Bối rối ngoài Biển Đông, Bắc Kinh gia tốc tiến trình thuộc địa hóa Việt Nam (Nguyễn Văn Huy)

Trước khi quá muộn, trách nhiệm cảnh tỉnh đầu tiên thuộc về giới làm báo, vì họ đã thấy, đã viết và đã thông tin. Nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về những người hiểu biết, những người được gọi là trí thức. Hãy thông tin, hãy viết, hãy tố cáo và kêu gọi dân tộc Việt Nam phản ứng. Nếu không ai làm gì thì thôi đành vậy, tương lai của dân tộc Việt Nam đã được thấy trước: nô lệ cho đảng cộng sản cầm quyền và cho những chủ nhân ông Trung Quốc.
 
 
Tình hình Biển Đông đang làm Bắc Kinh lo ngại. Chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thời Barack Obama tưởng đâu đã bị bỏ rơi dưới thời Donald Trump, không ngờ đang được làm sống lại.
Hiện trạng trên Biển Đông
Ban cố vấn an ninh diều hâu của Tổng thống Donald Trump đang khám phá sự chiếm hữu, cải tạo và xây dựng bất hợp pháp những căn cứ quân sự trên những bãi đá san hô ngoài khơi Biển Đông của Trung Quốc nhằm tăng cường và nới rộng sự kiểm soát của Bắc Kinh trên bầu trời và hải lộ giao thương chính ở vùng Tây Thái Bình Dương. Điều này có nghĩa là nếu im lặng để Trung Quốc thực hiện âm mưu chiếm hữu Biển Đông, các quốc gia cùng chia sẻ trục lộ giao thông hàng hải chính này là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, các quốc gia ASEAN, Úc, Tân Tây Lan và Ấn Độ sẽ không còn quyền tự do giao thương và đi lại nữa.
Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực đã lên tiếng tố cáo và yêu cầu Bắc Kinh ngưng các hoạt động phi pháp này. Thay vì hòa hoãn và tiếp tục trong âm thầm, Bắc Kinh đã không những lên gân khoe cơ bắp mà còn lớn tiếng đe dọa những ai xâm phạm vào lãnh hải thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc đã liên tiếp tập trận bắn đạn thật gần như hàng tháng trong khu vực "lưỡi bò" mà họ tự vẽ ra. Những hành động này trước hết là nhằm răn đe chính quyền Đài Loan không nên có ý đồ tuyên bố độc lập, kế là cảnh báo các quốc gia trong khu vực chớ nên thách thức sức mạnh của lực lượng hải và không quân Trung Quốc.
Hăm dọa này có lẽ đã thành công đối với các quốc gia nhỏ yếu trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Campuchia nhưng không hề làm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Úc và Ấn Độ lo ngại. Không những thế, tàu chiến của các cường quốc hải quân Châu Âu, Anh và Pháp, còn được gởi tới để tuần tra chung. Trước những phản ứng này, Bắc Kinh đã vô cùng bối rối, nhất là bộ tư lệnh hai Hạm đội Đông Hải và Nam Hải.
Bắc Kinh đã bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng, mở rộng và củng cố những bãi đá san hô thành những căn cứ rộng lớn, đã điều động gần như trọn bộ lực lượng tàu chiến và máy bay tiên tiến nhất vào khu vực này để gây tiếng vang và làm áp lực với các thế lực hàng hải quốc tế… Nhưng kết quả đã không như mong đợi. Áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông đã thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang qui mô chưa từng có trên toàn khu vực, và nếu càng để lâu lực lượng võ trang răn đe của Trung Quốc có thể lâm vào thế yếu.
Các quốc gia nhỏ bé và yếu kém hơn Trung Quốc như Singapore, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia đã trang bị những loại khí tài tối tân và hiện đại như tàu ngầm, tàu dẫn tên lửa, các loại máy bay tiêm kích đời mới… Các quốc gia hiếu hòa trước đây như Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan buộc phải canh tân lại khả năng chiến đấu của các lực lượng võ trang để đối đầu với Trung Quốc. Chưa bao giờ sự hiện diện của lực lượng hải và không quân Hoa Kỳ tuần tra và tập trận ngay sát cạnh lãnh thổ và lãnh hải như hiện nay.
Thêm vào đó, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã được trang bị hai tàu chở trực thăng tự đóng, có khả năng trở thành hàng không mẫu hạm, và thành lập nhiều đơn vị tác chiến chuyên nghiệp có khả năng chiến đấu ngoài lãnh thổ. Nam Hàn cũng thế, lực lượng hải và không quân đã được trang bị thêm tàu chiến và các loại máy bay tiêm kích tiên tiến nhất, đủ khả năng tập trận chung ngang hàng với Hạm đội 7 Hoa Kỳ trong vùng biển Hoa Đông, sát cạnh thủ đô Bắc Kinh. Trong khi Đài Loan, một hòn đảo quốc gia độc lập với Trung Quốc, cũng đã canh tân và trang bị thêm những loại khí tài hiện đại đủ khả năng đẩy lùi và phản công lại bất cứ bất cứ cuộc tấn công nào đến từ lục địa.
Trước những chuẩn bị này, chỉ cần bật một que diêm là nồi thuốc súng sẽ nổ, bất cứ một tấn công nào vào tàu thuyền di chuyển trong vùng Biển Đông sẽ dẫn đến xung đột võ trang. Chính vì thế, mặc dù rất bực bội, Bắc Kinh chưa dám ra tay. Nhưng tình thế này không thể kéo dài mãi mãi. Càng để lâu, chi phí vận hành các cơ sở vận hành và phương tiện di chuyển trên biển và trên không càng tăng cao mà không bên nào mong muốn.
Vấn đề của Trung Quốc là nếu càng để lâu tình hình sẽ ung thối, sự áp đảo của Trung Quốc về số lượng máy bay và tàu chiến sẽ mất hiệu lực răn đe, chủ quyền tuyên bố đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông không được tôn trọng, lượng tiền khổng lồ bỏ ra không thu đạt kết quả mong muốn.
Cũng nên biết số lượng dầu mazout tiêu thụ mỗi ngày cho tàu cá dân sự, tàu chiến và máy bay có nhiệm tuần tra Biển Đông rất là cao, trong khi Trung Quốc chưa tìm được mỏ dầu nào đáng kể để cung cấp nhiên liệu cho đội tàu và máy bay sử dụng. Chỉ riêng tàu sân bay Liêu Ninh, lượng diesel tiêu thụ mỗi ngày hơn một triệu lít (một trăm ngàn tấn), mỗi khi di chuyển phải có hai tàu chở nhiên liệu đi theo để luân phiên tiếp tế, chính vì thế khả năng phòng thủ của tàu Liêu Ninh rất yếu vì không thể ra khơi quá vài ngày hoặc một tuần ; nếu xảy ra xung đột, chỉ cần ngăn chặn hay đánh chìm những tàu tiếp tế thì coi như tàu Liêu Ninh vô hiệu, có thể bị bắt sống. Tiếp vận nguyên nhiên vật liệu cho đội tàu trên biển chính vì thế là ưu tiên hàng đầu của các bộ tư lệnh Hạm Đội Đông Hải vva Nam Hải.
Gia tốc tiến trình thuộc địa hóa Việt Nam
Trước tình thế này, Bắc Kinh đang rất bối rối. Ra tay hay không ra tay ? Ra tay bằng cách nào, vào lúc nào, và nhắm vào ai ? Hậu quả nhận lại sẽ như thế nào ?
Đảo Lý Sơn còn gọi là Cù Lao Ré. Ảnh từ Internet
Rất nhiều câu hỏi đã được đưa ra nhưng chưa có giải pháp nào thỏa đáng. Điều quan trọng mà Bắc Kinh có thể làm lúc này là chuẩn bị cho một tình huống xấu : chấp nhận xung đột võ trang.
Nhưng chấp nhận xung đột võ trang là một quyết định quan trọng, sự an nguy cũng như chỗ đứng của Trung Quốc đặt trên bàn cân mà được thì không có gì thêm, còn thua thì mất tất cả. Do đó, ngoài giải pháp ngoại giao, vận động dân vận và thông tin tuyên truyền, hai công tác mà Bắc Kinh đang tiến hành trong lúc này là :
1. Củng cố và trang bị những bãi đá nhân tạo ngoài khơi Biển Đông để dò tìm và phát hiện sự xâm nhập của đối phương, tiếp tục tuần tra và tập trận trên vùng biển với những tốn kém khó chịu đựng ;
2. Tăng cường xây dựng cơ sở hậu cần trên đất liền như nhà ở để bồi dưỡng nguồn nhân lực hậu cần và chuyên viên kỹ thuật quốc phòng đang công tác ngoài khơi Biển Đông khi xảy ra chiến tranh, quan trọng nhất là chiếm giữ những nguồn sản xuất đầu khí ngoài khơi Biển Đông, xây dựng những kho tồn trữ nguyên nhiên vật liệu và khí tài chiến tranh (xăng dầu, vũ khí, đạn dược, thiết bị quân sự, lương thực thực phẩm, dụng cụ y tế...) để tiếp tế ngoài khơi khi có xung đột. Cũng nên biết, kẻ thù chính ngoài khơi của lực lượng quân sự là muối. Muối ăn mòn sắt thép, nhôm kẽm, ximăng, tiêu diệt cây cỏ, do đó xây dựng nhà kho trên đất liền là điều bắt buộc để bảo trì cơ sở và vũ khí. Việt Nam nằm trong công tác thứ 2.
Theo lịch trình chiến lược đã được hoạch định trong những Tuyên bố chung 2015 và Tuyên bố chung 2017, phải chờ đến năm 2021 công tác hợp tác toàn diện với Việt Nam trên mọi lãnh vực mới hoàn tất. Nhưng trước tình thế cấp bách như hiện nay trên Biển Đông, Bắc Kinh muốn đốt giai đoạn dự trù trong Điểm 5, mục iii và iv của bản Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc 2017  : gia tốc xây dựng cơ sở hạ tầng trên những vị trí trọng điểm chiến lược ở Việt Nam.
Một cách cụ thể : Trung Quốc muốn trực tiếp đứng ra xây dựng những đại công trình xây dựng cơ sở tại một số trọng điểm chiến lược trên lãnh thổ Việt Nam mà Bắc Kinh đã chấm, chứ không muốn giao cho người Việt Nam đứng tên như đã làm trong quá khứ. Những địa điểm chiến lược mà Bắc Kinh đang nhắm tới là vùng đất liền gần những căn cứ quốc phòng của Trung Quốc ở ngoài khơi Biển Đông : Quảng Nam, Quảng Ngãi cho Hoàng Sa, Phan Thiết, Vũng Tàu và Nhà Bè cho Trường Sa. Riêng tại Sài Gòn, hai địa danh chiến lược mà giới đầu tư Trung Quốc đang nhắm tới là Thủ Thiêm và Biên Hòa để dành độc quyền xây dựng những cao ốc cư ngụ, và đặc biệt là xây dựng giang cảng quốc tế trên sông Đồng Nai và phi cảng quốc tế Long Thành.
Để cụ thể hóa, ngày 24/04/2018 vừa qua, một phái đoàn cao cấp đã từ Thượng Hải đến Sài Gòn yêu cầu cấp lãnh đạo địa phương nhượng quyền xây dựng công khai và trực tiếp cho những công ty xây dựng Trung Quốc, đặc biệt là tại Sài Gòn và các tỉnh duyên hải miền Trung, trong thời hạn 100 năm. Điều đáng lưu ý là những phái đoàn đến từ Trung Quốc này không liên lạc trực tiếp với Hà Nội, tức Trung ương, mà với từng địa phương.
Tại miền Trung, họ liên lạc trực tiếp với lãnh đạo Quảng Nam-Đà Nẵng, Quảng Ngãi để nhượng quyền xây dựng và khai thác bán đảo Sơn Trà và đảo Lý Sơn, hai vị trí gần quần đảo Hoàng Sa nhất, đương nhiên là với mục đích khai thác những bãi biển du lịch nhưng hậu ý là xây dựng cơ sở cho lực lượng chuyên viên kỹ thuật và hậu cần khi xảy ra chiến tranh trên biển.
Sông Đồng Nai với thành phố Biên Hòa và Long Thành là hai địa điểm đầy triển vọng phát triển của nền kinh tế miền Nam : cảng sông lớn, đất đai rộng lớn, nguồn nhân lực trẻ và chuyên nghiệp. Nhưng Long Thành mới chính là địa điểm chiến lược mà các chuyên gia Trung Quốc đang nhắm tới. Một công ty xây dựng lớn của Trung Quốc đang vận động quyền được sử dụng và chuyển nhượng những cơ sở hạ tầng lớn ở Việt Nam do họ xây dựng (chẳng hạn như quyền xây dựng và khai thác độc quyền phi cảng quốc tế Long Thành, giang cảng Phú Đông trên sông Đồng Nai, hải cảng nước sâu Vũng Tàu…) trong thời hạn 100 năm thay vì 50 năm như luật định. Cũng nên lưu ý, chính quyền cộng sản Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng phi cảng quốc tế Long Thành từ rất lâu, nhưng "không hiểu vì sao" đã cất vào tủ và chỉ lo tập trung mở rộng phi cảng Tân Sơn Nhất về phía nam.
Sài Gòn cũng thế, địa điểm chiến lược đầy triển vọng phát triển trong những năm tới mà giới đầu tư Trung Quốc đang nhắm tới là Thủ Thiêm, Quận 2. Đây là một vùng còn hoang dã nên rất dễ xây dựng vì không phải bỏ ra những món tiền lớn để đền bù chuyển nhượng.
Sâu chuỗi lại những diễn biến xảy ra gần đây trên chính trường Việt Nam, và qua những mô tả vừa kể như trên, chúng ta thấy Đảng cộng sản Việt Nam đang thi hành đúng bài bản và lịch trình mà phía Trung Quốc đã hoạch định :
mặt này làm áp lực với Việt Nam để chia quyền khai thác các mỏ dầu ngoài khơi Biển Đông. Bằng chứng cụ thể là chính quyền cộng sản Việt Nam đã rút lui và ngừng dự án dò tìm dầu khí trong khu vực Cá rồng đỏ và Cá voi xanh ;
- mặt kia đưa người trực tiếp từ mẫu quốc vào Việt Nam để xây dựng những công trình muốn thực hiện, vừa nhanh vừa đảm bảo bí mật quốc phòng. Đầu tiên là tố giác và loại trừ những sứ quân bất động sản địa phương để giành lại quyền quyết định điều phối : ở Đà Nẵng qua vụ Phan Văn Anh Vũ và đồng nhóm, tiếp theo là tố giác tham nhũng bất động sản trên đảo Lý Sơn, rồi đây trong những ngày sắp tới sẽ xảy ra những vụ việc liên quan đến quyền chuyển nhượng và khai thác bất động sản trên Cù lao Chàm ở Hội An, Hòn Yến ở Nha Trang, đảo Long Hải ở Phan Thiết, đảo Côn Sơn ở Vũng Tàu sẽ nổ ra, mà điểm cuối cùng là Sài Gòn. Tất cả đều nằm trong tiến trình chiếm hữu những vị trí chiến lược ngoài khơi bờ biển Việt Nam để những công ty Trung Quốc vào xây dựng cơ sở vừa dân sự vừa quốc phòng.
Một cách cụ thể, hiện nay đang nổ ra cuộc điều tra các cấp lãnh đạo địa phương lạm quyền cung cấp giấy phép khai thác Quận 2 Thủ Thiêm, một dự án lớn nhằm biến Thủ Thiêm thành một trung tâm kinh tế tài chánh tầm cỡ khu vực và quốc tế. Vụ việc này đang nổ lớn vì đối tác chính là giới đầu tư Trung Quốc muốn thương lượng quyền khai thác.
Cũng nên chú ý, tham nhũng ở Việt Nam xảy ra gần như hàng ngày, ở khắp nơi và liên quan đến mọi cấp đảng, chính quyền, quân đội và công an. Chỉ cần chịu khó quan sát, tham nhũng bất động sản đã lộ mặt ngay trong nội thành và chung quanh Hà Nội, dọc bờ biển Quảng Ninh, Hải Phòng, và ngay trong Vịnh Hạ Long, rồi Thanh Hóa, Sơn Tây, trên vùng Trung Du, ở các tỉnh dọc vùng biên giới Trung Quốc, Lào và Campuchia, trên Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, tất cả đã được báo chí trong nước phanh phui nhưng đều chìm tắt trong im lặng.
Ngược lại tại sao tham nhũng bất động sản chỉ công khai nổ bùng ở vùng duyên hải miền Trung và vùng Sài Gòn-Đồng Nai ? Rất dễ trả lời, tất cả đều nằm trong ý đồ của Bắc Kinh : muốn đốt giai đoạn để nắm quyền kiểm soát trực tiếp. Việt Nam đang biến thành thuộc địa của Trung Quốc.
Về phía dư luận Việt Nam, có thể những tố giác và tố cáo tham nhũng gần đây tại Việt Nam mang hơi hướm của "trâu cột ghét trâu ăn" chứ không phải là muốn thực sự bài trừ tham nhũng. Điều này cũng đúng vì bất cứ cán bộ đảng viên nào có chức vụ đều tham nhũng, từ cấp Trung ương đảng đến các cấp địa phương, từ công an đến quân đội. Phe Nguyễn Tấn Dũng đã ăn quá nhiều và không chừa gì cho người đi sau thì bây giờ người đi sau lên cầm quyền chỉ muốn đòi những người đã ăn quá lố trả lại để chia lẫn nhau.
Vấn đề là không ai thấy âm mưu thâm độc của Bắc Kinh là đang thuộc địa hóa Việt Nam. Những gì đang diễn ra hiện nay giống như thời những người Minh Hương đầu tiên đến khai thác vùng Sài Gòn-Gia Định thế kỷ 18. Khi lực lượng di dân nhà Minh này thành công, họ liền liên lạc với mẫu quốc để đưa gia đình và thân quyến đến định cư và khai thác. Điểm khác biệt là những người Minh Hương này đã chọn miền Nam là quê hương thứ hai của nên đã ra sức xây dựng và bảo vệ nó như chính quê hương của mình, và đã trở thành người Việt Nam. Trong khi người Trung Quốc thì ngược lại, họ chỉ đến để khai thác và hủy hoại môi trường để người Việt Nam không thể ngóc đầu lên ngang hàng với họ. Và không bao giờ họ muốn thành người Việt Nam.
Thử quan sát, sau hơn 30 năm cố gắng để phát triển ngang bằng các quốc gia phương Tây, lục địa Trung Quốc ngày nay còn lại gì ? Cái nôi phát sinh nền văn minh Trung Hoa là lưu vực sông Hoàng Hà, ngày nay đang biến thành sa mạc trong khi phần còn lại của lãnh thổ Trung Quốc, đất đai cằn cỗi, nguồn nước bị nhiễm độc, không khí ô nhiễm. Ngày nay giấc mơ của nhiều người Trung Quốc là được chạy ra nước ngoài định cư và xây dựng cuộc sống mới.
Nếu nhượng quyền canh tác cho người Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam 100 năm, chắc chắn chỉ sau vài chục năm họ cũng sẽ bỏ đi vì sau lưng họ chỉ còn là một vùng đất ô trọc, không một sinh vật nào còn sống nổi. 
Người Trung Quốc không có ưu tư bảo vệ môi trường và môi sinh. Không cần nhìn xa, kiểm nghiệm lại những dự án khai thác và sản xuất do phía Trung Quốc đầu tư tài Việt Nam : các nhà máy khai thác bô-xít Tây Nguyên, sinh vật, thực vật và cây nào còn sống nổi chung quanh của hồ chứa thải ? Vụ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, sau hai năm hoạt động còn sinh vật nào sống sót dưới lòng bờ biển miền Trung ? Rồi các nhà máy điện than, nhà máy sản xuất giấy, chỉ sau vài tháng hoạt động bao nhiêu khu vực sinh thái và diện tích đất đai bị hủy hoại ? Với 100 năm nhượng quyền khai thác, phía Trung Quốc sẽ xây những bồn chứa và dự trữ xăng dầu dọc vùng duyên hải miền Trung, những bãi biển xinh đẹp, nguồn lợi tức trời cho Việt Nam sẽ bị hủy hoại, những vết dầu loang sẽ làm xấu xí hóa bờ biển, các khu vực sinh thái bị ô nhiễm và nguồn cá tôm bị tiêu diệt... Con cháu chúng ta sẽ làm gì với những đống sắt phế liệu sét rỉ ?
Phải tố giác và cảnh tỉnh người Việt Nam, trong và ngoài chính quyền, trong và ngoài đảng, nguy cơ mất nước là có thật. Trong nỗi bất hạnh này, đảng viên hay không đảng viên, mọi người Việt Nam đều cùng chia sẻ thân phận hẩm hiu chung của kiếp nô lệ.
Trước khi quá muộn, trách nhiệm cảnh tỉnh đầu tiên thuộc về giới làm báo, vì họ đã thấy, đã viết và đã thông tin. Nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về những người hiểu biết, những người được gọi là trí thức. Hãy thông tin, hãy viết, hãy tố cáo và kêu gọi dân tộc Việt Nam phản ứng. Nếu không ai làm gì thì thôi đành vậy, tương lai của dân tộc Việt Nam đã được thấy trước: nô lệ cho đảng cộng sản cầm quyền và cho những chủ nhân ông Trung Quốc.
Nhà báo Thiền Lâm, báo CaliToday, phát hành tại Hoa Kỳ, đã thấy và đã viết nhiều bài bình luận về hiện tượng tham nhũng bất động sản tại Việt Nam. Dưới đây là những thông tin và nhận định của ông.
Nguyễn Văn Huy
*****************
Đảng kỷ luật Đồng Nai để giảm nguy cơ cát cứ sứ quân ?
Thiền Lâm, CaliToday, 25/04/2018
Đồng Nai là một tỉnh rộng lớn và trù phú nằm ở khu vực miền Đông Nam Bộ. Trong quá khứ gần, địa phương này không có nhiều dấu hiệu bị chi phối nhiều bởi "phe cánh quyền lực" – một khái niệm đang rất phổ biến trong cuộc xung đột triền miên của nội bộ đảng, nhưng lại mang nhiều sắc màu của nạn gia đình trị trong giới lãnh đạo, dẫn đến nạn cát cứ quyền lực và còn thể lộ ra hình dạng sứ quân – một hậu quả tất yếu của cơ chế độc đảng mà Bộ Chính trị ở Hà Nội luôn lo sợ vì sẽ khiến dần phi tập trung hóa quyền lực của cấp trung ương.
Đảng kỷ luật Phan Thị Mỹ Thanh không chỉ "chống tham nhũng" mà còn để giảm nguy cơ cát cứ sứ quân ? Ảnh : Tuổi Trẻ
Ngày 23/4/2018, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương với sự chủ trì của Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã họp xét kỷ luật đối với hai lãnh đạo chóp bu của tỉnh Đồng Nai là Phan Thị Mỹ Thanh – Phó bí thư tỉnh ủy kiêm trưởng đoàn đại biểu quốc hội, và Đinh Quốc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.
Riêng bà Phan Thị Mỹ Thanh bị cho là có những sai phạm thuộc loại "rất nghiêm trọng", đủ để bị khai trừ đảng và do đó phải bị cách chức. Nếu tệ hơn, bà Thanh còn có thể bị khởi tố và bị bắt giam với những dấu hiệu của tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", hoặc nặng hơn là "cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng".
Trong số nhiều quan chức vun vén và phát triển chế độ gia đình trị ở Việt Nam, bà Phan Thị Mỹ Thanh là một trường hợp quan chức thuộc loại "điển hình tiên tiến". Không ít lần, bà Thanh đã trực tiếp ký văn bản ưu đãi cho công ty của chồng bà này trong vụ Trạm BOT đường vào mỏ đá Tân Cang và những vụ việc khác.
Không chỉ thế, ở Đồng Nai còn xuất cả những dấu hiệu khó có thể chối cãi về "xây dựng lực lượng vũ trang riêng".
Tại Đồng Nai, BOT Biên Hòa đã trở thành cái tên ấn tượng bởi cách lạm thu tràn lan mang lại lợi lộc rất lớn cho chủ đầu tư, khiến phát sinh làn sóng bất tuân dân sự của cánh tài xế khi đối phó tình trạng lạm thu bằng cách trả tiền lẻ khiến BOT Biên Hòa buộc phải xả trạm cho xe qua.
Vào ngày 26/10/2017, vụ một lực lượng đông đảo cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông công khai dàn quân trong khu vực Trạm thu phí BOT Biên Hòa như một cách "khủng bố" việc cánh lái xe trả tiền lẻ là một bằng chứng rõ ràng, không chỉ về mối quan hệ móc nối đã trở nên quá sâm đậm giữa nhóm lợi ích chủ đầu tư BOT Biên Hòa với cơ quan công an, mà còn cả màu sắc đậm đặc rất ấn tượng của "lực lượng vũ trang riêng".
Một khi không được "chống lưng" bởi bất cứ quyết định hoặc quy định pháp quy nào, cơ chế dùng cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông tại trạm BOT Biên Hòa để "dằn mặt" lái xe là một hành vi "khủng bố" quá lộ liễu, quá trắng trợn mà chỉ có thể cho thấy tình trạng phép vua thua lệ làng, cát cứ quyền lực đang phổ biến và gia tăng chóng mặt ở một số địa phương, tạo ra một tiền đề hữu hiệu để một khi "có đủ điều kiện", chính giới lãnh đạo địa phương đó sẽ ra sức phát huy cơ chế tập quyền cá nhân và tập quyền gia đình trị, không ngại ngần sử dụng lực lượng công an và cả quân đội cho ý đồ thâu tóm lợi ích và quyền lực cho mình.
Ở Việt Nam, ngoài tình trạng tham nhũng chất chồng như núi trong "phe địch" lẫn "phe ta", còn một nguồn cơn khác – không kém nguy biến – khiến Nguyễn Phú Trọng ngày càng lo lắng và tìm cách gia tăng cơ chế "kiểm soát quyền lực" đối với cả "phe ta" : nạn cát cứ quyền lực.
Từ cuối năm 2015, có nhiều dấu hiệu cho thấy thực trạng sứ quân và cát cứ quyền lực địa phương đã trở thành mối lo sợ lớn nhất của đảng, chứ không chỉ là nạn tham nhũng hoành hành từ Bắc chí Nam, "thế lực thù địch" hay phong trào dân chủ nhân quyền trong nước.
Kể từ sau đại hội 12 đến nay, bất chấp việc Tổng bí thư Trọng đã phần nào "trấn" được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh của ông này, tình trạng cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương không những không giảm mà còn tăng lên. Những bóng ma mới đang mau chóng thay thế những bóng ma cũ. Ở nhiều địa phương, mỗi bí thư tỉnh hay chủ tịch tỉnh, hoặc cả hai, đã trở thành những ông vua không ngai.
Nhưng cho đến nay, đảng cầm quyền vẫn chưa có được cơ chế kiểm soát quyền lực được cụ thể hóa bằng một luật về "nhất thể hóa", do đó sẽ chẳng có ai chịu trách nhiệm và sẽ chẳng làm thế nào để đảng hay chính phủ kiểm soát được cơ số hành vi tụ tung tự tác mà những lãnh đạo được xem là "có tâm có tầm" do đảng chỉ định làm "lãnh chúa địa phương".
Đó là lý do chắc chắn để không còn cách nào khác, trong những năm tới ông Trọng phải xử cả "phe ta" nhằm "kiểm soát quyền lực" và "trung ương tập quyền".
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 25/04/2018
*****************
Chênh lệch gần 200 tỷ đồng : Tất Thành Cang sẽ bị khởi tố hình sự ?
Thiền Lâm, CaliToday, 25/04/2018 
Vụ mua bán 30 ha đất Nhà Bè giữa Công ty Tân Thuận (vốn 100% của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) và Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai tiếp tục có diễn biến bất lợi cho Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang – nhân vật được dư luận xem là "đệ ruột" của cựu bí thư thành ủy Lê Thanh Hải và đang trực tiếp "nhúng chàm" vụ mua bán này.
Trong trường hợp tồi tệ nhất, Tất Thành Cang (trái) có thể bị khởi tố điều tra hình sự và sẽ phải đối mặt với song sắt nhà tù như Đinh La Thăng (phải) đã từng. Ảnh : Chân Trời Mới Media
Sau khi Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu "Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ lập tức kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định của Thành uỷ về quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Thành uỷ trong việc chuyển nhượng hơn 320.000 m2 ha đất tại Phước Kiển (huyện Nhà Bè)", làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả và trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan và báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ trước ngày 8/5/2018, Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) đã giật tít "Dự án Khu dân cư Phước Kiển (Nhà Bè) có dấu hiệu vi phạm pháp luật".
Theo cách nhìn của VOV, "Chuyển nhượng khu đất có giá trị lớn không thông qua Ban thường vụ thành ủy, không đấu giá quyền sử dụng đất là có dấu hiệu vi phạm pháp luật".
VOV cũng là một kênh báo đảng chủ chốt đang nhiệt tình cổ vũ công cuộc "chống tham nhũng" của Nguyễn Phú Trọng. Chính đài này là cơ quan truyền thông đã xưng tụng Nguyễn Phú Trọng là "Người đốt lò vĩ đại".
Trước đó, cơ quan Văn phòng thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có báo cáo cho rằng "Việc chuyển nhượng dự án khu dân cư Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai đã không được báo cáo cho tập thể Thường trực và tập thể Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh".
Cần chú ý cụm từ "tập thể Thường trực và tập thể Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh".
Thông thường, các văn bản hành chính đảng chỉ ghi ngắn gọn "Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh" hoặc "Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh" mà không có từ "tập thể".
Cũng thông thường, nếu Công ty Tân Tuận tự quyết định việc bán 30 ha đất Nhà Bè cho Quốc Cường Gia Lai, văn bản của Văn phòng thành ủy hoàn toàn có thể nêu "Việc chuyển nhượng dự án khu dân cư Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai đã không được báo cáo cho Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh".
Vậy vì sao lại có từ "tập thể" một cách bất thường trong văn bản báo cáo của Văn phòng thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ?
Đối nghĩa của "tập thể" là "cá nhân".
Phải chăng đã có một quan chức lãnh đạo nào đó của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh "ký lén" phê duyệt cho vụ mua bán 30 ha đất Nhà Bè theo đề nghị của Công ty Tân Thuận mà không thông báo cho các thành viên trong "Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh" – bao gồm bí thư và các phó bí thư, cũng không thông báo cho "Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh" ?
Hiểu cách khác, đó là một kiểu "ăn mảnh" ?
Thái độ có vẻ dứt khoát của Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khi chỉ đạo kiểm tra và xử ý vụ việc mua bán 30 ha đất Nhà Bè cho thấy ông Nhân đã nắm rõ được văn bản của "Thường trực thành ủy" với tên người ký để phê duyệt vụ mua bán 30 ha đất Nhà Bè, và văn bản này là một bằng chứng không thể chối cãi.
Trong khi đó, ngày càng nhiều tờ báo khác của nhà nước đã đồng loạt vào cuộc. Một số tờ báo còn đặt thẳng vấn đề về "lãnh đạo nào của Thành ủy ?". Một vài tờ báo đã bắt đầu nêu tên Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang như "người có liên quan"…
Mới đây, "cây bút tín hiệu" Huy Đức cũng đã ‘gọi tên" Tất Thành Cang như một quan chức phải chịu trách nhiệm về ký tá vụ mua bán 30 ha đất Nhà Bè "có dấu hiệu tham nhũng".
Tất Thành Cang bị một số dư luận nghi ngờ đã "nhúng chàm" và "ăn chia" trong vụ bán 30 ha đất trên.
Theo tính toán sơ bộ của báo chí, con số thất thoát trong vụ mua bán trên lên đến 2.400 tỷ đồng. Tất nhiên, con số này muốn đứng vững và "quy án" cần phải có cơ sở qua hoạt động kiểm tra và điều tra.
Nhưng ngay trước mắt, đã có một cơ sở để củng cố cho mối nghi ngờ về tình trạng "móc ngoặc" có thể đã xảy ra : theo bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai, bà đã mua khu đất này với giá lên đến hơn 600 tỷ đồng chứ không phải 419 tỷ như thông tin ban đầu (theo hợp đồng của Công ty Tân Thuận).
Như vậy, đã có một giá trị chênh lệch đáng kể gần 200 tỷ đồng giữa hợp đồng và "ngoài đời". Vì sao có số chênh đó, và số tiền chênh này "chui" vào túi ai ?
Khả năng "kịch bản Đinh La Thăng" lặp lại là khá cao. Nếu Phó bí thư thường trực Tất Thành Cang đã ký vượt quyền và ký sai pháp luật đối với vụ "bán bèo" 30 ha đất Nhà Bè, mà khả năng này là cao, ông Cang rất có thể sẽ bị "bay chức" ngay trong tháng Năm năm 2018, sau khi Ủy ban Kiểm tra thành ủy có báo cáo cho Nguyễn Thiện Nhân và Trần Quốc Vượng.
Tròn một năm trước, cũng vào tháng Tư, Ủy viên bộ chính trị Bí thư thành ủy Đinh La Thăng đã bất ngờ "té giếng" khi phải nhận một bản kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương – về những sai phạm "rất nghiêm trọng" vào thời ông Thăng còn là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Với Tất Thành Cang, trong trường hợp tồi tệ nhất, nhân vật này có thể bị khởi tố điều tra hình sự, cho dù hậu quả chưa phải là quá nghiêm trọng. Khi đó, Tất Thành Cang sẽ phải đối mặt với song sắt nhà tù như Đinh La Thăng đã từng.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 25/04/2018
**********************
Chủ tịch Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng có ‘ăn chịu’ của Tập đoàn FLC ?
Thiền Lâm, CaliToday, 23/04/2018
Dự án "đang trong giai đoạn lấy ý kiến" nhưng lại "tổ chức lễ khởi công dự án vào ngày 19/5/2018" ; chỉ đạo tỉnh Quảng Ngãi ứng 500 tỷ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án của Tập đoàn FLC ; huy động "toàn bộ hệ thống chính trị" phục vụ cho dự án… là những thứ "mùi" rất đặc trưng và cũng rất quen thuộc toát ra từ "lãnh chúa Quảng Ngãi", Chủ tịch Trần Ngọc Căng.
Ông Trần Ngọc Căng hãy trả lời thẳng và đủ liêm sỉ : ông có "ăn chịu" của FLC để lấy gần hết biển Quảng Ngãi cho tập đoàn này ? Ảnh : TTVN
Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị FLC Bình Châu-Lý Sơn giai đoạn 1 tại huyện được đề xuất có tổng quy mô thực hiện 1.243ha thuộc các xã Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Châu (huyện Bình Sơn) và xã An Bình (đảo Bé, huyện Lý Sơn). Dự án gồm các hạng mục sân golf, khách sạn, hội nghị quốc tế, trung tâm thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng…
Chủ của Tập đoàn FLC lại là một cái tên rất quen thuộc trong giới đại gia và tài phiệt ở Việt Nam : Trịnh Văn Quyết.
Vào những năm 2016 và 2017, cái tên Trịnh Văn Quyết lại được dư luận xã hội gắn với một họ Trịnh khác-Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến. Hai họ Trịnh này bị đồn đoán quá nhiều về những cú "đi đêm" mà một tỉnh gần như năm nào cũng phải xin gạo cứu đói như Thanh Hóa đã ưu ái đến mức tối đa cho các dự án của FLC tại địa phương này.
Chẳng khác gì Thanh Hóa, Quảng Ngãi cũng là một tỉnh phải vác rá ra chính phủ xin gạo cứu đói hàng năm.
Nhưng còn thê thảm hơn Thanh Hóa, Quảng Ngãi là địa phương có số tàu cá ngư dân bị tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc tấn công, đâm va, hành hung và bắn giết nhiều nhất trong năm 2017. Song bất chấp cái hiện tồn cùng cực ấy, "cả hệ thống chính trị vào cuộc" ở Quảng Ngãi vẫn chỉ là "ngư dân bám biển, hải quân bám bờ", còn những gia đình ngư dân có tàu bị tàu Trung Quốc đâm chìm thì chỉ được "hỗ trợ" qua loa và cho có.
Vậy với tư cách là một tỉnh "nghèo rớt mùng tơi", chính quyền Quảng Ngãi lấy đâu ra số tiền 500 tỷ đồng, hoặc phải thẳng tay cắt vào ngân sách an sinh, để đền bù giải tỏa trong thời gian sớm nhất để Tập đoàn FLC có được "đất sạch"-mà hiểu một cách trần trụi là đuổi sạch ngư dân khỏi mảnh đất chôn rau cắt rốn và làm kiệt đường sinh nhai của họ ?
Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Lê Mai (trú huyện Bình Sơn) bức bối "Họ làm như thế thì cư dân chúng tôi lấy gì sống ? Tôi mới nghe tin hôm trước trên đài tỉnh mà họ định một tháng nữa khởi công. Chúng tôi chưa có chuẩn bị gì cả".
"Dân chúng tôi xưa nay mở mắt là ngó thấy biển. Chừ họ bao vây lại hết, chúng tôi phải đi cả gần chục cây số mới ra tới biển thì làm ăn chi nữa ?", một ngư dân xã biển Bình Châu lo lắng.
Dân cư ở đây chủ yếu sống nhờ nghề biển. Gia đình nào cũng có người đi biển, buôn bán các hải sản trên biển. Việc triển khai dự án khiến người dân hết sức lo lắng vì bờ biển bị bao bọc hoàn toàn…
Trong khi đó, giới lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và huyện Bình Sơn đang lo sốt vó vì chỉ còn khoảng một tháng là đến ngày khởi công dự án. "Nhiều hộ dân và 5.000 ngôi mộ nằm trên diện tích 50 ha phải bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư tổ chức lễ khởi công trong tháng tới. Thời gian quá gấp, không biết cơ quan chức năng có chạy theo kịp tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng hay không", một lãnh đạo huyện Bình Sơn lo lắng. 
Chỉ một tháng nữa, "lãnh chúa" Trần Ngọc Căng sẽ đuổi sạch ngư dân ven biển để dâng toàn bộ "đất sạch" cho Tập doàn FLC của Trịnh Văn Quyết ?
Cái "mùi" toát ra từ Chủ tịch Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng ngày càng đậm và nồng nặc, khiến người ta không thể không liên tưởng đến một thứ mùi đặc trưng rất quen thuộc ở Đà Nẵng : hai cựu chủ tịch ủy ban nhân dân là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đã dâng hiến 31 nhà, đất công sản cho đại gia Vũ "nhôm".
Cả Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến vừa bị "lò" của Nguyễn Phú Trọng khởi tố. Riêng Trần Văn Minh còn phải tra tay vào còng…
Quảng Ngãi bán lưng cho trời… Trong khi hàng trăm ngàn ngư dân các tỉnh Nghệ An, Hà tĩnh, Quảng Bình ở miền Trung đã phải treo thuyền treo niêu vì thảm họa xả thải của Formosa-được "nối giáo cho giặc" bởi bí thư Hà Tĩnh vào thời đó là Võ Kim Cự, một vài rẻo đất miền Trung còn lại trong xơ xác như Quảng Ngãi lại đang bị xác xơ thêm bởi những quan chức như Trần Ngọc Căng-học tập cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tinh thần "cả hệ thống chính trị vào cuộc" mà chỉ mang lại lợi ích cho giới doanh gia giàu có và siêu giàu, bỏ mặc lớp dân đen khốn khổ phải hàng ngày đối mặt với mối nguy hiểm khôn cùng từ bóng đen Trung Quốc.
Ông Trần Ngọc Căng hãy trả lời thẳng và đủ liêm sỉ : Vì sao dự án đang lấy ý kiến Ban thường vụ Tỉnh ủy, Quân khu 5 và Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng và cũng chưa có ý kiến của các bộ ngành trung ương, ông lại "ký tắt" để khởi công sớm dự án này như một cách tạo sự đã rồi ?
Và ông có "ăn chịu" của FLC để lấy gần hết biển Quảng Ngãi cho tập đoàn này ?
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 23/04/2018