Làm sao để có công chức mẫn cán? (Võ Đình Trí)

Song song đó, việc sắp xếp lại số lượng công chức theo lộ trình để hướng đến việc tinh gọn bộ máy, số người làm việc ít nhưng thu nhập xứng đáng (cả về tài chính lẫn lòng tự trọng) sẽ là xu hướng tất yếu. Để làm được việc này hiệu quả, thông tin sắp xếp lại nhân sự cần được minh bạch đến với từng công chức, cho một thời hạn nhất định để chuẩn bị, và có tính đến việc "hấp thu" lượng lao động dư thừa.

 
Chuyện một bà phó chủ tịch phường bi nghi nhũng nhiễu khi người dân làm thủ tục hành chính bị đưa ra dư luận khiến ta tự hỏi : vậy với hơn 11000 đơn vị hành chính cấp xã (xã, phường, thị  trấn) thì mỗi ngày, cả nước sẽ lãng phí bao nhiêu thời gian, công sức, và các nguồn lực khác ?

Công chức nhà nước là người lao động cung cấp dịch vụ công. Khi người lao động không làm việc năng nổ, tháo vát, có hiệu quả thì vấn đề nằm ở tổ chức (cơ quan nhà nước), hoặc bản thân người lao động, hoặc cả hai. Mấu chốt của vấn đề vì vậy nằm ở chỗ đổi mới hệ thống, quy trình làm việc của các cơ quan nhà nước và "nâng cấp" công chức.

Đổi mới hệ thống, quy trình của các cơ quan nhà nước

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, internet đã và đang giúp rất nhiều chính phủ trong việc nâng cao hiệu quả của các cơ quan nhà nước.

Như ở Pháp chẳng hạn, người dân có thể yêu cầu các loại giấy tờ hành chính cá nhân qua trang web của chính quyền địa phương, khai thuế và đóng thuế, đóng phạt, đăng ký xe, đặt hẹn làm việc với cơ quan nhà nước, thậm chí đóng tiền ăn trưa ở căn-tin cho con qua Internet. Việc thực hiện các thủ tục hành chính qua internet không chỉ tiết kiệm về thời gian, công sức mà còn tăng cường sự minh bạch, kiểm soát tham nhũng vì người ta không thể hối lộ được máy tính.

Chính phủ Việt Nam cũng đã nhiều lần nói đến chính phủ điện tử. Nhiều đề án, dự án về chính quyền điện tử, thành phố thông minh, dữ liệu mở được bàn bạc, triển khai nhưng khi đi vào thực tế thì không như mục tiêu đề ra ban đầu hoặc tiến triển rất chậm. Dường như còn thiếu một sự quyết tâm mạnh mẽ và nhất quán từ các cấp lãnh đạo.

Một bài học tiêu biểu về việc nâng cao hiệu quả của chính quyền qua công nghệ thông tin là Estonia. Sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, Estonia độc lập và 20 năm sau, trở thành một trong những nước phát triển mạnh về công nghệ thông tin (Skype và Kazaa được thành lập ở Estonia). Hiện nay, Estonia là thành viên của OECD và gần 70% người trưởng thành của Estonia thực hiện các thủ tục hành chính qua Internet.

Chính phủ Estonia lúc trước đã mạnh dạn từ chối hệ thống viễn thông cũ (analog) của Phần Lan cho không, mà đầu tư hệ thống hệ hiện đại của riêng mình. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp Estonia tiết kiệm được 2% GDP. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, Estonia là một trong những nước "sạch nhất", xếp hạng 22 năm 2016 và số điểm tăng dần qua các năm.

Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, việc quản lý nhân sự của chính quyền (giống như HRM trong doanh nghiệp) cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của công chức. Các bộ chỉ số đánh giá hiệu quả (KPIs), trả thu nhập theo hiệu quả công việc (performance-related pay) cần được xem xét và áp dụng trong thời gian tới ở Việt Nam.

Song song đó, việc sắp xếp lại số lượng công chức theo lộ trình để hướng đến việc tinh gọn bộ máy, số người làm việc ít nhưng thu nhập xứng đáng (cả về tài chính lẫn lòng tự trọng) sẽ là xu hướng tất yếu. Để làm được việc này hiệu quả, thông tin sắp xếp lại nhân sự cần được minh bạch đến với từng công chức, cho một thời hạn nhất định để chuẩn bị, và có tính đến việc "hấp thu" lượng lao động dư thừa. Mô hình này được áp dụng ở nhiều quốc gia và tập đoàn quốc tế, khi có cắt giảm nhân sự, thông tin sẽ được thông báo trước, nhân sự có thời gian chuẩn bị, có thể học thêm các kỹ năng chuyên môn khác để thay đổi công việc trong tổ chức cũ, hay tìm kiếm việc làm ở nơi khác.

Bản thân công chức "tự nâng cấp" mình

Trong một tổ chức, các công cụ, quy trình chỉ phát huy tác dụng khi có yếu tố con người phù hợp. Ngoài chuyên môn, kỹ năng phù hợp với yêu cầu công tác, những công việc cần tiếp xúc trực tiếp thì đòi hỏi thêm những kỹ năng mềm đối với người thực thi nhiệm vụ.

Chẳng hạn, trong giải quyết công việc, theo trình tự tiếp nhận trước, làm trước, những vẫn phải có ưu tiên cho người già, phụ nữ có thai, người tàn tật, những trường hợp khẩn cấp. Những kỹ năng mềm giúp tăng thiện cảm của người dân với người đại diện thì cũng chính là tăng thiện cảm của người dân với chính quyền. Muốn vậy, người công chức cần "nâng cấp" bản thân mình, cả về hiểu biết và tâm hồn. Thông qua sách, du lịch, internet, các loại hình nghệ thuật, gần gũi với thiên nhiên, làm bạn với thiên nhiên sẽ khiến tâm hồn và kiến thức rộng mở hơn, hiệu quả công việc vì thế cũng tăng lên, qua đó cũng góp phần gia tăng giá trị bản thân.

Việc "nâng cấp" bản thân cần thực hiện liên tục vì tính cạnh tranh trong công việc ngày càng gay gắt, xu hướng giảm nhân sự trong dịch vụ công là tất yếu nên việc chuẩn bị trước sẽ khiến người công chức không bị bất ngờ.

Một tổ chức mạnh là một tập thể của những con người tài-đức với những công cụ, quy trình hiện đại và hiệu quả. Nhiệm kỳ này Chính phủ hướng đến một Chính phủ kiến tạo liêm chính, hành động vì người dân và doanh nghiệp thì cần tập trung hơn nữa cho ứng dụng công nghệ và quản lý công chức.

Theo TBKTSG