Người dân Bình Thuận và các dự án nhấn chìm bùn của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Hòa Ái - RFA)

Khói vụi phát tán mù mịt tại bãi xỉ đang thi công của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 - SOHA

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân được phản ảnh gây ra tác hại đến môi trường sống của người dân Bình Thuận trong những năm qua và được xem như là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự bất nhẫn của người dân đối với chính quyền địa phương.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân mới đây đề xuất nhấn chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển. Dân chúng Bình Thuận đón nhận thông tin về dự án nhấn chìm bùn mới ra sao? 


Bất nhất giữa các cơ quan chức năng


Những ngày đầu tháng 6 vừa qua, dư luận đặc biệt chú ý đến thông tin về nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 đề xuất nhấn chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển, với diện tích 300 héc-ta, gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Vào ngày 8 tháng 6, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn gửi văn bản phản đối đến Bộ Tài nguyên-Môi trường, liên quan dự án nhấm chìm 1 triệu m3 bùn của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3.

Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cho báo giới quốc nội biết Bộ này không đồng tình vì lo ngại dự án có thể gây ra tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái biển, do vị trí nhận chìm bùn quá gần với Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn nhấn mạnh chỉ có ý kiến mà thôi, còn phương án nhấn chìm chất thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 phải trình với Bộ Tài nguyên-Môi trường.

Trước đó, hồi hạ tuần tháng 4, Bộ Tài nguyên-Môi trường gửi công văn đến Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận và Ban quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau đề nghị cho ý kiến về vị trí nhận chìm bùn của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận dư luận thắc mắc vì sao dự án nhấn chìm 1 triệu m3 bùn của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã phải dừng lại trong năm 2017 khi gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới khoa học gia, mà các bộ ngành lại tiếp tục xem xét cho phép những dự án tương tự như thế. Hơn thế nữa, với lập luận của Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn thì câu hỏi của dư luận liệu rằng Bộ Tài nguyên-Môi trường sẽ chấp thuận cho dự án nhấn chìm 1 triệu m3 bùn của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 được tiến hành trong nay mai hay không? Chúng tôi nêu vấn đề với Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải và được nghe nhận xét của ông:

“Thật ra, trước khi cho vào nhà máy vận hành thì đầu tiên phải biết nhà máy đó làm gì, sản xuất ra cái gì và rác thải của nó gồm những gì? Rác thải là khí, là nước hay là vật chất và xử lý rác thải đó như thế nào? Tất cả những điều này, Việt Nam không cần xem xét đâu. Chẳng hạn xây một tòa nhà thì cần phải xem xét có ảnh hưởng gì không; có chặn nguồn nước, chặn gió, chặn nắng, có cung cấp đủ điện nước, có đủ đường giao thông…không? Xây một tòa nhà cao tầng đã thế thì xây một khu công nghiệp phải khác chứ? Cho nên những gì người ta nói là vô luật. Thích thì cho. Không thích thì thôi. Tóm lại, Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2 hay Vĩnh Tân 3, thậm chí Vĩnh Tân 15…do chính quyền độc quyền thì họ thích làm gì là họ làm.”

Vào khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đề xuất nhấn chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận, Tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang lên tiếng với RFA rằng giới khoa học lo ngại về mặt sinh học khi thải ra 1 triệu mét khối chất nạo vét như vậy sẽ làm đục cả khu vực biển chỗ đó và ánh sáng không xuống được, khiến cho quá trình quang hợp không thực hiện được làm mất chuỗi thức ăn. Tiến sĩ Nguyễn Tác An nói thêm việc nhấn chìm này sẽ làm xáo trộn tầng đáy và ảnh hưởng đến sinh vật đáy.

Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công Nghiệp thành phố Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh việc đổ bùn sẽ hủy hoại các rặng san hô ở Khu bào tồn biển Hòn Cau.
 

Dân chúng Bình Thuận đang “chết mòn”

Trong khi những ai quan tâm đến các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận bày tỏ qua mạng xã hội và những trang fanpage của nhiều báo mạng online trong nước về nỗi lo ngại dự án nhấn chìm hàng triệu m3 bùn xuống biển sẽ gây thêm hậu quả về tác hại môi trường sống của người dân địa phương, thì rất nhiều người dân tại Bình Thuận chia sẻ với RFA về đời sống mà họ gọi là “chết mòn” vì bị đảo lộn do môi trường biển, môi trường đất và không khí bị ô nhiễm.

Dân chúng ở Bình Thuận chủ yếu sống bằng nghề biển. Tuy nhiên, các ngư dân cho biết nguồn hải sản ở vùng biển địa phương ngày càng cạn kiệt từ sau khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đi vào hoạt động:

“Đói luôn! Đi xuống đảo Phú Quý, ở Phan Thiết mới đánh bắt được. Bình thường mất 1-2 tiếng đồ hồ để ra biển đánh bắt. Còn chạy xuống đảo đến 12 tiếng đồng hồ. Tốn dầu tới cả hơn 100 lít.”

Không chỉ đời sống của ngư dân bị ảnh hưởng, mà những người làm nghề nuôi trồng thủy sản cũng gặp không ít khó khăn do tôm, cá nuôi lồng bè bị chết nhiều. Mới đây nhất, vào ngày 25 tháng 6, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực nuôi cá lồng bè gần nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân.

Nhiều nông dân ở Bình Thuận cũng cho biết cây trồng bị rụng lá, chết rụi vì nguồn nước tưới tiêu xuất phát từ nước dùng để tưới ở bãi xỉ ngấm xuống lòng đất và chảy ra khu vực phía ngoài.

Bên cạnh đó, người dân địa phương còn bị ô nhiễm không khí bởi xỉ than của nhà máy nhiệt điện. Cuộc sống của dân chúng ở Bình Thuận bị bủa vây đến mức đã nổ ra một cuộc biểu tình bạo động phản đối nhà máy nhiệt điện hồi năm 2015.

Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, do Trung Quốc đầu tư 95% gồm có 4 nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than đá với tổng công suất thiết kế lên đến 5.600 MW và bắt đầu vận hành vào tháng 9 năm 2014 tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Nhiều chuyên gia khoa học tại Việt Nam cảnh báo khói bụi và xỉ than từ các nhà máy nhiện điện Vĩnh Tân sẽ gây tác hại lâu dài đến môi trường.

Trả lời câu hỏi của RFA xoay quanh đề xuất nhấn chìm bùn của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, một số người dân Bình Thuận khẳng định rằng hễ còn thấy ống khói của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân sừng sững nhả khói hàng ngày thì bất cứ việc gì liên quan đến các nhà máy này cũng là nỗi ám ảnh hãi hùng đối với họ. Có những người dân còn nói rằng mong muốn cuộc sống được an cư lạc nghiệp bị triệt tiêu, kể từ khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân hoạt động và ước ao duy nhất của họ trong lúc này là được các cấp chính quyền lắng nghe nguyện vọng họ không phải sống trong tình cảnh “chết mòn” trong đói nghèo và tuyệt vọng.