Những nguy cơ có thật (FB Nguyễn Thị Bích Ngà)

Tùy vào sức, khả năng, kiến thức, điều kiện của bản thân mà lựa chọn cách đấu tranh cho chính mình một cách phù hợp. Chẳng có ông người nào có quyền phán xét bạn khi bạn đấu tranh theo cách mà bạn cho là phù hợp với bạn. Ông người nào phán xét bạn, hãy phủi đít vào mặt ông người đó và tiếp tục bền bỉ việc của mình.

 
Trong một đất nước tự do, dân chủ có một nền lập pháp, tư pháp, hành pháp độc lập thì bạn có đầy đủ quyền con người. Bạn có thể lập đảng, lập hội, tụ tập, biểu tình, tự do ngôn luận và quyền được tôn trọng sự khác biệt.

Khi các quyền này bị xâm phạm bởi cơ quan hành pháp như cảnh sát thì sẽ có cơ quan tư pháp bảo vệ bạn, luật sư bảo vệ bạn, báo chí tự do bảo vệ bạn, người dân lên tiếng bảo vệ bạn. Vì thế, cái sai sẽ khó xảy ra, nếu cái sai xẩy ra thì cũng có các cơ chế giám sát, điều chỉnh, sửa sai, khắc phục thỏa đáng và hiệu quả.

Bởi các nguyên nhân trên mà các nước tự do, dân chủ thường phát triển nhanh vì con người được sống trong môi trường, điều kiện tốt, thoải mái phát biểu, làm việc, cống hiến và giám sát chính phủ cũng là kiểm soát được cuộc sống của mình.

Ở Việt Nam, quyền con người vẫn chỉ là những mỹ từ trên giấy. Khi mở miệng, khi thực hành các quyền của con người được "trân trọng" ghi trong điều 25 hiến pháp thì thường bị chính quyền chụp mũ, vu khống, khép tội vào điều 258 của bộ luật hình sự. Nhẹ thì giám sát, theo dõi, cho vào danh sách cần chú ý...thỉnh thoảng khi cần thì đá đạp cho vài chục cái.

Các cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp đều ghi chữ "nhân dân" nhưng thực chất không của nhân dân mà là của đảng. Các cơ quan này không làm việc độc lập mà làm việc theo hệ thống chỉ đạo của đảng. Các bạn không thể cãi điều này vì điều 4 hiến pháp đã ghi rất rõ. (Ghi gì thì chịu khó google.)

Do các cơ quan này làm việc không độc lập và chịu sự chỉ đạo duy nhất của đảng chứ không phải sự chỉ đạo của tinh thần thượng tôn pháp luật, kèm theo đó là hệ thống báo chí không tự do, cũng chịu sự chỉ đạo của đảng nên người dân khi bị chính quyền vu oan, khép tội nhất là tội chính trị thì cầm chắc án, không thể cãi. Luật sư trong các án chính trị cho dù có giỏi tới đâu, tài tới cỡ nào vẫn chỉ bị khối tư pháp và hành pháp coi là những vật trang trí cho phiên tòa nhìn có vẻ dân chủ hòng lừa mị người dân và quốc tế.

Tôi nói những điều trên làm gì? Là muốn làm rõ vấn đề: Khi các bạn mở miệng, thực hiện quyền làm người theo đúng quy định của hiến pháp tại VN thì bạn vẫn có những nguy cơ gặp những nguy hiểm kể trên cho chính bản thân bạn.

Tôi sợ. Bạn sợ. Rất nhiều người sợ. Và chính quyền hiện tại đang cai trị bằng nỗi sợ của người dân.
Như tôi đã viết, chúng ta có những nỗi sợ, có những nguy cơ gặp nguy hiểm có thật và rất trần trụi, không mơ hồ chút nào cả. Nhưng, chúng ta cần phải quyết định xem mình có để cho nỗi sợ đó làm cho ta không được sống làm người đúng nghĩa không? Chúng ta cần quyết định liệu chúng ta có tàn nhẫn đến mức đùn đẩy trách nhiệm đòi lại quyền làm người của mình cho con cháu không?

Trả lời được hai câu ngắn gọn ở trên, bạn sẽ biết mình cần làm gì, làm như thế nào. Tùy vào sức, khả năng, kiến thức, điều kiện của bản thân mà lựa chọn cách đấu tranh cho chính mình một cách phù hợp. Chẳng có ông người nào có quyền phán xét bạn khi bạn đấu tranh theo cách mà bạn cho là phù hợp với bạn. Ông người nào phán xét bạn, hãy phủi đít vào mặt ông người đó và tiếp tục bền bỉ việc của mình.

Nguy cơ là có thật, nỗi sợ là có thật nhưng nếu chúng ta cứ mãi sợ những nguy cơ mà im lặng và chịu đựng thì chính chúng ta và nhiều thế hệ con cháu chúng ta sẽ thành nô lệ kiểu mới ngay trên chính quê hương đất nước mình.

Sự lựa chọn là của bạn, quyền quyết định là của bạn.