Chút tâm tình đầu xuân trên đất nước chưa bình yên (Thụy My)

Không chỉ bộ đội mà rất nhiều dân quân, kể cả dân thường Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc vào ngày 17 tháng Hai năm 1979. Số liệu chưa được tổng kết, nhưng thương vong có thể lên tới hàng chục ngàn người, để giữ vững biên cương Tổ quốc, để cho chúng ta có ngày hôm nay. Trong những ngày Tết như thế này không biết ai còn nhớ đến họ. 


 

Nhân ngày đầu năm mới hôm nay 16/02/2018, tức mùng một Tết Mậu Tuất, RFI Việt ngữ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước hết ông Mỹ nhấn mạnh đến truyền thống đoàn tụ, uống nước nhớ nguồn của người Việt trong ngày Tết.

Đối với rất nhiều người Việt, thì đầu năm mới là dịp để cả gia đình đoàn tụ với nhau, nhớ về tổ tiên bằng những mâm cơm, vật cúng, mâm quả bánh trái…Nét đẹp này có hàng ngàn năm rồi. Sau đó người ta sẽ đi chơi, vì đây là dịp mà tất cả mọi người cùng được nghỉ tương đối dài ngày sau một năm làm ăn vất vả. 

Tết không chỉ là dịp cho người sống đoàn tụ, mà cả người chết nữa. Trước Tết thì mọi người đã viếng các nghĩa trang hoặc lên chùa nơi đặt tro cốt, để tưởng nhớ đến cha ông của mình. Tôi cho rằng đây là truyền thống cần giữ, vì nhắc nhở mình cuộc sống này không phải là vĩnh cửu, giúp mình biết sống tốt hơn : bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên, với những người đã nằm xuống cho Tổ quốc này có ngày hôm nay.

Trong tâm sự đầu xuân, ông Nguyễn Văn Mỹ sau khi đề cập đến thành tích bất ngờ trong giải bóng đá U23 châu Á của đội tuyển Việt Nam, cũng không quên nhắc nhở đến số phận đáng buồn của nhiều vận động viên giỏi trước đây. 

Ngoài bóng đá, một trong những sự kiện cần ghi nhớ là kỷ niệm 50 năm biến cố Tết Mậu Thân 1968. Ông Mỹ cho rằng bên cạnh những hoạt động bề nổi của « bên thắng cuộc », cần có những hành động thiết thực như ủy lạo thân nhân, cầu siêu cho những người đã khuất của cả hai bên, và rút ra bài học xương máu, « bởi chiến tranh không phải trò đùa ».

Đặc biệt, ngày mùng hai Tết năm nay cũng là ngày kỷ niệm cuộc chiến biên giới phía Bắc 17 tháng Hai năm 1979, rất nhiều người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược.

Năm nay ngoài Mậu Thân đang được kỷ niệm rất rầm rộ, có một sự kiện khác làm ray rứt. Không hiểu mọi người thì sao, người ta bảo tôi là người hơi hoài cổ - có thể là mình đã đi qua thời kỳ gian khổ, đã sống dưới cả hai chế độ, đặc biệt đã từng là người lính – nên mình thấm thía hơn. Đó là Tết năm nay trùng vào kỷ niệm cuộc chiến tranh 1979 tại sáu tỉnh biên giới.

Không chỉ bộ đội mà rất nhiều dân quân, kể cả dân thường Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc vào ngày 17 tháng Hai năm 1979. Số liệu chưa được tổng kết, nhưng thương vong có thể lên tới hàng chục ngàn người, để giữ vững biên cương Tổ quốc, để cho chúng ta có ngày hôm nay. Trong những ngày Tết như thế này không biết ai còn nhớ đến họ. 

Ngoài việc thăm viếng các nghĩa trang của liệt sĩ, dân quân trong chiến tranh biên giới, cũng cần những việc thiết thực hơn. Ví dụ như thăm hỏi các gia đình có người thân hy sinh, bị thương, kể cả những người dân bị chết do cuộc chiến. Đó là đạo lý của những người còn sống, đặc biệt đối với những người đã chết để hôm nay mình được sống.

Cuộc chiến trên bộ do Đặng Tiểu Bình khởi động đã kết thúc cách đây 39 năm, nhưng tham vọng bành trướng không hề dừng lại. Biển Đông hiện đang dậy sóng trước những hành động hung hăng của Bắc Kinh, với giấc mộng Đại Hán của Tập Cận Bình. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Trường Sa không hề yên tĩnh.

Tôi biết chắc chắn như vậy, bởi vì thật ra tình hình rất căng thẳng. Tôi có đi Trường Sa, thì thấy rằng không khí chiến tranh vẫn thường trực, vẫn ám ảnh. Tàu hải giám Trung Quốc vẫn nghênh ngang. Và khi chúng tôi tham gia đoàn đó, có lệnh của ban tổ chức là khi thấy tàu hải giám Trung Quốc đi trên hải phận quốc tế thì anh em trên tàu Việt Nam không được ra ngoài chụp hình, có thể bị coi là khiêu khích.

Tại sao lại khiêu khích, bởi vì mình đâu có làm gì ? Mình đâu có súng, chỉ có máy chụp hình thôi. Và đây là hải phận quốc tế chứ đâu phải vùng biển của Trung Quốc ! Cho nên có những điều rất khó hiểu. 

Hoàng Sa thì mình mất luôn rồi, nhưng Trường Sa vẫn còn đó. Tôi nghĩ rằng ngoài thư từ, quà cáp và anh em ra thăm, tại sao lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước không thể nhân dịp Tết này bỏ ra một vài ngày. Chỉ cần một chuyến bay thẳng từ Cam Ranh, có thể ra ngay Trường Sa lớn thăm hỏi, động viên. 

Điều đó hơn hẳn những món quà gởi cho anh em bộ đội. Đặc biệt hành động đó thể hiện thái độ muốn nói với thế giới rằng Trường Sa là của Việt Nam. Lâu nay chưa có chuyện đó. Thật ra lãnh đạo có cái lý của lãnh đạo, nhưng dân hỏi bản thân mình cũng không hiểu thì làm sao nói cho dân hiểu được.

Dù đường xa cách trở, đến thăm phần đất thân thương này của Tổ quốc vẫn là ước vọng của không ít người dân yêu nước, dù Trung Quốc có giương móng vuốt đe dọa.

Thật ra Trường Sa không phải mọi người đều đi được, chỉ có thể đi đại diện thôi vì nhiều lý do : đường xa cách trở, phương tiện…Nếu đi lại được dễ dàng thì đó sẽ là điểm du lịch rất lý thú. Dù đang tranh chấp, mình đâu có đi sang nước khác đâu mà sợ người ta làm gì. Mình chỉ đi trong những đảo mà chúng ta đang giữ, đang có chủ quyền đầy đủ. Còn những đảo họ đang chiếm của mình làm sao mình tới được. Cho nên cũng nên mở rộng việc này.

Cho tới giờ phút này, sau rất nhiều lần khởi động và bản thân chúng tôi khi đi Trường Sa về cũng đã chuẩn bị chương trình rồi. Nhưng tới giờ không hiểu tại sao việc đưa những người Việt - kể cả những cán bộ hưu trí lẫn đương chức cũng có khát vọng được ra tới Trường Sa, thể hiện tình cảm yêu nước của mình – vẫn không thể tổ chức được.

Tôi nhớ trước đây thủ tướng Badawi của Malaysia từng ra thăm và nghỉ lại, vì Malaysia có khu du lịch tại phần Trường Sa của họ. Nhưng lãnh đạo của mình thì chưa có ai tới Trường Sa cả, mặc dù mình có nói là có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền Việt Nam. Thì mình chứng minh bằng chuyện đó đi ! 

Chúng ta có thể đưa khách ra. Thậm chí có một số anh em ở ngoại quốc gọi cho tôi, nếu sợ Trung Quốc làm khó dễ, thậm chí uy hiếp bằng vũ lực, thì đưa bà con người Việt ở hải ngoại mang quốc tịch nước ngoài về thăm Trường Sa đi. Chắc là Trung Quốc cũng không dám đụng tới những người Việt có quốc tịch Mỹ hay quốc tịch Anh, Pháp…

Nhưng liệu có đơn vị nào đứng ra thực hiện, và liệu có nhiều người đi để tổ chức tour du lịch Trường Sa hay không ? Ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết : 

Lúc đi, tôi có đem chuyện này ra hỏi một cán bộ lãnh đạo thành phố, thì các anh ấy rất ủng hộ. Tôi có hỏi phó tư lệnh Hải quân, chính ủy Hải quân thì các anh cũng ủng hộ luôn, nhưng lại chỉ ra một công ty của Bộ tư lệnh Hải quân. Công ty đó đâu có làm du lịch đâu mà họ biết ! Hoặc thành phố hồi trước cũng định giao cho Saigon Tourist. Nhưng tôi cho rằng làm những tour đó là loại tour đặc thù.
Từ người tổ chức cho đến các hướng dẫn viên phải là những người am hiểu, và phải nói là « máu me » một chút. Chứ còn làm du lịch bình thường thì không làm được đâu. Bởi vì đường xa đi vất vả, ra đó mới hiểu người lính như thế nào. Đó không phải là tour thương mại để tính chuyện lời lỗ, kinh tế ở đây, nhưng chúng ta sẽ đạt được hiệu quả về mặt tuyên truyền, về mặt giáo dục, khơi gợi lòng yêu nước. 

Nếu được, chúng tôi xin đứng ra tự tổ chức và tôi sẽ trực tiếp làm hướng dẫn. Tôi ngồi tôi tính rồi, từ Cam Ranh ra Trường Sa khoảng 245 hải lý, mình có thể đi máy bay, vì có sân bay mà. Có thể đi tàu cũng được. Thì một tour năm, bảy ngày, giá chừng ba, bốn chục triệu, luận chứng kinh tế có thể làm được. Đi Sơn Đoòng người ta còn bỏ ra ba nghìn đô được, thì Trường Sa có đặc thù riêng. Tôi nhắc lại, đó là ước mơ, nguyện vọng của rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Mà bây giờ không biết làm sao để đi, trong khi mình nói đó là đất của mình.

Đất mình thì làm sao mình không đi được. Thứ nữa, Trung Quốc có làm cái gì quá đáng thì có thế giới chứ đâu phải họ muốn làm gì thì làm. 

Cuối cùng ông Nguyễn Văn Mỹ muốn gởi đến thính giả RFI một lời chúc mừng khá độc đáo nhân dịp Tết cổ truyền.

Tôi thấy người Việt mình nhiều khi cũng chúc nhau hơi sáo. Năm nay tôi cũng được chúc sức khỏe, may mắn, vạn sự như ý, tài lộc…Nhận được nhiều lời chúc nhưng vẫn như cũ, mà nhiều khi tôi ngồi tôi nghĩ, có khi chúc mọi sự may mắn – nếu làm lợi cho cộng đồng thì quá tốt. N hưng nếu buôn gian bán lận, làm áp-phe này khác mà may mắn thì đất nước càng chết nữa. 

Cho nên năm nay khi được chúc thì tôi cười cười, chúc lại mọi người là « Biết, và dám sống tốt với đời ! »

Có nhiều người biết mà không dám sống, vì sợ. Mà muốn sống tốt với đời thì phải sống tốt với mình, với người thân, gia đình, bạn bè và với cộng đồng. Muốn sống tốt với mình lại phải biết rèn luyện giữ sức khỏe, trau giồi kiến thức và đạo đức. Nếu được như vậy thì thậm chí mình dám hợp lực để chống lại cái ác, chống điều xấu thì đất nước mới thay đổi được. Chúc như lâu nay không có gì sai cả, nhưng tôi thấy nhiều khi hơi thụ động.

RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du lịch Lửa Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng dành thì giờ để tâm tình với thính giả RFI trong ngày đầu năm mới Mậu Tuất.

RFI