Phê bình dân Áo! (Bạch Hoàn)

Sebastian Kurz còn chưa có bằng Đại học sao có thể lên làm Thủ tướng được ? Bằng cấp là một tiêu chí quan trọng để đánh giá trình độ, năng lực cán bộ. Lẽ ra, đã là lãnh đạo thì đều phải có bằng cử nhân đại học, đa số còn sau đại học như Giáo sư, Tiến sĩ...
Người dân nước Áo đang vô cùng hoan hỉ khi họ có một tân thủ tướng mới trẻ tuổi nhất trong lịch sử đất nước mình. Sebastian Kurz, chính trị gia của Đảng Nhân dân đã chính thức trở thành Thủ tướng nước Áo khi mới 31 tuổi.
Thực sự mà nói, ở Việt Nam, công tác nhân sự luôn chú trọng, khuyến khích đào tạo lớp cán bộ trẻ tuổi. Nhưng, tuổi cao hay thấp, tất cả phải tuân thủ đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ.
Dựa trên tính ưu việt trong quy trình bổ nhiệm cán bộ mà tôi được biết, xét thực tế diễn ra tại Áo, tôi nghiêm túc phê bình người dân Áo đã bổ nhiệm Thủ tướng có vẻ rất sai quy trình.
Sebastian Kurz còn chưa có bằng Đại học sao có thể lên làm Thủ tướng được ? Bằng cấp là một tiêu chí quan trọng để đánh giá trình độ, năng lực cán bộ. Lẽ ra, đã là lãnh đạo thì đều phải có bằng cử nhân đại học, đa số còn sau đại học như Giáo sư, Tiến sĩ...
Chặt chẽ hơn, công tác bổ nhiệm cán bộ còn soi xét cả yếu tố bằng cấp ấy từ đâu mà có. Không chỉ có bằng cử nhân, bằng tiến sĩ là đã đáp ứng tiêu chí bổ nhiệm, mà quan trọng là đơn vị giáo dục cấp bằng, dù trong nước hay quốc tế, đều phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo của công nhận.
Việc không học hết đại học của Sebastian Kurz khiến tôi nghi ngờ cá nhân này chưa có bằng lý luận chính trị. Trong khi đây là tiêu chí vô cùng quan trọng trong quá trình đánh giá và bổ nhiệm cán bộ.
Chưa hết, Sebastian Kurz chưa có bằng đại học vì trong quá trình đang theo học ngành luật, Sebastian Kurz nghỉ học để đi làm chính trị gia. Một người sẵn sàng bỏ dở cả việc học để rẽ sang theo đuổi sự nghiệp chính trị cho thấy tham vọng quyền lực quá lớn, đam mê quyền lực đến mức lộ liễu. Trong khi đó, lãnh đạo tuyệt đối không được có tham vọng quyền lực. Xét theo tiêu chí này, người dân nước Áo lại tiếp tục sai lầm trong bổ nhiệm Sebastian Kurz.
Không có bằng cấp vẫn được cất nhắc, bổ nhiệm một cán bộ còn trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm, tôi toàn có quyền được nghi ngờ Sebastian Kurz là con cháu các cụ, hoặc nếu không rất có thể có hiện tượng tiêu cực trong quá trình bổ nhiệm.
Tôi đề nghị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Áo vào cuộc làm rõ, nếu có sai phạm cần xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, làm gương cho cá cán bộ khác, xử lý vài người để cứu muôn người. Lò đang nóng rồi, không chỉ củi tươi, củi khô đều cháy mà sắt thép cũng phải tan chảy.
Riêng với người dân Áo, tôi có cơ sở để nghi ngờ rằng, các anh chị đang có những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá. Tôi đề nghị những ai đã có tư tưởng ấy hãy sớm tự gột rửa.

Bạch Hoàn

Nguồn : fb.bachoan, 17/10/2017

************************
Sebastian Kurz – vị lãnh đạo trẻ nhất thế giới ở tuổi 31 (Mặt Trận, 17/10/2017)
Sebastian Kurz, chủ tịch Đảng Nhân dân Áo (OVP) sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Áo và là người lãnh đạo trẻ nhất thế giới.
kurz2
Sebastian Kurz, vị lãnh đạo trẻ nhất thế giới ở tuổi 31 (Ảnh : NBC News)
Đảng Nhân dân (OVP-Österreichische Volkspartei) mà ông Kurz lãnh đạo từ tháng 5 được kỳ vọng sẽ cùng Đảng Tự do (FPO-Freiheitliche Partei Österreichs) trở thành một liên minh đầu tiên trong hơn 10 năm qua.
Theo kết quả sơ bộ, OVP đã giành được hơn 31,4% phiếu bầu hay 61 trên tổng số 183 ghế trong Quốc hội. OVP trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội Áo, theo sau là đảng cựu hữu Tự do (27,4%) và đảng Dân chủ xã hội, đồng minh chính trị cũ của OVP (26,7%). Kết quả chi tiết sẽ được công bố vào ngày 19/10 tới đây và kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 31/10. Cuộc bầu cử Áo diễn ra vào ngày chủ nhật vừa qua đã nhận được sự quan tâm của người dân trên khắp Châu Âu. Ông Kurz gọi cuộc bầu cử này là “chiến thắng lịch sử”.
Tại Áo ông đã được chú ý đến từ lâu khi trở thành Ngoại trưởng nước này cách đây 4 năm lúc mới 27 tuổi, là vị Ngoại trưởng trẻ nhất trong lịch sử nước Áo, đồng thời cũng là vị Ngoại trưởng trẻ nhất tại Liên Hiệp Châu Âu. Ngoài tài năng chính trị, ông còn gây ấn tượng bởi vẻ điển trai, lịch lãm.
Sebastian Kurz sinh ra và lớn lên ở một vùng lao động nghèo ở thành phố Vienna. Sebastian Kurz là thành viên tổ chức thanh thiếu niên của Đảng Nhân dân Áo từ năm 2003. Năm 2009, ông được bầu làm chủ tịch tổ chức này với 99% số phiếu tán thành và tiếp tục giữ chức vụ này khi nhận được tín nhiệm tuyệt đối năm 2012. Cũng từ năm 2009, ông đảm nhận thêm vị trí Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Áo ở thủ đô Vienna. Năm 2010 đến năm 2011, ông là thành viên Hội đồng Thành phố Vienna.
Giai đoạn 2004-2005, Sebastian Kurz thực hiện nghĩa vụ quân sự trong quân đội Áo. Sau đó, ông ghi danh ở khoa Luật của Đại học Vienna.
Tháng 4/2011, trong thời gian diễn ra cuộc cải tổ nội các thì ông Kurz được chỉ định làm Quốc vụ khanh Hội nhập (thuộc Bộ Nội vụ Liên bang Áo). Sự kiện này khơi mào một số chỉ trích nhắm vào ông vì ông còn quá trẻ. Tuy nhiên một năm sau thì truyền thông đã dành những đánh giá tích cực hơn cho ông.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội Áo năm 2013, ông giành được nhiều phiếu trực tiếp nhất từ cử tri so với các chính trị gia khác, điều đó cho thấy mức độ uy tín cao của ông trong nước.
 Từ ngày 16/12/2013 ông Kurz đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Áo, trong đó phụ trách thêm mảng hội nhập xã hội theo yêu cầu của ông.
 Trong cương vị quan trọng này, ông Kurz cũng lập được nhiều thành tích như việc tham gia đàm phán hạt nhân Iran hay làm Chủ tọa trong Ủy ban các Bộ trưởng của Hội đồng Châu Âu. Tháng 11/2014, ông Sebastian Kurz được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Châu Âu.
Vấn đề nhập cư được ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch tranh cử của ông Kurz. Ông đã thể hiện một đường lối cứng rắn, kêu gọi việc hạn chế số người tị nạn vào Châu Âu và cắt giảm phúc lợi cho những người nhập cư EU ở Áo.
 Khi làn sóng di dân và người tị nạn tràn vào Châu Âu, trở thành mối quan tâm rộng khắp trong năm 2015, ông Kurz đã thấu hiểu sự lo lắng của cử tri Áo về vấn đề nhập cư không kiểm soát trong đó có số lượng lớn người Hồi giáo. Ông đã kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn khu vực biên giới. Ông cũng tổ chức việc ngừng hoạt động các tuyến đường bộ trên đất liền thông qua khu vực Bờ Tây.
 Vào thời điểm Đảng Nhân dân tụt xuống vị trí thứ 3, Sebastian Kurz đã xây dựng lại hình ảnh và đảm bảo quyền lực chưa từng có của Đảng này. Năm 2016, ông Kurz trên vai trò chỉ đạo việc kiểm soát dòng người di cư ở biên giới Balkan. Năm nay, ông đề xuất một kế hoạch “niêm phong” tuyến đường di cư chính qua Địa Trung Hải tới các nước Châu Âu.
 Sebastian Kurz là ngôi sao sáng của Đảng Nhân dân đang cầm quyền, nhờ lối tư duy táo bạo. Ông được kỳ vọng sẽ làm mới hình ảnh bảo thủ của Áo và đưa nước này thành một quốc gia hiện đại và cởi mở với thế giới.
Hồng Nhung
(theo CNN, NBC, BBC)