Trò chuyện cùng Chồn Mập, con chó tôi quý mến - Phần 1 (Việt Dân)
Cũng chính vì được xây dựng trên bạo lực nên xã hội các cậu, loài người
các cậu vẫn đang phải trả giá vì bạo lực. Các cậu không thể nói chuyện
với nhau, quý trọng nhau và nhìn nhận nhau như anh em, đồng bào giống
như loài chó chúng con. Nếu các cậu mãi tin vào bạo lực là phương thức
giải quyết căn nguyên xã hội nhanh nhất và duy nhất thì loài người các
cậu sẽ mãi không có lối thoát.
Độc giả đọc tiêu đề chắc hẳn cũng đã đoán được chủ đề tôi viết bàn về điều gì. Hiển nhiên là cuộc trò chuyện cùng Chồn Mập. Nhưng tại sao tôi lại để bức hình minh họa một chú chó thế kia? Tôi phải giải thích thế này. Nhà tôi có một chú chó gầy gầy, dáng khẳng khiu y như chủ của nó. Những mong nó khỏe mạnh và dũng cảm hơn mình, tôi nghĩ mãi một cái tên để đặt cho nó. Một cách tình cờ, tôi khám phá ra con Ratel (Mọi người có thể đọc bài viết Trò Khánh của tác giả Nguyễn Gia Kiểng trong ấn phẩm xuân của THDCDN năm 2018 để biết thêm về con vật này). Có nhiều cách gọi về con vật này, tiếng Pháp là Ratel, tiếng Anh là Honey Badger, còn theo từ điển tiếng Việt là Lửng Mật. Nhưng tôi vẫn thích cái tên Chồn Mập nhất vì nó quá thân thương. Nói giông dài như vậy để mọi người cốt nắm được cái tiểu sử của Chồn Mập nhà tôi. Còn bên dưới mới là nội dung chính tôi muốn bàn tới.
Đầu tiên và duy nhất, kẻ viết bài này muốn giành lại, đòi lại sự công bằng cho loài chó. Dứt khoát tôi muốn giành lại, đòi lại chứ không xin cho, không khiếu nại hay không khuyến nghị, kiến nghị ai cả. Một thoáng suy nghĩ trong đầu cũng không.
Từ quan sát của bản thân, quan sát đến họ hàng, bè bạn, xóm làng và các tin tức thời sự liên quan...Tôi có thể khẳng định chắc nịch rằng trong xã hội mình chó là một trong những loài động vật bị hành hạ về tinh thần và thể xác nhiều nhất so với những gì nó mang lại cho chúng ta (Chỉ là một trong những cái nhiều nhất thôi, còn bị hành hạ nhiều nhất tôi vẫn ưu ái mà cho rằng vị trí của chúng ta - Người Việt, mới là nhất trong xã hội này).
Có lần tôi thấy đứa cháu nhỏ trong nhà nó ôm con chó nhỏ, tôi thầm mừng vì thằng này mới bé tí tuổi mà đã biết yêu thương động vật. Nhất định thế hệ chúng nó sẽ giành lại được dân chủ cho người Việt. Nhưng cái mừng thầm như mở cờ trong bụng, như trút được cái trách nhiệm to lớn chưa kéo dài được bao lâu thì tôi đã thấy nó day day cái tai, vật con chó ngửa bụng ra làm con chó nhỏ kêu lên tôi nghiệp: "Ẳng, ẳng, ẳng...!" Giận quá, tôi chạy vội lại can nó và giải thích cho nó.
- Chó là động vật để yêu thương, có phải đồ chơi của cháu đâu mà cháu cứ ấn ấn vô bụng nó vậy! Sao không lấy con rô bốt kia ra mà nhấn?" - Tôi nói.
Thằng bé nghe tôi quạo thì khóc ré lên rồi chạy ù lại đến bên mẹ nó. Mẹ nó, là bà chị tôi, lại quát:
- Sao mày không thương cháu mày vậy? Cháu nó nhỏ có biết gì đâu? Mà nó cứ giỡn với con chó như vậy suốt, có làm sao! Nín đi con! Mẹ thương, mẹ thương! Cậu hư, chó hư này, này!
Bất lực quá, tôi đi lững thững ra ngoài vườn, nằm đung đưa trên cái võng rồi nghĩ miên man. Chút gió dịu buổi chiều về làm tôi bất giác thiêm thiếp ngủ lúc nào không hay. Kì lạ thay! Trong giấc mơ của mình, chỉ có mình tôi đang đi dạo với chú chó nhỏ trên một vỉa hè rộng thẳng tắp với hàng cây xanh tán rộng rợp bóng mát. Thình lình, con chó nó hỏi tôi:
- Kìa, sao cậu chủ suy tư vậy? Gâu gâu! - Nó hỏi vẫn kèm cái tiếng sủa, chắc nói tiếng Việt chưa sõi đây mà.
- Ơ sao mày nói được hả Chồn Mập?
- Dạ, bình thường con vẫn nói với cậu chủ suốt, chẳng qua do cậu chủ không chịu học tiếng chó nên mới không hiểu? Gâu, gâu.
- Ơ cái thằng này! Thế hóa ra tao đang nói tiếng chó hay tiếng người? Gâu, gâu - Tôi bực dọc không điều chỉnh được cảm xúc mà bất giác nói những âm cuối.
- Đấy, cậu chủ đang nói tiếng chó mà! Ngôn ngữ của chúng con bao giờ cũng có tiếng gâu gâu ở cuối câu, gâu gâu - Nó trả treo.
- Ừ tao đồng ý với mày. Chồn Mập à, tao buồn lắm! Tao rất thương mày và thương tất cả đồng loại của mày! Ừ thì thời thế bây giờ thay đổi rồi, mày và tao không còn giống như Lão Hạc và con Vàng ngày xưa nữa. Nhưng mày xem, loài người chúng tao vẫn đối xử tệ với chúng mày lắm. Hồi tao còn nhỏ, tạo đi qua nhiều nhà hàng xóm chơi. Có người thì nuôi chó chỉ đề sủa, nó sủa to quá cũng đánh. Đánh nó đau quá hôm sau nó hết sủa được lại đánh tiếp. Mấy hôm sau tao thấy nó mất hẳn đi cái tiếng sủa mạnh dạn mà chỉ còn gầm gừ mà thôi. Có người chỉ nuôi chó để ăn thức ăn thừa, để dọn phân nữa...Mày xem có tủi nhục và đáng giận không. Có người thì nuôi chó chỉ để thả rông, không chăm sóc gì cho nó cả. Đến khi nó bị bắt trộm mất thì bất giác buồn rồi họ lại tìm cách đi giải sầu bằng cách nhậu thịt chó để xả xui. - Tôi nói với giọng đượm buồn chậm rãi.
- Nhưng tại sao loài người các cậu không thương chó mà lại vẫn đi nuôi chó? Gâu gâu - Nó hỏi.
- Tao cũng không biết nữa mày ạ! - Tôi bất lực trả lời.
- Vì loài người các cậu không biết yêu thương và tha thứ cho nhau! Con bị cháu cậu hành hạ, đem ra làm trò chơi mỗi lúc nó đi học về nhưng con vẫn yêu thương nó, vẫn mừng rỡ chạy ra đón nó ngoài cổng, vẫn thức cạnh nó cả đêm không chợp mắt mỗi khi nó bị ốm sốt! Nó là một đứa ngoan ngoãn chỉ bởi do mẹ nó chiều nó quá, cái gì cũng xuê xoa "Cháu nó còn nhỏ đâu biết gì" ! Cậu phải dạy nó! Cậu phải kiên nhẫn với nó giống như con đang kiên nhẫn với nó! Loài người các cậu chỉ sống chung với nhau về mặt lý thuyết chứ không có cảm xúc thật sự. Loài chó chúng con có một câu thành ngữ rất hay để mô tả trường hợp này "Gấu gâu gấu gâu gâu"! - Nó nói liền tù tì quên cả hai cái âm cuối gâu gâu.
Lần này nó làm tôi rối trí thật sự, không biết là chúng tôi đang nói tiếng chó hay tiếng người. Cái con Chồn Mập này, mới tí tuổi mà ranh mãnh gớm! Bắt cậu mày sủa gâu, gâu mỏi cả mồm nãy giờ! Nhưng thôi, tao bắt chước lời mày nói, tha thứ cho mày để hầu chuyện mày tiếp vậy!
- Ý mày là "Bằng mặt nhưng không bằng lòng" hả Chồn Mập? - Tôi hỏi.
- Phải rồi! Các cậu sống trong một cái khuôn mẫu mà các cậu không hài lòng với nó! Chị cậu phải khúm núm, tối ngày ngồi ở xó bếp, lo việc giặt giũ, nấu nướng. Lần trước cậu tặng cho chị cậu bộ mỹ phẩm, chị cậu chưa kịp xài thì bị anh cậu phát hiện ra liền gạt phắt đi "Bà ngoài 35 tuổi rồi còn điệu đàng với ai? Tôi cấm!" Sau này con mới biết là mẹ cậu nhòm thấy liền đánh động đến anh cậu. Còn bố cậu? Bố cậu chỉ tối ngay lo sắm cái bàn, cái tủ, xây cái bàn thờ thật to, gỗ thật xịn nhưng trong căn nhà này, việc nhỏ, to thiết yếu như hư cái bóng đèn, rò cái ổ điện bố cậu cũng không để ý. Còn anh rể cậu chỉ tối ngày lo kiếm tiền và nhậu nhẹt. Cả gia đình cậu quay cuồng trong việc trang hoàng cái bề ngoài, kìm hãm bản thân mình trong cái khuôn mẫu, khuôn phép mà chúng con đã vứt bỏ từ thời ở rùng hoang. Lâu dần ai cũng là phiên bản nhợt nhạt của chính mình để rồi mọi người không còn nhận ra chính mình là ai nữa. Mỗi người trong gia đình cậu cố khoác lên, đắp lên, phủ lên mình đủ thứ mặt nạ, vật chất...chỉ để che đi cái thứ đã biến mất, đã trở nên trong suốt bên trong rồi. Đó chính là cảm xúc. Gia đình cậu là một gia đình bất hạnh, nhưng bất hạnh nhất là cháu cậu. Mọi người cứ tưởng đang chăm lo và cung cấp cho nó những điều kiện tốt nhất nhưng thực sự cái nó cần nhất là tình thương yêu và dạy điều hay, lẽ phải thì nó lại rất thiếu thốn.
Chồn Mập nói càng châm rãi và không bộ lộ cảm xúc đến đâu thì mắt tôi hoen đỏ, nước mắt chảy đến đấy!
- Tao cảm ơn mày lắm! Tao sẽ phải thay đổi gia đình mình! Nhưng làm sao để thay đổi cả đồng bào tao để loài người và loài chó chúng ta thật sự có một cuộc sống xứng đáng! - Tôi hỏi.
- Con không biết, cậu phải từ tìm nấy thôi! Tổ tiên của chúng con khi sống ở rừng hoang vu, để đối chọi với những loại thú dữ có nanh vuốt sắc bén như sư tử, lợn rừng, cọp, beo....Chúng con đều đi theo đàn, thống nhất với nhau một hiệu lệnh và bàn bạc với nhau kĩ lưỡng một cách tác chiến. Đứng riêng rẽ, chúng con yếu đuối nhưng đứng chung lại, chúng con luôn thắng và đối phương luôn phải chịu thua. Bây giờ thời đại văn minh rồi, loài chó chúng con đã nguyện thề sẽ khước từ mọi bạo lực để sống chung với loài người và các loài động vật khác như loài mèo chẳng hạn. Cậu có biết là con và con Hà Mã ( tên con mèo nhà tôi) rất thích tám chuyện với nhau không!
- Nhưng nếu khước từ bạo lực thì làm sao có thể ép họ thay đổi được! Xã hội tao vốn được xây dựng trên bạo lực mà Chồn Mập ơi!
- Cũng chính vì được xây dựng trên bạo lực nên xã hội các cậu, loài người các cậu vẫn đang phải trả giá vì bạo lực. Các cậu không thể nói chuyện với nhau, quý trọng nhau và nhìn nhận nhau như anh em, đồng bào giống như loài chó chúng con. Nếu các cậu mãi tin vào bạo lực là phương thức giải quyết căn nguyên xã hội nhanh nhất và duy nhất thì loài người các cậu sẽ mãi không có lối thoát.
- Nhưng chúng tao...
- Cậu hãy suy nghĩ về những điều con nói! Con chỉ có thể tin vào tình yêu thương đồng loại, sự đoàn kết và quý trọng, kiên nhẫn với nhau mà thôi! Đó là lẽ sống của con và được chia sẻ rộng rãi trong loài chó. Con chỉ có thể khuyên cậu như vậy. Muộn rồi, con phải đi sang nhà hàng xóm gặp Bọ Chét, người yêu trong mộng của con đây!
- Mày khoan hãy đi đã Chồn Mập...
Tiếng tôi gọi Chồn Mập vang xa rồi như vấp phải bức tường vô hình nào đó dội lại nghe oang oang! Tôi choàng tỉnh! Vừa có một cơn gió nồm thổi qua khô khốc, như thể viện giải cho việc chảy nước dãi nhoèn miệng mình - Tôi nghĩ bụng. Lướt cái điện thoại thì đọc tin hàng cây xanh trên một con đường lớn đã bị đốn hạ rồi. Cũng chính là con đường tôi vừa đi dạo vừa trò chuyện với Chồn Mập. Buồn quá! Tôi ngồi suy tư về lời khuyên của nó!
Tình yêu thương đồng bào, đoàn kết, quý trọng nhau, anh em, kiên nhẫn! Có khó với loài người chúng tao quá không, Chồn Mập?
Việt Dân (7/3/2018)