Tinh giản lại phình to (VNE)

Hơn 3.7 triệu biên chế là con số được đưa ra tại hội nghị TW6 vừa rồi. Hiểu một cách đơn giản, đây là những người đang làm việc tại 3 khu vực mà tiền lương nhận trực tiếp từ ngân sách: khu vực hành chính; khu vực sự nghiệp, và khối đoàn thể.

 
“Cải cách bộ máy” sẽ là một từ khóa của kỳ họp Quốc hội này. Và có lẽ là trong nhiều cuộc họp nữa, trong một thời gian dài nữa.

Từ khóa ấy, làm tôi nhớ đến trạm y tế phường Mộ Lao, quận Hà Đông, nằm trên con đường tôi vẫn đi làm ngang hàng ngày. Một tòa nhà 2 tầng khang trang, với khoảng  sân trước rộng và rợp bóng cây. Nhưng suốt hơn năm năm chuyển về vùng này, thường ngày đi qua đây, hiếm khi tôi thấy khoảng sân rộng này có xe cộ và bóng người đi lại. Có lẽ dịp duy nhất đông hơn thường ngày chút ít, đó là những đợt chủng ngừa vắc xin. Bóng dáng những bà mẹ, ông bố với những em nhỏ nhắc nhở rằng trạm y tế phường còn hoạt động.

Dù không mấy khi bóng dáng người và xe cộ trước sân, nhưng trạm y tế này, theo định biên của bộ y tế, có tối thiểu 5 biên chế làm việc.

Trong vòng bán kính khoảng 3 km nơi giáp ranh các Quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông, tôi đếm được ít nhất 3 trạm y tế phường như vậy. Theo định biên, sẽ có ít nhất 15 biên chế làm việc. Dù công việc hàng năm của trạm y tế phường giờ đây, theo tôi quan sát thấy, chủ yếu gói gọn trong các nhiệm vụ y tế công cộng: chủng ngừa vắc xin, và tuyên truyền, tham gia vệ sinh, phòng dịch.

Hơn mười lăm năm sống ở thành phố này, tôi chưa bao giờ đến khám ở trạm y tế phường. Và từ khi có con nhỏ, khi con tôi ốm, lựa chọn của chúng tôi là các phòng khám nhi tư nhân – nơi chúng tôi tin tưởng hơn, cả về chuyên môn lẫn thái độ phục vụ. Cách trạm y tế phường không xa, một phòng khám nhi tư nhân, xe máy dựng kín sân và tràn ra vỉa hè và nếu là khoảng 6 – 8 giờ tối, còn thường xuyên dựng sang lòng đường con ngõ bên cạnh. Có lẽ nhiều gia đình khác cũng như tôi, đã không còn lựa chọn Trạm y tế phường là nơi chữa bệnh. Cảm cúm thì tạt qua hiệu thuốc. Mà bệnh nặng thì vào viện lớn. Trạm y tế chỉ còn là nơi đưa con trẻ đến uống Vitamin và tiêm chủng ngừa. Và nếu có dịch sốt xuất huyết, “loa phường” mới nhắc nhớ rằng trạm y tế còn tồn tại.

Hơn 3.7 triệu biên chế là con số được đưa ra tại hội nghị TW6 vừa rồi. Hiểu một cách đơn giản, đây là những người đang làm việc tại 3 khu vực mà tiền lương nhận trực tiếp từ ngân sách: khu vực hành chính; khu vực sự nghiệp, và khối đoàn thể.

Tiến trình cải cách bộ máy Nhà nước đã được khởi động từ hơn 20 năm nay. Nhưng suốt thời gian đó, càng cải mạnh, biên chế càng phình to ra. Trong 10 năm, từ 2002 – 2012, số lượng công chức đã tăng thêm 36%. Cũng trong thời gian đó, số lượng viên chức tăng thêm 47%. Nhóm viên chức, theo công bố hiện nay khoảng 2.5 triệu người.

Những trạm y tế phường chính là một phần trong số “biên chế viên chức” khổng lồ này.

Tôi tin rằng, ngoài nguyên nhân thất bại chính là thiếu cam kết và nỗ lực chính trị mạnh mẽ, cải cách đã không được thiết kế dựa trên tiếp cận khoa học.

Đơn cử, “biên chế’ nhận lương từ ngân sách là 3 nhóm khác nhau, đóng vai trò và chức năng khác nhau, và có những đặc điểm khác nhau. Trong 3 nhóm đó, có nhóm cần tăng chứ không phải nhóm nào cũng giảm.

Ví dụ, nhóm công chức trong khu vực hành chính là nhóm cần tăng thêm, tất nhiên tăng đi kèm với đó là chuyên nghiệp hóa và nâng cao năng lực, chứ không phải giảm đi. Nếu tính về tỷ lệ số lượng công chức hành chính (thời điểm 2012), so sánh với dân số chỉ ở mức 0.6% còn là một tỷ lệ thấp so với các quốc gia khác (chẳng hạn tỷ lệ này ở Mỹ là 2.4%).

Sự gia tăng quy mô và tính phức tạp của nền kinh tế, các dịch vụ hành chính công gia tăng, yêu cầu điều tiết thị trường của nhà nước gia tăng, mối quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và công dân, cũng sẽ gia tăng. Do đó, số lượng công chức nhằm thực hiện các dịch vụ hành chính công giữa Nhà nước – người dân, doanh nghiệp tăng thêm là xu thế hợp lý.

Vấn đề của nhóm này không đơn giản là “giản biên” mà là tổ chức lại, tránh chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, tăng tính chuyên nghiệp hóa và hiệu quả phục vụ.

Nhưng ngược lại, nhóm cần giảm lại là nhóm đã tăng mạnh nhất – đó chính là biên chế khối sự nghiệp công – còn gọi chung là nhóm viên chức. Đây là nhóm làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm cung cấp các dịch vụ công như giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học…

Tại sao một phường ở thành phố hầu như không có việc gì nhiều lại gánh đến 5 biên chế một năm? Trạm y tế ở khu vực miền núi là cần thiết. Nhưng đô thị lại hoàn toàn thừa thãi. Tương tự là “loa phường” – nơi cũng cõng thêm ít nhất là một biên chế làm công tác thông tin, truyền thông, văn hóa.

Thành quả lớn của 30 năm Đổi mới là chúng ta đã có một khu vực tư nhân năng động và đủ sức gánh vác những dịch vụ công mà trước đây vốn là trách nhiệm riêng của nhà nước. Nhưng bây giờ, trừ một số khu vực đặc biệt khó khăn, các dịch vụ công như giáo dục, y tế, văn hóa … doanh nghiệp tư nhân có thể làm tốt hơn Nhà nước.

Trạm y tế cấp phường, rồi “loa phường” ở đô thị không còn cần nữa – hãy giải thể các đơn vị đó. Phần dịch vụ công Nhà nước cần duy trì làm thì chuyển qua các ‘gói thầu’ do tư nhân thực hiện, theo từng nhiệm vụ cụ thể: tiêm chủng; vệ sinh môi trường phòng dịch bệnh chẳng hạn.

Vẫn là tiền ngân sách, nhưng đấu thầu để doanh nghiệp làm thay. Một công, nhưng được 2 việc: chất lượng dịch vụ công tăng thêm, mà biên chế vẫn không cần.

Nhìn từ gốc rễ vấn đề, cải cách “biên chế” nói riêng, cải cách bộ máy nhà nước nói chung đang vừa thiếu triết lý để dẫn dắt triến trình, vừa thiếu một nền tảng khoa học để thiết kế chiến lược.

Mỗi cơ quan nhà nước đều phải đặt câu hỏi là công việc mình đang thực hiện có còn cần nữa không, thị trường đã làm được chưa, doanh nghiệp đã làm được chưa. Nếu khu vực tư đã làm được, khối dân sự đã làm được, thì Nhà nước không cần làm nữa và nên cắt bỏ chức năng đó. “Biên chế” theo đó tự khắc sẽ ra đi. Bởi rất đơn giản, nếu trạm y tế phường ở đô thị không còn nữa, 5 ‘biên chế’ cho cấp phường tự khắc cũng sẽ không còn.

Nguyễn Quang Đồng