Bị xóa cấp tổng cục, Bộ công an thất thế nặng nề trước Bộ quốc phòng? (Phạm Chí Dũng)

Ý chí "Bộ quốc phòng sẽ là cơ quan đi đầu" trên đã thêm một lần nữa phác ra bức tranh vai trò của Bộ quốc phòng bên cạnh tổng bí thư đang được nâng lên đáng kể, ngược chiều với cảnh tượng sa sút và bị thất sủng của Bộ công an.
 
 
 2018 quả là một năm "thay máu" đối với ngành công an đang nổ ra nhiều vụ bê bối và phải chịu quá nhiều tai tiếng.
Nghị quyết trên dựa trên cơ sở đề án cùng tên (Đề án 106) của Đảng ủy Công an trung ương. Như vậy, đây là quyết định cuối cùng của Tổng bí thư Trọng về bộ máy và rất có thể về cả một danh sách dài nhân sự chủ chốt của ngành công an, sẽ được triển khai ngay sau Hội nghị trung ương 7 - có thể diễn ra ngay trong tháng Tư năm 2018 thay vì vào tháng Năm như dự kiến.
Cấp tổng cục ở Bộ công an hình thành từ năm 1980. Sau khi lên đến tám tổng cục năm 2009, Bộ công an thu gọn còn sáu tổng cục vào năm 2014. Ngoài ra còn có hai bộ tư lệnh riêng cho cảnh sát cơ động và cảnh vệ - cũng tương đương tổng cục. Trong mỗi đơn vị cấp tổng cục lại có nhiều cục. Dưới các cục là rất nhiều phòng.
Chi tiết đáng chú ý là bản nghị quyết của Bộ chính trị đã không chấp nhận dự thảo có cả phương án giữ lại hai đầu mối nòng cốt là Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh, mà là "bỏ hết" 6 tổng cục hiện thời, không những thế còn hạ cấp hai bộ tư lệnh. Về bộ máy, từ 126 đơn vị cấp cục và tương đương sẽ giải thể, sáp nhập chỉ còn khoảng 60, tức giảm hơn phân nửa.
Từ cuối năm 2017, đã lan tỏa tin tức về khả năng ông Nguyễn Phú Trọng đang tính đến khả năng "cải tổ" Bộ công an Việt Nam. Theo đó, một đề án về sắp xếp lại bộ này đã được chuẩn bị, nhiều tổng cục vốn tồn tại như một cấp trung gian sẽ bị hủy bỏ vai trò của chúng, kéo theo ghế và bổng lộc của nhiều quan chức công an sẽ không còn nữa.
Sau tết nguyên đán năm 2018, thông tin về đề án "cải tổ Bộ công an" càng hiện ra rõ hơn cùng lộ trình cụ thể là đề án này có thể được hoàn tất trước Hội nghị trung ương 7, để hội nghị này sẽ "chốt" kế hoạch sắp xếp lại Bộ công an và kế hoạch nhân sự đi kèm, kể cả những nhân sự cao cấp nhất của Bộ công an.
Vào đầu năm 2018, hai vụ liên tiếp bắt sĩ quan cao cấp của Bộ công an - Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ (tức đại gia Vũ "Nhôm") và Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Hóa - cho thấy đòn "chống tham nhũng" của Tổng Bí thư Trọng đã giáng thẳng vào cơ quan bộ vẫn được xem là "bất khả xâm phạm" này.
Bộ công an - một tổ chức quyền lực hoặc siêu quyền lực - nhưng đang có tướng công an bị bắt và được Tổng Bí thư Trọng chủ trương công khai cho báo chí và dư luận theo cách "vạch áo cho người xem lưng", rất có thể sẽ bị ông Trọng tiến hành "thay máu" trong thời gian tới.
Cũng xuất hiện ngày càng dày hơn những đồn đoán và tin tức chưa kiểm chứng về một vài lãnh đạo cao cấp của Bộ công an sẽ phải "ra đi" trước hay trong Hội nghị trung ương 7. Cơ sở của tin tức này trở nên có chân đứng hơn khi đồng thời xảy ra ba vụ Phan Văn Anh Vũ, Nguyễn Thanh Hóa và AVG mà ít nhất sẽ liên quan đến trách nhiệm quản lý cán bộ và ký tá của lãnh đạo Bộ công an.
Dù vẫn còn giữ vai trò "thanh kiếm và lá chắn bảo vệ đảng", nhưng Bộ công an đã lộ ra những dấu hiệu bị giảm sút nghiêm trọng đặc quyền "bất khả xâm phạm", nếu so sánh thực trạng của cơ quan này với Bộ quốc phòng và Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo).
Trong khi đó, Bộ quốc phòng của tướng Ngô Xuân Lịch có vẻ ít được "nhắc nhở" hơn.
Một vấn đề đáng chú ý và mổ xẻ là trong khi giao Đảng ủy Công an trung ương xây dựng Đề án 106 về "cải tổ" ngành công an, ông Nguyễn Phú Trọng lại không đả động gì đến bộ máy hiện hữu của Bộ quốc phòng.
Do đó trong tương lai gần có thể xảy ra một sự bất xứng rất lớn giữa hai bộ máy "thanh kiếm và lá chắn bảo vệ đảng" trên : trong khi Bộ công an mất toàn bộ cấp tổng cục thì Bộ quốc phòng vẫn được giữ nguyên Tổng cục Chính trị, Tổng cục Tình báo, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật và Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.
Vào cuối tháng Ba năm 2018, Bộ quốc phòng bất ngờ chủ động thông tin về "Út trọc" - một sỹ quan cấp thượng tá quân đội và cũng được xem là một đại gia như Vũ "Nhôm".
"Về quan điểm, Bộ quốc phòng sẽ là cơ quan đi đầu trong việc xử lý tất cả những vụ việc tiêu cực trong nội bộ sớm nhất và cương quyết nhất, chứ không có du di" - Cục trưởng Cục Tuyên huấn Nguyễn Văn Đức trả lời báo chí một cách mạnh bạo và rất tự tin. Biểu cảm trả lời như vậy là khác hẳn cách nói đều đều buồn ngủ và cực kỳ dè dặt của Đại tá Đức trong các cuộc họp báo trước đó.
Ý chí "Bộ quốc phòng sẽ là cơ quan đi đầu" trên đã thêm một lần nữa phác ra bức tranh vai trò của Bộ quốc phòng bên cạnh tổng bí thư đang được nâng lên đáng kể, ngược chiều với cảnh tượng sa sút và bị thất sủng của Bộ công an.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 02/04/2018
***********************
Bộ công an cải tổ đột phá, giải thể nhiều tổng cục (VOA, 02/04/2018)
Bộ công an Việt Nam tới đây giải thể toàn bộ 6 tổng cục và hạ cấp 2 bộ tư lệnh trong khuôn khổ một cuộc cải tổ vừa được Bộ chính trị Đảng cộng sản phê duyệt, theo các báo trong nước hôm 2/4.
congan2
Bộ chính trị đảng cộng sản mi phê chun đ án ci tổ Bộ công an Vit Nam
Tường thuật của các báo cho hay Bộ chính trị mới ban hành nghị quyết chuẩn thuận đề án của Bộ công an về sắp xếp lại và làm tinh gọn các lực lượng của bộ. Theo đề án, bộ sẽ "giảm triệt để tầng nấc trung gian", trong đó, bước đi được chính người trong ngành công an xem là đột phá, theo các báo, là việc "bỏ hẳn cấp tổng cục".
Đề án cải tổ đã được ngành công an xây dựng trong suốt 2 năm qua, kể từ sau đại hôi đảng lần thứ 12. Mục tiêu của việc cải tổ là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng công an trong "công tác phòng ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm", theo các báo.
Nhà nước Việt Nam thường dùng khái niệm "thế lực thù địch" để chỉ một diện rộng những người hoặc tổ chức lên tiếng chỉ trích hoặc có hành động chống lại đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam.
Sáu tổng cục của Bộ công an hiện quản lý các lực lượng an ninh, cảnh sát, tình báo, tuyên truyền, hậu cần và kỹ thuật. Hai bộ tư lệnh được nhắc đến nắm cảnh sát cơ động và cảnh vệ.
Các báo nói việc xóa bỏ các tổng cục và hạ cấp 2 bộ tư lệnh sẽ kéo theo việc giải thể hàng chục đơn vị cấp thấp hơn như các cục tham mưu, hậu cần, và chính trị, v.v… Các nguồn tin Bộ công an cho các báo hay số lượng đơn vị cấp cục và tương đương sẽ giảm hơn một nửa, còn khoảng 60 từ mức 126 hiện nay, sau quá trình giải thể, sáp nhập.
VOA cố gắng liên lạc với Thiếu tướng Lương Tam Quang, phát ngôn viên của Bộ công an, để tìm hiểu thêm về vấn đề này, nhưng ông không hồi đáp.
Một viên tướng công an đã về hưu không muốn nêu tên nói với VOA rằng cuộc cải cách sắp được thực hiện sẽ "tăng sức mạnh cho các đơn vị chiến đấu trực tiếp và các đơn vị nghiệp vụ". Vị tướng cũng bình luận thêm rằng cuộc cải cách này "có tính lịch sử" và "có tác động sâu, rộng".
Báo chí trong nước dẫn các nguồn tin ẩn danh tại Bộ công an cho hay đối với lượng người "dôi dư" sau quá trình làm tinh gọn bộ máy, bộ có hướng xử lý là sẽ "điều chuyển nhiều cán bộ ở trung ương xuống tỉnh, tăng cường cán bộ tỉnh xuống huyện và chuyển từ huyện xuống xã".
Việc sắp xếp cán bộ dôi dư sẽ có lộ trình với mốc quan trọng là năm 2021, theo các báo, tuy nhiên họ không nói cụ thể liệu đó có phải là mốc kết thúc việc cải tổ hay không.
Cũng không có số liệu cho biết Bộ công an hiện có tổng cộng bao nhiêu người và sẽ cắt giảm được ngần nào từ con số hiện nay. Một số ước tính không chính thức cho rằng hiện tại có khoảng 600.000 người làm việc cho ngành công an.
Thông tin trên báo chí trong nước cho thấy bộ máy công an đã "phình to" trong giai đoạn từ khoảng năm 2009 đến 2014, thời ông Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng.
Tổng Bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, người nắm quyền lãnh đạo cao nhất theo cơ cấu chính trị Việt Nam, tại các hội nghị khác nhau của đảng đã nhiều lần khẳng định ông cũng ưu tiên làm tinh gọn bộ máy nhà nước không kém gì việc chống tham nhũng.
Các báo cho rằng việc giải thể, sắp xếp lại một diện rộng các đơn vị trong Bộ công an sẽ "tác động trực tiếp" tới hàng chục sĩ quan cấp tướng giữ vị trí tổng cục trưởng, tổng cục phó, cục trưởng, cũng như rất nhiều sĩ quan cấp tá tại các cục và các phòng.