Bỏ gần 700 ‘giấy phép con’, VN vẫn cách xa thị trường tự do (VOA)

Gần 700 điều kiện đầu tư, kinh doanh mới bị Bộ Công thương Việt Nam cắt giảm. Một chuyên gia kinh tế hoan nghênh việc này, nhưng nhận xét Việt Nam còn cần “một bước đi dài” nữa mới trở thành thị trường tự do.


Hôm 20/9, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký một quyết định theo đó cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh, thường được gọi là ‘giấy phép con’.
Trong một tuyên bố được báo chí trong nước trích dẫn lại, Bộ Công thương nói số lượng giấy phép con bị cắt giảm là con số “lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương”.
Bộ cho biết chúng “chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh". Sau đợt cắt giảm này, số lượng các điều kiện còn lại là 541.
Báo chí dẫn lời Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói rằng việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là “công việc trọng tâm” đi suốt quá trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu chính phủ kiến tạo.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định đội ngũ của ông quyết tâm xây dựng một “chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển”.
Những phát biểu của thủ tướng Việt Nam cho thấy chính phủ của ông có mục tiêu là hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng nhắm đến việc “tạo mọi thuận lợi” cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khuyến khích người dân khởi nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia kinh tế, nói với VOA ông hoan nghênh việc Bộ Công thương vừa giảm quá nửa số giấy phép con. Ông phân tích về việc làm mà ông gọi là “đúng đắn” này:
“Việc Bộ Công thương hủy hơn 600 giấy phép con như thế này tạo ra động lực cho rất nhiều doanh nghiệp hoạt động một cách linh hoạt, mở rộng hoạt động của họ mà không phải chịu sự ràng buộc quá nhiều. Nó cũng làm cho bộ máy của chính phủ đơn giản hơn. Nếu ít giấy phép, dĩ nhiên việc quản lý cũng thông thoáng hơn”.
Vị tiến sĩ người Mỹ gốc Việt có nhiều năm điều hành ngân hàng ở Việt Nam bình luận rằng việc bãi bỏ này cũng tạo thêm thuận lợi cho đất nước tiến đến một nền kinh tế thị trường thực thụ.
Qua báo chí và những diễn đàn khác nhau, các doanh nghiệp lâu nay bày tỏ họ cần có “môi trường pháp lý thông thoáng hơn”. Ngoài ra, họ cũng cần được “đối xử công bằng” trong nền kinh tế. Các chủ doanh nghiệp tư nhân cho rằng điều này khó đạt được nếu vẫn tồn tại nhiều doanh nghiệp nhà nước.
Từ thực tế đó, tiến sĩ Hiếu nói bên cạnh việc giảm mạnh các thủ tục, Việt Nam còn phải thực hiện “một bước dài nữa” mới trở thành một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, đó là thoái vốn khỏi phần lớn các doanh nghiệp nhà nước.
Ông Hiếu nói: “Đó là một trong những bước quan trọng mà chính phủ cần phải thực hiện bước này nhanh chóng hơn để mà trong nền kinh tế nhiều thành phần có thể cạnh tranh với nhau một cách bình đẳng. Các doanh nghiệp vốn nhà nước dầu sao cũng có ưu thế của nó, được ưu đãi mặt này mặt kia”.
 
Tính đến cuối năm 2016, có 718 doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, giảm mạnh từ con số hàng nghìn trước đó 5 năm.
Tổng vốn tài sản của các doanh nghiệp đó là hơn 3,1 triệu tỷ đồng. Nhưng chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù nắm lượng tài sản khổng lồ như vậy, song các doanh nghiệp nhà nước chưa hoạt động hiệu quả.
Việt Nam đến nay vẫn chưa được Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) và một số nước chủ chốt khác công nhận có nền kinh tế thị trường, dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam gặp bất lợi khi xuất khẩu sang các thị trường đó.