'Nên khoan dung về thư Mậu Thân của Hoàng Phủ Ngọc Tường' (BBC)
"Ông có thể bị oan về việc có mặt ở
Huế trong sự kiện năm đó, nhưng với sự kiện Mậu Thân ông không phải là
kẻ vô can. Với những người bị chết đầy oan khuất ông vẫn nợ họ một câu
trả lời nếu ông tự coi mình là người cầm bút. Khi nào ông chưa nói được
hết những sự thật khủng khiếp của cái sự kiện mà ông đã góp phần tích
cực cả gián tiếp và trực tiếp thì mãi mãi tên ông vẫn bị nhắc tới với sự
hằn học mỗi khi người ta nói về Mậu Thân."
Nhà văn Nguyễn Quang Lập bình luận
với BBC rằng mọi người "cần thông cảm, chia sẻ, khoan dung" vì ông Hoàng
Phủ Ngọc Tường "đã xin lỗi" về sự kiện Mậu Thân.
Sự kiện ông
Hoàng Phủ Ngọc Tường công bố "nhìn nhận về hai sai lầm liên quan Mậu
Thân và ngàn lần xin lỗi" trên mạng xã hội đã gây ra nhiều tranh cãi.
Hôm 10/2, Facebook của nhà văn Nguyễn Quang Lập đăng tải bài "Lời cuối cho câu chuyện quá buồn" của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Trong
"bài viết nhỏ" này, ông Ngọc Tường viết: "Năm nay tôi 81 tuổi, và tôi
biết, còn chẳng mấy hồi nữa phải về trời. Những gì tôi đã viết, đã nói,
đã làm rồi trời đất sẽ chứng nhận. Dầu có nói thêm bao nhiêu cũng không
đủ. Tốt nhất là im lặng bằng tâm về cõi Phật. Duy nhất có một điều nếu
không nói ra tôi sẽ không yên tâm nhắm mắt. Ấy là câu chuyện Mậu Thân
1968."
"Mậu Thân 1968 tôi không về Huế. Tôi, tiến sĩ Lê Văn
Hảo và bà Tùng Chi (những người lên chiến khu trước) được giao nhiệm vụ ở
lại trạm chỉ huy tiền phương, địa đạo Khe Trái (thuộc huyện Hương Trà,
tỉnh Thừa Thiên)- để đón các vị trong Liên Minh Các Lực lượng Dân tộc
Dân chủ và Hòa bình Thành phố Huế như Hoà thượng Thích Đôn Hậu, cụ
Nguyễn Đóa, ông Tôn Thất Dương Tiềm… lên chiến khu. Mồng 4 Tết, tôi
được ông Lê Minh (Bí thư Trị Thiên) báo chuẩn bị sẵn sàng về Huế.
Nhưng
sau đó ông Lê Minh báo là "tình hình phức tạp" không về được. Chuyện là
thế."
"Sai lầm của tôi là nhận lời ông Burchett và đoàn làm phim
"Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình" trả lời phỏng vấn với tư cách
một nhân chứng Mậu thân Huế 1968, trong khi tôi là kẻ ngoài cuộc."
"...Cũng
trong cuộc trả lời phỏng vấn này, khi nói về thảm sát Huế tôi đã hăng
hái bảo vệ cách mạng, đổ tội cho Mỹ. Đó là năm 1981, khi còn hăng say
cách mạng, tôi đã nghĩ đúng như vậy. Chỉ vài năm sau tôi đã nhận ra sai
lầm của mình. Đó là sự nguỵ biện. Không thể lấy tội ác của Mỹ để che
đậy những sai lầm đã xảy ra ở Mậu thân 1968."
"Từ hai sai lầm nói
trên tôi đã tự rước họa cho mình, tự tôi đã đánh mất niềm tin yêu của
nhiều người dân Huế đối với tôi, tạo điều kiện cho nhiều kẻ chống cộng
cực đoan vu khống và quy kết tôi như một tội phạm chiến tranh. Tôi xin
thành thật nhìn nhận về hai sai lầm nói trên, xin ngàn lần xin lỗi."
'Khó hòa hợp'
Hôm 11/2, trả lời
Ben Ngô của BBC Tiếng Việt, nhà văn Nguyễn Quang Lập nói: "Tôi biết
trước là khi đưa lên Facebook thư của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường là sẽ gây
dư luận."
"Tôi đồng quan điểm với ông Tường. Ông ấy đưa thư nhờ
tôi đăng giúp và tôi đoán là ông ấy lúc cuối đời rồi, muốn công bố cái
sai của ông ấy trong lần trả lời phỏng vấn hồi năm 1981 về Mậu Thân."
"Thời
gian gần đây người ta nhảy bổ vào chửi bới quá nhiều cả bạn bè, con cái
của ông ấy nên ông Tường thấy già rồi, nhưng cần nói nốt những gì cần
nói về vụ này, nhận cái sai của mình chứ trước đây ông ấy không có nhu
cầu phải thanh minh."
"Tôi thấy mọi người cần thông cảm, chia sẻ, khoan dung vì ông Tường đã xin lỗi về vụ này."
"Có những người không chửi cộng sản được thì quay qua chửi ông Tường."
"Cá nhân tôi thấy ông ấy bây giờ xin lỗi là đã quá thành thật."
"Lẽ ra ông ấy chẳng cần phải xin lỗi vì đó là quan điểm hồi 1981."
"Lúc đó người ta còn hăng hái lắm. Bản thân tôi lúc đó nếu có ai hỏi tôi về vụ này thì tôi cũng nói như ông Tường."
"Ai cũng có một thời u mê."
"Bây giờ nhìn lại thấy sai thì người ta xin lỗi mà có người còn bảo là không thành thật thì còn lúc nào nữa."
"Thời này nên chia sẻ, thông cảm với nhau là chủ yếu. Nếu không thì vĩnh viễn không bao giờ có chuyện hòa hợp."
"Qua chuyện công bố thư của ông Tường, tôi thấy tình hình này khó hòa hợp lắm."
"Gần như không ai chịu chia sẻ, cảm thông cả," ông Nguyễn Quang Lập nói.
Mạng xã hội nói gì?
Facebook
Thiêm Võ bình luận: "Dù ông Tường có "thống thiết" cho nạn nhân không
thì không có gì để tin! Nhưng nếu ông biết vậy thì ngay bây giờ cũng
chưa muộn, hãy viết thư "thỉnh cầu" các đồng chí của ông đừng ăn mừng
"chiến thắng Mậu Thân" nữa! Việc ấy mới xảy ra khắp nước và ngay tại
thành Hồ nơi ông ở. Làm ngay đi. Tại sao ông không làm hay ông vẫn cho
việc kỷ niệm là đúng đắn? Ăn mừng thảm sát dân lành ư? Ông không thấy đó
là nỗi xót xa cho dân Huế ... của ông (sic!) ư?"
"Mặt khác, ngay
lúc này, khi ông muốn chứng tỏ mình là người thành thật, thì hãy bỏ đi
từ "nổi dậy"! Nó láo và khốn nạn lắm! Hơn ai hết, các ông biết không hề
có sự nổi dậy nào của dân chúng toàn cõi Miền Nam thì đừng láo nữa, đừng
lừa bịp con cháu nữa! Những kẻ nằm vùng không phải là dân chúng nổi
dậy."
"Chắc ông nhớ các cuộc tản cư suốt chiều dài cuộc chiến, đại
lộ kinh hoàng 1972, di tản năm 1975 từ Huế,Đà Nẵng, Tây Nguyên...và hơn
nửa triệu người chết trên biển đó chứ? Cụ thể hơn, con cái, bạn bè thân
thiết của các ông cũng đã và đang di tản đó! Họ không nổi dậy mà họ
chạy trốn."
Nhà báo tự do Nguyễn Trung Bảo viết: "Về việc bây giờ
ông Tường mới lên tiếng để tự minh oan cho mình, thật lòng tôi nghĩ nếu
ông không thể trung thực được với lịch sử để thế hệ sau như chúng tôi
được đọc - được học, thà rằng ông im lặng luôn như lâu nay, có khi tôi
vẫn nghĩ về ông như một người cầm bút. Ông lên tiếng vì nỗi oan ức của
ông, nỗi oan bị người ta nói không đúng (xuất phát từ chính việc làm của
ông trong quá khứ), nhưng ông vẫn không nói một lời nào đối với nỗi oan
của hàng ngàn mạng người bị dập vùi trong cái tết năm ấy. Ông chỉ dám
nhắc tới một chút nhưng vẫn cố lôi "tội ác của Mỹ" vào để che chắn cho
chính ông và đồng đội của ông."
"Ông có thể bị oan về việc có mặt ở
Huế trong sự kiện năm đó, nhưng với sự kiện Mậu Thân ông không phải là
kẻ vô can. Với những người bị chết đầy oan khuất ông vẫn nợ họ một câu
trả lời nếu ông tự coi mình là người cầm bút. Khi nào ông chưa nói được
hết những sự thật khủng khiếp của cái sự kiện mà ông đã góp phần tích
cực cả gián tiếp và trực tiếp thì mãi mãi tên ông vẫn bị nhắc tới với sự
hằn học mỗi khi người ta nói về Mậu Thân."