Ba ông Tuấn, Son, Hà đối mặt nguy cơ bị kỷ luật, truy tố (VOA)

Thông cáo cho hay sau cuộc dài 3 ngày, kết thúc hôm 30/5 ở Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rằng ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông đương nhiệm, và ông Nguyễn Bắc Son, người tiền nhiệm của ông Tuấn, đã có vi phạm rất nghiêm trọng trong việc chỉ đạo và thực hiện dự án Tổng công ty Mobifone thuộc bộ mua 95% cổ phần của một công ty tư nhân có tên AVG.



Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam ra thông cáo hôm 2/6 nói một đương kim bộ trưởng, một cựu bộ trưởng, và một bí thư đảng đã mắc những sai phạm “rất nghiêm trọng”.

Theo trình tự trong sự vận hành của hệ thống chính trị Việt Nam, động thái này thường là bước dọn đường để đảng kỷ luật và cơ quan luật pháp truy tố các quan chức này.

Thông cáo cho hay sau cuộc dài 3 ngày, kết thúc hôm 30/5 ở Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rằng ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông đương nhiệm, và ông Nguyễn Bắc Son, người tiền nhiệm của ông Tuấn, đã có vi phạm rất nghiêm trọng trong việc chỉ đạo và thực hiện dự án Tổng công ty Mobifone thuộc bộ mua 95% cổ phần của một công ty tư nhân có tên AVG.

Ủy ban khẳng định những sai phạm đó đã “làm thất thoát lớn tài sản của nhà nước”. Hồi giữa tháng 3 năm nay, Thanh tra Chính phủ xác định rằng đã có những lỗi lớn trong việc bộ thẩm định, xác minh giá tài sản, các khoản nợ và lỗ của AVG trước khi chi gần 8.900 tỉ đồng để mua lại hãng này, dẫn đến nguy cơ thiệt hại vốn nhà nước hơn 7.000 tỉ đồng.

Ngoài hai vị đương kim và cựu bộ trưởng, Ủy ban cũng nêu ra tên của 4 quan chức khác thuộc bộ, trong đó có một thứ trưởng, cũng phải chịu trách nhiệm về các sai phạm trong thương vụ này.

Ủy ban nhấn mạnh rằng các sai phạm của nhóm quan chức Bộ Thông tin-Truyền thông “gây bức xúc trong xã hội” và “đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.

Do đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam, các quan chức cấp cao phải bị đảng cộng sản cầm quyền kỷ luật trước khi cơ quan chấp pháp truy tố.

Các quan chức cấp thứ trưởng trở lên do Bộ Chính trị và Ban Bí thư của Đảng Cộng sản quản lý. Khi các quan chức này mắc sai phạm, hai cơ quan đảng kể trên phải tiến hành “xử lý về mặt đảng” như khai trừ, hoặc đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ chức vụ của các quan chức, sau đó các cơ quan hành pháp và tư pháp mới có thể truy tố, xét xử.

Gần đây nhất, tháng 5/2017, theo đề nghị của Ủy ban Kiểm tra, đảng đã kỷ luật ông Đinh La Thăng, một ủy viên Bộ Chính trị, đương kim Bí thư thành phố Hồ Chí Minh và từng là Bộ trưởng Giao thông-Vận tải, vì ông mắc một loạt sai phạm trong điều hành một tổng công ty nhà nước trước khi lên làm bộ trưởng. Đến tháng 12 cùng năm, ông Thăng bị Bộ Công an truy tố và bắt giam. 

Điều tương tự có thể cũng đang chờ đợi ông Trần Bắc Hà, cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Thông cáo của Ủy ban Kiểm tra cho hay khi còn là lãnh đạo tại ngân hàng, ông Hà mắc sai phạm rất nghiêm trọng về cấp tín dụng, gây hậu quả rất xấu “làm tăng nợ xấu, nhất là các khoản nợ có khả năng mất vốn”. Theo Ủy ban, ông Hà và hai lãnh đạo khác của BIDV đã phê duyệt các khoản vay lên đến 4.700 tỉ đồng. 

Cũng như trường hợp của các quan chức Bộ Thông tin-Truyền thông, Ủy ban Kiểm tra nói trong thông cáo rằng ông Trần Bắc Hà và hai lãnh đạo khác ở cấp phó tổng giám đốc của BIDV đã sai phạm “rất nghiêm trọng”, “gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.