Tại sao cần giải phóng Venezuela bằng vũ lực? (Ricardo Hausmann)

Khủng hoảng ở Venezuela đang diễn ra ngày càng trầm trọng. Hình ảnh người dân Venezuela sống trong nghèo khổ, chịu đựng và sự tàn phá khốc liệt đã chạm đến ngưỡng mà cộng đồng quốc tế cần ngẫm lại xem có thể trợ giúp quốc gia này như thế nào.


Hai năm trước, tôi đã cảnh báo về một nạn đói sắp xảy ra ở Venezuela giống như những gì xảy ra ở Ucraina trong giai đoạn 1932-1933 tại Holomador. Vào ngày 17/12/2017, tờ The New York Times đã đăng lên trang bìa hình ảnh về thảm họa nhân tạo này.

Tháng 7 vừa rồi, tôi đã mô tả về tính chất chưa từng có của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Venezuela qua số liệu về sự sụt giảm sản lượng, thu nhập, mức sống và chất lượng chăm sóc sức khỏe. Có lẽ con số đáng chú ý nhất ở đây là mức lương tối thiểu (kiếm được bởi một công nhân trung bình) được tính bằng lượng calo rẻ nhất, đã giảm từ 52.854 calo/1 ngày trong tháng 5 năm 2012 xuống 7.005 calo trong tháng 5 năm 2017. Con số này không đủ nuôi sống một gia đình 5 người.

Từ đó đến nay, điều kiện sống của người dân Venezuela ngày càng đi xuống một cách trầm trọng. Cuối tháng trước, mức lương tối thiểu tụt xuống còn 2.740 calo/ngày. Lượng protein cũng ngày càng thiếu hụt. Loại thịt nào cũng khan hiếm, do vậy mà 1 kg thịt trên thị trường tương đương với hơn 1 tuần lương tối thiểu.

Điều kiện sức khỏe của người dân cũng trở nên tệ hại do dinh dưỡng thiếu hụt cũng như việc Chính phủ quyết định không cung cấp sữa bột, vắc xin tiêu chuẩn phòng chống các bệnh lây nhiễm và các loại thuốc điều trị ung thư, AIDS, cấy mô,…cho người dân, cũng như các bệnh viện không được cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết. Từ ngày 1/8/2017, giá 1 đô la Mỹ ở Venezuela có thêm 1 số 0 nữa. Tỉ lệ lạm phát cũng tăng 50% mỗi tháng kể từ tháng 9.

Theo báo cáo của OPEC, sản lượng dầu của nước này đã giảm 16% từ tháng 5, tương đương với mất đi 350.000 thùng dầu 1 ngày. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro không có ý tưởng nào tốt hơn ngoài việc bắt giữ khoảng 60 cán bộ cấp cao trong công ty dầu quốc doanh PDVSA và bổ nhiệm một tướng Phòng vệ Quốc gia chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này lên nắm quyền quản lý.

Thay vì tìm cách để chấm dứt thảm họa nhân đạo này, Chính phủ Venezuela lại đang biến cuộc khủng hoảng trở thành một con bài để duy trì quyền điều hành đất nước của mình. Gạt bỏ mọi đề nghị giúp đỡ, Chính phủ ông Maduro đang sử dụng các nguồn lực để mua sắm các hệ thống kiểm soát đám đông cấp quân sự do Trung Quốc sản xuất để ngăn cản biểu tình.

Nhiều quan sát viên quốc tế nghĩ rằng khi nền kinh tế Venezuela xấu đi, Chính phủ sẽ mất quyền lực. Tuy nhiên, phe đối lập chính trị ở nước này lại đang dần yếu đi so với thời điểm tháng 7 dù nhận đưuọc sự ủng hộ về mặt ngoại giao đáng kể của cộng đồng quốc tế. Kể từ đó, Chính phủ đã thiết lập một Quốc hội vi hiến với đầy đủ quyền lực trong tay, giải tán 3 đảng đối lập, sa thải các thị trưởng và các đại biểu quốc hội do dân cử, đồng thời gian lận trong 3 cuộc bầu cử.

Trong bối cảnh tất cả những giải pháp đưa ra đều không thực tế, không khả thi hoặc không thể chấp nhận được thì người dân Venezuela lại mong chờ một điều thần kỳ có thể giải cứu họ khỏi thảm kịch này. Kịch bản tốt nhất ở thời điểm này là bầu cử tự do và công bằng để lựa chọn một chính phủ mới. Đây là phương án A mà lực lượng đối lập đưa ra, xoay quanh đảng Mesa dela Unidad Democratica (Bàn tròn Đoàn kết Dân chủ) và đang được theo đuổi thông qua các cuộc đàm phán tổ chức ở Cộng hòa Dominica.

Rất khó để một chế độ sẵn sàng gây ra nạn đói để níu giữ quyền lực có thể giành được quyền lực đó trong một cuộc bầu cử tự do. Ở Đông Âu trong những năm 1940, các chính quyền kiểu Stalinist vẫn củng cố được quyền lực mặc dù thất cử. Thực tế là Chính phủ Maduro đã gian lận trong 3 cuộc bầu cử chỉ trong năm 2017 và ngăn cản việc tham gia bầu cử của các đảng khác mà họ đang đàm phán cùng bất chấp sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Điều này cho thấy thành công của viễn cảnh này là không thể.

Trong cách nhìn nhận của nhiều chính trị gia dân chủ, một cuộc đảo chính quân sự nhằm thiết lập lại Hiến pháp cũng khó có thể chấp nhận được vì họ e ngại binh sĩ sẽ không quay về các doanh trại sau khi đảo chính. Quan trọng hơn là chính quyền Maduro vốn dĩ đã là một chính quyền quân sự độc tài. Rất nhiều sĩ quan trong quân đội nắm giữ các vị trí trong Chính phủ Venezuela. Các sĩ quan cấp cao trong lực lượng vũ trang Venezuela bị cáo buộc tham nhũng, dính líu trong nhiều năm vào nạn buôn lậu, các tội phạm liên quan đến buôn bán ma túy, tiền tệ và mua sắm trang bị vũ khí, cũng như giết người không qua xét xử, điều nếu tính theo tỉ lệ đầu người thì còn cao hơn gấp 3 lần so với tình trạng ở Philippinnes dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte. Các tướng tá cấp cao có lương tâm đã từ chức hàng loạt.

Các biện pháp trừng phạt có chọn lọc do Cơ quan Quản lý Tài sản Ngoại quốc Hoa Kỳ tiến hành đang giáng đòn lên những kẻ cai trị Venezuela. Nhưng nếu xét đến hàng chục nghìn cái chết có thể tránh được và hàng triệu dân tị nạn Venezuela, những điều sẽ xảy ra trước khi các biện pháp này đạt được hiệu quả mong muốn, thì các biện pháp này quá chậm chạp. Trong trường hợp tồi tệ nhất, chúng còn không mang lại tác dụng. Rốt cuộc, những biện pháp trừng phạt đó chẳng đem lại những thay đổi trong chính quyền ở Nga, Triều Tiên hay Iran.

Trong hoàn cảnh này, lựa chọn còn lại là sự can thiệp quân sự quốc tế – một giải pháp làm hoảng sợ nhiều quốc gia Mỹ Latinh do trước đây đã có nhiều hành vi xâm phạm chủ quyền các quốc gia này, nhất là ở Mexico và Trung Mỹ. Nhưng đó có thể là những so sánh lịch sử không chính xác. Xét cho cùng, Simón Bolivár có được danh hiệu “Anh hùng giải phóng Venezuela” cũng là nhờ một cuộc xâm lược được tổ chức và tài trợ bởi nước láng giềng Nueva Granada (nay là Colombia). Trong khi đó, nếu không có sự can thiệp quân sự quốc tế, Pháp, Bỉ và Hà Lan cũng không thể tự giải phóng mình khỏi chế độ áp bức trong giai đoạn 1940-1944.

Hàm ý là rất rõ ràng. Khi tình hình Venezuela trở nên không thể tưởng tượng nổi thì các giải pháp cần xem xét cũng dần xích lại cực không tưởng tượng nổi tương tự. Quốc hội được bầu cử hợp pháp – nơi mà phe đối lập chiếm 2/3 số ghế – đã bị tước quyền một cách trái hiến pháp bởi một Tòa án Tối cao được chỉ định trái pháp luật. Lực lượng quân đội đã dùng vũ lực đàn áp các cuộc biểu tình và khiến nhiều lãnh đạo, bao gồm cả các thẩm phán Tòa án Tối cao do Quốc hội bầu vào hồi tháng 7 vừa rồi, phải đi lưu vong.

Tại sao không nghĩ tới viễn cảnh: Quốc hội Venezuela luận tội Maduro và Phó Tổng thống Tareck El Aissami – người dính líu tới buôn lậu ma túy và sở hữu số tài sản hơn 500 triệu đô la đã bị Mỹ phong tỏa, cũng như bị áp dụng các biện pháp trừng phạt của Cơ quan Quản lý Tài sản Ngoại quốc Hoa Kỳ. Quốc hội có thể thiết lập một chính phủ mới theo hiến pháp, và chính phủ này sẽ đề nghị nhận được sự giúp đỡ về mặt quân sự từ một “liên minh ý chí”, trong đó bao gồm các quốc gia Mỹ Latinh, Bắc Mỹ và Châu Âu. Sự can thiệp này sẽ giải phóng Venezuela như cách mà Canada, Úc, Anh, Mỹ giải phóng Châu Âu trong giai đoạn 1944-1945. Gần hơn, biện pháp này cũng giống với việc Mỹ giúp Panama thoát khỏi sự đàn áp của Manuel Noviega, mang lại dân chủ và tạo nên nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Mỹ Latinh.

Theo Luật Quốc tế, sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (điều sẽ bị Nga và Trung Quốc phủ quyết) đối với sự can thiệp này là không cần thiết vì sự can thiệp quân sự này là do một Chính phủ hợp pháp yêu cầu giúp đỡ nhằm duy trì Hiến pháp quốc gia. Sự tồn tại lựa chọn này có thể thúc đẩy triển vọng cho các đàm phán đang diễn ra ở Cộng hòa Dominica.

Việc Venezuela sụp đổ từ bên trong không mang lại lợi ích cho hầu hết các quốc gia. Và các điều kiện ở Venezuela cấu thành tội ác chống nhân loại và phải bị dừng lại. Sự thất bại của Chiến dịch Market Garden hồi tháng 9 năm 1944, được khắc họa trở nên bất tử trong cuốn sách và bộ phim Chiếc cầu quá xa (A Bridge Too Far) đã dẫn tơi nạn đói ở Hà Lan vào mùa đông 1944-1945. Nạn đói ở Venezuela giờ đây còn khủng khiếp hơn. Bao nhiêu người nữa sẽ chết trước khi sự giải cứu tới?

Tác giả: Ricardo Hausmann, cựu Bộ trưởng Kế hoạch của Venezuela và cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, hiện là Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế tại Đại học Harvard và là Giáo sư Kinh tế học tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard.

Biên dịch: nghiencuuquocte.org