Có thể thu được 15-20 tỉ đô la từ bán DNNN (Tư Hoàng)
Quyết
liệt thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có thể tạo ra nguồn thu
15-20 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2016-2020, theo báo cáo của Bộ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gửi các đại biểu Quốc hội.
Trong số 240 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc diện sắp xếp trong giai
đoạn 2016-2020, chỉ giữ lại 103 doanh nghiệp; 31 doanh nghiệp cổ phần
hóa do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 106 doanh nghiệp cổ phần
hóa còn lại không cần nắm giữ cổ phần lâu dài.
Toàn bộ vốn thu được từ cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành phải được
dành cho đầu tư phát triển và không dùng để bổ sung cho chi tiêu thường
xuyên của ngân sách nhà nước.
Theo ông Dũng, trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội
dự kiến khoảng 32-34% tổng sản phẩm nội địa (GDP), tương đương 9-10
triệu tỉ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư thay đổi mạnh mẽ theo hướng giảm dần tỷ
trọng vốn nhà nước, trong đó có ngân sách nhà nước và đầu tư của DNNN,
tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư của khu vực tư
nhân trong nước.
Theo đó, vốn nhà nước dự kiến giảm từ 39,1% trong giai đoạn 2011-2015
xuống còn khoảng 31-34% giai đoạn 2016-2020, và vốn khu vực tư nhân
trong nước dự kiến tăng từ 38,3% lên 45-48% tổng đầu tư toàn xã hội.
Ông Dũng cho biết, để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển, Chính phủ
sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế như đã xác định trong Kế
hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Lãng phí các dự án đầu tư công
Trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu ra hàng loạt các cách thức lãng phí trong các dự án đầu tư công.
Theo ông Dũng, lãng phí tại khâu phê duyệt dự án do quyết định chủ
trương đầu tư không phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phát triển ngành,
lĩnh vực, địa phương do quy trình quyết định chủ trương đầu tư, thẩm
định chủ trương không chặt chẽ... Hậu quả là dự án không hiệu quả, hoặc
“đắp chiếu để đấy”, không phát huy tác dụng, lãng phí phần vốn đã được
đầu tư.
Quyết định đầu tư không tính đến khả năng cân đối vốn, dẫn tới không
khả thi trong quá trình thực hiện, công trình dở dang, không đủ vốn để
hoàn thành; hoặc không có vốn để bố trí, lãng phí kinh phí chuẩn bị đầu
tư...
Phê duyệt tổng mức đầu tư còn cao hơn thực tế, trong đó nguyên nhân chủ
yếu là hệ thống đơn giá, định mức chưa hù hợp; năng lực của cơ quan
kiểm tra, thẩm định dự án còn yếu. Điều này dẫn tới tình trạng chi phí
đầu tư dự án cao hơn thực tế, tình trạng đội giá, thực hiện những hạng
mục không cần thiết, không có hiệu quả sử dụng.
Báo cáo cũng chỉ ra lãng phí trong khâu bố trí vốn và thực hiện dự án.
Bố trí vốn dài trải do nguồn vốn có thể cân đối được là hạn chế trong
khi nhu cầu là rất lớn, kết hợp với sự không kiên quyết của các bộ, cơ
quan, địa phương trong việc thực hiện các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự
ưu tiên dẫn tới tình trạng dàn trải (số lượng dự án có nhiều, tỷ lệ bố
trí bình quân trên 1 dự án thấp), kéo dài thời gian thực hiện dự án,
hoặc dự án bị bỏ dở, lãng phí cơ hội sớm hoàn thành dự án để phục vụ
phát triển, lãng phí thời gian, lãng phí năng lực thi công của các nhà
thầu.
Công tác quản lý, giám sát công trình, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan
chủ quản, kiểm soát khối lượng thực hiện dự án còn lỏng lẻo, thậm chí
buông lỏng, dẫn tới tình trạng vốn giải ngân cao hơn khối lượng thực tế
hoàn thành, báo cáo quyết toán giá trị không trung thực..., gây thất
thoát, lãng phí vốn đầu tư.
Lãng phí cũng được phát hiện ngay từ khâu thiết kế, xây dựng chính
sách, chương trình. Đây được xem là phần lãng phí lớn nhất, có ảnh hưởng
rộng nhất. Việc tham mưu, ban hành các chính sách không phù hợp với
thực tiễn, trong bối cảnh nguồn lực có hạn dẫn tới việc thực hiện không
hiệu quả, không đồng bộ, không có tác dụng kiến tạo phát triển, thậm chí
còn cản trở sự phát triển.
Việc có quá nhiều chính sách mới trong khi nguồn lực hạn chế dễ dẫn tới
tình trạng dàn trải ngay từ khi cân đối nguồn vốn. Nếu tiếp tục dàn
trải ở khâu bố trí vốn chi tiết cho từng dự án thì sự dàn trải và lãng
phí sẽ tăng theo cấp số nhân.