Hồi cuối năm 2016, các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận người Nga tổ chức tấn công hệ thống bầu cử Mỹ, nhằm đưa ông Trump vào Nhà Trắng.

Công tố viên đặc biệt Muller đang chỉ huy cuộc điều tra hình sự về khả năng có sự thông đồng giữa nhóm tranh cử của ông Trump với người Nga. Hai cố vấn tranh cử đã nhận tội khai man với Cục điều tra liên bang (FBI) và hai người khác bị buộc các tội danh cấp liên bang.

Văn phòng của Công tố viên đặc biệt Muller nói 13 người Nga, 3 tổ chức Nga gồm Cơ quan nghiên cứu internet (được cho là một “trại chọc ngoáy” có nhà nước Nga tài trợ) đã bị một đoàn bồi thẩm cấp liên bang ở Washington DC buộc tội.

Cáo trạng 37 trang cáo buộc các hoạt động của Nga gồm “ủng hộ cuộc tranh cử tổng thống của ứng viên lúc đó Donald J Trump... và làm mất thể diện Hillary Clinton”, đối thủ thất cử của ông Trump.

Theo các nhà điều tra, một bị cáo là ông Yevgeniy Prigozhin, bị cáo buộc sử dụng những công ty do ông kiểm soát gồm Concord Management & Consulting, và Concord Catering để tài trợ cho hoạt động chống Mỹ với số tiền 1,25 triệu USD/tháng để trả lương, thưởng cho 80 người tham gia cuộc can thiệp bầu cử Mỹ.

Từ lâu, các nhà điều tra Mỹ đã nhận định tỉ phú doanh nhân Prigozhin, đứng sau vụ can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Prigozhin có biệt danh “Bếp trưởng Điện Kremlin” vì ông từng làm chủ một nhà hàng ở St Petersburg mà Tổng thống Nga Vladimir Putin rất thích đến ăn.

Từ đó, ông Prigozhin trúng nhiều hợp đồng tổ chức tiệc cho Điện kremlin, như tổ chức tiệc cho lễ nhậm chức tổng thống Nga của ông Dmitry Medvedev hồi năm 2008, và ông cũng trúng nhiều hợp đồng cung cấp thức ăn cho quân đội Nga và học sinh ở Moscow.

Ông Prigozhin, 56 tuổi, còn bị cho là dính líu đạo quân tư nhân Wagner, một tổ chức đánh thuê ở Ukraine và Syria. Hồi tháng 7.2017, Mỹ đã đưa đạo quân này vào danh sách trừng phạt.

Ngày 16.2, ông Prigozhin nói với hãng tin nhà nước RIA Novosti “Người Mỹ hay lắm, họ thấy những điều họ muốn thấy. Tôi rất nể họ, nếu họ muốn thấy quỷ dữ thì cứ để họ thấy quỷ dữ”.

Theo các nhà điều tra, nhóm người Nga đã tổ chức các sự kiện và giả là người ủng hộ ông Trump, và lập những nhóm chống ông Trump như Black Lives Matter.

Theo Công tố viên đặc biệt Muller, hồi tháng 8.2016, nhóm người Nga liên lạc với nhóm tranh cử của ông Trump ở bang Florida, thông qua địa chỉ email “@donaldtrump.com” của họ, để điều phối nhiều cuộc mít-tinh ủng hộ ông Trump ở bang này, rồi mua quảng cáo trên mạng xã hội để quảng bá các sự kiện này.

Tại một cuộc tập hợp ở West Palm Beach, một người Nga thậm chí trả tiền cho nhiều người Mỹ dựng một xà lim trên một xe tải, rồi một diễn viên giả làm bà Clinton mặc áo tù đứng trong xà lim đó.

Theo các nhân viên công tố, nhóm người Nga đã giả là người Mỹ lập những tài khoản “ma” trên các trang mạng xã hội, mua quảng cáo và tổ chức các cuộc mít-tinh chính trị.

Họ chiếm thông tin cá nhân của những người ở Mỹ để tải lên mạng và xây dựng hệ thống điện toán ở Mỹ để giấu nguồn gốc Nga trong hoạt động của họ. 

Nhóm người Nga còn bị cáo buộc kêu gọi cử tri thuộc các nhóm dân thiểu số tẩy chay cuộc bầu cử.
Theo nhóm điều tra của ông Muller, sau khi ông Trump trúng cử, nhóm người Nga dựng nên chuyện đảng Dân chủ cáo buộc kết quả bầu cử gian lận.

Lúc đó, ông Trump liên tục tuyên bố (không có bằng chứng) rằng nếu không có gian lận lá phiếu cấp độ lớn thì lẽ ra ông đã thắng cuộc bỏ phiếu phổ thông.

Nhóm người Nga đều bị buộc tội âm mưu lừa đảo nước Mỹ. 3 bị cáo bị buộc tội âm mưu gian lận điện tử và gian lận ngân hàng, và 5 bị cáo bị buộc tội chiếm đoạt nhân thân người Mỹ.

Bên cạnh đó, văn phòng Công tố viên đặc biệt Muller thông báo công dân Mỹ Richard Pinedo, 28 tuổi, bị buộc tội gian lận lý lịch. Pinedo nhận tội điều hành một trang web để chiếm đoạt thông tin cá nhân của nhiều người Mỹ, giúp khách hàng của anh ta “lách” các biện pháp an ninh của nhiều trang mạng trả tiền. 

Ông Muller cáo buộc nhóm người Nga “liên lạc với những người vô tình liên quan với nhóm tranh cử của ông Trump”, nhưng cáo trạng không giải đáp câu hỏi còn có ai khác trong nhóm tranh cử của ông Trump có thông đồng với người Nga hay không

Cho đến nay, nhóm điều tra của ông Muller chưa liên lạc với chính quyền Nga, nhưng Mỹ muốn dẫn độ các bị cáo Nga qua Mỹ để xét xử. 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) Rod Rosenstein nói tại cuộc họp báo: người Nga đã kích động sự chia rẽ ở Mỹ và khiến người dân mất niềm tin vào dân chủ, và nói thêm: “Chúng ta không được để họ đạt đến thành công”.

Vị quan chức còn nói thêm: “Không có cáo buộc đối với bất kỳ người Mỹ nào”.

Theo báo Guardian, ông Trump và Nhà Trắng vịn vào bình luận của ông Rosenstein để tuyên bố sự buộc tội người Nga đã chứng minh không có sự cấu kết nào giữa Nga với nhóm tranh cử của ông, và kết quả bầu cử hoàn toàn không bị tác động.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi những cáo buộc của Mỹ là “phi lý”.

Bà Zakharova viết trên facbook: “13 người can thiệp cuộc bầu cử Mỹ? 13 người chống lại mật vụ Mỹ có kinh phí hàng tỉ USD, chống lại các cơ quan tình báo và phản gián, chống lại những phát triển công nghệ mới nhất? Quá phi lý”.

Người phát ngôn Dmitry Peskov của Tổng thống Putin nói với giới báo chí Nga: ông chưa có cơ hội đọc cáo trạng của Mỹ.

Bảo Vĩnh (theo Guardian)