Sau Pháp, đến lượt Anh cấm bán xe động cơ xăng và diesel (Chánh Tài)

 Hôm 26-7, trong một nỗ lực kiểm soát ô nhiễm mô trường, Bộ trưởng Môi trường, Thực phẩm và các vấn đề nông thôn Anh, Michael Gove thông báo Anh sẽ cấm bán xe động cơ đốt trong (động cơ xăng và diesel) vào năm 2040 sau khi Pháp đưa ra quyết định tương tự cách đây ba tuần.


Hôm 26-7, trong một nỗ lực kiểm soát ô nhiễm mô trường, Bộ trưởng Môi trường, Thực phẩm và các vấn đề nông thôn Anh, Michael Gove thông báo Anh sẽ cấm bán xe động cơ đốt trong (động cơ xăng và diesel) vào năm 2040 sau khi Pháp đưa ra quyết định tương tự cách đây ba tuần.

Theo Wall Street Journal, các quyết định của Anh và Pháp, hai thị trường chiếm 1/3 lượng xe mới bán ra ở châu Âu, là một trong những động thái quyết liệt nhất của cấp chính phủ trong thời gian gần đây nhằm loại bỏ xe có động cơ xăng và diesel tồn tại thịnh hành hơn 100 năm qua.

Trong các thập kỷ qua, chính phủ các nước trên thế giới nỗ lực tìm cách khống chế chất gây ô nhiễm môi trường thải ra từ động cơ ô tô nhưng với ít sự lựa chọn thay thế, họ lưỡng lự cấm hoàn toàn xe động cơ đốt trong. Giờ đây, tình hình dường như sẽ thay đổi dù đối với Anh và Pháp sự thay đổi này chỉ diễn ra trong hơn 20 năm tới, khi giá xe điện đang giảm và một số nhà sản xuất rục rịch chuyển sang tập trung cho xe điện.

Gần đây, hãng xe Volvo (Thụy Điển) thông báo bắt đầu từ năm 2019, hãng xe này chỉ bán xe điện và xe hybrid (xe động cơ lai điện xăng hoặc điện diesel). Cộng với việc hãng xe điện Tesla (Mỹ) chuẩn bị ra mắt dòng xe Tesla Model 3, các động thái trên sẽ gây áp lực thêm cho xe động cơ xăng và diesel.

“Chúng ta không thể tiếp tục với xe diesel và xe xăng, không chỉ bởi vì các vấn đề sức khỏe mà còn vì khí thải của chúng sẽ đẩy nhanh biến đổi khí hậu”, ông Michael Gove nói trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài truyền hình BBC.

Nhiều thành phố ở Anh bao gồm London đang đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí kỷ lục, một phần là vì khí thải từ xe động cơ xăng và diesel. Khoảng 23.500 người chết ở Anh mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí, theo Bộ Môi trường, Thực phẩm và các vấn đề nông thôn Anh.

Tuy nhiên, sẽ có nhiều lý do khiến Anh và Pháp có thể không đạt được mục tiêu đề ra. Các hãng xe và các hãng sản xuất linh kiện ô tô đang sử dụng hàng trăm ngàn lao động ở hai nước này và trả cho họ những mức lương khá tốt. Họ sẽ vận động chống lại động thái vội vàng cấm xe động cơ xăng và động cơ diesel. Phần lớn tương lai của xe động cơ đốt trong sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra ở Mỹ và Trung Quốc, hai thị trường tiêu thụ xe lớn nhất thế giới.

Trung Quốc đẩy mạnh các nỗ lực khuyến khích xe điện trong những năm gần đây và đặt ra các mục tiêu tham vọng cho mức độ thâm nhập của chúng trên thị trường nhưng không thảo luận một lệnh cấm đối với xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù được chính phủ ủng hộ nhưng xe điện chỉ mới chiếm chưa đến 1% thị phần ô tô ở Trung Quốc.

Tại Mỹ, giá xăng duy trì ở mức thấp trong năm gần đây đã làm giảm sức hấp dẫn của xe điện. Song các hãng xe ở Mỹ vẫn chế tạo và quảng bá các dòng xe điện như là một phần của nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải.

Theo TBKTSG