Chuyên viên phân tích CIA: Trung Quốc tạo ra mối đe dọa lớn hơn Nga

Tòa án quốc tế ra phán quyết bác bỏ chủ quyền 90% diện tích Biển Đông của Trung quốc, nhưng chỉ nhận được sự khinh rẻ, coi thường từ Bắc Kinh. Collins cho biết: "Trung quốc đã học được từ điều đó, rằng họ có thể thách thức luật pháp quốc tế và sẽ không bị trừng phạt gì cả.
 


Bill Gertz, "CIA Analyst: China Poses a Greater Threat than Russia", National Interest, 27 July 2017.

Biên dịch: Mai V. Phạm

Một nhà phân tích cao cấp của CIA đã đưa ra một cái nhìn công khai hiếm hoi phân tích tình báo về Trung Quốc. Michael Collins, Phó trợ lý giám đốc và người đứng đầu trung tâm đặc vụ ở Đông Nam Á, tin rằng cần tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc và mối quan ngại gần đây của công chúng về Nga đang làm Hoa Kì sao lãng mối đe doạ mang tên Trung Quốc.

"Có rất nhiều sự bàn tán về Nga như là một đối thủ cạnh tranh, coi trật tự quốc tế tự do là điều không nhất thiết phải quan tâm, đang tích cực tham gia vào việc phá hoại ảnh hưởng của Mỹ ở nhiều khu vực trên thế giới và Nga hoàn toàn có khả năng để thực hiện điều đó," Collins cho biết tại một diễn đàn an ninh ở Aspen, Colorado. "Tôi cũng cho rằng Trung Quốc đang áp dụng cả ba điều trên, và ngày càng có nhiều quyền lực hơn để thực hiện những điều đó."

Collins lưu ý rằng trong khi Nga đang gây ra những vấn đề rắc rối cho Hoa Kỳ, thì Nga cũng nhận thấy những căng thẳng Mỹ - Trung là có lợi cho họ.

Collins nói: "Sẽ rất có lợi cho Nga khi Trung Quốc là một rắc rối đối với Hoa Kỳ. Cho nên ngay cả khi chúng ta chỉ nghĩ đến những rắc rối mà Nga gây ra cho Hoa Kỳ, thì tôi vẫn cho rằng rất thuận lợi và có ích cho Nga, khi Nga biết rằng Trung Quốc cũng có mối quan hệ xung đột với Hoa Kỳ và vì thế họ có thể hỗ trợ lẫn nhau."

Theo quan điểm của chuyên viên phân tích CIA, Trung Quốc đang phá hoại trật tự quốc tế, vốn do Mỹ dẫn đầu, đã mang lại hòa bình và ổn định ở châu Á trong vòng 40 năm qua. Bắc Kinh đang tìm cách chiếm đoạt quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc - Hoa Kỳ không chỉ giới hạn ở châu Á, mà còn có thể nhìn thấy trên khắp thế giới, khi mà Trung Quốc vừa cho ra mắt một căn cứ quân sự lớn tại vị trí chiến lược Sừng Châu Phi ở Djibouti. Căn cứ của Trung Quốc nằm gần với quân đội Hoa Kỳ.



Một vấn đề là hệ thống chống dân chủ của Trung Quốc.

Collins cho biết: "Trung quốc có quan điểm khác về cai trị và ý nghĩa của nó. Họ đang gia tăng sử dụng các biện pháp cưỡng chế, quyết đoán để đạt được mục đích, là những điều mà chúng tôi không tán thành và những nước khác trong khu vực cũng không đồng ý. Để chúng tôi hiểu các vấn đề như Triều Tiên, Biển Đông, thương mại, phương thức Trung Quốc tiếp cận những vấn đề này, thì chúng tôi phải hết sức chú tâm."

Không giống như học giả Graham Alison của trường đại học Harvard, Collins không tin rằng Mỹ và Trung Quốc có thể bùng nổ chiến tranh. Trung Quốc dường như không muốn tạo ra mâu thuẫn với Hoa Kỳ hoặc với các quốc gia khác, và đang nổ lực để duy trì quan hệ ổn định với Washington.

Một vấn đề nữa của Bắc Kinh liên quan đến cái mà Collins mô tả là "tính chất dễ vỡ của thể chế chính trị và sự ổn định.” Ông Collins nói: "Đối với Trung quốc, họ phải cố giữ điều đó cho an toàn và cần sự ổn định, mối quan hệ thân thiết, vững vàng với Hoa Kỳ."

Về vấn đề Biển Đông, ông Collins nói rằng Trung Quốc đang nổi lên từ cái mà ông gọi là "theo đuổi tham vọng chủ quyền lãnh thổ" đối với một chính sách định hướng ngày càng có áp lực. Tham vọng của Trung Quốc liên quan đến việc kiểm soát biển Đông vì nhiều lý do - quân sự, kinh tế, chính trị và ảnh hưởng toàn diện.

Collins cho biết: "Và càng ngày chúng ta càng nhận ra là điều mà Trung Quốc nghĩ rằng họ đang thực hiện ở biển Đông là hoàn toàn có thể đạt được."

Quyết tâm ngày càng tăng của Trung Quốc là một lo lắng cho CIA và Collins cho biết nó đã được châm dầu bởi sự ì ạch chống lại âm mưu bá chủ của Trung Quốc trong những năm gần đây.

"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã học được trong vài năm qua rằng họ có thể áp dụng các biện pháp cưỡng bức để tiến vào Biển Đông cũng như trong các lĩnh vực khác - kinh tế hoặc chính trị - và họ đã đạt được điều họ muốn mà không gặp bất kì một sự phản ứng nào." 
 
Tòa án quốc tế ra phán quyết bác bỏ chủ quyền 90% diện tích Biển Đông của Trung quốc, nhưng chỉ nhận được sự khinh rẻ, coi thường từ Bắc Kinh. Collins cho biết: "Trung quốc đã học được từ điều đó, rằng họ có thể thách thức luật pháp quốc tế và sẽ không bị trừng phạt gì cả.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng sự táo bạo ngày càng tăng của Trung Quốc thì không là điềm tốt cho Hoa Kỳ và các nước trong khu vực.

Về nội tình của Trung Quốc, Collins cũng cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang thúc đẩy nhu cầu kiểm soát tranh chấp ở biển Đông là "điều mà Trung Quốc cần phải đạt được".

Trong quá khứ, giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc giới hạn khái niệm về các lợi ích cốt lõi của quốc gia để duy trì sự cai trị của Đảng Cộng sản và giành lại quyền kiểm soát Đài Loan. Ngày nay, họ đã mở rộng định nghĩa về các lợi ích cốt lõi bao gồm cả Biển Đông.

Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có đang chơi trò “Ai là gà" (game of chicken) hay không?

(Game of chicken là trò chơi mà hai người chơi đối đầu với nhau trên một con đường hẹp theo kiểu "dê đen dê trắng". Nếu không ai tránh đường thì cả hai sẽ đâm vào nhau và cùng thua cuộc, nhưng nếu một người rút lui trước thì sẽ thua trước và bị gọi là "gà.” Ông Collins cho biết cuộc chơi “Ai là gà?” đang có lợi cho phía Trung quốc hơn.)

"Người Trung Quốc đang học cái mà tôi gọi là một chính sách đối ngoại mô phạm, tiếp cận để nhận ra những gì họ làm mà sẽ không bị trừng phạt gì cả.

Collins cho biết, chính quyền mới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang ở trong một thời kỳ quan trọng nhằm giúp định hình nhận thức về Trung Quốc đối với Hoa Kỳ.

Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang cố gắng hiểu chính quyền Hoa Kỳ, và cố gắng tìm ra đâu là những phạm vi mà chính quyền Trump có thể sẵn sàng chấp nhận căng thẳng hơn nữa và những phạm vi nào sẽ phớt lờ."

Một phạm vi mà chính quyền Trump đang ra sức thúc ép Trung Quốc là kiểm soát Bắc Triều Tiên. Collins cho biết ông tin rằng Bắc Kinh ủng hộ phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, nhưng họ đã mất quá nhiều thời gian tiến hành kiểm soát Bắc Triều Tiên hơn là Hoa Kì mong muốn.

Về vai trò lãnh đạo ở Trung Quốc, Collins tiên đoán quyền lực của nhà lãnh đạo cao cấp Tập Cận Bình sẽ tiếp tục được tăng cường trong Đại hội Đảng Cộng sản sắp tới. Ông nói Bắc Triều Tiên là một vùng đệm chiến lược để giữ không cho Hoa Kỳ và các đồng minh lại gần.

Collins thậm chí tin rằng Tập Cận Bình có thể tìm cách gia tăng quyền lực của mình bằng cách tham gia thêm nhiệm kì thứ ba sau hai nhiệm kì năm năm, cũng giống như Đặng Tiểu Bình đã có thể chỉ đạo sau hậu trường trong những năm 1980.

Ông Collins nói: "Bất kể vị trí của Tập Cận Bình ở đâu, ông ta vẫn sẽ có ảnh hưởng khá lớn.

Collins cũng được đặt câu hỏi về một trong những điều cơ bản của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ - rằng thương mại và cam kết với Trung Quốc sẽ tạo ra những cải cách chính trị dân chủ.


"Tôi nghĩ có một thái độ lạc quan quá mực rằng việc Hoa Kì cam kết với Trung Quốc sẽ dẫn đến những cải cách chính trị và chúng tôi nên thấy những cải cách này của Trung quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa thấy gì cả.