Vấn đề của Việt Nam là ở thiết chế chính trị (Nguyễn Thị Từ Huy)
Vấn đề của Việt Nam không phải ở lá cờ. Vấn đề là ở thiết chế chính
trị. Muốn thay đổi thiết chế chính trị hiện nay, cần có sự đồng lòng của
tất cả mọi người, cần có sự thấu hiểu lẫn nhau, cần có sự nhìn nhận lẫn
nhau.
Để kết thúc chủ đề lá cờ, tôi giới thiệu lại phản hồi dưới đây, đã gửi đến trang Dân Luận, phản hồi cho những bình luận mà tôi nhận được trong những ngày qua, liên quan tới hai bài viết « Quá khứ hay tương lai ? » và « Đỏ-Vàng, những lá cờ và chúng ta ».
Để kết thúc chủ đề lá cờ, tôi giới thiệu lại phản hồi dưới đây, đã gửi đến trang Dân Luận, phản hồi cho những bình luận mà tôi nhận được trong những ngày qua, liên quan tới hai bài viết « Quá khứ hay tương lai ? » và « Đỏ-Vàng, những lá cờ và chúng ta ».
Kính gửi các cô bác anh chị,
Tôi rất hiểu những gì ẩn chứa sau các bình luận, để đáp lại, tôi chỉ
muốn nói rằng lòng tôi đầy thương cảm, rằng tôi hiểu tất cả những đau
đớn, mất mát, mà mọi người đã phải gánh chịu.
Ông ngoại tôi chết khi còn rất trẻ, chết mà không biết có mẹ tôi ở
trên đời, ông chết trên chiến trường, dưới lá cờ đỏ, chết như một người
cộng sản. Bà nội tôi mất sớm, ông nội tôi, đảng viên 30-31, trong một
đêm quyết định để lại ruộng vườn và ba đứa con thơ (ba tôi, chú tôi và
cô tôi) cho họ hàng, không cần biết con cái sẽ lớn lên như thế nào, hy
sinh tất cả để đi hoạt động theo tiếng gọi của cách mạng. Không chỉ có
ông nội và ông ngoại tôi, những người cộng sản như thế rất nhiều ở miền
Bắc, họ là những người cộng sản, không gọi khác được. Họ chết dưới lá cờ
đỏ, họ thương tích dưới lá cờ đỏ, họ có người thân chết hoặc bị thương
dưới lá cờ đỏ. Những người đó sẽ phỉ báng lá cờ của họ ư ? Họ không thể
làm điều đó. Và chống lại những người cộng sản như thế ư ? Thù hận những
người cộng sản như thế ư ? Tôi không thể (cũng như tôi không thể thù
hận những người bị chính quyền xem là « nguỵ quân » thuộc « nguỵ quyền
», tôi không thể). Không thể đặt dưới cùng một cái nhãn « cộng sản » tất
cả các đảng viên cộng sản, cũng không thể đặt dưới cái nhãn cộng sản
những người đã chiến đấu dưới lá cờ đỏ và những người yêu quý lá cờ đỏ.
Vấn đề của Việt Nam không phải ở lá cờ. Vấn đề là ở thiết chế chính
trị. Muốn thay đổi thiết chế chính trị hiện nay, cần có sự đồng lòng của
tất cả mọi người, cần có sự thấu hiểu lẫn nhau, cần có sự nhìn nhận lẫn
nhau.
Nếu mai đây mọi người thấy tôi ngừng hẳn, không tham gia viết hay
không tham gia các hoạt động mà ta gọi là « đấu tranh cho dân chủ » hiện
nay, thì chỉ vì một lý do thôi : tôi nhìn thấy cuộc đấu tranh với cách
thức đang được tiến hành hiện nay sẽ không dẫn tới dân chủ thực sự ;
trái lại, nó đang chuẩn bị cho một cuộc nội chiến mới, một cuộc nội
chiến mới vẫn dưới hai lá cờ cũ. Tôi không muốn tham gia vào việc chuẩn
bị cho cuộc nội chiến mới ấy.
Cả hai gia đình nội ngoại của tôi đều là gia đình cách mạng, đều có
rất nhiều đảng viên. Nhưng ba tôi, từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi
cả miền Bắc còn tràn đầy nhiệt tình cách mạng và tràn đầy tính đảng, ba
tôi đã không vào đảng, bất chấp truyền thống gia đình, bất chấp tinh
thần chung của thời đại. Giả sử, nếu tất cả mọi người đều không vào đảng
như ba tôi thì Việt Nam có lẽ đã tránh được bi kịch ngày hôm nay.
Tôi tự nhủ rằng, điều nhỏ bé mà tôi có thể làm là học ở ba tôi, học
cách ông ấy đã tránh tham gia vào việc góp phần tạo ra thảm hoạ. Nếu
không ngăn cản được thảm hoạ, thì điều tốt nhất có thể làm là không góp
phần tạo ra nó. Đấy là lý do nếu một ngày tôi dừng bút và dừng mọi hoạt
động liên quan đến cuộc đấu tranh hiện nay. Khuynh hướng của cuộc đấu
tranh có thể thay đổi được không? Điều này tôi không biết được. Sẽ vô
nghĩa nếu tham gia vào một cuộc đấu tranh chống độc tài để rồi tạo ra
một cuộc nội chiến khác, một hình thức độc tài khác.
Một lần nữa, xin gửi các cô bác anh chị tình thương mến của tôi. Hãy
tiếp tục chỉ trích, nếu điều đó giúp các cô bác và các anh chị cảm thấy
vơi bớt nỗi niềm. Tôi xin nhận hết.
Blog RFA