Mê tín: Trạng thái bất an, tuyệt vọng? (FB Nga Thi Bich Nguyen)

 Dù họ là ai, ngành nghề nào thì rõ ràng họ đều cảm thấy bản thân và gia đình đang sống trong một môi trường xã hội có quá nhiều bất ổn, tâm trạng họ không hề có được sự bình an. Họ phải luôn nơm nớp lo sợ, sống trong trạng thái bất an, không biết ngày mai chuyện gì xảy đến với mình. Và với khả năng của bản thân, họ không thể giải quyết được vấn đề nên họ buộc phải tìm đến với thế lực siêu nhiên.





 

Tối qua, anh bạn ở nước ngoài gọi điện hỏi thăm, nói chuyện một lúc thì câu chuyện chuyển qua hiện tượng dâng sao giải hạn đầu năm ở Việt Nam. Từ câu chuyện với anh và từ mấy hôm nay mạng xã hội tràn ngập hình ảnh hơn trăm ngàn người tập trung ở một ngôi chùa để xin lễ bị không ít người chửi mắng là ngu muội, tôi viết bài này để đi tìm lời giải cho một hiện tượng xã hội.

Tôi nhớ cách đây sáu hay bảy năm gì đó, vào ngày mùng 1 tết, tôi chạy cái xe máy cà tàng từ Hà Nội về nhà ông anh kết nghĩa ở Bắc Ninh chơi. Nhà anh có điện thờ và đầu năm thường có đông con nhang phật tử đến dâng sao giải hạn và hầu đồng khai xuân. Anh biết tôi không mê tín, anh bảo, "Cô về chơi để biết về một nét văn hóa tâm linh của miền Bắc." Năm nào tôi không về miền Nam ăn tết thì tôi thường về đó ăn tết với anh chị. Và tôi thích thú với cách người ta trang trí điện thờ, cách người ta hát, gõ, đàn và múa hầu đồng. 

Tôi về đó chơi nhiều vì mỗi khi anh câu được cá ở sông Như Nguyệt thì đều gọi điện bảo tôi về ăn, những cuộc nói chuyện trong các bữa cơm, trong các dịp lễ tết...làm tôi tuy không tin nhưng có một sự hiểu biết chút chút về tâm linh, về văn hóa cúng kiến. Lại nói về ngày mùng 1 năm đó, tôi chạy từ Hà Nội về, còn cách khoảng 5km thì tới nhà anh chị thì xe dở chứng. Đề, đạp mãi mới nổ máy, vào số 1 là tắt, không chạy được. Mùng 1 nên không một tiệm sửa xe nào mở cửa. Đường phố vắng vắng, chẳng có ai giúp. Tôi, mặc váy, đi đôi bốt cao gót, hết đề tới đạp, hết leo lên rồi tuột xuống mà vẫn không thể làm cho cái xe chạy, tôi dắt bộ. 

Trời lạnh mà mồ hôi mồ kê ướt hết cái áo váy và thấm ra cái áo khoác ở ngoài, đôi giày bốt cao gót làm cho việc đẩy xe trở nên khó nhọc gấp bội. Tôi lê lết được hơn 1km, đẩy xe lên được cái dốc ở gần chợ thì đứng thở, mệt đuối. Gọi cho ông anh không được. Tuyệt vọng. Trong lúc đó, tự nhiên trong đầu tôi lại nảy ra cái ý nghĩ van vái thổ công, và sau đó tôi khấn lầm bầm đại khái là xin thần thổ công cho nổ được máy xe để về được tới nhà! Xong, tôi đạp máy xe, vô số, ok. Mừng quá, chạy về tới nhà ông anh mà vừa thấy ngộ nghĩnh vừa không giải thích được. Câu chuyện đó bị quên lãng cho tới khi tôi viết bài này.

Ngược về vài chục năm trước, năm tôi 9 tuổi, ba vừa mất được vài tháng. Hôm đó, mẹ bị cảm sốt, bà nằm trên giường rên hư hư. Tôi rất sợ hãi vì sợ mẹ lại chết giống ba. Tôi không biết làm cách nào để mẹ khỏi bệnh, khỏi đau đớn. Trong cái cơn bấn loạn đó tôi chợt nhớ ra tôi hay thấy mọi người hái lá nấu nước xông để chữa cảm. Tôi điểm lại trong đầu những loại lá cần phải hái: Là chanh, lá bưởi, lá sả, hương nhu, lá tre, húng, gừng và dây lá giác. 

Tôi cắp cái rổ tre vào hông, đi một vòng hái được các loại lá, chỉ thiếu mỗi dây lá giác. Lá giác là loại dây leo mọc hoang, thường bò ở hàng rèo hoặc bám trên các cây cao. Kiếm khắp vườn không có, tôi đi loanh quanh xóm để tìm. Tôi gặp một dây lá giác leo trên một cành cây chìa ra đường đi. Tôi lấy cây khều, nhẩy lên vói, vừa nhảy lên vừa dùng cành cây nhỏ để vói tới dây giác..nhưng không được. Loay hoay rất lâu mà vẫn không hái được, tôi ngồi bệt xuống đất muốn khóc. Cái đầu đứa con nít chỉ biết là phải có lá giác kèm vào các loại lá khác để nấu xông, chỉ có như vậy thì mẹ mới khỏi bệnh, nó không biết rằng thiếu dây giác cũng không sao. 

Nó cũng không biết là phải chạy đi lấy ghế, lấy thang hay nhờ người lớn. Nó ngồi đó ngước mắt nhìn chùm dây giác lủng lẳng trên cao một cách tuyệt vọng. Nhớ tới khuôn mặt nhăn lại và tiếng rên vì đau của mẹ, nỗi sợ mẹ chết lại bao trùm lấy nó. Và nó cho rằng nếu mẹ chết thì đó là lỗi của nó vì nó đã không hái được chùm dây giác về nấu nồi xông cho mẹ. Nó thấy cô đơn và tuyệt vọng. Bất giác, nó nhớ các bà các chị hay vái trời vái phật mỗi khi họ gặp chuyện gì đó không giải quyết được. Nó lẩm bẩm vái trời phật cho mẹ nó hết đau, nó xin chịu đau cho mẹ, nó xin nó hái được chùm dây giác.

Đoạn, nó đứng dậy, cầm cái nhánh cây, cố sức bật nhảy lên, vung tay cầm nhánh cây với chùm dây giác. Tới rồi. Được rồi. Nó rớt xuống kéo theo chùm dây giác. Nó té bệt xuống đất, cơn đau buốt bất ngờ ở cổ chân chạy lên tới óc làm nó điếng người mất một lúc. Nó vơ chùm dây giác, vui mừng, nhẩy cò cò về nhà. Gom hết các loại lá hái được, rửa sạch, cho vào nồi nấu cho mẹ nồi xông. Dù rất đau mỗi khi bước đi, nhưng về đến nhà nó cố ý tỏ vẻ bình thường không cho mẹ biết. Mẹ nó sau khi xông thì khỏe hơn (chắc cũng do uống thuốc gì đó nữa nên khỏi bệnh) và con bé đinh ninh cơn đau nó đang chịu ở chân là nó đang gánh cái đau cho mẹ nó và lời van vái của nó đã có hiệu nghiệm! Câu chuyện trên cũng chẳng bao giờ được kể.

Qua hai câu chuyện ở hai hoàn cảnh và độ tuổi với tầng hiểu biết, nhận thức rất khác nhau của chính tôi kể trên, ta thấy có một điểm chung duy nhất: Trạng thái bất an, tuyệt vọng.

Ở câu chuyện thời tuổi thơ, ta có thể lý giải là do con nít thiếu hiểu biết và ngây thơ nên tin vào những điều tâm linh, mê tín. Nhưng ở câu chuyện thời tôi đã lớn, mới cách đây chưa tới chục năm, ta giải thích thế nào? Rõ ràng là tôi lúc bấy giờ đã có nhận thức, có hiểu biết và không tin vào tâm linh, chỉ tin vào khoa học và những gì có thể chứng minh, nhưng trong một trạng thái cô đơn, tuyệt vọng, tôi đã khấn vái một thế lực siêu nhiên không có thực ban cho mình một điều may mắn để tôi giải quyết tình huống của mình.

Trong cái đám đông hơn trăm nghìn người ngồi chờ dâng sao giải hạn, trong đám đông cả triệu người đi lễ bà chúa Xứ, trong đám đông hàng nhìn người đi lễ bà chúa Kho và khắp các chùa, đền, miếu mạo trên cả nước...ta thấy có rất nhiều thành phần từ người lao động, nông dân, kỹ sư, bác sĩ, doanh nhân, người kinh doanh, người làm nghề, công chức, quan chức...đủ cả, với các tầng hiểu biết, nhận thức, kiến thức khác nhau, họ có một điểm chung duy nhất: Tâm trạng bất ổn. Dù họ là ai, ngành nghề nào thì rõ ràng họ đều cảm thấy bản thân và gia đình đang sống trong một môi trường xã hội có quá nhiều bất ổn, tâm trạng họ không hề có được sự bình an. Họ phải luôn nơm nớp lo sợ, sống trong trạng thái bất an, không biết ngày mai chuyện gì xảy đến với mình. Và với khả năng của bản thân, họ không thể giải quyết được vấn đề nên họ buộc phải tìm đến với thế lực siêu nhiên.

Một xã hội mà ăn cái gì cũng sợ nhiễm độc, sợ bệnh tật, đi ra đường thì không biết chết vì tai nạn giao thông lúc nào, con cái ra đường thì không biết chúng sẽ bị lôi kéo vào các thói xấu nào đang đầy rẫy ngoài kia, công việc, làm ăn có thể bị maasta trắng, phá sản chẳng theo một quy luật nào, thậm chí cái nhà mình đang ở cũng không phải của mình mà có thể mất bất cứ lúc nào chỉ vì một thằng có tiền nào đó nó cứ hứng muốn giải tỏa để xây cái mả mẹ gì đó và nó chỉ cần đền bù giá rẻ mạt là xong, cãi kiện nó đánh, nó bỏ tù.. Thậm chí, nói cái gì cũng phải lựa lời mà kheo khéo nếu không muốn bị đám đông chửi, đánh, đâm..nhìn nhau cũng bị đánh chết cơ mà. Và những đứa cố gắng thay đổi cái môi trường xã hội đó bằng cách phản biện xã hội, bằng cách đấu tranh với chính quyền thì bị trù dập, bị kiểm soát, bị kết an, bỏ tù và tù ngày càng nặng...thì con người ta biết trông vào đâu. bấu víu vào đâu để vượt qua nỗi sợ và nỗi bất an để tồn tại ngoài trông chờ vào thế lực siêu nhiên?

Con người khi được sống trong một môi trường xã hội có sự bình ổn nhất định, được phát triển, làm việc, cống hiến, được nói, được bảo vệ bằng một nhà nước có luật dành cho mọi người chứ không ngoại lệ, an sinh xã hội được đảm bảo một cách tương đối thì họ có cần phải trông chờ vào một thế lực siêu nhiên nào không? Về văn hóa, niềm tin tâm linh vào một tôn giáo nào đó chắc chắn là có nhưng mê tín, ngông muội, trông chờ hoàn toàn vào đó thì không.

Lý giải như thế để thấy, chửi mắng họ là một điều rất dễ, nhưng việc chửi mắng thậm tệ đó thật ra không giải quyết được vấn đề. Họ-chúng ta-là những kẻ thật đáng thương biết mấy trong xã hội, trong thời cuộc này. Nghĩ cách để niềm tin vào tâm linh kia biến thành niềm tin vào một điều cụ thể, chuyển hóa nó thành động lực để thúc đẩy, làm thay đổi xã hội từ bất an thành bình an là một việc rất khó và cần rất nhiều thời gian lẫn công sức, trí tuệ. Trong quá trình đó, chửi mắng thậm tệ đám đông không làm cho họ nhận ra vấn đề, chỉ làm cho họ xa lánh thêm. Họ cần sự thấu hiểu và hướng dẫn, không cần sự phán xét.

 https://www.facebook.com/ngavoi.nguyen/posts/1851972434875035