Công an kêu gọi người dân tham gia vụ giữ 38 cảnh sát ở Đồng Tâm đầu thú (VNE)

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội và VKSND Hà Nội viết thư này, đề nghị các cá nhân đã tham gia vào việc hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, bắt, giam hoặc giữ người trái pháp luật ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm "không bỏ lỡ cơ hội để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, hãy dũng cảm, đối mặt với sự thật"...

Gửi thư đến từng người, Công an Hà Nội cam kết không bắt nếu người tham gia vụ việc ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức ra đầu thú.

Công an Hà Nội ngày 13/10 có "Thư kêu gọi tự thú và đầu thú" đến các cá nhân có hành vi hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật (từ ngày 15 đến ngày 22/4) trên địa bàn thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Công an nhân dân đưa tin, nội dung thư ghi rằng: Trong cuộc sống, đôi khi vì sai lầm trong nhận thức, hành động có thể làm cho cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật thậm chí phạm tội... Cha ông ta đã có lời chỉ dạy "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại"... Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội và VKSND Hà Nội viết thư này, đề nghị các cá nhân đã tham gia vào việc hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, bắt, giam hoặc giữ người trái pháp luật ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm "không bỏ lỡ cơ hội để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, hãy dũng cảm, đối mặt với sự thật"...

Người tham gia nhanh chóng đến hai cơ quan trên hoặc cơ quan nơi gần nhất để tự thú, đầu thú, khai báo, góp phần khắc phục hậu quả đã gây ra.

Cơ quan điều tra và VKSND Hà Nội cho biết sẽ không bắt, giam giữ người tự thú, đầu thú và bảo đảm tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho họ theo quy định của pháp luật.
Một số người dân thôn Hoành nói với VnExpress rằng ngày 11/10 trên loa phát thanh của xã có đọc nội dung lá thư kêu gọi trên. Trước đó, công an có giấy triệu tập những người tham gia vào vụ việc đến trụ sở làm việc nhưng hầu như không ai chấp hành. "Sau đó, Công an thành phố về xã và mời mọi người ra làm việc, tất cả đều chấp hành", một người nói.

Một số dân thôn Hoành cho biết thêm giấy triệu tập được chia làm nhiều đợt, gửi đến từng người. Tại buổi làm việc với công an tại trụ sở UBND xã, họ được hỏi trong những ngày xảy ra vụ việc đã đi đâu, làm gì, cùng với ai.

Sự việc tại Đồng Tâm xảy ra ngày 15/4 khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án Gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở đồng Sênh (Đồng Tâm, Mỹ Đức). Lực lượng thi hành công vụ gặp phải sự phản ứng dẫn đến 38 cảnh sát cơ động, cán bộ bị giữ tại nhà văn hóa thôn. Một số ôtô công vụ bị hư hại.

7 ngày sau, toàn bộ người bị giữ được thả khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết làm rõ nguồn gốc đất tại đồng Sênh - mấu chốt trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của dân Đồng Tâm; điều tra đúng sai việc bắt 4 người nêu trên và "không truy cứu hình sự với toàn thể người dân trong sự việc giữ cán bộ, cảnh sát cơ động".

Dân làng Đồng Tâm cũng cùng ký vào "tâm thư" gửi lãnh đạo thành phố, thừa nhận nhiều sai sót, không hiểu biết nên vi phạm pháp luật trong quá trình chống tham nhũng, tiêu cực. Họ cho hay các công an bị giữ tại hội trường nhà văn hóa được đối xử tốt.

Chiều 13/6, Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự liên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) để điều tra về tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (theo điều 123 Bộ luật Hình sự) và Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (theo điều 143 Bộ luật Hình sự). Hiện, nhà chức trách chưa truy cứu trách nhiệm hình sự với cá nhân nào.

Phạm Dự