sự kém cỏi của họ là các chính sách tồi và các phát ngôn ngớ ngẫn.

Sự tàn phá của lớp người này không chỉ dừng lại ở các tác động trực tiếp do các chính sách hay nghiên cứu sai lầm của họ, mà còn có những ảnh hưởng gián tiếp lâu dài và mạnh mẽ.

Trước hết, với sự không thông thạo ngoại ngữ phương Tây của họ, đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Pháp, khiến kiến thức Việt Nam trong suốt một thời gian dài dường như bị cô lập, không học được thêm điều gì mới từ các nước phương Tây khi mà ít sách được dịch và giới trí thức này cũng không thể đọc thông thạo các tác phẩm phương Tây để mà cập nhật thông tin, chuyển tải tư tưởng và kiến thức về cho đồng bào mình — điều mà các trí thức ở miền Nam Việt Nam trước đây làm rất tốt vì họ thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp.

Thứ hai, sự tầm thường trong kiến thức và hiểu biết về chính sách của lớp người này đã giúp đào tạo nên những người trẻ hơn với kiến thức ngày càng tệ hơn. Chưa bao giờ bằng thạc sỹ, tiến sỹ rẻ rúng và tào lao với đủ các đề tài như bây giờ. Với những đề tài và nội dung như vậy, nó còn chưa đủ để đậu bằng cử nhân ở một đại học nghiêm túc bậc trung ở châu Á. Họ, những người cầm tấm bằng tiến sỹ này, tiếp tục được đưa vào nắm các chức vụ trong các cơ quan công quyền và làm cho hệ thống kiến tạo và thi hành những chính sách ngày càng tệ hơn nữa. Sự bại hoại trong việc cấp phát bằng cấp vô tội vạ cuối cùng dẫn đến một hiện trạng là những người thực học, muốn học hành và nghiên cứu nghiêm túc, bỗng nhiên chán nản và từ bỏ ước mơ.

Và cuối cùng, khi những người với kiến thức tầm thường và nhờ xoay sở được bằng cấp đã nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan công quyền thì họ không chỉ thực thi các chính sách tồi, mà với một trình độ hạn hẹp, họ khó lòng nào ủng hộ những cải cách sâu rộng.

Đó cũng là lý do mà những cải cách chỉ loay hoay chỉnh sửa không lối thoát và những phát ngôn của các giới liên quan ngày mỗi tào lao và bát nháo hơn. Đơn giản là bởi vì có bằng cấp nhưng thiếu trình độ.