Thẩm vấn: Quy tắc trong thẩm vấn (Phần 1) (Hatechange)

Việc thẩm vấn thường gợi lên những hình ảnh của các phương pháp khắc nghiệt, đau đớn, gây sợ hãi cho người cung cấp thông tin. Tuy nhiên phương pháp dựa trên nỗi sợ hãi sẽ ít có tác dụng với những người có kinh nghiệm, can đảm hoặc đôi khi là lì lợm.





Có thể bạn đã từng được xem một cuộc thẩm vấn trên phim ảnh, hoặc bạn có khả năng đã có trải nghiệm của riêng mình nếu bạn đang là độc giả thường xuyên của Hate Change. Bởi vì, tại Việt Nam, không chỉ các nghi phạm hình sự, nhân chứng mà ngay cả những người biểu tình ôn hòa cũng có nguy cơ bị tạm giữ và thẩm vấn. Chính vì vậy khi quyết định trở thành nhà hoạt động, hay chỉ đơn giản là tham gia ủng hộ các hoạt động, phong trào xã hội đấu tranh lại các bất công, bạn có nguy cơ cao phải tham gia vào một cuộc thẩm vấn bất đắc dĩ.


Chúng tôi biết rằng cho dù bạn không làm điều gì trái luật nhưng lại được mời tham gia một cuộc thẩm vấn trái pháp luật, thì những trải nghiệm trong một căn phòng kín với những viên anh ninh đầy quyền lực là điều không hề dễ dàng. Bạn chỉ có thể đứng vững trước các “kỹ thuật” thẩm vấn nếu bạn hiểu làm thế nào mà nó hoạt động, người thẩm vấn sẽ thực hiện các kỹ thuật gì và làm thế nào bạn có thể đối mặt với tình huống đó.

Dựa trên nguyên tắc bạn chỉ sợ hãi trước những gì bạn không biết, Hate Change thực hiện loạt bài về chủ đề Thẩm Vấn nhằm trang bị vũ khí là kiến thức về thẩm vấn cho nhà hoạt động. Bạn có thể sẽ thấy các bài viết cung cấp kiến thức thẩm vấn chung có các thủ thuật về nói dối, nhưng vì tính đặc thù của hệ thống hành pháp của Việt Nam, vì sự an toàn của bạn, chúng tôi nhấn mạnh rằng các nhà hoạt động nên cân nhắc nguyên tắc không nói dối. Vì vậy loạt bài này sẽ bao gồm: các kiến thức thẩm vấn một cách khái quát và kiến thức chuyên sâu cho nhà hoạt động Việt Nam. Ở bài viết về chiến thuật cho nhà hoạt động, chúng tôi sẽ đưa ra lập luận tại sao nguyên tắc không nói dối lại quan trọng khi đương đầu với quá trình thẩm vấn.

Thẩm vấn là gì?

Thẩm vấn là một hình thức giao tiếp bất tương xứng trong đó, phương pháp mà mục tiêu của một bên khác hoàn toàn với bên còn lại.

Người thẩm vấn sẽ cố gắng tìm kiếm các thông tin từ người bị thẩm vấn để phục vụ cho một số mục đích nhất định, chẳng hạn như trả lời cho câu hỏi “Ai là người đã làm việc gì đó”. Mục tiêu của người bị thẩm vấn là giữ được các lợi ích của riêng họ, bao gồm tự bảo vệ bản thân và có thể là các mục tiêu xã hội rộng hơn, đặc biệt là khi họ là một nhân chứng hoặc vô tội.

Có thể phân loại thẩm vấn thành 3 loại:

– Việc thẩm vấn mà người bị thẩm vấn sẽ tự do đưa ra thông tin, ví dụ như một nhân chứng cho một tội phạm.

– Việc thẩm vấn tìm kiếm thông tin mà người bị thẩm vấn không muốn tiết lộ, ví dụ như trong việc thẩm vấn bạn bè của một tên tội phạm bị nghi ngờ

– Việc thẩm vấn tìm kiếm sự thú nhận, một sự thừa nhận một hành động cụ thể, ví dụ như trong việc thẩm vấn một người bị nghi ngờ phạm tội.

Người thẩm vấn thường là những người được đào tạo bài bản các kĩ thuật thẩm vấn, trong khi người bị thẩm vấn có thể là nghi phạm, nhân chứng. Các kỹ thuật thẩm vấn có thể thay đổi và biến hóa.

Mục tiêu chính của quá trình thẩm vấn là có được các thông tin và điều qua trọng nhất là khiến người khác hợp tác.

Bởi vì người bị thẩm vấn có lý do để không tiết lộ hoặc nói cho người khác sự thật, do đó người thẩm vấn sẽ sử dụng rất nhiều thủ đoạn khác nhau để đạt được mục tiêu của họ.

Việc thẩm vấn thường gợi lên những hình ảnh của các phương pháp khắc nghiệt, đau đớn, gây sợ hãi cho người cung cấp thông tin. Tuy nhiên phương pháp dựa trên nỗi sợ hãi sẽ ít có tác dụng với những người có kinh nghiệm, can đảm hoặc đôi khi là lì lợm.

Quy tắc trong thẩm vấn 

Dưới đây là mười ‘quy tắc của trò chơi’ được mô tả bởi Walton, (2003), diễn tả trình tự một cuộc thẩm vấn có thể diễn ra. Diễn biến này dựa trên hoàn cảnh là người bị thẩm vấn không muốn đưa cho người thẩm vấn thông tin mà họ tìm kiếm.

1. Người bị thẩm vấn nên cẩn thận để không vô tình nói điều gì có thể làm lộ thông tin mà anh ta muốn che giấu, hoặc cho phép người thẩm vấn suy ra nó.

2. Người thẩm vấn có thể ép buộc người bị thẩm vấn tiết lộ thông tin thông qua sự đe dọa hoặc sự trừng phạt, nhưng chỉ bằng các phương tiện được cho phép (theo luật của từng quốc gia và luật quốc tế)

3. Người thẩm vấn cần đặt câu hỏi cho người bị thẩm vấn. Những câu hỏi này có thể, và thường có tính dẫn dắt, định hướng và dàn dựng.

4. Người được thẩm vấn nên trả lời một cách chung chung, mập mờ, gây nhầm lẫn nếu điều này giúp tình hình của anh ta tốt hơn/ hoặc không xấu đi.

5. Người thẩm vấn nên thăm dò một cách cẩn trọng câu trả lời và phản ứng của người bị thẩm vấn và cố gắng sử dụng chúng để trích xuất thông tin.

6. Người bị thẩm vấn nên cố gắng nhất quán trong các câu trả lời.

7. Nếu người thẩm vấn tìm thấy những mâu thuẫn trong câu trả lời của người bị thẩm vấn, hoặc những phát biểu đáng ngờ, hoặc những tuyên bố không nhất quán với thông tin từ những nguồn khác, thì nên đặt câu hỏi để kiểm tra chúng một cách nghiêm túc.

8. Nếu người thẩm vấn lấy được thông tin mà anh ta muốn có từ người bị thẩm vấn, thì anh ta đã đạt được mục tiêu của mình và cuộc đối thoại kết thúc với phần thắng thuộc về người thẩm vấn.

9. Nếu người thẩm vấn chấm dứt thẩm vấn mà không nhận được thông tin mà anh ta muốn, và người bị thẩm vấn vẫn giữ được thông tin của mình, thì cuộc đối thoại kết thúc với chiến thắng của người bị thẩm vấn.

10. Hai bên có thể sử dụng bất kỳ lý lẽ nào, ngay cả các thủ thuật không thích hợp và dối trá để đạt được mục tiêu của họ.

Theo Hatechange.org 
 
Bài tiếp theo: Thẩm vấn: (Phần 2) – Người bị thẩm vấn nên làm gì?
Nguồn tài liệu tham khảo:
Walton, D. (2003). The interrogation as a type of dialogue, Journal of Pragmatics 35, 1771–1802