Đại biểu Quốc hội đề xuất 'tịch thu tài sản không có nguồn gốc hợp pháp' (VNE)

Nữ đại biểu phân tích, thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai tài sản không đúng nhưng họ chỉ nhận kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức. Và cơ quan chức năng "không thể đụng được vào khối tài sản mà họ đã không giải trình được nguồn gốc hợp pháp". 

 Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp. Ảnh: QH

Theo bà Nguyễn Thị Thuỷ, hơn 40 nước trên thế giới quy định xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.

Sáng 21/11, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất quy định cơ chế để xử lý khối tài sản của cán bộ, công chức không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.

Dẫn số liệu từ báo cáo của Chính phủ, bà Nguyễn Thị Thủy - Thường trực Uỷ ban Tư pháp, cho hay trong 10 năm qua thiệt hại do tham nhũng gây ra là trên 59.700 tỷ đồng và 400 ha đất, nhưng số thu hồi chỉ hơn 4.600 tỷ đồng và 219 ha đất, tức là khoảng 10%. 

"Việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, một trong số đó là pháp luật chưa có cơ chế để xử lý sớm đối với loại tài sản này", bà Thuỷ nói.

Nữ đại biểu phân tích, thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai tài sản không đúng nhưng họ chỉ nhận kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức. Và cơ quan chức năng "không thể đụng được vào khối tài sản mà họ đã không giải trình được nguồn gốc hợp pháp". 

Trong khi đó, dự thảo Luật vẫn quy định theo hướng xử lý đối với người kê khai không đúng bằng các chế tài hành chính như cách chức hoặc giáng chức, còn khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì tiếp tục để ngỏ.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bà Thủy cho hay hơn 40 quốc gia trên thế giới quy định xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Trong đó nhiều nước có điểm giống Việt Nam như hệ thống kiểm soát thu nhập xã hội chưa tốt, thói quen chi tiêu tiền mặt phổ biến.

Đơn cử, Bộ luật hình sự của Trung Quốc quy định, bất kỳ công chức nào có tài sản hoặc chi tiêu vượt quá thu nhập hợp pháp, nếu có sự khác biệt lớn thì đều có thể bị yêu cầu giải trình về nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó. Nếu công chức không giải trình được, phần tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu; ngoài ra còn có thể bị phạt tù đến 5 năm.

Theo bà Thuỷ, việc thu hồi tài sản tham nhũng ở Trung Quốc được thực hiện rất triệt để, "khi thu là thu cả đồng hồ, bút máy đắt tiền".

"Chúng tôi rất mong Ban soạn thảo sẽ tiếp thu để đưa vấn đề này ra thảo luận thấu đáo trên nhiều khía cạnh trong thời gian tới", bà Thuỷ đề nghị.

"Truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản"

Chung quan điểm với đại biểu Thuỷ, ông Nguyễn Bá Sơn - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, cho rằng cần phải bổ sung quy định về tài sản bất minh, qua đó trao thẩm quyền cho cơ quan chức năng "truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản". 

"Việc chuyển dịch quyền sở hữu, xác lập quyền sở hữu cho những khối tài sản lớn nhưng không bị kiểm soát, đã trở thành nơi trú ẩn để cất giấu tài sản tham nhũng", ông Sơn nói. 

Vị đại biểu này cũng cho rằng, "nếu anh không chứng minh được tài sản đó là hợp pháp thì nhà nước có quyền nhân danh xã hội để tịch thu". 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng tán thành với các ý kiến nêu trên. "Mọi công dân có quyền sở hữu tài sản hợp pháp và tài sản mọi công dân đều phải minh bạch, chứ không phải chỉ quan chức mới cần minh bạch", ông Nghĩa nói.

Theo ông, ở nhiều nước, người dân bình thường phải chứng minh tài sản của mình có nguồn gốc rõ ràng, "nếu không cục thuế nhảy vào mà anh không giải thích được thì người ta xử lý liền".

Trước các đề xuất trên, đại biểu Nguyễn Chiến nêu quan ngại, "nếu chỉ cần người ta không giải trình được nguồn gốc tài sản thì tịch thu ngay, tôi e rằng không phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền tài sản của người dân".

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Võ Hải - Hoài Thu