Dân giàu nhờ nuôi thủy sản, nhưng chính quyền cứ bắt trồng lúa (Một Thế Giới)
“Một công (1.000m2) tôm ăn đứt 10 công lúa,
vậy tại sao chúng tôi phải trồng lúa?”, một hộ nuôi tôm ở ấp Bình Quới,
xã Bình Phú, H.Châu Phú, tỉnh An Giang bức xúc trước dự án lấp kênh, xây
cống để làm lúa vụ 3 của chính quyền địa phương.
Hiện ở ấp Bình Quới nhiều hộ dân sống
bằng nghề nuôi tôm chân ruộng, cá tra, cá sặc, cá tra bột, cá hô… đang
đứng ngồi không yên khi họ có thể không được tiếp tục nuôi trồng thủy
sản nữa vì kênh, cống dẫn nước sạch vào ao sẽ không còn.
Ông Mai Văn Đúng, có thâm niên nuôi tôm đã 16 năm qua cho biết: “Từ
lúc nuôi tôm, cuộc sống gia đình tôi thay đổi, nhà có của ăn của để. Bây
giờ không nuôi được tôm cá nữa, tôi biết lấy gì sống”. Gần 2 thập niên
trước, ông Đúng cũng như nhiều hộ dân ở xã Bình Phú, chỉ trồng lúa. Sản
lượng lúa chỉ đủ ăn, cuộc sống gia đình quay quắt trong cái nghèo.
Sau đó, huyện, tỉnh hỗ trợ kỹ thuật, vốn để bà con chuyển sang nuôi
tôm càng xanh chân ruộng (kiểu nuôi tôm trong ao, đến mùa lũ thả ra đồng
ruộng để tôm nhanh phát triển). Khởi nghiệp chỉ có 3 công đất và 50
triệu đồng vốn vay được, ông Đúng nuôi tôm và đến nay diện tích ao nuôi
và số tiền lãi từ tôm mỗi năm mỗi tăng.
Ông Văn Công Lắm, người nuôi tôm kỳ cựu khác ở nơi đây cũng bức xúc
cho biết: “Con tôm cứu gia đình tôi, con cái được ăn học, gia đình sống
thoải mái nhờ tiền lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nông dân như chúng
tôi biết trồng cây gì, nuôi con gì để được như vậy? Chúng tôi có kinh
nghiệm nuôi tôm, cá rồi. Giờ đang thành công, chúng tôi còn chuyển qua
thứ khác làm gì”.
Ông Mai Văn Cường ngụ cùng địa phương còn xuất sắc hơn. Thấy những hộ
nông dân khác chuyển từ lúa qua nuôi trồng thủy sản thành công, ông
Cường cũng mày mò học hỏi, nghiên cứu để nuôi thử. Hơn 5 nay, ông chỉ
tập trung vào nuôi cá tra bột (cá tra giống). “Năm 2017 vừa rồi, tôi bán
cá giống lời 1,3 tỉ đồng. Chỉ với hơn 1 hecta đất, nếu trồng lúa thì
giỏi lắm mỗi năm thu được vài chục triệu”, ông Cường nói.
Nhìn những ao cá thác lác, cá tra, cá đang đớp mồi lềnh mặt nước, vợ
chồng chị Võ Thị Kim Ngà thở dài: “Mấy hecta mặt ao nuôi cá của nhà tôi
mà giờ không cho nuôi nữa, chắc vợ chồng tôi sống không nổi. Tôi bỏ hết
cả gia sản vào mấy ao cá rồi”.
Hộ chị Ngà có gần 4 hecta, vừa đất nhà vừa đất thuê để nuôi đủ các
loại cá. Năm 2017, sau khi bán mấy chục tấn cá thác lác cườm, cá tra
giống, chị Ngà lời “sơ sơ” 970 triệu đồng. Nhưng đó chưa thấm vào năm
2016, vợ chồng chị trúng, bán cá lời đến 1,7 tỉ…
Theo những người dân nơi đây, vùng đất họ đang sinh sống và làm ăn
này vốn đã được quy hoạch để nuôi trồng thủy sản từ những năm 2000.
Những người nông dân vốn quen với cây lúa được huyện, tỉnh tạo điều kiện
để học nghề nuôi trồng thủy sản và được vay vốn ưu đãi để nuôi.
Trước khi nuôi trồng thủy sản, những người dân này còn phải đăng ký
với chính quyền địa phương, phải có phương án bảo vệ môi trường. Họ phải
hoàn thành nhiều thủ tục để được phép nuôi thủy sản trong nhiều năm
qua.
Thế nhưng tháng 5.2017, các hộ dân này bất ngờ nhận được thông báo
của xã Bình Phú và H.Châu Phú thông báo tạm ngưng việc thả giống mới.
Mục đích là để làm cống ngầm từ kênh 8 đến kênh 13 lên đê bao sản xuất 3
vụ.
“Chính quyền ngăn lũ làm đê bao để lên 3 vụ bằng cách chặn kênh 10 và
đặt cống ngầm. Phương án này sẽ làm lượng nước lưu thông tự nhiên kém
và bị ô nhiễm. Chúng tôi đâu có thể sử dụng để nuôi trồng thủy sản”, chị
Ngà nói.
Các hộ dân đã kiến nghị đến chính quyền, đoàn thể xã Bình Phú và
H.Châu Phú. Tháng 10.2017, UBND H.Châu Phú, Ban Quản lý dự án đầu tư và
xây dựng, Phòng NN-PTNT cùng UBND xã Bình Phú có buổi tiếp xúc với các
hộ dân nuôi trồng thủy sản ở ấp Bình Quới.
Tại buổi làm việc, nhiều hộ nuôi thủy sản và trồng lúa đề nghị không
lấp cống kênh 10 để xây trạm bơm mà nên chia thành 2 tiểu vùng đê bao
(mỗi vùng 600 - 800 hecta) kết hợp với làm cầu. Việc ngăn kênh sẽ 10 ảnh
hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và vận chuyển hàng
hóa gặp khó khăn khiến gia tăng chi phí sản xuất.
Cũng theo người dân, nếu nhất quyết thực hiện công trình thì phải hỗ
trợ chi phí để họ chuyển đổi trong thời gian tới. Thế nhưng UBND H.Châu
Phú cho rằng ý kiến người dân đưa ra là không phù hợp vì chi phí bồi
thường đất rất lớn. Và tới nay việc hỗ trợ cho các hộ dân chuyển đổi vẫn
chưa được chính quyền tính đến.
“Tại sao ngày trước quy hoạch nơi này để nuôi trồng thủy sản, bây giờ
chúng tôi có được thành công lại không cho nuôi nữa? Nếu muốn chuyển
đổi thì phải hỗ trợ cho chúng tôi phần vốn liếng đã bỏ quá nhiều vào
nuôi trồng thủy sản. Bây giờ ao cá, ao tôm chúng tôi đã đào bao nhiêu
năm qua. Muốn trồng lúa phải lấp lại, tốn kém biết bao nhiêu mà kể. Điều
đó có hợp lý không?”, một người dân bức xúc nói.
PV đã liên hệ với ông Trần Văn Đảo - Chủ tịch UBND H.Châu Phú, nhưng
ông Đảo đề nghị PV liên hệ với Phòng NN-PTNT. Nhưng bà Lê Trần Minh
Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT thì cho biết đã trả lời báo chí nên sẽ không
thông tin thêm nữa.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Tấn Hưng - Phó phòng
NN-PTNT huyện cho biết chủ trương được triển khai, UBND xã có tiến hành
họp dân lấy ý kiến và nhận được sự nhất trí rất cao. Diện tích khép kín
là 1.542 ha, với kinh phí đầu tư 8 tỉ đồng từ nguồn thủy lợi phí. Công
trình xây dựng 8 cống ngầm nhằm đảm bảo kiểm soát lũ, tái cơ cấu sản
xuất.
Khu vực kênh 10 trước đây có quy hoạch nuôi tôm chân ruộng nhưng việc
đào ao của một số hộ là chưa xin phép, cách làm tự phát. Việc lãnh đạo
huyện không chấp nhận phương án thành lập 2 tiểu vùng vì chi phí bồi
thường đất rất lớn. Sắp tới công trình vẫn sẽ được tiếp tục triển khai,
phục vụ cây lúa.
Thanh Nguyên