Liệu thanh trừng ở Việt Nam đang vượt khỏi tầm kiểm soát? (Asia Times)
Ông Quang, nhân vật số hai trong đảng, trước đây là bộ trưởng Bộ Công
an, là khuôn mặt hàng đầu có thể thay thế ông Trọng, lên chức tổng bí
thư trong Đại hội Đảng năm 2021 – hoặc có thể sớm hơn, vì một số cho
rằng ông Trọng, 73 tuổi, có thể rút lui trước đó.
Báo chí Việt Nam sau mấy ngày im hơi lặng tiếng, đến chiều 04/01/2018
đã dồn dập đưa tin đến từng chi tiết về vụ ông Phan Văn Anh Vũ bị đưa
từ Singapore về Hà Nội. « Xong phim », hay là bộ phim hứa hẹn nhiều tình
tiết ly kỳ chỉ mới bắt đầu ? Thụy My xin giới thiệu dưới đây bài nhận
định đăng trên Asia Times, một ngày trước khi ông Vũ « nhôm » bị áp giải
về Việt Nam, để bạn đọc tham khảo.
Vũ nhôm về, ông Trần Đại Quang sẽ là đích nhắm sắp tới?
"Nếu những căng thẳng ở cấp cao nhất là sự thật, thì có thể chờ đợi
những tiết lộ đầy ngoạn mục trong những tháng tới, khi ông Trọng và ông
Quang chơi ván bài tẩy vì quyền lực và sinh tồn."
Toan tính của Hà Nội nhằm dẫn độ một sĩ quan tình báo bị cáo buộc tiết
lộ bí mật Nhà nước, hiện đang ở Singapore và đang tìm cách sang Đức, có
nguy cơ gây ra thảm họa ngoại giao.
Chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam một lần nữa lan rộng ra ngoài
biên giới, và có nguy cơ biến thành sự cố ngoại giao, gây tổn hại cho uy
tín và vị thế quốc tế mà gần đây đã được cải thiện.
Hà Nội đang gây áp lực với Singapore để dẫn độ sĩ quan tình báo đồng
thời là đại gia địa ốc Phan Văn Anh Vũ vì cáo buộc tiết lộ bí mật Nhà
nước, một tội danh chống Nhà nước có thể dẫn đến án tử hình trong chế độ
độc đảng Việt Nam.
Ông Vũ đã thuê một đội ngũ luật sư để chống lại việc bị cưỡng bức hồi
hương, và được biết đang tìm cách sang Đức một cách an toàn, nơi ông
mong muốn nộp đơn xin và có thể được tị nạn chính trị. Ông và gia đình
đã rời khỏi Việt Nam trước khi công an đến khám xét nhà ông hôm 21/12.
Ông Vũ bị bắt hôm 28/12 vì vi phạm luật di trú, khi toan đi sang nước
láng giềng Malaysia qua cửa khẩu biên giới với Singapore. Hiện chưa rõ
Berlin có đưa ra tuyên bố nào về trường hợp này, và chưa công khai bình
luận về vụ bắt giữ ông Phan Văn Anh Vũ.
Là thành viên của Tổng cục 5 tình báo, ông Vũ được cho là đang nắm giữ
các thông tin chi tiết về vụ bắt cóc cựu chủ tịch PetroVietnam Trịnh
Xuân Thanh tại một công viên ở Berlin. Trong khi Việt Nam khẳng định ông
Thanh quay về nước tự thú, Đức cho là ông đã bị bắt cóc trong một điệp
vụ bí mật.
Theo báo chí tiếng Việt, ông Vũ mang theo nhiều tài liệu mật đến
Singapore với ý định trao cho cảnh sát Đức về cơ chế tiến hành vụ này,
kể cả chủ mưu. Các bài viết nói rằng ông Vũ sẵn sàng làm nhân chứng tại
Đức.
Ông Trịnh Xuân Thanh đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng, trong đó
có tội biển thủ gây nhiều thiệt hại cho Nhà nước, có thể bị lãnh án đến
20 năm tù hoặc tử hình. Viện Kiểm sát cho rằng ông Thanh « không thành
khẩn » trong quá trình điều tra và đề nghị trừng phạt nặng nề.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh có liên quan đến 22 quan chức khác của
PetroVietnam, trong đó có 9 người phải đối mặt với án tử hình nếu bị kết
luận là có tội. Cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, người mà những
cáo buộc sai phạm trong quản lý kinh tế được công bố hôm 26/12, cũng bị
khởi tố trong vụ này. Ông Thăng trước đây được cho là có thể trở thành
lãnh đạo đảng trong tương lai.
Những người này nằm trong số những quan chức cao cấp của đảng và lãnh
đạo tập đoàn quốc doanh bị cáo buộc tham nhũng, trong chiến dịch thanh
lọc nội bộ đảng do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân vật có quyền lực
chính trị mạnh mẽ nhất nước, lãnh đạo.
Cho dù cần thiết phải dọn sạch những thối nát đã bắt rễ trong giới quan
chức đảng, nhiều người coi đây là một cuộc thanh trừng nhằm củng cố
quyền lực của ông Trọng trước các phe đối địch. Nhưng qua việc quốc tế
hóa thanh trừng với các cơ sở pháp lý đáng ngờ, và sử dụng các chiến
thuật bất hợp pháp, ông Trọng đang gây nguy hiểm cho các lợi ích kinh tế
và an ninh của Việt Nam trên toàn cầu.
Nếu ông Vũ có những thông tin cho thấy ông Trọng có nhúng tay vào vụ bắt
cóc, thì lãnh đạo đảng và trên thực tế là người lãnh đạo đất nước có
thể là mục tiêu bị Đức trừng phạt. Theo một số nhà phân tích, có khả
năng còn có những biện pháp trừng phạt rộng lớn hơn, kể cả về thương
mại.
Một trong các luật sư của ông Vũ nói với Reuters là đơn xin sang Đức của
ông dựa trên nguyên tắc cho phép một người ngoại quốc được nhập cảnh «
để bảo vệ lợi ích của nước Đức ». Một luật sư khác nói rằng ông Vũ có
thể được vào Đức trên cơ sở « nhân đạo ».
Singapore không có hiệp định dẫn độ với Việt Nam, nhưng hai quốc gia
ASEAN này có quan hệ ngoại giao tốt đẹp, và hy vọng sẽ xích lại gần hơn
khi Singapore đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của khối vào năm 2018.
Cả hai nước đều có thái độ nghi ngại trước Trung Quốc, trong một ASEAN
theo nguyên tắc đồng thuận.
Công an Việt Nam đã cố thuyết phục chính quyền Singapore là ông Vũ mang
hộ chiếu giả, trưng ra hồ sơ hình sự về ông Vũ khi yêu cầu dẫn độ ông –
theo Người Buôn Gió, một blogger có liên hệ trực tiếp với các luật sư
của ông Vũ.
Bằng chứng về sự can thiệp ở cấp cao trong vụ được cho là bắt cóc, còn
có thể gây nguy hiểm cho hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên hiệp Châu Âu
và Việt Nam, vào thời điểm mà Hà Nội đang cố gắng đa dạng hóa thương
mại quốc tế, giảm lệ thuộc vào Trung Quốc trong lúc Hoa Kỳ đã rút khỏi
hiệp định TPP.
Ngoài ra còn có các câu hỏi về tầm mức của cuộc thanh trừng nội bộ, trước khi bắt đầu làm suy yếu sự ổn định bên trong đảng.
Các nhà phân tích nổi bật trong giới blogger Việt cho rằng vụ trừng phạt
bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, rõ ràng là có quan hệ với ông
Vũ, có thể còn nhắm đến chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Ông Quang, nhân vật số hai trong đảng, trước đây là bộ trưởng Bộ Công
an, là khuôn mặt hàng đầu có thể thay thế ông Trọng, lên chức tổng bí
thư trong Đại hội Đảng năm 2021 – hoặc có thể sớm hơn, vì một số cho
rằng ông Trọng, 73 tuổi, có thể rút lui trước đó.
Các nhà phân tích này tin rằng ông Trọng muốn một người ở phe mình thay
chân, thay vì tăng cường sức mạnh cho cánh công an, nơi ông Quang trước
đây là bí thư Đảng ủy Công an Trung ương. Họ nghi ngờ là ông Vũ có những
thông tin về việc ông Quang có dính líu trong cả hai vụ ông Vũ và ông
Thanh đào thoát ra nước ngoài.
Ông Vũ còn lãnh đạo nhiều công ty bình phong của Tổng cục 5 Công an, mà
theo một số người thì có thể khiến ông Quang - do vai trò bộ trưởng Công
an và bí thư Đảng ủy ngành trước đây - có thể bị điều tra.
Nếu những căng thẳng ở cấp cao nhất là sự thật, thì có thể chờ đợi những
tiết lộ đầy ngoạn mục trong những tháng tới, khi ông Trọng và ông Quang
chơi ván bài tẩy vì quyền lực và sinh tồn.
(Blog Thụy My)