Việt Nam: Quản lý và điều hành DNNN ‘bị lẫn lộn’ (BBC)

Ông Lộc kiến nghị kiến Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật về cổ phần hóa để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia được vào quá trình thoái vốn nhà nước trong DNNN ‘theo đúng các cam kết với WTO’.








Bộ trưởng Công thương nói về thực trạng ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’ trong quản lý và quản trị doanh nghiệp nhà nước.

Trong phần giải trình một số nội dung các đại biểu nêu trong phiên phát biểu thảo luận vào sáng 28/05 tại Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói về sự chồng chéo và lẫn lộn giữa chức năng quản lý nhà nước của các bộ ngành với với vai trò quản trị, chủ quản các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

“Hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước thiếu sự tuân thủ bởi nhiều khi họ chịu sự can thiệp của các cơ quan quản lý và hành chính của nhà nước.

“Hơn nữa đội ngũ quản trị DNNN lại có tâm lý né tránh trách nhiệm và đẩy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh mô tả điều ông gọi là thực trạng ‘Vừa đá bóng vừa thổi còi’. 

“Các chủ trương lớn, kinh tế ngành hay qui hoạch mang tính chiến lược trên thực tế được nghiên cứu xây dựng từ chính các doanh nghiệp nhà nước rồi lại được các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thẩm định và phê duyệt.

“Điều này dẫn đến tình trạng chất lượng đầu tư, chất lượng sản xuất kinh doanh của các DNNN không đảm bảo hiệu quả.Thực trạng phình to bộ máy, quan liêu hóa DNNN không đáp ứng được sự tiến triển nhanh của thị trường”.

'Cố tình làm sai'


Ông Trần Tuấn Anh mô tả thực trạng DNNN “cố tình làm sai” được chính bộ này báo cáo thể hiện qua 12 dự án (đại án) thua lỗ kém hiệu quả.

Theo ông, việc để xảy ra thất thoát sai phạm thì không chỉ cán bộ của DNNN mà bản thân các cán bộ quản lý các bộ và ngành đóng vai trò quản lý nhà nước cũng phải có trách nhiệm, kể cả các trách nhiệm sai phạm hình sự. 

Trong khi đó Đại biểu Vũ Tiến Lộc nói phải quyết liệt đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các DNNN một cách thực chất và thoái vốn nhà nước ra khỏi hầu hết các lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần phải nắm giữ theo đúng tinh thần của các nghị quyết của Đảng.

Ông Lộc kiến nghị kiến Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật về cổ phần hóa để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia được vào quá trình thoái vốn nhà nước trong DNNN ‘theo đúng các cam kết với WTO’.

“Làm được như vậy thì mới tạo tiền đề cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. Từ đó thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và cải thiện chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nước ta,” ông Lộc nói thêm.

Trong khi đó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trong cuộc họp báo ngắn trưa hôm 28/05 thông báo chính thức 4 'nhóm vấn đề' được chọn chất vấn, bao gồm: giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, tài nguyên - môi trường và lao động - thương binh - xã hội.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng giải thích về việc không mời các chủ tịch ủy ban nhân dân hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp HCM giải trình về vấn đề giao thông vận tải, đầu tư và quản lý các dự án BOT theo dự kiến ban đầu vì Quốc hội "chỉ chất vấn các thành viên Chính phủ".

Ông cũng cho biết việc trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ không diễn ra vào ngày 6/6 vì 'Thủ tướng bận dự Hội nghị G7, nên sẽ ủy quyền cho một Phó thủ tướng'.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng lý giải việc vòng xin ý kiến rộng rãi đại biểu đã không còn nội dung chất vấn lãnh đạo Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ trong bối cảnh vấn đề phòng, chống tham nhũng đang rất nóng bỏng vì dựa vào kết quả xin 'ý kiến Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội'.

'Qua tổng hợp trên cơ sở đảm bảo dân chủ, lựa chọn từ cao xuống thấp, 5 nhóm đã không còn thanh tra Chính phủ và công an nữa,' ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích.