Phải chăng Bộ Công an đã hết thời hoàng kim? (RFA)
Linh mục Phan Văn Lợi không đồng ý rằng sức ép từ nước ngoài có tác
động đáng kể. Ông nói rằng muốn biết việc đàn áp dân chủ nhân quyền tại
Việt Nam có giảm hay không thì hãy chờ xem phiên tòa xử những người hoạt
động dân sự thuộc tổ chức Hội anh em dân chủ vào ngày 5/4/2018.
Ngày 2/4/2018, báo chí Việt Nam đưa tin, Bộ Công an sẽ bị xóa bỏ tất
cả sáu tổng cục đang có, hạ cấp các bộ tư lệnh, giảm biên chế triệt để.
Trang mạng VTC còn nói rằng việc giải thể, sắp xếp lại bộ máy của ngành
công an sẽ tác động trực tiếp đến hàng chục sĩ quan cấp tướng trong
ngành, là những người giữ chức tổng cục trưởng, tổng cục phó, cục
trưởng, cũng như các sĩ quan cấp tác các cục, các phòng.
Sau khi tin về việc xóa bỏ các tổng cục của Bộ Công an được đưa ra,
nhà báo Phạm Chí Dũng, người từng làm việc trong cơ quan an ninh Việt
Nam trước kia, viết trên trang CaliToday tại Mỹ rằng việc cải tổ Bộ Công
An đã được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam bàn tới từ cuối năm
2017, và đặc biệt là cơ quan có quyền lực nhất Việt Nam đã không đồng ý
phương án cải tổ Bộ Công an do chính bộ này đưa ra vào đầu năm nay.
Ông Phạm Chí Dũng nhấn mạnh đến hai vụ bắt bớ những sĩ quan công an
cao cấp vào đầu năm 2018 là ông Thượng tá Phan Văn Anh Vũ, tự Vũ Nhôm,
và ông Thượng tướng Nguyễn Thanh Hóa, đã giáng một đòn mạnh vào Bộ Công
An.
Ông “Vũ Nhôm” có quân hàm thượng tá công an, được cho là bị bắt về
những lũng đoạn thị trường nhà đất và quyền lực tại Đà Nẵng. Ông Nguyễn
Thanh Hóa bị bắt vì liên quan đến một đường dây đánh bạc.
Vào trung tuần tháng 3/2018, nhà báo Phạm Chí Dũng nói với đài RFA từ Sài Gòn:
“Qua những vụ bắt tướng công an, bắt Vũ Nhôm, trong thời gian qua
và trong thời gian sắp tới, có lẽ vai trò và vị trí của ông Tô Lâm chịu
một thử thách rất lớn. Nếu ông ấy tồn tại được ở cương vị bộ trưởng thì
đấy là một điều đáng ngạc nhiên.”
Ông Phạm Chí Dũng còn đưa ra dự đoán trên tờ CaliToday rằng sẽ có sắp
xếp lại về nhân sự ở Bộ Công an, kể cả những nhân sự cao cấp nhất,
trước cả đại hội trung ương Đảng Cộng sản lần thứ 7, dự trù tổ chức vào
tháng 5 tới đây.
Nhận định về ông Tô Lâm, Bộ trưởng đương nhiệm, Luật sư Trần Vũ Hải
từ Hà Nội, viết trên Facebook, cho rằng ông là người có những ý định cải
cách khá cởi mở.
Vào ngày 17/3, đám tang cựu Thủ tướng Phan Văn Khải được cử hành tại
Sài Gòn, báo chí Việt Nam công bố danh sách ban lễ tang, trong đó ông Tô
Lâm đứng hàng thứ 13. Một số nhà quan sát căn cứ vào đó nói rằng vai
trò của ông Tô Lâm đã suy giảm, vì trong những dịp lễ nghi như vậy, tầm
quan trọng của một quan chức có liên quan đến vị trí danh dự của họ
trong danh sách ban lễ tang.
Một nhà nghiên cứu chính sách tại Hà Nội, xin ẩn danh nói với chúng
tôi rằng có lẽ ông Tô Lâm sẽ không bị đụng đến, vì hình phạt mà Bộ Chính
trị giáng xuống là bỏ tất cả các tổng cục của bộ này đã là một hình
phạt nặng nề.
Nhà báo Phạm Chí Dũng nói với chúng tôi vào giữa tháng 3/2018:
“Vai trò của Bộ Công An, mặc dù vẫn được xem là thanh kiếm và lá
chắn bảo vệ Đảng Cộng sản, nhưng có lẽ đã vượt qua cái đỉnh quyền lực và
danh vọng của nó hồi năm 2016 rồi.”
Đầu năm 2016, sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, người ta
thấy một loạt nhân vật công an được đưa vào bộ máy quyền lực chính trị
cao nhất Việt Nam hiện nay là Bộ chính trị của Đảng. Trong số đó có ông
Trần Đại Quang, Chủ tịch nước, ông Trương Hòa Bình Phó Thủ tướng, ông
Phạm Minh Chính, Trưởng Ban tổ chức Trung ương đảng.
Bình luận với chúng tôi về những diễn biến mới nhất liên quan tới Bộ
Công an, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, từ Hawaii nói với chúng tôi rằng việc giảm
biên chế ở Bộ Công an là nằm trong việc giảm biên chế chung của cả bộ
máy chính phủ, tuy nhiên những vụ bắt bớ các sĩ quan công an như vừa qua
chứng tỏ quyền lực Bộ Công an bị suy giảm.
Có ảnh hưởng tích cực tới việc giảm bới đàn áp dân chủ nhân quyền trong nước hay không?
Trả lời chúng tôi câu hỏi rằng liệu với sự suy giảm quyền lực của Bộ
Công an, việc đàn áp xã hội dân sự có giảm đi hay không? Và đó có phải
là sự chuyển biến tích cực của xã hội Việt Nam hay không?
Nhà báo Phạm Chí Dũng trả lời:
“Tích cực một cách vô hình chung, chứ không có chủ ý, tức là thời
thế tạo ra như vậy. Nhân quyền và xã hội dân sự có thể vô hình chung
được hưởng lợi chứ không phải do sự tác động của xã hội dân sự và nhân
quyền đối với Bộ Công an, tại vì cho tới giờ tất cả những tác động như
vậy là không ăn thua. Công an ngày càng công an trị, chẳng qua sự sa sút
và suy yếu của Bộ Công An, có vấn đề khó khăn về ngân sách này kia làm
cho công an không còn toàn tâm toàn ý đàn áp giới đấu tranh dân chủ nhân
quyền ở Việt Nam.”
Vào đầu năm 2016, trong lúc có những thông tin về những viên tướng
công an được thăng tiến trong chính trường Việt Nam ở Đại hội đảng lần
thứ 12, Linh mục Phan Văn Lợi, một nhà hoạt động dân sự bất đồng chính
kiến tại Huế có nói với đài RFA rằng ông lo ngại việc đó sẽ thúc đẩy sự
đàn áp lên phong trào dân chủ tại Việt Nam.
Tháng 4/2018, nói chuyện với chúng tôi một ngày sau khi tin tức về
việc chấn chỉnh Bộ Công an được đưa ra, Linh mục Phan Văn lợi nói:
“Bất cứ chế độ cộng sản nào thì họ cũng gây dựng sức mạnh, duy trì
quyền lực trên lực lượng công an. Không thể nào họ lại không làm cho
lực lượng này mạnh mẽ. Đây là việc tinh giản biên chế, sắp xếp nội bộ
của họ thôi. Còn bàn tay sắt của Đảng Cộng sản thì lúc nào cũng chực
giáng xuống.”
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, sự đàn áp dân chủ trong nước cũng có thể được giảm xuống nhờ vào những áp lực quốc tế.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau chuyến đi sang Pháp của Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng, vấn đề nhân quyền đã được hai bên đặt lên hàng đầu
trong tuyên bố chung của hai nước. Chuyến đi này được giới quan sát cho
rằng Cộng đồng Châu Âu, mà đại diện là nước Pháp đã tạo sức ép lên ông
Nguyễn Phú Trọng, để đánh đổi lấy những hiệp định thương mại mà Việt Nam
rất cần trong tình hình kinh tế hiện nay.
Linh mục Phan Văn Lợi không đồng ý rằng sức ép từ nước ngoài có tác
động đáng kể. Ông nói rằng muốn biết việc đàn áp dân chủ nhân quyền tại
Việt Nam có giảm hay không thì hãy chờ xem phiên tòa xử những người hoạt
động dân sự thuộc tổ chức Hội anh em dân chủ vào ngày 5/4/2018.