Trung Quốc đầu tư điện than lớn nhất tại VN (Thanh Niên)
Một chuyên gia nhận xét, việc VN vẫn phát triển điện than là đi
ngược với xu hướng chung của thế giới. Đặc biệt, nguy cơ ô nhiễm môi
trường là không thể tránh khỏi, nhất là khi phần lớn điện than ở VN đến
từ nhà đầu tư Trung Quốc.
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Trà Vinh
Trung Quốc đang giảm công suất điện than ở trong nước đồng thời tìm cách
chuyển vốn và công nghệ sang các nước khác, trong đó có VN.
Chỉ tính riêng trong tháng 1.2017, Trung Quốc đã hủy 85 nhà máy
đang trong giai đoạn xây dựng và quy hoạch ở 13 tỉnh. Ở chiều ngược lại,
Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất cho năng lượng tái tạo với tổng công
suất đạt 480.000 MW, chiếm 25% tổng công suất phát điện cả nước.
Trung Quốc đầu tư 8 tỉ USD vào điện than ở VN
Từ tháng 3.2016, Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh GreenID đã xây
dựng cơ sở dữ liệu tài chính về điện than ở VN theo từng dự án ở tất cả
các giai đoạn. Bà Nguyễn Thị Hằng, chuyên gia phân tích cơ sở dữ liệu
của GreenID, cho biết đến thời điểm hiện nay tổng vốn đầu tư vào nhiệt
điện than gần 39,8 tỉ USD. Trong đó có 17% đến từ các ngân hàng trong
nước; 31% không xác định được nguồn và 52% đến từ nước ngoài. Trong tỷ
lệ vốn từ nước ngoài đầu tư vào nhiệt điện than tại VN có đến 50% đến từ
Trung Quốc, tương đương 8 tỉ USD; tiếp theo là Nhật Bản 23% và Hàn Quốc
18%.
Bình luận về những con số trên, bà Hằng cho rằng Trung Quốc có vai
trò rất lớn trong các dự án nhiệt điện than ở VN. Đặc biệt phần lớn
nguồn vốn đi theo con đường của các tổ chức tín dụng xuất khẩu. Cơ quan
tín dụng xuất khẩu là tổ chức tài chính quốc gia có nhiệm vụ thúc đẩy
đầu tư và thương mại của quốc gia này ở nước ngoài bằng việc cung cấp
tín dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài khi mua hàng hóa của nhà xuất
khẩu tại quốc gia đó. "Tại sao lại là Trung Quốc?" - bà Hằng đặt câu hỏi
và trả lời, công suất lắp đặt trong nước đã dư thừa và đang chuyển
hướng sang năng lượng tái tạo. Chính vì vậy muốn tiếp tục phát triển,
Trung Quốc phải chuyển công nghệ điện than sang các nước khác. Làm như
vậy, họ vừa xuất khẩu được công nghệ lại vừa giải ngân được vốn; mặt
khác đó lại là cách mở đường cho các dự án cơ sở hạ tầng đi kèm và nhập
khẩu ngược các nguồn tài nguyên khác về nước.
Ví dụ điển hình như ở Myanmar họ xuất khẩu công nghệ, vốn cho điện
than rồi nhập khẩu lại nguyên liệu đồng. Một điểm mấu chốt nữa là nâng
cao sức mạnh kinh tế - chính trị trong khu vực và thế giới. “Các doanh
nghiệp Trung Quốc thường rất dễ thắng thầu vì họ được hưởng nhiều chính
sách ưu đãi về thuế từ chính phủ, vốn vay lãi suất thấp. VN chúng ta sản
xuất được nhiều điện hơn nhưng phải đối mặt với những rủi ro về môi
trường, sức khỏe người dân. Khi môi trường ô nhiễm, du lịch và nông
nghiệp cũng bị tác động dẫn đến kinh tế cũng bị ảnh hưởng”, bà Hằng tóm
tắc về những dự án đã qua.
Bà Hằng lo lắng, VN cần nguồn vốn khoảng 46 tỉ USD để phát triển
các dự án sắp tới. 60% trong số này cũng là vốn đầu tư theo hình thức
BOT. Việc này sẽ giảm áp lực cho VN về vấn đề vay nợ, tuy nhiên gia tăng
thách thức trong quản lý. Các dự án giao thông theo hình thức BOT gần
đây đã gây nhiều bức xúc trong cộng đồng là một ví dụ rất rõ ràng. Vì
vậy, VN cần xem xét lại Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), giảm tối đa các
dự án nhiệt điện than mới, thay thế bằng năng lượng tái tạo vì lợi ích
môi trường xã hội và nắm bắt cơ hội đầu tư. Đối với những dự án bắt buộc
phát triển, cần cẩn trọng trong việc lựa chọn nhà cung cấp tài chính để
tránh những rủi ro về môi trường xã hội và chính trị do nguồn tài chính
dễ tiếp cận mang lại. Rà soát các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và thắt
chặt quản lý là vô cùng cần thiết để tránh những thảm họa môi trường như
gần đây.
Thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch
Lời kêu gọi này đã trở thành phong trào khắp thế giới. Các nhà môi
trường lập luận: Việc tàn phá khí hậu cũng như thu lợi từ việc tàn phá
này là sai. Chúng ta cần phải giữ 80% nhiên liệu hóa thạch trong lòng
đất để làm chậm lại tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra.
Theo bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Tổ chức Change tại VN: Cho
đến nay, đã có 705 tổ chức đã thoái vốn tương đương số tiền lên đến 5,4
nghìn tỉ USD. Cụ thể, quốc hội Na Uy tuyên bố thoái 6 tỉ USD khỏi than
đá. Đây là khoản thoái vốn lớn nhất thế giới được ghi nhận đến thời điểm
này. Oslo thủ đô của Na Uy cũng là thành phố đầu tiên trên thế giới cam
kết thoái vốn khỏi than đá. Hiện nay có nhiều tổ chức, thành phố cam
kết thoái vốn khỏi năng lượng hóa thạch. Phong trào này cũng kêu gọi các
tổ chức tôn giáo, nghệ thuật không hợp tác hoặc nhận tài trợ từ các
doanh nghiệp hoặc tổ chức tài chính có dính dáng đến lĩnh vực năng lượng
hóa thạch. Ngoài ra, phong trào còn nhắm đến các đối tượng cá nhân; họ
kêu gọi các cá nhân rút đầu tư, đóng tài khoản trong các ngân hàng đang
đầu tư vào năng lượng hóa thạch. Theo thống kê của phong trào thoái vốn
toàn cầu, có 58.000 cá nhân thoái vốn 5,2 tỉ USD khỏi nhiên liệu hóa
thạch.
Một chuyên gia nhận xét, việc VN vẫn phát triển điện than là đi
ngược với xu hướng chung của thế giới. Đặc biệt, nguy cơ ô nhiễm môi
trường là không thể tránh khỏi, nhất là khi phần lớn điện than ở VN đến
từ nhà đầu tư Trung Quốc.