Hội nghị trung ương 6 giữa khủng hoảng Việt - Đức (Phạm Chí Dũng)

 Còn hai quyết sách lớn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - “Nhất thể hóa” và “Kiểm tra tài sản 1000 quan chức” - hẳn sẽ được đóng kiện nhét vào kho lưu trữ của đảng.


Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền sắp diễn ra vào đầu tháng Mười năm 2017, nhưng cho tới giờ lại chẳng nghe ai nói năng gì về hai quyết sách lớn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - “Nhất thể hóa” và “Kiểm tra tài sản 1000 quan chức”.

Nếu không có được hai kết quả quyết sách trên, Hội nghị trung ương 6 sẽ chỉ chứng kiến một kết quả rất khiêm tốn của ông Trọng.

“6” khác “5” thế nào?

Tinh thần khiêm tốn như thế có thể sẽ chỉ gói gọn bằng vài động tác “diệt ruồi” cỡ như Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Đà Nẵng, chứ có thể chẳng đụng được “con hổ” nào, cho dù bầu không khí “chống tham nhũng” đã lan sang cả Quốc hội với phát ngôn lên giọng “ném củi tươi vào lò” của bà Nguyễn Thị Kim Ngân trong thời gian gần Hội nghị trung ương 6.

Nhưng lại có một hố phân cách lớn giữa Hội nghị trung ương 6 và Hội nghị trung ương 5. 

Bối cảnh diễn ra Hội nghị trung ương 5 vào tháng Năm năm 2017, mặc dù phải chịu một cú sốc lớn mang tên “Đồng Tâm”, nhưng bù lại đã không phải rơi vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao mang tên “Đức - Việt” như hiện thời.

Nếu trước và trong Hội nghị trung ương 5, Nguyễn Phú Trọng chỉ đóng vai trò khách quan nhằm “xử” Đinh La Thăng - khi đó là ủy viên bộ chính trị và bí thư thành ủy TP.HCM, đồng thời phân xử những cuộc xung đột cấp địa phương ở Thanh Hóa, Đà Nẵng, thì tại Hội nghị trung ương 6, ông Trọng lại trở thành “người có liên quan”, nhìn theo một cách nào đó. Ngày càng hiện ra dư luận trong giới cách mạng lão thành, cán bộ và tướng lĩnh về hưu về “vụ Trịnh Xuân Thanh là do ông Trọng chỉ đạo nên ông Trọng cũng phải chịu trách nhiệm về hậu quả khủng hoảng Việt - Đức và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu”.

“Ngậm bồ hòn làm ngọt”

Sau khi Chính phủ Đức tuyên bố vào ngày 22/9 về “tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược” - hậu quả từ vụ mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng 7/2017, người ta không thấy ông Nguyễn Phú Trọng bình luận gì về biến cố lớn lao và chưa từng có này. Toàn thể giới chóp bu Việt Nam cũng im thin thít.

Báo chí nhà nước, chắc chắn đã được huấn thị từ Ban Tuyên giáo trung ương, đã tuyệt đối không một từ đưa tin về vụ “quan hệ đối tác chiến lược trên”, cho dù vào đầu tháng 8/2017, nhiều tờ báo Việt Nam ồn ào tung hô thành tích “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về Việt Nam đầu thú”.

Thay cho thái độ cấm khẩu ấy là “đảng chủ động đối ngoại”.

Người ta thấy xuất hiện gương mặt của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp bà Luisa Bergfeld, Tham tán Phát triển, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và ông Jasper Abramowski, Giám đốc Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam, liên quan đến Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc cấp phó thủ tướng như Vương Đình Huệ cùng một số bộ ngành (cấp bộ trưởng và thứ trưởng) có một cuộc tiếp xúc trọng thị với cấp tham tán ngoại giao của Đức (tham tán là cấp ngoại giao xếp dưới cấp đại sứ và phó đại sứ, chỉ gần ngang với cấp vụ trưởng của một bộ), cho thấy một thực tế là dù người Đức phản ứng mạnh mẽ Việt Nam, Việt Nam cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Nói cách khác, cách tiếp đón của ông Vương Đình Huệ với giới ngoại giao Đức cho thấy giới chóp bu Việt Nam đang triển khai chiến thuật xoa dịu, mơn trớn và ve vuốt đối với người Đức mà không dám có động tác trả đũa khiến có nguy cơ đổ thêm dầu vào lửa.

Cần nhắc lại, sau vụ Bộ Ngoại giao Đức trục xuất cán bộ tình báo Nguyễn Đức Thoa vào đầu tháng 8/2017, phía Việt Nam không những bảo lưu thái độ “khép miệng”, mà còn không dám trục xuất trả đũa nhân viên nào của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam.

Cách tiếp đón trọng thị bất ngờ trên của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lại có thể hé ra một thực tế khác trong nội bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam: sau khi nổ ra khủng hoảng ngoại giao Việt - Đức và dẫn đến hàng loạt hậu quả trầm trọng không ngờ, có thể trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam đã xảy ra một “trận chiến” đổ lỗi cho nhau.

Có ít nhất hai dấu hiệu báo trước về “trận chiến” trên: đầu tiên là bộ trưởng công an Tô Lâm khẳng định đến hai lần trước báo chí về việc ông ta không hề biết Trịnh Xuân Thanh đã về Việt Nam; và sau đó Bộ Ngoại giao chỉ một mực tránh né các câu hỏi của phóng viên nước ngoài về vụ Trịnh Xuân Thanh, như thể Bộ Ngoại giao hoàn toàn “vô can”.

“Đảng chủ động đối ngoại”

Vương Đình Huệ vừa trở về Việt Nam sau một chuyến “dân vận” ở Tây Âu và Đông Âu nhằm thuyết phục các nước châu Âu mau chóng chấp thuận cho Việt Nam được tham gia vào Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) - một hiệp định mà lẽ ra Việt Nam sẽ có cơ hội được tham gia chính thức vào giữa năm 2018, nhưng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt đã khiến tương lai ấy trở nên quá bất định.

Tuy nhiên, các cuộc gặp của ông Vương Đình Huệ với giới chức Bỉ, Slovakia, Thụy Sĩ đều chỉ mang lại một kết quả chung chung: không có bất kỳ hứa hẹn, và càng không có bất kỳ cam kết miệng hay cam kết bằng văn bản nào từ giới chức các nước châu Âu về việc sẽ hỗ trợ Việt Nam vận động nhằm sớm thông qua EVFTA.

Song trùng chuyến đi châu Âu của ông Vương Đình Huệ, một cấp thấp hơn là ủy viên trung ương đảng, Trưởng ban đối ngoại Hoàng Bình Quân cũng có một chuyến công du không hề sôi động đến Washington. Không hề sôi động vì mặc dù được báo chí nhà nước mô tả ông Hoàng Bình Quân đã có những cuộc tiếp xúc với chính phủ và quốc hội Mỹ, nhưng vài hình ảnh của ông Quân lại cho thấy nhân vật này chỉ tiếp đối tác Mỹ. Ngay cả đề nghị của ông Quân về “Mỹ linh hoạt sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam” cũng hoàn toàn không nhận được hồi âm nào từ giới quan chức Mỹ.

Những chuyến công du đối ngoại dồn dập trên mang lại một cảm giác bần thần khó tả: dường như trong cơn bối rối, Tổng bí thư Trọng đã cố gắng “xua quân” đi quan hệ với nước ngoài nhằm vớt vát phần nào “uy tín Việt Nam trên trường quốc tế” sau vụ Trịnh Xuân Thanh.

Thắng lợi và thất bại

Sau vài thành công trong chiến dịch “diệt ruồi” ở Việt Nam, thêm một thắng lợi khác cho ông Nguyễn Phú Trọng: sau những lần đàm phán mệt nhoài với người Đức, ông Trọng đã giành được ưu thế giữ riệt và bám chắc con át chủ bài Trịnh Xuân Thanh, bất kể hậu quả Đức tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Còn thời điểm tổ chức Hội nghị trung ương 6 đã được rút ngắn từ giữa tháng 10/2017 về đầu tháng này - khá trái ngược với thói quen thông thường của đảng là những hội nghị trung ương ít diễn ra sớm hơn dự kiến mà thường là muộn hơn dự kiến.

Có thể, Hội nghị trung ương 6 sẽ được tổ chức theo kiểu “xong sớm nghỉ sớm”, đóng lại một năm được xem là thành công trong cuộc chiến nội bộ của ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng chính ông lại thất bại hoàn toàn với những gì mà ông đã hứa hẹn với nhân dân.

Còn hai quyết sách lớn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - “Nhất thể hóa” và “Kiểm tra tài sản 1000 quan chức” - hẳn sẽ được đóng kiện nhét vào kho lưu trữ của đảng.

“Biệt phủ Phạm Sỹ Quý” ở Yên Bái dậy trời đất đến thế mà còn không “xử” được, ông Trọng còn đòi đi kiểm tra tài sản của ai khác?

VOA