“Bước ngoặt” cho khủng hoảng Venezuela (Thái Bình)

Tính đến nay, các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Maduro và đụng độ với cảnh sát đã làm hơn 100 người chết, 1.000 người bị thương và 3.000 người khác bị bắt giam. Ngay đến một quan chức cấp cao trong đảng của ông Maduro, Bộ trưởng Tư pháp Luisa Ortega, cũng phải lên tiếng phản đối kế hoạch thành lập hội đồng hiến pháp của tổng thống, đòi khôi phục quyền lực hợp hiến của quốc hội. Bà Ortega hôm 4-7 cho rằng Tòa án Tối cao Venezuela làm theo lệnh của ông Maduro, chỉ là “một gánh xiếc” phi pháp và vi hiến.

 Một cuộc biểu tình của giới phụ nữ Venezuela ngày 6-5-2017 phản đối cuộc bầu cử hội đồng lập hiến tổ chức cuối tuần này. Ảnh: Reuters
 
 
Nhiều nhà quan sát quốc tế nhận định, những biến cố cuối tuần này sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong tình hình Venezuela; khủng hoảng có thể chấm dứt hoặc quốc gia Nam Mỹ này sẽ tiếp tục rơi vào vực xoáy tồi tệ cả về chính trị, kinh tế và nhân đạo.

Theo kế hoạch của tổng thống Nicolas Maduro, Chủ nhật ngày 30-7, Venezuela sẽ bầu ra Hội đồng Lập hiến (Constituent Assembly) có nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp mới mà ông cho là “cách thức duy nhất để trao quyền lực cho nhân dân, vãn hồi hòa bình sau bốn tháng bất ổn làm hơn 100 người thiệt mạng và cản trở sự phát triển kinh tế”. Tuy nhiên, giới đối lập nói rằng hội đồng này được bầu lên một cách phi dân chủ, các luật lệ bầu cử được thiết kế sao cho ông Maduro và đảng Xã hội chủ nghĩa cầm quyền của ông giành được đa số và mục đích chính của việc thay đổi hiến pháp là nhằm thể chế hóa sự cai trị độc tài ở một nước Mỹ Latinh, thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ.

Hôm Chủ nhật 16-7, liên minh Dân chủ Thống nhất đối lập - chiếm đa số trong quốc hội - đã tổ chức trưng cầu dân ý, kết quả có hơn 7,2 triệu cử tri phản đối việc bầu cử hội đồng lập hiến và thay đổi hiến pháp. Chính phủ của ông Maduro tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý này là bất hợp pháp. Đầu tuần này, cánh đối lập tổ chức truy điệu những người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình vừa qua, treo biểu ngữ phản đối ở các địa điểm bỏ phiếu và kêu gọi người dân tiến hành tổng bãi công toàn quốc 48 giờ trong ngày thứ Tư và thứ Năm (26 và 27-7). Tuy nhiên, Tổng thống Maduro có vẻ không nhượng bộ; Chính phủ Venezuela tuyên bố các điểm bỏ phiếu là “khu vực bảo vệ đặc biệt” và huy động 230.000 binh lính giữ trật tự trong ngày Chủ nhật tới, theo hãng tin Reuters.

* * *

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela kéo dài đã nhiều năm, từ đầu thập niên 2000 khi tổng thống tiền nhiệm Hugo Chavez tiến hành những chính sách dân túy gây nguy hại cho nền kinh tế nhưng giúp ông thâu tóm và củng cố quyền lực. Ông Maduro lên kế vị ông Chavez cuối năm 2013 trong hoàn cảnh giá dầu mỏ thế giới giảm mạnh và kéo dài đẩy đất nước Venezuela - quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới và nền kinh tế dựa hoàn toàn vào dầu mỏ - vào một cuộc khủng hoảng toàn diện không lối thoát: thực phẩm và thuốc men đều thiếu trầm trọng, đồng tiền mất giá với tốc độ lạm phát cao kỷ lục, tội phạm lan tràn, người dân lũ lượt bỏ nước ra đi, hợp pháp và bất hợp pháp... Tác giả Antonio C. Hsiang trên tờ The Diplomat ghi nhận có tới 75% số dân Venezuela bị giảm cân tới 9 ki lô gam mỗi người do thiếu ăn và hiện có 10 triệu người không có đủ hai bữa ăn mỗi ngày.

Những người ủng hộ ông Maduro lập luận tình hình tệ hại là do giá dầu giảm, nhưng những người phản đối quy trách nhiệm cho chính phủ với cung cách điều hành kinh tế sai lầm và tham nhũng. Bước vào năm 2017, nợ nước ngoài của Venezuela đã lên tới 140 tỉ đô la Mỹ trong khi dự trữ ngoại tệ quốc gia chỉ còn 10 tỉ đô la, gây lo ngại về một vụ vỡ nợ cấp quốc gia ở Mỹ Latinh. (Xem bài: Bi kịch Venezuela do đâu? Trên TBKTSG số ra ngày 28-7-2016).

Để duy trì quyền lực, Tổng thống Maduro áp dụng những biện pháp đàn áp cứng rắn, theo hướng ngày càng chuyên chế. Trong cuộc bầu cử cuối năm 2015, khi phe đối lập giành được đa số ghế trong quốc hội lần đầu tiên trong hai thập niên, Tổng thống Maduro đã ứng phó bằng cách thực hiện một cuộc “tự đảo chính” ngoạn mục: dựa vào phán quyết của Tòa án Tối cao - với 12 thẩm phán do cựu Tổng thống Hugo Chavez bổ nhiệm và kiểm soát - ông Maduro tuyên bố Quốc hội Venezuela là “vi hiến”, bị giới tài phiệt “lũng đoạn”. Ngày 1-5-2017, ông Maduro tuyên bố thành lập cái gọi là hội đồng lập hiến để soạn thảo hiến pháp mới; hội đồng hành chính của mỗi địa phương trong 340 tỉnh thành cả nước được bầu ra 1 đại biểu, thủ đô được bầu 2 đại biểu, và chính phủ của ông Maduro bổ nhiệm 181 đại biểu từ các ngành, các giới. Với luật bầu cử này, các chính trị gia đối lập có ảnh hưởng lớn ở đô thị, sẽ bị loại hoặc vô hiệu hóa trong hội đồng mới.

Nếu ông Maduro thành công trong cuộc bầu cử ngày 30-7-2017 và ban hành hiến pháp mới, chắc chắn ông sẽ hủy bỏ các cuộc bầu cử định kỳ vào năm 2019 và làm giảm quyền lực của các định chế nhà nước; hội đồng này cũng sẽ thay thế quốc hội đã được bầu cử dân chủ cuối năm 2015. Chính vì vậy, quyết định thành lập hội đồng hiến pháp của ông Maduro - cùng với những khổ nạn mà người dân đang phải gánh chịu - đã gây nên một phong trào phản kháng rộng khắp trong dân chúng đô thị. “Họ muốn lập một nhà nước độc tài ở Venezuela nhưng chúng tôi quá mệt mỏi vì bị bần cùng hóa; chúng tôi sẽ ở ngoài đường vì chúng tôi không muốn có hội đồng lập hiến”, luật sư Jeny Caraballo, 41 tuổi, nói với hãng tin Reuters.

Tính đến nay, các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Maduro và đụng độ với cảnh sát đã làm hơn 100 người chết, 1.000 người bị thương và 3.000 người khác bị bắt giam. Ngay đến một quan chức cấp cao trong đảng của ông Maduro, Bộ trưởng Tư pháp Luisa Ortega, cũng phải lên tiếng phản đối kế hoạch thành lập hội đồng hiến pháp của tổng thống, đòi khôi phục quyền lực hợp hiến của quốc hội. Bà Ortega hôm 4-7 cho rằng Tòa án Tối cao Venezuela làm theo lệnh của ông Maduro, chỉ là “một gánh xiếc” phi pháp và vi hiến.

* * *

Điều lạ là trong lúc cuộc khủng hoảng chính trị-kinh tế của Venezuela diễn ra ngày càng trầm trọng thì các quốc gia láng giềng hầu như không có phản ứng mạnh mẽ nào. Năm 2016, khối kinh tế chính trị Mecosur - gồm Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay, và Venezuela - quyết định hủy bỏ tư cách thành viên của Venezuela. Tháng 3-2017, Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) khuyến nghị khai trừ Venezuela nếu như ông Maduro không hủy bỏ việc bầu hội đồng hiến pháp nhưng tháng sau đó Venezuela công bố rút ra khỏi OAS. Tháng 6-2017, OAS dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xướng kêu gọi Venezuela chấm dứt bạo lực và tôn trọng nhân quyền nhưng nghị quyết không huy động được hai phần ba số phiếu ủng hộ nên không ra đời được.

Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Venezuela, mỗi ngày nhập khẩu hơn 700.000 thùng dầu thô của Caracas - chỉ có những hành động mang ý nghĩa tượng trưng như cấm vận Phó tổng thống Tareck El Aissami hồi tháng 2-2017 và cấm vận 8 thẩm phán của tòa án tối cao Venezuela (tháng 5-2017). Trong khi đó, giới chức ngoại giao cao cấp của Mỹ như ngoại trưởng Rex Tillerson đã liên tục vắng mặt một cách khó hiểu tại các hội nghị khu vực thảo luận về tình hình khủng hoảng Venezuela, đặc biệt là hội nghị bộ trưởng ngoại giao của OAS chuyên đề Venezuela diễn ra ở Cancun, Mexico cuối tháng 6 vừa qua. “Mỹ có nguy cơ đánh mất ảnh hưởng ở một khu vực mà họ duy trì được trong suốt thế kỷ qua”, The Diplomat nhận định.

Về cuộc bầu cử hội đồng hiến pháp cuối tuần này, Tổng thống Maduro nói rằng chính phủ của ông “đã sẵn sàng cho mọi kịch bản”, ông tố cáo phe đối lập là “bọn khủng bố” làm tay sai cho Washington. “Chúng tôi không đầu hàng bất cứ kẻ nào”, ông Maduro nói với Reuters. Về lời đe dọa mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cấm vận kinh tế Venezuela, đặc biệt là ngành dầu mỏ đóng góp tới 95% kim ngạch xuất khẩu của nước này, nếu như Caracas không hủy bỏ cuộc bầu cử, ông Maduro cho biết nếu cần ông vẫn có thể dựa vào “những người bạn thật sự” như Trung Quốc và Nga.

Trung Quốc đã cho Venezuela vay hơn 60 tỉ đô la Mỹ từ năm 2001 và chủ nợ lớn nhất của quốc gia Nam Mỹ này, theo trang CFR, chưa kể Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Venezuela. Thứ Ba 24-7, trong khi các vụ đụng độ giữa người biểu tình phản đối chính phủ và cảnh sát nổ ra khắp thủ đô Caracas thì ba hợp đồng liên doanh giữa doanh nghiệp nhà nước Venezuela với hai đối tác Trung Quốc là công ty khoáng sản quốc doanh Yuankuang Group và công ty công nghiệp China CAMC Engineering Co. vẫn được ký kết với giá trị lên tới 1,16 tỉ đô la Mỹ, theo trang venezuelanalysis.com. Đây là một phần trong chiến lược “Vươn ra ngoài” (Go Out) mà Bắc Kinh thực hiện nhiều năm nay nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị và kinh tế sang châu Mỹ Latinh, vốn được coi là khu vực ảnh hưởng của Mỹ.

Cuộc khủng hoảng kéo dài đã lâu, tình hình trong nước càng lúc càng căng thẳng và với tác động trái chiều từ các cường quốc bên ngoài, chưa biết nó sẽ kết thúc ra sao, nhưng đã đến lúc cần có một giải pháp! 

Theo TBKTSG