Những lời của tổng thống (Lê Phan)
Một
số định chế của Hoa Kỳ không hoạt động đúng công việc của họ. Nhưng một
số định chế đang lặng lẽ thực hiện đúng nhiệm vụ của mình.
Câu
chuyện của cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống
Vladimir Putin ở Helsinki khởi đầu với một tuyên bố của tổng thống Hoa
Kỳ. Tình trạng tệ hại của liên hệ Nga-Mỹ hiện nay, ông tweet, không phải
là lỗi do chính phủ Nga chiếm đoạt Crimea, bắn hạ một chuyến bay hàng
không dân sự, can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ hay sử dụng
những độc chất bị cấm để giết công dân của một đồng minh thân cận của
Hoa Kỳ ngay trên đất mình. Không, đó, theo tổng thống là lỗi của “sự ngu
ngốc và đần độn và nay, cuộc Săn Phù Thủy Gian Lận”.
Cuộc
gặp gỡ đó kết thúc với một cuộc họp báo chung vốn đã khiến cả thế giới
sửng sốt, những nhà báo lão luyện của nền báo chí Hoa Kỳ, những thông
tín viên Tòa Bạch Ốc, ngơ ngác sững sờ, và khiến Thượng nghị sĩ John
McCain, một thượng nghị sĩ Cộng Hòa cùng đảng với tổng thống, diễn tả là
“một trong những mà trình diễn xấu hổ nhất của một tổng thống Hoa Kỳ
trong giai đoạn gần đây”.
Giữa
cái tweet mở đầu và cuộc họp báo kết thúc là một khoảng trống. Chúng ta
không biết trong gần hai tiếng đồng hồ hai ông gặp nhau với chỉ có
thông dịch viên, họ nói với nhau về điều gì. Sẽ có những người có trách
nhiệm lo ngại về những hứa hẹn mà tổng thống đã đưa ra. Sẽ có những nhân
viên tình báo mất ngủ vì không biết những điều gì ông Putin đã nói ra
để “dụ dỗ” tổng thống.
Nhưng
ngoài điều đáng lo ngại đó, những gì xảy ra ở cuộc họp báo chỉ là xác
nhận những điều mà Hoa Kỳ và thế giới đã biết về tổng thống Hoa Kỳ. Ông
Trump nghĩ là thế giới hưởng lợi khi Hoa Kỳ và Nga có liên hệ thân
thiết, và rằng “Hoa Kỳ đã ngu dốt” về điểm này. Ông coi phán xét của các
cơ quan tình báo Hoa Kỳ là Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 là
một sự sỉ nhục cá nhân, một cáo buộc là ông đã cần phải có sự giúp đỡ từ
bên ngoài để đánh bại cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ông sẵn sàng
tin vào lời của một cựu điệp viên KGB (i.e. ông Putin) hơn là lập trường
của CIA hay FBI về điểm này. Những người Mỹ nào đặt câu hỏi về sự việc
này sẽ bị diễn tả bởi tổng thống của mình là kẻ thù của nhân dân. Cuộc
điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller là “một thảm họa cho
đất nước chúng ta.” Thật là chướng tai gai mắt khi thấy tổng thống nói
những điều này đứng trên cùng một diễn đàn kế bên ông Putin, nhưng cũng
phải xin đây là những điều ông đã nói rồi, rất nhiều lần. Đây không phải
là một màn trình diễn. Ông thực sự tin vào những điều đó.
Tờ
The Economist ghi nhận là có một đoạn vào cuối cuộc họp báo, mà theo tờ
báo đáng được chép lại nguyên văn bởi nó cho chúng ta một thí dụ điển
hình của lối suy nghĩ của tổng thống.
Phóng viên, Associated Press : Tổng
thống Trump chỉ tay, anh trước. Vừa qua, Tổng thống Putin bác bỏ liên
hệ gì với việc can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Mỗi cơ quan tình báo
Hoa kỳ đã kết luận là Nga đã can thiệp. Câu hỏi đầu tiên cho ông, sir,
là : ông tin ai ? Câu hỏi thứ nhì là : liệu ông nay, với toàn thế giới
đang xem, nói với Tổng thống Putin, liệu ông có lên án chuyện đã xảy ra
năm 2016 và liệu ông có muốn ông ta không bao giờ lập lại hành động đó
nữa ?
Tổng thống Trump : Để
tôi chỉ nói là chúng ta có hai ý nghĩ. Chúng ta có những nhóm đang tự
hỏi tại sao FBI chưa bao giờ lấy máy chủ. Tại sao họ không lấy máy chủ ?
Tại sao FBI được bảo rời khỏi văn phòng của Ủy Ban Quốc gia đảng Dân
chủ ? Tôi đã nghĩ về điều dó. Tôi đã hỏi từ nhiều tháng và nhiều tháng
và tôi đã tweet về nó và nêu nó trên truyền thông xã hội. Máy server đó
đâu rồi ? Tôi muốn biết cái server đó ở đâu và cái server đó nói gì ?
Với điều đó nói rồi, tất cả tôi chỉ có thể là hỏi những câu hỏi. Những
người của tôi đến với tôi, Dan Coats [giám đốc tình báo quốc gia], đến
với tôi và một vài người nữa và họ nói họ nghĩ là Nga. Tôi có Tổng thống
Putin. Ông ta chỉ nói nó không phải là Nga. Tôi sẽ nói điều này : Tôi
không thấy bất cứ lý do nào nó phải là vậy. Nhưng tôi thực sự muốn thấy
cái server, nhưng tôi có, tôi tin tưởng vào cả hai phe. Tôi thực sự nghĩ
là việc này sẽ tiếp tục một thời gian nhưng tôi không nghĩ là nó có thể
tiếp tục mà không tìm xem chuyện gì xảy ra cho server. Chuyện gì xảy ra
cho cái server của ông Pakistani làm cho Đảng Dân chủ ? Những cái
servers dó đâu rồi ? Chúng biến mất. Chúng ở đâu ? Chuyện gì xảy ra cho
emails của Hillary Clinton ? 33,000 emails biến mất, chỉ biến mất. Tôi
nghĩ ở Nga chúng sẽ không biến mất dễ dàng như vậy. Tôi nghĩ đó là một
sự sỉ nhục là chúng ta không thể có 33,000 emails của Hillary Clinton.
Tôi có tin tưởng lứon vào những người tình báo của tôi nhưng tôi sẽ bảo
với quý vị là Tổng thống Putin là rất mạnh và rất cương quyết trong việc
bác bỏ hôm nay và ông đã đưa ra một đề nghị đáng kinh ngạc. Ông đề nghị
cho những người làm việc về vụ này đến và làm việc với những nhà điều
tra của họ, về cái vụ 12 người [ý ông nói đến các sĩ quan tình báo quân
đội GRU của Nga đã bị chính bộ Tư Pháp cáo buộc]. Tôi nghĩ đó là một đề
nghị đáng kinh ngạc. Ok ? Cảm ơn.”
Thật khó mà có thể tưởng tượng sự mỉa mai trong đề nghị của ông Putin mà tổng thống coi là “thật kinh ngạc đó.”
Nếu
quý vị độc giả đang dụi mắt để xem có phải mình đọc lầm hay không, thì
xin chuẩn bị kiên nhẫn thêm một chút bởi quý vị không đọc lầm và câu
chuyện chưa hết.
Ngày thứ ba 17 vừa qua, một ngày sau cuộc họp báo đó, tổng thống tiếp tục câu chuyện :
Tổng thống Trump : Tôi
chấp nhận kết luận của cộng đồng tình báo của chúng ta là việc Nga can
thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 có xảy ra. Cũng có thể có những người
khác nữa. Có rất nhiều người ở ngoải. Trong một câu quan trọng trong lời
nói của tôi, tôi nói chữ sẽ thay vì sẽ không (would thay vì wouldn’t).
Câu đó phải là ‘Tôi không thấy có lý do nào tại sao nó không phải là
Nga.’ Một thứ hai lần phủ định. Thành ra quý vị có thể cho vào đó, và
tôi nghĩ điều đó sẽ làm rõ mọi sự.”
Nếu
quý vị tự hỏi là chuyện gì cái máy chủ của ban vận động của bà Clinton
cũng như của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ dính líu gì đến chuyện tổng
thống tin vào ông Putin hay tin vào cộng đồng tình báo Hoa Kỳ thì xin
thưa nó là cái lối nói đánh lạc hướng của tổng thống. Một câu hỏi có thể
trả lời bằng một câu đơn giản : “Tôi tin hay tôi không tin” đã thành
một câu trường giang đại hải không ra đầu mà cũng chẳng ra đuôi gì cả.
Và
ngay cả khi ông đính chính nói là “chấp nhận kết luận của cộng đồng
tình báo” ông cũng vẫn phải thêm “Cũng có thể có những người khác nữa.
Có rất nhiều người ở ngoải.”
Thật
mỉa mai là tổng thống đã không thể chấp nhận được là công nhận Nga có
can thiệp vào cuộc bầu cử không có nghĩa là : thứ nhất, tổng thống và
ban vận động của ông đồng lõa với Nga ; và thứ nhì, việc can thiệp của
Nga không dính líu gì đến chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử. Có lẽ ở
một khía cạnh nào đó, tổng thống không đủ tự tin để nghĩ là mình có thể
thắng cử nên ông cương quyết không chấp nhận là có thể có một sự can
thiệp của Nga.
Dầu
sao chăng nữa chúng ta cũng đừng bị tổng thống đánh hỏa mù mà quên mất
những chuyện quan trọng đang xảy ra mà hội nghị Helsinki rồi không có ý
nghĩa gì cả. Cuộc điều tra của ông Mueller đã thu thập được chi tiết về
các hoạt động của Quân báo GRU đến mức mà các hoạt động tương lai của họ
bây giờ khó khăn hơn nhiều nếu không nói là khó xảy ra. Lần tới ông
Putin như vậy có lẽ phải chọn những điệp viên khác. Điều cũng quan trọng
không kém là nền kinh tế Nga yếu kém, và cấm vận của Hoa Kỳ sẽ không
được Thượng viện sớm hủy bỏ, nếu không nói là sẽ còn có thêm những biện
pháp trừng phạt mới.
Một
số định chế của Hoa Kỳ không hoạt động đúng công việc của họ. Nhưng một
số định chế đang lặng lẽ thực hiện đúng nhiệm vụ của mình.
Mừng lắm thay.
Lê Phan
(24/07/2018)